Lương là khoản tiền người lao động được nhận khi tham gia hợp đồng làm việc được ký kết hợp pháp, cá nhân có thể được nhận thông qua hình thức Lương Gross, lương Net. Vậy phân biệt và cách tính lương Gross, lương Net ra sao?
Mục lục bài viết
1. Phân biệt lương Gross, lương Net:
– Lương gross ( có thể hiểu đơn giản là lương gộp): được biết đến là tổng nguồn thu nhập của người lao động, bao gồm: lương cơ bản được người lao động chi trả, cùng với đó là các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng, kể cả các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc, phí công đoàn, thuế thu nhập cá nhân (nếu phát sinh).
+ Lương cơ bản được nhắc đến trong lương Gross là khoản tiền mà người lao động nhận được theo định kỳ, dựa trên vị trí, chức danh mà người lao động đang đảm nhiệm, trong một số trường hợp còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc của từng cá nhân cụ thể…
+Liên quan đến các khoản trợ cấp, phụ cấp: Đây được biết đến là khoản tiền mà người lao động được hưởng thêm ngoài lương cơ bản, nhằm bù đắp các chi phí phát sinh trong quá trình làm việc, chẳng hạn như trợ cấp tiền ăn, tiền đi lại, tiền tăng ca,…
+ Nhắc đến tiền hoa hồng: thì đây là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các khoản tiền mà người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, công sức làm việc hoặc dựa trên sự hài lòng của khách hàng;
+ Đồng thời, còn phải kể đến các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc: Bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
+ Thuế thu nhập cá nhân: Là khoản tiền mà người lao động phải nộp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH thì tỷ lệ trích tiền lương đóng bảo hiểm của người lao động Việt Nam lần lượt là BHXH (8%), Đối với bảo hiểm thất nghiệp là 1%, Bảo hiểm y tế 1.5%.
– Lương net (hay còn gọi là lương ròng) là số tiền mà người lao động nhận được sau khi đã trừ đi các khoản thuế và các khoản khấu trừ khác từ tổng lương gross (lương gộp). Lương net thường là số tiền mà người lao động thực sự nhận được cuối cùng.
Khi muốn tính toán chính xác lương net, thì phải trải qua bước khấu trừ các loại chi phí khác, thông thường bao gồm thuế thu nhập cá nhân, các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản khấu trừ khác như quỹ hưu trí, quỹ tiết kiệm và các khoản nộp cho các tổ chức công đoàn.
Lương net có thể khác nhau đối với mỗi người lao động tùy thuộc vào mức lương, các khoản khấu trừ và quy định thuế của quốc gia hoặc khu vực nơi người đó làm việc.
Với các nội dung cơ bản nêu trên, bạn đọc có thể theo dõi bảng phân biệt dưới đây để có đánh giá khách quan với hai hình thức này:
Phân biệt | Lương gross | Lương net |
Khái niệm | Được chi trả bằng tổng thu nhập của người lao động, bao gồm cả các khoản đóng bảo hiểm và thuế | Được biết đến là số tiền lương thực nhận của người lao động sau khi đã trừ đi các khoản đóng bảo hiểm, thuế và một số chi phí khác |
Cách tính | Lương gross = Lương net + Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có) + phí công đoàn (nếu có) | Lương Net = Lương Gross – (BHXH + BHYT + BHTN) – Thuế TNCN – Phí công đoàn |
Ưu điểm | Sô tiền này thể hiện được tổng thu nhập của người lao động; Các bên có thể dễ dàng đàm phán lương với người sử dụng lao động; Hỗ trợ cho quá trình tính toán các khoản bảo hiểm và thuế TNCN phải đóng dựa trên mức lương gross; Bên cạnh đó, người lao động có thể tiến hành thương lượng mức lương cao hơn nếu có khả năng đàm phán tốt.
