So với thị trường bảo hiểm của các quốc gia trên thế giới, thị trường bảo hiểm ở Việt Nam là một thị trường khá mới và non trẻ. Ngày nay, thị trường dịch vụ bảo hiểm ở Việt Nam đã đa dạng hơn với nhiều loại hình kinh doanh bảo hiểm khác nhau. Để hoạt động này ngày càng phát triển ở Việt Nam thì cần phải có một khung pháp lý chặt chẽ điều chỉnh hoạt động này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Một số vấn đề lý luận chung về hợp đồng bảo hiểm:
- 2 2. Thực trạng khung pháp lý về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm:
- 2.1 2.1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực khi giao kết hợp đồng bảo hiểm:
- 2.2 2.2. Điều kiện đối với chủ thể giao kết hợp đồng:
- 2.3 2.3. Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giải thích chung:
- 2.4 2.4. Điều khoản loại trừ trách nhiệm:
- 2.5 2.5. Tính lãi trong việc trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường:
- 2.6 2.6. Giải thích hợp đồng:
- 2.7 2.7. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm:
- 2.8 2.8. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm:
- 3 3. Một số kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam:
1. Một số vấn đề lý luận chung về hợp đồng bảo hiểm:
Bảo hiểm đã hình thành từ lâu trên thế giới từ thời kỳ Babylon cổ đại và được đặt nền móng phát triển bền vững vào thời kỳ phường hội ở châu Âu vào giữa thế kỷ XIV. Ngành bảo hiểm phát triển nhanh cùng với sự trỗi dậy của thương mại hàng hải quốc tế, vì thời điểm này vấn đề trao đổi, giao thương và vận chuyển hàng hoá trên biển mang lại lợi nhuận lớn cho giới thương nhân thời bấy giờ, bên cạnh đó việc vận chuyển hàng hoá trên biển cũng đồng thời gặp phải những rủi ro cao. Nên, các chủ tàu, các nhà buôn, những người vận tải luôn luôn tìm kiếm hình thức nhất định nhằm bảo đảm quyền lợi của mình và họ đã chọn hình thức “bảo hiểm”. Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) xuất hiện đầu tiên trong lĩnh vực hàng hải vào những thập niên đầu của thế kỷ XIV ở thành phố của Italy (hay còn gọi là nước Ý) như Florence, Genoa’. Đây là thỏa thuận thể hiện bên bảo hiểm cam kết với một nhóm các nhà buôn sẽ bồi thường những thiệt hại về tài sản mà nhà buôn phải chịu trách nhiệm khi có thiệt hại xảy ra đối với chuyến đi biển, ngược lại thì bên bảo hiểm sẽ nhận một khoản phí nhất định từ phía các nhà buôn đóng góp. HĐBH hàng hải được xem là công cụ pháp lý được các bên trong quan hệ bảo hiểm tạo lập ra để bên bảo hiểm thỏa thuận sẽ gánh chịu các tổn thất tài chính cho nhà buôn đối với các rủi ro trên biển, những thỏa thuận này mặc dù độc lập, nhưng về tên gọi, các bên đặt tên là các
Xét dưới góc độ lý luận, hiện nay cũng đã có một số học giả đã đưa ra luận điểm khoa học của mình về bảo hiểm và HĐBH. Theo quan điểm của Bạch Thị Nhã Nam & Bùi Thị Hằng Nga: “Bảo hiểm là một hoạt động tạo lập quỹ bảo hiểm của bên bảo hiểm được hình thành chủ yếu từ phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, bên bảo hiểm sử dụng quỹ này để tiến hành chi trả cho bên mua khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra”. Theo quan điểm của Hồ Thị Hồng Huệ: “HĐBH là căn cứ quan trọng quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận của hai bên”.
