Hoãn tiền lương là một trong những hành động của người sử dụng lao động có thể xuất hiện trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Vậy, Công ty có được phép hoãn trả lương nhân viên không?
Mục lục bài viết
1. Công ty có được phép hoãn trả lương nhân viên không?
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ chi trả cho người lao động. Mức tiền lương thường được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, phụ thuộc vào tính chất công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong Bộ luật Lao động năm 2019 cũng đã có nhiều điều khoản quy định về vấn đề trả lương, trong đó phải kể đến nguyên tắc trả lương được quy định tại Điều 94, như sau:
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương một cách ttrực tiếp, đầy đủ, phải thực hiện nghĩa vụ đúng hạn cho người lao động. Đối với trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp;
– Cá nhân có quyền tự định đoạt số tiền lương nên pháp luật nghiêm cấm hành vi của người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; đồng thời cũng không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định;
Bên cạnh đó, theo quy định của Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì người lao động phải được đảm bảo quyền lợi liên quan đến tiền lương như sau:
– Người lao động theo sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động thì sẽ hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần;
– Người lao động có thể được hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần nếu đã có sự thống nhất, thỏa thuận trước. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ;
– Người lao động có thể được hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; trong trường hợp công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng;
– Pháp luật cũng quy định về trường hợp có thể được hoãn trả lương nhân viên nhưng được miễn trách nhiệm theo quy định: Nếu nhận thấy việc hoãn trả lương do những lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; Để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong suốt thời gian bị hoãn trả lương thì nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Theo nguyên tắc đã được phân tích thì người sử dụng lao động phải thanh toán lương đúng hạn, việc trả lương chậm trễ chỉ khi người sử dụng lao động có lý do bất khả kháng và không có biện pháp khắc phục kịp thời. Còn trong trường hợp có khả năng trả lương nhưng cố tình gây khó khăn, ảnh hưởng quyền lợi thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
2. Trường hợp nào được coi là hoãn trả lương do sự kiện bất khả kháng?
Để minh chứng cho hành động hoãn trả lương là do những lý do bất khả kháng thì người sử dụng lao động có thể tham khảo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được, không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, cụ thể:
– Tính khách quan:
Đặc điểm này thể hiện sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện khách quan, thường xuát hiện do nguyên nhân tự nhiên hoặc con người gây ra, không phụ thuộc vào ý chí của bên vi phạm nghĩa vụ, bên chịu tác động của sự kiện bất khả kháng. Ngoài ra, cần chứng minh được rằng sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc bên vi phạm không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình với bên còn lại.
Có thể kể đến: ảnh hưởng bởi sự việc như sóng thần, động đất, thiên tai, chiến tranh, đình công, bạo loạn…
– Xem xét yếu tố không thể lường trước được:
Sự kiện bất khả kháng nằm ngoài khả năng kiểm soát, không lường trước được của bên vi phạm nghĩa vụ. Người sử dụng lao động có căn cứ cho thấy rằng mình không thể nhìn thấy hoặc dự kiến trước, không biết sự kiện bất khả kháng sẽ xảy ra, không thể kiểm soát hoặc ngăn chặn sự việc xảy ra.
Ví dụ: Thực hiện yêu cầu hoặc chỉ thị của Chính phủ, quyết định của các Cơ quan hành chính địa phương…
– Không thể giải quyết, khắc phục được:
Bên vi phạm nghĩa vụ cũng phải chứng minh bản thân đã cố gắng khắc phục khắc phục hậu quả nhưng không thể giải quyết dù đã cố gắng thực hiện mọi giải pháp.
3. Công ty hoãn thanh toán lương trái quy định thì bị xử phạt bao nhiêu?
– Căn cứ khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về tiền lương. Mức phạt này áp dụng đối với người sử dụng lao động sẽ có mức khác nhau nếu số lượng người lao động bị ảnh hưởng quyền, tuy nhiên nếu chỉ cần thực hiện một trong các hành vi thì sẽ phải chịu trách nhiệm vì hành vi vi phạm này, bao gồm các hành vi:
+ Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm;
+ Không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;
+ Ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật;
+ Không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm;
+ Không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
Có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu nhận thấy hành vi vi phạm gây ảnh hưởng từ 01 người đến 10 người lao động;
Còn trong trường hợp có hành vi vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động thì người sử dụng lao động sẽ bị áp dụng mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm;
Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng sẽ là mức phạt đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
Cá nhân là người lao động bị hoãn trả lương trái quy định mà quyền lợi bị ảnh hưởng từ từ 101 người đến 300 người lao động thì mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;
Mức xử phạt cao nhất được áp dụng từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
– Biện pháp khắc phục hậu quả
+ Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
+ Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Bộ luật Lao động 2019;
– Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.