| Số tiền đến tay người lao động là số tiền thực nhận rõ ràng; Không vướng mắc trong vấn đề đóng các khoản đóng bảo hiểm và thuế; Có thể thấy, người lao động sẽ nhận số tiền thực nhận cao hơn mức lương gross do không phải trừ các khoản bảo hiểm và thuế TNCN; Về phía doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể cắt giảm bớt các chi phí trong quá trình phát triển |
Nhược điểm | Điểm khó cho người lao động là cần phải nắm rõ và chính xác công thức tính lương, cũng như cập nhật các khoản lệ phí Bảo hiểm nhằm tránh những nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân; Về phía doanh nghiệp thì bên sử dụng lao động có thể gặp phải khó khăn trong quản lý quy mô cũng như hoạch định chiến lược xây dựng, phát triển, thực hiện báo cáo tài chính và các chính sách liên quan đến người lao động; Người lao động sẽ nhận số tiền thực nhận sẽ ít hơn do phải trừ các khoản bảo hiểm và thuế TNCN. | Bên sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm trong việc đóng các khoản Bảo hiểm cho người lao động. Khi tiến hành đóng thì mức đóng và mức hướng cũng sẽ ít đi; Ngoài ra, còn phải kể đến là gặp các khó khăn trong việc tính toán các khoản bảo hiểm và thuế TNCN; Mức lương net để được thỏa thuận với mức cao hơn thì không dễ dàng thực hiện. |
2. Cách tính lương gross và net:
Cách tính lương:
+ Lương gross = Lương net + Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có) + phí công đoàn (nếu có);
+ Lương net = Lương gross – (Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có) + Đoàn phí (nếu có)
Trong đó:
– Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc được quy định, bao gồm:
+ Bảo hiểm xã hội: 8% (Theo khoản 1 Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017);
+ Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: 1% (Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013);
+ Về lĩnh vực bảo hiểm y tế: 1,5% (Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP);
– Phí công đoàn: 1% tiền lương (Điều 23 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2014);
– Thuế thu nhập cá nhân: Thuế TNCN = (Tổng thu nhập – Các khoản được miễn – Khoản giảm trừ) x Thuế suất
Theo quy định hiện hành thì người lao động có thu nhập từ 11 triệu đồng mỗi tháng trở lên thuộc trường hợp phải nộp thuế Thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào những khoản đã được giảm trừ, miễn thuế Thu nhập cá nhân, theo Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14.
3. Các khoản phí cần đóng khi nhận lương net?
Theo quy định, khi ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp thì người lao động không chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định mà còn được hưởng các quyền lợi từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) và Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN). Người lao động và doanh nghiệp phải thực hiện những nghĩa vụ đóng các mức phí bảo hiểm bắt buộc, mức đóng các khoản phí này sẽ được doanh nghiệp và người lao động cần tuân thủ theo quy định, cụ thể:
+ Việc áp dụng mức đóng BHXH là 22,5%. Trong đó thì người lao động sẽ có trách nhiệm đóng 8%, doanh nghiệp đóng 17,5%;
+ Mức đóng BHYT là 4,5%. Trong đó, người lao động đóng 1,5%, doanh nghiệp đóng 3%;
+ Kinh phí công đoàn là 2% (so với quỹ tiền lương của người lao động nhận được). Doanh nghiệp sử dụng lao động chịu trách nhiệm đóng toàn bộ;
– Đồng thời cần có trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân:
Theo quy định pháp luật hiện hành thì ngoài các khoản phí bảo hiểm bắt buộc phải thực hiện theo quy định thì người lao động có hợp đồng lao động thời hạn từ 2 tháng trở lên có trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trong trường hợp này, việc tính toán thuế TNCN sẽ phụ thuộc vào mức lương và các nguồn thu nhập khác mà người lao động nhận được.
Cá nhân tham gia lao động thì hoàn toàn có thể nhận lương gross hay lương net nếu người lao động nhu cầu nhận lương theo hình thức đó. Thông qua những nội dung đã phân tích trong bài viết thì người lao động cần tìm hiểu kỹ về lựa chọn hình thức trả lương để đảm bảo quyền lợi của mình, đặc biệt người lao động nên tìm hiểu kỹ về các khoản đóng bảo hiểm và thuế trước khi ký hợp đồng lao động, hoàn toàn cũng có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bảng lương chi tiết để kiểm tra tính chính xác của các khoản lương và phụ cấp đi kèm trong suốt thời gian làm việc.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.