Khái niệm pháp luật cho đến nay vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau tùy thuộc vào từng trường phái hay quan điểm nhận thức về pháp luật. Nhìn từ góc độ nguồn gốc pháp luật, chúng ta có pháp luật tự nhiên và pháp luật thực định. Bài viết sẽ tập trung tìm hiểu về pháp luật thực định.
Mục lục bài viết
1. Pháp luật thực định là gì?
Pháp luật thực định là tổng thể các quy phạm pháp luật hiện hành đang có hiệu lực pháp luật của một nhà nước ở một thời điểm nhất định.
Ví dụ: Pháp luật Việt Nam. Dưới góc độ này, pháp luật Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau, được phân định thành các ngành luật, các chế định pháp luật, được thể hiện trong cảc hình thức pháp luật mà cơ bản là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, án lệ và tập quán pháp.
Hệ thống pháp luật thực định của một quốc gia có thể được xem xét trên các phương diện: Hình thức cấu trúc, nội dung và hình thức thể hiện.
– Cấu trúc: Về mặt cấu trúc, hệ thống pháp luật thực định là thể thống nhất các ngành luật, trong đó mỗi ngành luật lại được coi là một hệ thống nhỏ hơn bao gồm các chế định pháp luật và mỗi chế định lại bao gồm nhiều quy phạm pháp luật.
– Nội dung: Hệ thống pháp luật thực định là sự phản ánh các điều kiện kinh tế – xã hội, truyền thống, lịch sử, phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lý dân tộc của một đất nước trong một giai đoạn phát triển cụ thể của lịch sử. Do vậy, nội dung của hệ thống pháp luật của các nước khác nhau sẽ khác nhau và nội dung pháp luật của cùng một nước nhưng ở các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử cũng khác nhau.
– Các hình thức thể hiện của pháp luật mà cơ bản là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật thực định được thể hiện trong các hình thức pháp luật như tập quán pháp, án lệ, văn bản quy phạm pháp luật mà chủ yếu là trong một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao thấp khác nhau, bao gồm các văn bản luật và văn bản dưới luật.
Ví dụ: ở Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp theo trật tự giá trị pháp lý từ cao xuống thấp như sau:
– Hiến pháp;
– Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội;
– Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
– Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
– Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán
– Thông tư của Chánh án
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt;
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện;
– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã;
– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Pháp luật thực định trong tiếng Anh là “provisions of law”.
2. Tìm hiểu về trường phái học thuyết pháp luật thực định:
Theo quan điểm của trường pháp luật tự nhiên, pháp luật là hình thức tồn tại của công lý. Pháp luật là biểu hiện của công lý. Pháp luật phải phù hợp với lẽ công bằng. Pháp luật bất công không được coi là pháp luật. Trường hợp, một chính quyền áp đặt một thứ pháp luật bất công thì dân chúng không có nghĩa vụ phải tuân thủ thứ pháp luật ấy.
Còn trường phái khoa học pháp lí cho rằng chỉ nên nghiên cứu pháp luật trong bản thân pháp luật, không nên gắn pháp luật với các hiện tượng xã hội khác như chính trị, đạo đức, tôn giáo, quan hệ kinh tế. Các nhà pháp luật thực định phủ nhận pháp luật tự nhiên, xem pháp luật tự nhiên là sự lẫn lộn của Ií trí, là pháp luật không tồn tại trong thực tế. Các nhà pháp luật thực định cũng phủ nhận cơ sở kinh tế và tính giai cấp của pháp luật.
Với quan điểm của trường phái pháp luật thực chứng (trường phái thực chứng pháp lý), pháp luật là những gì nhà cầm quyền (nhà nước) hoặc cộng đồng mà nhà nước đó đại diện coi là pháp luật. Với quan niệm này, pháp luật là sản phẩm sáng tạo của con người. Pháp luật có nguồn gốc rõ ràng và việc xác định ranh giới cái gì là pháp luật với cái gì không phải pháp luật sẽ trở nên đơn giản hơn.
Tuy nhiên, do con người không phải đấng toàn năng, pháp luật, cũng giống như các sản phẩm khác do con người tạo ra, đôi khi có những khuyết tật, thậm chí là những điểm mà qua thời gian, có thể không được coi là công bằng, hợp lý. Quan điểm của phái thực chứng pháp lý, nếu đi kèm với một chế độ thiếu dân chủ, sẽ có thể dẫn tới xu hướng áp đặt giá trị của giới cầm quyền lên xã hội trái với nguyện vọng của dân chúng. Trường phái pháp luật thực chứng, vì thế, có thể đưa ra các biện minh cho tính chính đáng của các quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế, thậm chí là các quy phạm bất hợp lý, bất công, không coi trọng giá trị nhân phẩm của con người.
