Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, Thủ trưởng cơ quan điều tra với tư cách là người đứng đầu cơ quan điều tra được pháp luật tố tụng quy định khá cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có quyền ra quyết định đình nã bị can.
Mục lục bài viết
1. Quyết định đình nã là gì?
Đình nã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự không được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể, cũng không giải thích thế nào là “đình nã”, việc tiếp cận đình nã chỉ thông qua hoạt động truy nã và sau khi bắt được người truy nã, cụ thể, tại Khoản 3, Điều 231 quy định rằng: “Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.”
Hay trong quy định tại Khoản 2 Điều 114 cũng nêu rõ: “Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.”
Như vậy, đình nã được hiểu dưới góc độ gắn liền với một văn bản mang tên “quyết định đình nã”. Trước khi đi vào giải thích thế nào là đình nã, tác giả sẽ phân tích một vài khía cạnh về truy nã bị can như sau:
Về lịch sử, truy nã là một tập quán phổ biến được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng xuất phát từ yêu cầu bảo vệ cuộc sống yên ổn của cộng đồng xã hội và trừng trị kẻ gây ra tội ác. Cũng theo xu thế đó, truy nã tội phạm từ lâu đã gắn liền và trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ở Việt Nam.
Cùng với những tiến bộ của văn minh nhân loại và sự phát triển của khoa học pháp lý, truy nã tội phạm đã và đang dần trở thành vấn đề pháp lý gắn với hoạt động bảo vệ pháp luật của những cơ quan chức năng cũng như của cả xã hội. Với góc nhìn nêu trên, các nhà nghiên cứu cũng đã xuất phát từ lý luận pháp lý, khoa học điều tra tội phạm để xây dựng nên những khái niệm về truy nã tội phạm ngày càng chính xác hơn.
– Theo Từ điển nghiệp vụ phổ thông: “Truy nã tội phạm là tìm bắt kẻ phạm tội đang lẩn trốn mà chưa biết kẻ đó trốn ở đâu theo lệnh truy nã của cơ quan có thẩm quyền”
– Theo Từ điển bách khoa Công an nhân dân Việt Nam thì: Truy nã tội phạm là truy bắt người phạm tội đang lẩn trốn theo quyết định truy nã của cơ quan có thẩm quyền. Truy nã tội phạm là một hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự, được thực hiện bằng cách áp dụng tổng hợp các biện pháp công tác, nhằm phát hiện, bắt giữ bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù hoặc tử hình, phạm nhân đang lẩn trốn phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Qua quá trình tìm hiểu quy định của pháp luật, cũng như tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khoa học, Luật Dương Gia thống nhất đưa ra quan điểm về truy nã bị can như sau: “Truy nã bị can là hoạt động tố tụng hình sự nhằm tìm kiếm và bắt giữ người đã bị khởi tố mà lẩn trốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.”
Từ những phân tích về truy nã cùng với các căn cứ pháp luật về đình nã, tác giả đưa ra khái niệm về quyết định đình nã như sau: Quyết định đình nã là văn bản do cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã ban hành nhằm chấm dứt hiệu lực của quyết định truy nã sau khi bắt được bị can.
Quyết định đình nã có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chủ thể có thẩm quyền. Trước hết, quyết định đình nã nhằm chấm dứt hiệu lực của quyết định truy nã, tức là quyết định truy nã đã được “hoàn thành” thông qua hoạt động bắt được bị can. Quyết định đình nã nhằm thông báo tới Viện Kiểm sát và tới tất cả các chủ thể trong xã hội về việc đã bắt được bị can và chấn an dự luận về việc luôn có sự “rình rập” của tội phạm truy nã. Đây cũng là văn bản nhằm hợp pháp hóa mọi hoạt động của chủ thể có thẩm quyền, kể từ thời điểm có quyết định đình nã, cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình tố tụng hình sự phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Liên quan tới hoạt động đình nã, không thể không nhắc tới biện pháp ngăn chặn bắt người đang bị truy nã, đây là biện pháp có ý nghĩa trong việc phát sinh quyết định đình nã nếu bắt được bị can. Theo đó, Khoản 1, Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự quy định rằng: “Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.”
Yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm ở các nước nói chung và ở nước ta nói riêng là phòng ngừa không để tội phạm xảy ra, phát hiện tội phạm và xử lý nghiêm minh người phạm tội trước pháp luật, giáo dục, cải tạo người phạm tội và đưa họ tái hòa nhập cộng đồng. Vì thế, người phạm tội còn lẩn trốn ngoài vòng pháp luật thì vẫn còn điều kiện và tiếp tục gây ra những hậu quả xấu đối với xã hội và làm cho các mặt của hoạt điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án bị kéo dài, bế tắc đồng thời gây ra những tốn kém đáng kể, việc truy nã càng thêm khó khăn, phức tạp.
Vì thế mục đích của biện pháp ngăn chặn bắt người đang bị truy nã là phát hiện và bắt giữ người đang bị truy nã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu theo quyết định tố tụng của cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra, xác định hành vi phạm tội của họ, truy tố, xét xử, tiếp tục thi hành hình phạt và cải tạo giáo dục họ, đưa họ tái hòa nhập với cộng đồng xã hội. Quá trình giải quyết một vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành nhiều hành vi tố tụng khác nhau nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội; áp dụng hình phạt và buộc người đã thực hiện hành vi phạm tội phải chịu hình phạt hoặc các chế tài pháp lý khác.
Quá trình này không những đòi hỏi sự hoạt động tích cực của người tiến hành tố tụng mà còn là những hoạt động của những người tham gia tố tụng khác với những quyền và nghĩa vụ nhất định. Tuy vậy trên thực tế không phải bao giờ và khi nào bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù cũng thực hiện nghĩa vụ của mình một cách tự giác; nhiều trường hợp họ cố tình trốn tránh hòng thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Do đó, để ngăn chặn và phòng ngừa họ không thực hiện nghĩa vụ, việc Bộ luật tố tụng hình sự quy định và cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng, những người khác theo luật định được áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người đang bị truy nã là hết sức cần thiết và có ý nghĩa lớn.
2. Mẫu quyết định đình nã:
Mẫu số: 102 Ban hành kèm theo TT số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021
……. Số: ……… /QĐĐN- …… |
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…..,ngày ………. tháng ……… năm…… |
QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH NÃ
…………………………… (1)
Căn cứ (2)……….. ;
Căn cứ khoản 2 Điều 114, khoản 3 Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự,
QUYẾT ĐỊNH:
Đình nã đối với: ………… Giới tính: ……..
Tên gọi khác: ………..
Sinh ngày………….tháng………..năm………………tại:………..
Quốc tịch:……….; Dân tộc:………; Tôn giáo: …………..
Nghề nghiệp: ……………
Số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu: ……………
cấp ngày…………tháng…………năm …………………… Nơi cấp: ……………
Quê quán: …………
Nơi thường trú: ………….
Nơi tạm trú: ………..
Nơi ở hiện tại: …….
Họ tên bố: ……..Họ tên mẹ: ……..
Tội danh bị khởi tố, truy tố, xét xử hoặc bị kết án: …….
đã bị truy nã theo Quyết định số: ……… ngày ………… tháng ………….. năm……….của…………
Nơi nhận: – VKS, Tòa án …………. – Cục QLXNC, Phòng QLXNC……. – Văn Phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; – Văn Phòng Cơ quan CSĐT tỉnh (TP)…….. – Cơ quan hồ sơ …………….. – Công an cấp huyện…….. – Công an cấp xã………….. – Nơi gửi khác………….. – Hồ sơ 02 bản. | …………..
|
(1) Chức danh tư pháp của người ký ban hành văn bản;
(2) Ghi rõ các căn cứ ra Quyết định đình nã.
Ghi chú: Mẫu này áp dụng cho các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã.
3. Quy định của pháp luật về đình nã:
Căn cứ theo Điều 114 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt như sau:
– Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
– Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về truy nã bị can như sau:
– Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Thông tư 119/2021/TT-BCA về quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.