Pháp luật một số quốc gia trên thế giới cũng đã đưa ra khái niệm về HĐBH, Luật Bảo hiểm Hàng hải của Anh quy định: “HĐBH hàng hải là hợp đồng mà người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm, theo cách thức và phạm vi đã thỏa thuận, đối với các tổn thất xảy ra trong các chuyến đi biển”. Đạo luật HĐBH của Đức quy định: “Bằng cách lập HĐBH, công ty bảo hiểm cam kết bảo hiểm cho một rủi ro nhất định của bên mua bảo hiểm hoặc bên thứ ba bằng cách thanh toán quyền lợi khi xảy ra sự kiện bảo hiểm đã thỏa thuận. Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thanh toán khoản đóng góp đã thỏa thuận (phí bảo hiểm) cho công ty bảo hiểm”. Dự thảo Luật KDBH của Việt Nam quy định: “HĐBH là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm(DNBH), theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, DNBH phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.
Như vậy, đứng trên góc độ pháp lý thì HĐBH thực chất là một hợp đồng kinh tế trong đó một bên đồng ý bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho bên kia khi xảy ra sự kiện bảo hiểm với điều kiện bên kia chấp nhận đóng phí bảo hiểm. Theo HĐBH, mối quan hệ nhất định giữa hai bên ràng buộc với nhau bởi hai vấn đề cơ bản: bồi thường và nộp phí bảo hiểm.
Trên cơ sở các luận điểm khoa học trên, bài viết đưa ra khái niệm HĐBH như sau: HĐBH là sự thỏa thuận giữa hai bên (bên mua bảo hiểm và DNBH), trong đó bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, còn DNBH phải có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.
2. Thực trạng khung pháp lý về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm:
2.1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực khi giao kết hợp đồng bảo hiểm:
Theo điểm b khoản 2 Điều 18 Luật KDBH, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến HĐBH theo yêu cầu của DNBH. Theo quy định này, đối tượng của nghĩa vụ khai báo là “mọi chi tiết theo yêu cầu của DNBH”. Vậy cụm từ “mọi chi tiết theo yêu cầu của doanh nghiệp” được hiểu và giải thích như thế nào? Điều này là chưa rõ ràng nên đã gây ra một số vướng mắc trong thực tiễn. Theo Bản án số 313/2016/DS-PT ngày 16/3/2016 của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án xét rằng: “Căn cứ theo Điều 21 Luật KDBH trong trường hợp các bên có sự giải thích khác nhau không rõ ràng khó hiểu thì Điều khoản này phải được giải thích theo hướng có lợi cho bà H (người mua bảo hiểm). Nên, không đủ cơ sở xác định đau dạ dày được bao gồm trong rối loạn tại dạ dày như Công ty C trình bày. Xét thấy tại đơn yêu cầu bảo hiểm không có câu hỏi về bệnh đau dạ dày. Như vậy, phía công ty C cho rằng bà H bị bệnh đau dạ dày mà không khai báo là cố tình khai báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là là không có căn cứ.
Có thể thấy, Tòa án có quan điểm theo hướng “mọi chi tiết liên quan đến HĐBH theo yêu cầu của DNBH” phải nằm trong câu hỏi của DNBH, nếu đối tượng của nghĩa vụ khai báo không nằm trong câu hỏi của DNBH thì bên mua bảo hiểm không cần khai báo. Hướng xét xử này đang được lấy ý kiến để đưa thành án lệ trong lĩnh vực bảo hiểm.
Thực tiễn cũng có trường hợp bên mua bảo hiểm có bệnh, nhưng không kê khai thông tin khi xác lập bảo hiểm nhân thọ (BHNT), nhưng Tòa án vẫn xác định bên mua bảo hiểm không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực vì bên mua bảo hiểm không biết có bệnh đó. Chẳng hạn, trong Bán án số 1966/DSST ngày 10/9/2004 của TAND thành phố H’, Tòa án xét “trước khi ký hợp đồng BHNT với Công ty M, ông N đã từng khám bệnh theo bảo hiểm y tế tại Bệnh viện N và được bác sĩ của Công ty M khám bệnh cũng như kiểm tra lại sức khỏe tại trung tâm H nhưng đều không biết ông N bị bệnh lao não. Các triệu chứng bệnh của ông N khi khám bệnh tại bệnh viện N như: chóng mặt, nhức đầu là bệnh thường xuyên của con người, nên việc ông N không khai khi kiểm tra sức khỏe không phải là ông N biết bệnh lao não nhưng giấu không khai. Bên cạnh đó, xét trong hợp đồng BHNT giữa công ty M và ông N không quy định nếu người ký kết HĐBH khai sai những điểm trong phiếu kiểm tra sức khỏe thì không được thanh toán quyền lợi bảo hiểm, do đó, công ty M phải có nghĩa vụ trả cho bà L quyền lợi bảo hiểm của ông N”.
Một vấn đề khác, khi vi phạm nghĩa vụ trung thực thì hậu quả pháp lý xảy ra là gì? Trong Luật KDBH, có hai điều khoản cùng quy định về hậu quả pháp lý của việc vi phạm nghĩa vụ trung thực, gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng trên thực tiễn: Một là, điểm a khoản 2 Điều 19 Luật KDBH quy định: “DNBH có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện HĐBH và thu phí tính đến thời điểm đỉnh chỉ hợp đồng khi bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường”; Hai là, điểm d khoản 1 Điều 22 Luật KDBH quy định“HĐBH vô hiệu trong trường hợp bên mua bảo hiểm hoặc DNBH có hành vi lừa dối khi giao kết HĐBH”.
Có thể thấy, có hai căn cứ “có hành vi lừa dối” và “cung cấp thông tin sai sự thật”, xét về bản chất là tương đồng, nhưng hậu quả pháp lý lại khác nhau. Nếu áp dụng Điều 19 để đình chỉ hợp đồng, HĐBH sẽ chấm dứt kể từ thời điểm DNBH thông báo chấm dứt HĐBH và bên bảo hiểm sẽ được thu phí bên mua bảo hiểm tính đến thời điểm đình chỉ. Mặt khác, nếu áp dụng Điều 21 để yêu cầu tuyên vô hiệu HĐBH, thì theo Điều 131 BLDS năm 2015, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Do đó, trên thực tế, việc áp dụng hai điều khoản này không có sự thống nhất. Các bên sẽ tùy ý sử dụng căn cứ “lừa dối” và “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” sao cho có lợi nhất cho bên mình. Thông thường, DNBH sẽ áp dụng điểm a khoản 2 Điều 19 về đình chỉ thực hiện hợp đồng để giữ được số phí bảo hiểm đã đóng của bên mua bảo hiểm, còn bên mua bảo hiểm sẽ muốn áp dụng điểm d khoản 1 Điều 22 yêu cầu Tòa án tuyên HĐBH vô hiệu để nhận lại tiền phí bảo hiểm đã đóng.
Về mặt lý thuyết, căn cứ để áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng là hành vi vi phạm xảy ra trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng, như thể hiện tại Điều 428 BLDS năm 2015 “một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng.” ; còn căn cứ để tuyên hợp đồng vô hiệu là hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng như được thể hiện tại Điều 127 BLDS “khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối…thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.” Tuy nhiên, hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH” về bản chất là hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng, xảy ra trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng, nhưng Luật KDBH vẫn cho rằng đây là căn cứ để đình chỉ thực hiện hợp đồng. Điều này không phù hợp với các quy định của BLDS năm 2015 cũng như nguyên tắc trong giao kết hợp đồng.
2.2. Điều kiện đối với chủ thể giao kết hợp đồng:
Chủ thể giao kết HĐBH gồm hai bên (bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm). Trong quan hệ bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể giao kết hợp đồng bảo hiểm vì lợi ích của chính mình hoặc của người khác. Ngoài ra, đối với HĐBH con người, các chủ thể tham gia HĐBH có thể bao gồm bên bán bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm, và bên thụ hưởng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm và bên thụ hưởng có thể là ba chủ thể khác nhau, hoặc có thể chỉ là một chủ thể. Do bản chất của HĐBH là hợp đồng song vụ, do vậy, cần quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên. Chẳng hạn, trong HĐBH con người, nên quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm như quyền từ chối tư cách người được bảo hiểm trong một khoảng thời gian nhất định khi HĐBH được ký kết; hoặc nghĩa vụ của người được bảo hiểm khi phát sinh sự kiện bảo hiểm như khai báo thông tin, xét nghiệm theo giám định y tế nếu DNBH yêu cầu. Bên cạnh đó, pháp luật về bảo hiểm chưa quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm và người thụ hưởng, cụ thể là mối quan hệ giữa những người tham gia bảo hiểm với nhau. Đối với HĐBH trách nhiệm dân sự, lỗi của người tham gia bảo hiểm khi thực hiện hành vi gây thiệt hại là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của người tham gia bảo hiểm, đồng thời cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm của DNBH và DNBH chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm khi có yêu cầu bồi thường của người thứ ba. Vì vậy, các bên trong HĐBH trách nhiệm dân sự phải được quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Khoản 2 Điều 38 Luật KDBH quy định về chủ thể giao kết HĐBH con người, theo đó, không được giao kết HĐBH con người cho trường hợp chết của (i) người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản; hoặc (ii) người đang mắc bệnh tâm thần. Quy định này chưa đầy đủ so với quy định của BLDS năm 2015. Bởi không chỉ có người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) và người đang mắc bệnh tâm thần mới cần được bảo vệ mà cả người mất năng lực hành vi dân sự do bị bệnh khác, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi quy định tại Điều 22 và Điều 23 của BLDS năm 2015 cũng cần được bảo vệ như các chủ thể nói trên. Mặt khác, có một câu hỏi đặt ra là vì sao đối với người dưới 18 tuổi thì luật loại trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản, còn đối với người đang mắc bệnh tâm thần thì lại không có trường hợp loại trừ như trên trong khi cả hai chủ thể này đều là người không có đủ năng lực hành vi dân sự?
2.3. Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giải thích chung:
Theo quy định của Luật KDBH và các văn bản hướng dẫn, HĐBH phải được lập thành văn bản. Bằng chứng khi giao kết HĐBH là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định. Tại khoản 3 Điều 2 của Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, “BHNT” được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ban hành kèm theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, Điều 39
2.4. Điều khoản loại trừ trách nhiệm:
Điều khoản loại trừ trách nhiệm là điều khoản quy định các trường hợp mà DNBH không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Điều khoản loại trừ trách nhiệm là một điều khoản cơ bản của HĐBH’ bởi điều khoản loại trừ sẽ (i) bảo vệ DNBH khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán do hậu quả của một rủi ro lớn, gây thiệt hại trên diện rộng và không có quy luật rõ ràng, (ii) bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội, chống trục lợi bảo hiểm, và (iii) đảm bảo mức phí bảo hiểm hợp lý, giúp nhiều người có thể tham gia bảo hiểm. Điều 13 Luật KDBH quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là một nội dung phải có trong HĐBH. Bởi tính đặc thù của điều khoản loại trừ trách nhiệm trong HĐBH. Luật KDBH đã dành một điều khoản riêng để quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm. Tiếp đó, Điều 16 của luật đã quy định nghĩa vụ giải thích của DNBH đối với bên mua bảo hiểm về nội dung của điều khoản loại trừ trách nhiệm cũng như hệ quả của nó khi giao kết hợp đồng, bởi điều khoản loại trừ trách nhiệm sẽ giải thoát cho DNBH khỏi nghĩa vụ trả tiền bồi thường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 16 lại không có hạn chế gì đối với nội dung của điều khoản loại trừ trách nhiệm, cũng như chế tài đối với các điều khoản loại trừ trách nhiệm mang tính bất lợi cho bên mua bảo hiểm. Hơn nữa, HĐBH là hợp đồng gia nhập, nên bên mua bảo hiểm phải chấp nhận mọi điều khoản mà DNBH đưa ra mà không được đàm phán lại. Do đó, hoàn toàn có khả năng các DNBH lạm dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm mang tính bất lợi cho bên mua bảo hiểm để tự giải thoát cho mình khỏi nghĩa vụ bảo hiểm trong nhiều trường hợp.
