Qua các thời kỳ, pháp luật về nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng ngày càng được quy định hoàn thiện hơn về kỹ thuật lập pháp hình sự, nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của pháp luật hình sự, bảo đảm tính thống nhất nội với hệ thống VBPL.
Mục lục bài viết
1. Pháp luật về nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng giai đoạn từ năm 1945 đến trước Bộ luật Hình sự 2015 :
Trong thời kỳ áp dụng luật hình sự giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi pháp điển hóa lần thứ nhất – ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật hình sự quy định về các tội phạm xâm phạm TTCC, cụ thể:
– Từ những năm 60 của thế kỷ XX, trên cơ sở những kinh nghiệm của thực tiễn xét xử, TANDTC đã ban hành các báo cáo tổng kết, các chỉ thị hướng dẫn về đường lối xử lý một số tội phạm nguy hiểm và phổ biến, tuy nhiên các tội phạm liên quan đến trật tự, an toàn công cộng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
– Đến ngày 15/3/1976, sau khi giải phóng đất nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã ban hành Sắc luật 03–SL/76 ngày 15/3/1976 quy định “Các tội và hình phạt” trong đó các tội phạm xâm phạm đến trật tự công cộng đã được quy định tại Điều 9. Tiếp ngay sau đó, Thông tư số 03–BTP tháng 4/1976 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Sắc luật 03–SL/76 ngày 15/3/1976 cụ thể hơn các hành vi xâm phạm đến trật tự công cộng:
+ Tụ tập đông người nhằm gây náo động trong dân chúng và gây rối trật tự ngoài đường phố hoặc ở các nơi công cộng chống lại nhân viên nhà nước khi làm nhiệm vụ.
+ Tổ chức du đãng có hành động càn quấy, đe dọa tính mạng người khác và an toàn xã hội.
+ Cờ bạc, tổ chức ổ mại dâm, buôn bán, tàng trữ ma túy và các chất độc khác trái phép.
– Phạm các tội trên nếu vượt quá mức độ xử lý hành chính thì bị truy tố và xét xử về hình sự và bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù đến 15 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền đến 1000 đồng và có thể bị thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bộ luật Hình sự năm 1985 được Quốc hội nước ta thông qua ngày 27/6/1985 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1986. Đây là đạo luật được pháp điển hóa hoàn chỉnh bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự quy định về tội phạm và hình phạt nói chung cũng như về các tội phạm cụ thể và các khung hình phạt cụ thể đối với tội phạm đó. Trong đó, Mục B Chương VIII quy định về các tội xâm phạm trật tự công cộng gồm: “Tội gây rối trật tự công cộng; Tội hành nghề mê tín, dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng; Tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm; Tội tổ chức dùng chất ma túy; Tội xâm phạm mồ mả, hài cốt”. Bộ luật Hình sự năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và năm 1997. Qua các lần sửa đổi, bổ sung, Bộ luật Hình sự năm 1985 đã tương đối hoàn thiện, góp phần không nhỏ vào công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung cũng như đảm bảo trật tự công cộng nói riêng.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, Bộ luật Hình sự năm 1985 dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm bất cập, hạn chế trong quy định về các tội phạm. Do vậy, ngày 21/12/1999, Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Bộ luật Hình sự 1999, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2000 trên phạm vi cả nước. Nếu trong Bộ luật Hình sự 1985, nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính được quy định trong Chương VIII phần các tội phạm với ba mục khác nhau, thì đến Bộ luật Hình sự 1999, các tội phạm này được chia thành hai chương bao gồm: Chương XIX – Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và Chương XX – Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Cụ thể đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự công cộng có những thay đổi sau:
– Tách riêng một chương quy định về tội phạm và hình phạt đối với các hành vi liên quan đến ma túy, do đó, tội tổ chức dùng chất ma túy không còn thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự công cộng.
– Tách riêng tội Đánh bạc và tội Tổ chức đánh bạc, gá bạc; tách riêng tội Môi giới mại dâm và tội Chứa mại dâm.
– Bổ sung tội Mua dâm người chưa thành niên.
– Chuyển tội Dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm tội từ Chương các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình và các tội phạm đối với người chưa thành niên về Chương các tội xâm phạm trật tự công cộng.
– Chuyển tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy từ Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia về Chương các tội xâm phạm trật tự công cộng.
– Bổ sung một số yếu tố định tội để làm rõ cấu thành các tội: Gây rối trật tự công cộng; Đánh bạc; Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
– Sửa đổi, mở rộng phạm vi các hành vi được coi là tội phạm ở các tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt; Hành nghề mê tín, dị đoan, Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
– Bổ sung yếu tố định khung hình phạt ở các tội: Gây rối trật tự công cộng; Đánh bạc; Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Dụ dỗ ép buộc người chưa thành niên phạm tội; Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; Chứa mại dâm; Môi giới mại dâm; Mua dâm người chưa thành niên.