Khi nó đặc trưng cho một quan niệm về khoa học pháp lý, chúng ta có thể phân làm hai phái sinh của “thực chứng”: thuyết quy chuẩn và thuyết duy thực:
– Thuyết quy chuẩn hướng tới thiết lập một khoa học theo mô hình phái sinh từ các khoa học thực nghiệm, nhưng lại là khoa học về một đối tượng không mang tính thực nghiệm – các quy phạm.
– Thuyết duy thực tham vọng “cô đọng” luật pháp lại thành tập hợp các sự kiện – hành xử của cơ quan tư pháp, và từ đó biến khoa học pháp lý thành một khoa học thực nghiệm. Liên quan đến lý luận pháp luật, các tác giả mà chúng ta vẫn thường gọi là các nhà lý luận luật học ủng hộ thực chứng pháp lý, những người này ủng hộ các luận thuyết rất đa dạng và thường là không ăn nhập với nhau.
Tuy nhiên có một chủ đề chung có sự thống nhất giữa những người này là sự tán thành tách luật pháp ra khỏi đạo đức. Người ta vẫn nhìn nhận rằng luận thuyết thực chứng pháp luật quan niệm nội dung của luật pháp hoàn toàn trung lập về mặt đạo đức. Ý tưởng như thế bị bác bỏ bởi chính thuyết thực chứng pháp luật, vốn nhấn mạnh rằng, các quy phạm pháp luật thể hiện những lựa chọn về mặt đạo đức của những người tạo ra nó. Sự tách bạch giữa pháp luật và đạo đức chỉ thể hiện ở chỗ nghĩa pháp luật không được xây dựng dựa trên một hệ quy chiếu đạo đức nào đó (Ví dụ: luật pháp thần quyền). Trường phái pháp luật thực chứng cũng thường có xu hướng thiếu chú ý thỏa đáng tới khoảng cách giữa pháp luật và thực tế.
Trong quy trình xây dựng pháp luật, có lẽ, trường phái pháp luật tự nhiên sẽ có giá trị đặc biệt trong công đoạn soạn thảo để xây dựng pháp luật, còn trường phái thực chứng pháp lý sẽ có giá trị rất hữu ích trong giai đoạn áp dụng và thực thi pháp luật. Những khuyết tật của trường phái thực chứng pháp lý có lẽ sẽ khắc phục được tốt hơn nếu pháp luật là sản phẩm của quá trình xây dựng đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và là sản phẩm của chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân, thứ chính quyền mà chủ quyền cai trị xã hội đích thực phải thuộc về nhân dân.
3. Đặc trưng của học thuyết pháp luật thực định ở một số quốc gia:
Cho tới gian đoạn gần đây, triết học pháp luật được nghiên cứu theo cách hoàn toàn khác nhau ở mỗi quốc gia, với những truyền thống và đặc trưng riêng:
– Tại Đức, triết học pháp luật đã từng phát triển cực thịnh từ đầu thế kỷ 19, xuất phát từ nhiều nhân tố khác nhau, trước hết là sự phát triển mạnh mẽ của triết học nói chung tại nước này, tiếp đó xuất phát từ các cuộc tranh luận xoay quanh cấu trúc và vai trò của Nhà nước (so với nhiều quốc gia Châu Âu, Đức là một quốc gia non trẻ). Tại Đức, tranh luận giữa những người theo thuyết tự nhiên và những người ủng hộ thực chứng học đã diễn ra rất gay gắt trong những năm 30 khi đảng Quốc – xã lên nắm quyền. Tranh luận giữa hai trường phái này được tiếp tục sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong bối cảnh chính trị và thể chế đặc biệt của nước Đức trong giai đoạn này: Chủ nghĩa thực chứng bị cáo buộc đã giúp sức cho sự nắm quyền của chế độ phát xít toàn trị, nhờ thế một số ý tưởng của trường phái luật tự nhiên được ghi nhận vào trong hiến pháp mới của nước Đức sau chiến tranh.
– Tại Italy, cũng thường diễn ra tranh luận giữa những người Công giáo (ủng hộ thuyết tự nhiên) và những người thế tục (theo chủ nghĩa thực chứng). Người ta cũng ghi nhận các xu hướng triết học pháp luật mới tại nhiều quốc gia: chủ nghĩa thực chứng phân tích tại Italy, chủ nghĩa duy thực ở các nước Bắc Âu.
Mặt khác, những thay đổi sâu rộng của xã hội Phương Tây sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng đặt ra những vấn đề mới, ví dụ như câu hỏi về các cơ sở của các quy phạm mới, sự thích đáng của các khái niệm pháp lý truyền thống trong bối cảnh mới, đánh giá lại vai trò của Nhà nước và cách thức Nhà nước đảm bảo vai trò đó mở đường cho triết học pháp luật những chân trời nghiên cứu mới.