Khoản 3 Điều 16 quy định các trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm. Quy định này là phù hợp, đảm bảo mục tiêu bảo vệ các giá trị cần được bảo vệ trong xã hội, khi xét đến yếu tố lỗi của bên mua bảo hiểm khi vi phạm pháp luật và vi phạm HĐBH. Tuy nhiên, đối với trường hợp của HĐBH con người mà bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho một người khác, thì các sự kiện bảo hiểm sẽ xảy ra xung quanh bên được bảo hiểm, chứ không phải bên mua bảo hiểm. Dù bên mua bảo hiểm cố ý hay vô ý, thì sự kiện vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm cũng không thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên được bảo hiểm. Do đó, quy định tại Điều 16 sẽ không có ý nghĩa trong trường hợp bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm không phải cùng một người.
Ngoài quy định chung tại Điều 16, thì tại Điều 39, Luật KDBH có quy định các trường hợp cụ thể mà DNBH trong HĐBH con người không phải trả tiền bảo hiểm. Điều 39 quy định những sự kiện mà khả năng rất lớn được bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm thúc đẩy để trục lợi bảo hiểm và những sự kiện mà nếu bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm được thanh toán tiền bảo hiểm thì sẽ đi ngược với các giá trị xã hội cần được bảo vệ. Mặc dù tinh thần của Điều 39 là đúng đắn, nhưng quy định của Điều 39 dường như đã bỏ sót một số trường hợp mà bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm có thể lợi dụng để trục lợi bảo hiểm. Điểm b, Khoản 1, Điều 39 quy định DNBH không phải trả tiền bảo hiểm nếu bên được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng. Luật KDBH dường như chỉ chú ý đến sự kiện chết và thương tật toàn bộ vĩnh viễn, mà bỏ quên các sự kiện cũng có thể là sự kiện bảo hiểm như sự kiện thương tật một phần vĩnh viễn hay sự kiện ốm bệnh, tạo ra lỗ hổng để bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm trục lợi bảo hiểm.
2.5. Tính lãi trong việc trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường:
Theo điểm c khoản 2 Điều 17 Luật KDBH, DNBH có nghĩa vụ “trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Tuy nhiên, trường hợp DNBH từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường cho người thụ hưởng, người được bảo hiểm hoặc có tranh chấp về số tiền bảo hiểm, tiền bồi thường. Tòa án giải quyết tranh chấp đã quyết định DNBH phải trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn thì có tính lãi trên số tiền đó không? Tính lãi từ thời điểm nào, mức lãi suất như thế nào? Có hai quan điểm lập luận về vấn đề này:
Quan điểm thứ nhất, DNBH chậm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là thuộc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357 BLDS năm 2015. Nên, DNBH sẽ phải trả lãi trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả tính từ ngày tiếp theo của ngày đến hạn trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 29 Luật KDBH cho đến khi thanh toán xong theo mức lãi suất hai bên thỏa thuận trong HĐBH. Nếu các bên không thỏa thuận thì mức lãi suất quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015 là 10%.
