Pháp luật Việt Nam về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Xã hội càng phát triển, quyền bình đẳng càng được thể hiện rõ nét.
Ở Việt Nam, quyền bình đẳng giới sớm được công nhận với vị trí là một trong những quyền của công dân. Hiến pháp đầu tiên năm 1946: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá” (điều 6); “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình” (điều 7); “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (điều 9).
Trải qua 17 năm thực hiện, cho đến bản hiến pháp năm 1959, quy định về phụ nữ bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực lao động vẫn được tiếp tục thể hiện: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.” (điều 24)
Tiếp nối tinh thần của các bản hiến pháp trước đây, tuy có sự sắp xếp lại vị trí các chương tuy nhiên nhiên vấn đề nam nữ bình đẳng vẫn luôn được tôn trọng và thừa nhận. Tuy nhiên, xét trong lịch sử lập hiến, dưới góc độ bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, thì Hiến pháp năm 1992 lại có phần chi tiết và cụ thể hơn so với các bản Hiến pháp trước đó và cả sau này. Hiến pháp năm 1992 đã đặt ra một số vấn đề như nguyên tắc bình đẳng trong việc trả lương; chế độ thai sản; bảo đảm chính sách tiền lương cho lao động nữ trước và sau khi sinh; bảo đảm công việc khi họ quay lại (điều 63) Hiến pháp 2013 ra đời thay thế cho các bản Hiến pháp trước đây và đang là văn pháp Hiến pháp có giá trị pháp lý tính đến hiện tại đã đưa nội dung về quyền con người lên chương 2, có vị trí ngay sau chương về chế độ chính trị. Có thể thấy những quyết tâm của Việt Nam trong ưu tiên bảo đảm quyền con người trong bối cảnh kinh tế xã hội mới. Về vấn đề bình đẳng giới, Hiến pháp 2013 quy định:
“Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.” (Điều 16); “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giữa nam và nữ; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.” (Điều 26)
Là thành viên của tổ chức ILO quốc tế từ năm 1992 cho đến nay, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực nhằm thay đổi xu hướng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã phê chuẩn 25 công ước của ILO, bao gồm 7/8 công ước cơ bản. Liên quan đến nội dung bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động Việt Nam đã tham gia hai công ước đó là Công ước về Trả lương bình đẳng (Công ước số 100) và Công ước về Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước số 111).
Ngoài những văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn, nội tại trong pháp luật quốc gia, bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động được lồng ghép trong nhiều văn bản quy phạm, bộ luật, nghị định…
Năm 2006, Quốc Hội khoá XI cũng ban hành Luật bình đẳng giới, là một trong những dấu mốc lớn được quốc tế đánh giá cao trong nỗ lực hướng tới mục tiêu nam nữ bình quyền. Với hướng tiếp cận của luật bình đẳng giới chia người lao động ra làm hai nhóm chính: Nhóm thứ nhất đó là lao động không giữ chức danh và nhóm thứ hai là lao động thuộc các ngành nghề có tiêu chuẩn chức danh.
Luật bình đẳng giới quy định: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác; Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
Và đưa ra ba biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
+ Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
+ Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Về cơ bản các nguyên tắc mà luật bình đẳng giới đưa ra đã tương thích với nội dung tại điều 11 của công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW). Tuy nhiên các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới mà luật đưa ra không có tính hiệu quả và trải qua 15 năm thực hiện
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra chiến lược quốc gia về bình đẳng giới theo từng giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ năm 2011 đến năm 2020; giai đoạn thứ hai từ năm 2021 đến năm 2030. Hiện Việt Nam đã tổng kết giai đoạn đầu tiên, hướng tới giai đoạn thứ hai, vào năm 2030, Việt Nam cần phải đạt được mục tiêu trong lĩnh vực kinh tế, lao động với việc hoàn thành 03 chỉ tiêu:
Thứ nhất, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030;
Thứ hai, giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030;
Thứ ba, tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.