Đến năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường sự đấu tranh của Nhà nước trước những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của tội phạm, đảm bảo ổn định xã hội và sự phát triển chung của nền kinh tế. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 đã lượng hóa việc xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội (đánh bạc trái phép từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng); lượng hóa tình tiết tăng nặng (từ năm mươi triệu đồng trở lên); sửa đổi tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thành tội rửa tiền theo tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền.
2. Pháp luật về nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng từ khi Bộ luật Hình sự 2015 ra đời đến nay:
Đến nay, Bộ luật Hình sự 2015 được thông qua vào kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã thể hiện sự cải tiến trong kỹ thuật lập pháp, sửa đổi bổ sung dấu hiệu tội phạm một cách khoa học, mang tính khái quát cao, quy định chặt chẽ yếu tố định tội, định khung hình phạt, thể hiện các quan điểm xử lý hành vi phạm tội trong các văn bản dưới luật của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vào trong Bộ luật góp phần đảm bảo thống nhất trong áp dụng pháp luật và nguyên tắc bình đẳng trong luật hình sự. Một trong những định hướng cơ bản xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015 nói chung và việc sửa đổi, bổ sung các quy định về nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng nói riêng là hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của pháp luật hình sự, bảo đảm tính thống nhất nội tại của pháp luật Hình sự và tính thống nhất của pháp luật hình sự với các luật khác. Nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm thay đổi so với nhóm tội này được quy định trong Bộ luật Hình sự 2019 như sau:
Thứ nhất, có 09 điều luật được sửa đổi, bổ sung một số dấu hiệu định tội, cụ thể:
– Thay dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” trong quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành dấu hiệu “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Khoản 1 Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã loại bỏ dấu hiệu định tội “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 1999;
– Thay đổi dấu hiệu mức định lượng tối thiểu “từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng...” trong quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành dấu hiệu “từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng...” trong quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Cụ thể hóa dấu hiệu “với quy mô lớn” trong quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành các dấu hiệu mang tính định lượng:
Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiến, hiện vật dùng để đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên, Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 500.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên, Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong 01 lần trị giá 20.00.000 đồng trở lên, Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc, trong quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015.
– Cụ thể hóa dấu hiệu “Vật phạm pháp có số lượng lớn” được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 253 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành ba dấu hiệu: “Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB)”, “Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh” và “Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng lớn từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị” trong quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Cụ thể hóa dấu hiệu “Phổ biến cho nhiều người” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 253 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành dấu hiệu mang tính định lượng “Phổ biến cho từ 10 người đến dưới 20 người” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Thay dấu hiệu “người mại dâm” được quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành dấu hiệu “để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm” quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Thay dấu hiệu “người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành dấu hiệu “Người nào từ đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật này” được quy định tại khoản 1 Điều 329 Bộ luật Hình sự năm 2015. Và do có sự thay đổi này nên Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay đổi tên tội là Tội mua dâm người dưới 18 tuổi.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số dấu hiệu định khung tăng nặng TNHS của các tội được quy định tại Điều 319, 320, 321, 322, 333, 324, 325, 326, 327, 328, 329.
Thứ ba, sửa đổi hình phạt của nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng, theo đó, tăng mức hình phạt tiền là hình phạt chính ở các tội quy định tại Điều 318, 320, 321, 322, 333; tăng mức hình phạt tiền là hình phạt bổ sung ở các tội quy định tại các Điều từ 320 đến 329; tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ ở tội quy định tại Điều 319; tăng mức hình phạt tù ở các tội quy định tại Điều 321, khoản 2 Điều 322, khoản 2 Điều 324; giảm mức hình phạt tù ở tại quy định tại khoản 2 Điều 325, Điều 327, khoản 1 và khoản 2 Điều 328, khoản 2 Điều 329; bổ sung hình phạt áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền (khoản 6 Điều 324).
Việc Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung các dấu hiệu định tội, định khung tăng nặng TNHS cũng như hình phạt đối với nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của những quy định về nhóm tội này trong Bộ luật Hình sự năm 1999, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật thống nhất, có thể ngăn ngừa sự tùy tiện hoặc thậm chí là tiêu cực trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung này là để hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, có nghĩa là thể hiện rõ tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý người phạm tội.
Như vậy, trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước, pháp luật hình sự nói chung và quy định về tội xâm phạm trật tự công cộng trong Bộ luật Hình sự nói riêng luôn được hoàn thiện, trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để bảo vệ trật tự công cộng cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, là một công cụ có hiệu quả trong công cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Các quy định này là cơ sở để đảm bảo trật tự xã hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, cũng như góp phần to lớn và việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.