Quan điểm thứ hai, do các bên tranh chấp về số tiền bảo hiểm hoặc tiền được bồi thường nên sẽ không phải chịu lãi trên số tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường cho đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực. Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại đưa ra tình huống
2.6. Giải thích hợp đồng:
HĐBH là hợp đồng gia nhập, tức là DNBH sẽ soạn sẵn mẫu hợp đồng để bên mua bảo hiểm đồng ý ký kết hợp đồng. Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm phải chịu bất lợi hơn khi không thể yêu cầu sửa đổi hợp đồng mẫu. Do đó, Luật KDBH đã có những quy định về giải thích hợp đồng để “bù đắp” những bất lợi mà bên mua bảo hiểm phải chịu.
Theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 Luật KDBH, bên mua bảo hiểm có quyền và DNBH có nghĩa vụ “giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm”. DNBH phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Quy định này là hợp lý bởi DNBH là bên chuyên nghiệp nên có đầy đủ hiểu biết về các thuật ngữ chuyên môn trong HĐBH. Trong đó, trong lĩnh vực bảo hiểm con người, rất nhiều thuật ngữ chuyên môn về bảo hiểm không được định nghĩa trong HĐBH như giá trị hoàn lại, chi phí hợp lý, ngày tròn năm hợp đồng. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn đối với bên mua bảo hiểm. Năm 2006, các doanh nghiệp KDBH con người tại Việt Nam đã thống nhất được cách hiểu 29 thuật ngữ của bảo hiểm con người, chứng tỏ đây là một nội dung hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cần một hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật về các thuật ngữ này để việc áp dụng trên thực tế được thống nhất. Thực tế cho thấy, các hợp đồng mẫu về bảo hiểm hiện nay đa số có nhiều thuật ngữ khó hiểu nên mặc dù gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm – khách hàng nhưng họ không thể nhận ra ngay trừ khi có sự giúp đỡ tìm hiểu bởi chuyên gia về bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Luật KDBH quy định nguyên tắc chung giải thích HĐBH đó là “trong trường hợp HĐBH có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”. Luật KDBH không quy định cụ thể cách thức giải thích hợp đồng như thế nào. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, nguyên tắc này sẽ được áp dụng cùng với các nguyên tắc giải thích hợp đồng khác tại BLDS. BLDS quy định nguyên tắc giải thích hợp đồng sẽ thực hiện theo thứ tự: (i) theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập giao dịch; (ii) theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch; và (ii) theo tập quán nơi giao dịch được xác lập. Việc giải thích điều khoản HĐBH theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm không đồng nghĩa với việc Tòa án phải chấp nhận cách giải thích một điều điều khoản mà bên mua bảo hiểm đưa ra.
2.7. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm:
Điều 26 Luật KDBH ghi nhận quyền chuyển nhượng HĐBH của bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH, với điều kiện DNBH chấp thuận giao dịch chuyển nhượng đó. Sau khi chuyển nhượng hợp đồng, bên nhận chuyển nhượng sẽ trở thành bên mua bảo hiểm trong hợp đồng và thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Trên cơ sở so sánh với Điều 365 BLDS năm 2015, quy định tại Điều 26 Luật KDBH là phù hợp, khi tôn trọng thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm ban đầu và DNBH. Tuy nhiên, xét đến khía cạnh quan hệ bảo hiểm là một quan hệ đặc thù, quy định tại Điều 26 hiện tại vẫn còn mang tính chung chung và chưa bao quát được những trường hợp đặc thù của HĐBH, đặc biệt là HĐBH con người. Trong HĐBH con người, bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm không phải lúc nào cũng là cùng một người. Theo Điều 31 Luật KDBH, ngoài việc tự mua bảo hiểm cho bản thân, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng, và những người khác nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Nên, giữa bên mua bảo hiểm và bên được bảo hiểm phải có một mối liên hệ nhất định, theo đó, nếu việc bên được bảo hiểm phải chịu một tổn hại sẽ gây ra một tổn thất đối với bên mua bảo hiểm.
