Người lao động khi bị suy giảm khả năng lao động thì sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần như thế nào? Và làm thế nào để được hưởng chế độ này một cách đúng pháp luật?
Mục lục bài viết
1. Mức trợ cấp một lần trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động:
Hiện nay, đối với các vấn đề về chế độ trợ cấp một lần cũng đã được ghi nhận và được quy định trong pháp luật Việt Nam, cụ thể theo Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ năm phần trăm (5%) đến ba mươi phần trăm (30%) sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần. Tùy theo mỗi trường hợp cụ thể mà Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 có những điều khoản về mức trợ cấp cũng như những quy định về điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp này.
Căn cứ vào mức độ suy giảm về khả năng lao động mà pháp luật hiện hành cho phép người lao động được hưởng một khoản so với mức lương cơ sở. Theo đó, người lao động khi bị suy giảm năm phần trăm (5%) khả năng lao động thì được hưởng năm (05) lần mức lương cơ sở; tuy nhiên sau đó, nếu cứ suy giảm thêm một phần trăm (1%) thì người lao động sẽ được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngoài quy định về mức trợ cấp trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng tiền bảo hiểm xã hội. Nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ một (01) năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. Ngoài ra, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh, lao động năm 2015, trường hợp người lao động bị suy giảm khả lao động trong ngay tháng đầu khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội hoặc trong trường hợp có thời gian tham gia gián đoạn sau đó, trở lại công việc thì căn cứ để tính khoản trợ cấp này dựa trên tiền lương của ngay chính tháng đó.
2. Thời điểm hưởng mức trợ cấp một lần khi bị suy giảm khả năng lao động:
Hiện nay, người lao động không chỉ quan tâm đến các quy định về điều kiện cũng như mức hưởng chế độ trợ cấp một lần, trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động, người lao động cũng nên lưu ý đến thời diểm hưởng mức trợ cấp đó được tính như thế nào và tính từ đâu. Không phải tại bất kỳ thời điểm nào người lao động được xác định, giám định là bị suy giảm khả năng lao động cũng sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Theo quy định pháp luật hiện nay, thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng mà người lao động đó được điều trị xong, ra viện. Hơn thế nữa, tại Điều 50 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng đề cập chi tiết đến thời điểm để người lao động được hưởng mức trợ cấp một lần. Thời điểm hưởng trợ cấp không chỉ được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện mà Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 còn quy định thêm về thời điểm được hưởng mức trợ cấp. Theo đó, người lao động bị suy giảm khả lao động được hưởng chế độ trợ cấp này từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Đối với trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động, thời điểm mà được hưởng chế độ trợ cấp được xác định từ tháng mà người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
3. Công thức tính mức trợ cấp một lần khi bị suy giảm khả năng lao động:
Công thức tính mức trợ cấp trong trường hợp người lao động được giám định mức suy giảm lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu theo pháp luật hiện hành:
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH, trong trường hợp người lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu sẽ được xác định theo công thức như sau:
Mức trợ cấp một lần = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = {5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin} + {0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L}
Trong đó:
+ Lmin: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
+ m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30).
+ L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định số 88/2020/NĐ- CP.
+ t: Tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP.
Giải quyết trợ cấp trong trường hợp người lao động được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát theo quy định pháp luật:
· Đối với trường hợp người lao động đang hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2007:
+ Nếu người lao động sau khi giám định lại có mức suy giảm khả năng lao động dưới 31% thì được hưởng mức trợ cấp một lần theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
+ Nếu người lao động sau khi giám định lại có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng. Mức hưởng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
· Đối với trường hợp người lao động đã được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần từ ngày 01 tháng 01 năm 2007:
+ Nếu người lao động sau khi giám định lại, có mức suy giảm khả năng lao động tăng so với trước đó và dưới 31% thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính bằng hiệu số giữa mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới với mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động trước đó. Mức trợ cấp được xác định theo công thức cụ thể như sau: Mức trợ cấp một lần = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới – Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động trước đó = {5 x Lmin + (m1 – 5) x 0,5 x Lmin} – {5 x Lmin + (m – 5) x 0,5 x Lmin}
Trong đó:
+ Lmin : mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng;
+ m1: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi giám định lại (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m1 ≤ 30);
+ m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30).
+ Nếu người lao động sau khi giám định lại, có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động mới. Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng được tính bằng hiệu số giữa mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới với mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 10 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
THAM KHẢO THÊM: