Bộ luật Hình sự 2015 ra đời đã kế thừa những thành tựu về lập pháp hình sự của Nhà nước ta, đồng thời, có sự điều chỉnh thích hợp với những đổi mới trong lòng xã hội Việt Nam hiện nay theo xu thế hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan đã được các nhà làm luật của nước ta quan tâm từ rất sớm, nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của Việt Nam đối với những người phạm tội nhưng có xem xét đến tính chất, mức độ và cả nhân thân của người phạm tội, từ đó, có thể định khung hình phạt chính xác nhất. Các giai đoạn lịch sử lập pháp về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan được thể hiện như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái quát lịch sử lập pháp về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan trong pháp luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến trước Bộ luật Hình sự 1999:
- 2 2. Khái quát lịch sử lập pháp về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan trong pháp luật hình sự Việt Nam từ Bộ luật Hình sự 1999 đến nay:
1. Khái quát lịch sử lập pháp về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan trong pháp luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến trước Bộ luật Hình sự 1999 :
Sau khi xóa bỏ hệ thống pháp luật của thực dân Pháp cùng với việc ra đời Hiến pháp năm 1946, hệ thống pháp luật của nước ta dần được xây dựng, trở thành công cụ phục vụ sự nghiệp giữ gìn độc lập, tự do của Tổ quốc và quản lý, điều hành trật tự an ninh, xã hội. Trong đó, pháp luật hình sự của nước ta dần dần hình thành và phát triển. Vị trí pháp lý của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong những năm đầu tiên mới giành chính quyền chủ yếu được ghi nhận trong các Sắc lệnh của chủ tịch nước. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong giai đoạn này đều có đặc điểm là chưa được pháp luật hình sự đặt tên cụ thể ngoài việc chỉ ra một số trường hợp đáng được xử lý khoan hồng.
Bước sang giai đoạn 1955 – 1985 là giai đoạn pháp luật hình sự đã có bước phát triển cao hơn. Dần xuất hiện những quy định về các tình tiết giảm nhẹ” được áp dụng chung cho một số loại tội phạm. Danh mục này thể hiện tại Điều 20 Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967, Điều 23 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21/10/1970 và Điều 19 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21/10/1970. Thực tiễn áp dụng đã thừa nhận quan điểm “các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khá phong phú và đa dạng, không những liên quan đến hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội mà còn liên quan đến chính sách khoan hồng của Nhà nước trong xử lý tội phạm”.
Pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật trước năm 1985 là nền tảng quan trọng cho công tác pháp điển pháp luật hình sự, được ghi nhận trong lời nói đầu của Bộ luật Hình sự năm 1985: “Bộ luật hình sự này kế thừa và phát triển Luật hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay, tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm ở nước ta trong mấy chục năm qua và có dự kiến tình hình diễn biến của tội phạm trong thời gian tới”. Với sự ra đời của Bộ luật Hình sự năm 1985, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam đã có một điều luật riêng biệt quy định về danh mục các tình tiết giảm nhẹ tại Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 1985 với tên gọi là “Các tình tiết giảm nhẹ”. Đồng thời, thực tiễn áp dụng pháp luật không chỉ giới hạn việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được quy định trong Bộ luật Hình sự mà còn mở rộng tới các tình tiết giảm nhẹ khác về trách nhiệm hình sự (trách nhiệm hình sự ) và cho phép Tòa án có thể quyết định một hình phạt nhẹ hơn so với chế tài. Trong các quy định của Bộ luật Hình sự 1985 đã xuất hiện các quy định chung đầu tiên của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan như: “Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cần thiết…”
2. Khái quát lịch sử lập pháp về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan trong pháp luật hình sự Việt Nam từ Bộ luật Hình sự 1999 đến nay:
Trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự năm 1999 tiếp tục quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 46 nhưng có sự sửa đổi, bổ sung những quy định mới. Có thể tóm tắt những điểm mới đó như sau:
– Về tên gọi : được đặt lại theo hướng chính xác hơn là “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”. Trong Bộ luật Hình sự năm 1985 các quy định này có tên gọi là “các tình tiết giảm nhẹ” và được ghi nhận trong phần quyết định hình phạt nên dễ đưa đến sự ngộ nhận rằng đây chỉ là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Trong khi đó, hình phạt chỉ là một hình thức chủ yếu của trách nhiệm hình sự nên giảm trách nhiệm hình sự không chỉ được hiểu là giảm hình phạt. “Việc quy định chính xác tên gọi có ý nghĩa xác định chính xác nội hàm giá trị ảnh hưởng của nhóm tình tiết này đến trách nhiệm hình sự gồm ảnh hưởng của chúng đến mức hình phạt cần áp dụng, khả năng áp dụng các biện pháp hình sự khác như biện pháp tư pháp thay thế hình phạt, án treo, miễn hình phạt”.
– Về kết cấu điều luật: Có nhiều điểm của Bộ luật Hình sự năm 1985 (điểm a, b, d, e, g, h khoản 1 Điều 38) được tách ra thành hai hoặc ba điểm quy định các nhóm tình tiết giảm nhẹ của khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999.
– Về nội dung: So với Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có xuất hiện tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan mới được bổ sung vào khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã bổ sung khoản 3 Điều 46 quy định về nguyên tắc áp dụng các tình tiết này nhằm bổ sung cho thiếu sót của Bộ luật Hình sự năm 1985. Theo đó: “Các tình tiết giảm nhẹ được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là các tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt. So với Bộ luật Hình sự năm 1985 thì Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về nguyên tắc này rõ ràng hơn. Quy định này đã khắc phục được tình trạng nhận thức sai và áp dụng hình phạt nhẹ hơn mức cần thiết đối với bị cáo. Bộ luật Hình sự năm 1985 chỉ quy định: Những tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng nhưng lại không quy định nguyên tắc này đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên thực tiễn xét xử đã hiểu và áp dụng không thống nhất, có Tòa án vẫn coi là tình tiết giảm nhẹ khi tình tiết đó đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt.
Pháp luật Hình sự Việt Nam hiện hành (Bộ luật Hình sự năm 2015) ra đời đã kế thừa những thành tựu về lập pháp hình sự của Nhà nước ta trong nhiều thập kỷ qua đồng thời có sự điều chỉnh thích hợp với những đổi mới trong lòng xã hội Việt Nam hiện nay theo xu thế hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 23 tình tiết giảm nhẹ luật định, trong đó bao gồm cả các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt khách quan, thuộc mặt chủ quan hay thuộc về nhân thân của người phạm tội (dựa trên cách phân loại theo các yếu tố cấu thành tội phạm).