Để HĐBH cho một bên thứ ba được duy trì, thì quyền lợi có thể được bảo hiểm hay rủi ro phải được duy trì. Trong trường hợp chuyển nhượng HĐBH, thì bên nhận chuyển nhượng phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với bên được bảo hiểm, nếu không thì HĐBH sẽ chấm dứt ngay lập tức do quyền lợi có thể được bảo hiểm không còn. Do đó, điều kiện tiên quyết trong chuyển nhượng HĐBH con người, là bên nhận chuyển nhượng phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với bên được bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 26 và các quy định ở mục HĐBH con người hiện tại đều không quy định về điều kiện chuyển nhượng đối với HĐBH con người.
2.8. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm:
Điều 23 và Điều 24 Luật KDBH quy định các trường hợp chấm dứt HĐBH và hậu quả pháp lý tương ứng, bao gồm các trường hợp quy định tại BLDS và một số trường hợp cụ thể khác. Bằng cách quy định như hiện tại, Luật KDBH bảo đảm sự thống nhất đối với quy định tại BLDS. Những trường hợp chấm dứt hợp đồng quy định tại Điều 23 là sự quy định chi tiết hơn một số trường hợp chấm dứt hợp đồng tại BLDS trong bối cảnh của HĐBH. Cụ thể:
Một là, bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là các quyền lợi gắn với đối tượng bảo hiểm mà có khả năng sẽ bị tổn hại, và khi bị tổn hại sẽ gây ra một tổn thất cho người mua bảo hiểm. Quan hệ bảo hiểm nhắm đến khả năng bị tổn hại hay rủi ro của các quyền lợi đó. Nếu rủi ro xảy ra, DNBH sẽ chia sẻ rủi ro đối với bên mua bảo hiểm bằng việc trả một khoản bồi thường theo thỏa thuận cho bên mua bảo hiểm. Nếu quyền lợi gắn với đối tượng bảo hiểm không còn khả năng bị tổn hại trong tương lai, tức là không có khả năng xảy ra rủi ro, thì hợp đồng giữa DNBH và bên mua bảo hiểm sẽ trở nên vô nghĩa. Do đó, có thể hiểu rằng hợp đồng sẽ chấm dứt trên cơ sở đối tượng của hợp đồng không còn như quy định tại BLDS.
Trong trường hợp, theo quy định tại Điều 24, sau khi HĐBH chấm dứt, DNBH phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của HĐBH mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến HĐBH. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp đối với các HĐBH mà theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng toàn bộ phí bảo hiểm trong một lần. Đối với các HĐBH con người, bên mua bảo hiểm đóng phí định kỳ thì DNBH sẽ không thể hoàn phí trên cơ sở Điều 24.
Hai là, bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH, hoặc đã gia hạn thời hạn đóng phí bảo hiểm nhưng tiếp tục không đóng đủ phí bảo hiểm trong khoảng thời gian gia hạn đã thỏa thuận. Theo Điều 12 Luật KDBH, HĐBH là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và DNBH, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm để đổi lại quyền hưởng tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Do đó, nghĩa vụ đóng phí là nghĩa vụ cơ bản của bên mua bảo hiểm trong HĐBH. Việc bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm có thể coi là một vi phạm nghiêm trọng nghĩa của HĐBH, và là cơ sở để DNBH đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng theo quy định của BLDS. Trong trường hợp này, sau khi hợp HĐBH chấm dứt, thì bên mua bảo hiểm phải đóng đủ phí bảo hiểm cho đến thời điểm chấm dứt hợp đồng hoặc cho đến hết thời gian gia hạn theo thỏa thuận.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam:
Thứ nhất, HĐBH là một loại hợp đồng chuyên biệt nên hậu quả pháp lý của hành vi không tuân thủ nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực sẽ chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành là Luật KDBH. Khi có hành vi “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” thì sẽ áp dụng Điều 19 Luật KDBH và khi một trong các bên có hành vi “lừa dối khi giao kết hợp đồng” sẽ áp dụng điểm d khoản 1 Điều 22 Luật KDBH. Như vậy, cần đặt ra vấn đề giải thích thế nào là “lừa dối khi giao kết hợp đồng” và xác định những tiêu chí nhất định để phân định rõ với hành vi “cố ý cung cấp thông tin không đúng sự thật” để từ đó các bên trong HĐBH có thể áp dụng những chế tài phù hợp, tránh tranh chấp giữa các bên. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, do vậy, việc giải thích và áp dụng các điều luật này phụ thuộc vào việc xét xử của Tòa án. Do vậy, Điều 92 Luật KDBH nên bỏ cụm từ “nhằm giao kết HĐBH”.
Thứ hai, nên bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật KDBH để phù hợp với quy định của BLDS năm 2015. Theo đó, bổ sung trường hợp không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người mất năng lực hành vi dân sự (ngoài người mắc bệnh tâm thần) và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp năng lực hành vi dân sự không đầy đủ, cũng cần loại trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản, chứ không chỉ áp dụng quy định loại trừ này đối với người dưới 18 tuổi.
Thứ ba, đối với thay đổi phí bảo hiểm khi có sự thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm. Nên quy định theo hướng phân biệt giữa nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan trong sự kiện tăng mức độ rủi ro được bảo hiểm; theo đó, trong trường hợp có sự thay đổi các yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm mà nguyên nhân là do bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm, thì DNBH có quyền tăng phí bảo hiểm và được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên mua bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm không đồng ý với đề xuất tăng phí.
Thứ tư, nên hoàn thiện các quy định ràng buộc nghĩa vụ pháp lý đối với đại lý bảo hiểm và tổ chức giám định tổn thất. Pháp luật cần có quy định ràng buộc nghĩa vụ pháp lý đối với các chủ thể trên khi họ có tác động trực tiếp đến việc thỏa thuận trong HĐBH hoặc ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền lợi của bên mua bảo hiểm, DNBH trong HĐBH.
Thứ năm, đối với điều khoản loại trừ trách nhiệm. Nên
sung quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật KDBH để phù hợp với quy định của BLDS năm 2015. Theo đó, bổ sung trường hợp không được giao kết HĐBH con người cho trường hợp chết của người mất năng lực hành vi dân sự (ngoài người mắc bệnh tâm thần) và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp năng lực hành vi dân sự không đầy đủ, cũng cần loại trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản, chứ không chỉ áp dụng quy định loại trừ này đối với người dưới 18 tuổi.
Thứ sáu, đối với điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Nên sửa đổi khoản 3 Điều 16 theo hướng bổ sung chủ thể “bên được bảo hiểm” cũng là chủ thể được miễn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm trong các trường hợp được quy định tại Điều 16. Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung nội dung. Điều 39 theo hướng quy định những sự kiện sau sẽ miễn trừ trách nhiệm bảo hiểm của DNBH: (i) Hành vi phạm tội hoặc hành vi cố ý vi phạm pháp luật khác của bên được bảo hiểm; (ii) Hành vi cố ý sát hại hoặc gây thương tật cho người được bảo hiểm của bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; (ii) Hành vi tự tử của người được bảo hiểm khi HĐBH có hiệu lực dưới 24 tháng; (iv) Hiện tượng thời tiết thay đổi đột ngột (sóng thần, động đất, núi lửa, lũ, lụt, bão), chiến tranh, nội chiến, nổi loạn và các hiện tượng khách quan khác có tính chất thảm họa.
Như vậy, nghiên cứu hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nói chung ta thấy rằng, pháp luật về hợp đồng bảo hiểm đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ số hoá đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc nghiên cứu sửa đổi những quy định không còn phù hợp, gây khó khăn vướng mắc trong thực tiễn đối với lĩnh vực bảo hiểm là vô cùng cần thiết và cấp bách.