Không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, phong trào vận động cho các quyền hôn nhân và gia đình của nhóm người LGBT còn diễn ra đối với các tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực trong phạm vi toàn cầu.
Mục lục bài viết
1. Pháp luật quốc tế về quyền hôn nhân và gia đình của nhóm người LGBT:
Trong nhiều thập kỷ qua, các tổ chức nhân quyền thế giới đã nỗ lực đấu tranh cho những quyền cơ bản của con người, trong đó quyền của nhóm người LGBT là một trong những quyền đang được vận động pháp điển hóa trong luật quốc tế. Những người ủng hộ quyền của nhóm người LGBT đã lập nên các tổ chức và phát động những phong trào mang tính chất toàn cầu để vận động cho việc thừa nhận và pháp điển hóa các quyền được kết hôn của nhóm người LGBT; quyền của các cặp đồng giới nam được nhận nuôi con nuôi; và trên hết là quyền của tất cả những người LGBT không bị phân biệt đối xử do xu hướng tình dục và bản dạng giới của họ. Không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, phong trào vận động cho các quyền HN&GĐ của nhóm người LGBT còn diễn ra đối với các tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực trong phạm vi toàn cầu.
Liên hiệp quốc với vai trò là một tổ chức dẫn đầu về bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc tế, trong đó có quyền của nhóm người LGBT. Trong Hiến chương của Liên hiệp quốc về nhân quyền 1945 là lần đầu tiên đề cập đến các quyền con người và đưa quyền con người đến với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ để quyền con người được công nhận khắp nơi trên thế giới. Quyền con người được đề cập từ đầu đến cuối của Hiến chương kể cả trong lời nói đầu của Hiến chương đã viết: “công nhận các quyền cơ bản của con người, phẩm chất và giá trị của con người, và quyền bình đẳng giữa nam và nữ...”. Hiến chương là lời tuyên bố về bình đẳng, không phân biệt với tất cả cá nhân về các quyền của con người, họ có sự tôn trọng, sự tự do cơ bản không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và giới tính. Trước tình trạng phân biệt giới tính diễn ra ở các quốc gia thì Hiến chương là sự ngăn chặn và bảo vệ quyền công bằng của nhóm người yếu thế hơn. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của xu hướng tính dục, bản dạng giới của nhóm người LGBT, vấn đề bình đẳng còn được hiểu là lá chắn bảo vệ quyền bình đẳng của nhóm người LGBT trước những kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội với nhóm người này. Trong nhiều năm trở lại đây, Liên hiệp quốc đã cố gắng để công nhận nhóm người LGBT với xu hướng tính dục đồng tính tồn tại song song với xu hướng tính dục dị tính, để các quốc gia công nhận quyền bình đẳng của họ.
Với Công ước quốc tế về quyền trẻ em là văn bản pháp luật quốc tế quy định một cách toàn diện nhất về quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em. Ngay lời nói đầu của Công ước đã cho rằng trẻ em “do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý cũng như sau khi ra đời”; “để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm”. “Các quốc gia thành viên Công ước phải tôn trọng và bảo đảm các quyền được nêu ra tại Công ước đối với mọi trẻ em thuộc quyền tài phán của mình mà không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, chính kiến hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, tình trạng khuyết tật, thành phần xuất thân hay địa vị khác của trẻ em, cha mẹ hay người giám hộ hợp pháp của trẻ em đó” (Điều 2). Đây là một quy định hết sức toàn diện, bao quát được tất cả trẻ em trên toàn thế giới (trong đó có trẻ em thuộc nhóm LGBT) được đảm bảo một cách bình đẳng về toàn bộ quyền cơ bản của mình. Có thể khẳng định, Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã ghi nhận những quyền cơ bản của con người mà trẻ em được hưởng, đặc biệt, công ước đã chỉ ra được những đặc thù cơ bản của trẻ em dựa trên độ tuổi và khả năng nhận thức để được ưu tiên hơn trong việc thực hiện các quyền cơ bản của mình. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để pháp luật quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội quy định chi tiết các quyền cơ bản của trẻ em, đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.
Để giải quyết những vấn đề về quyền cho nhóm người LGBT một văn kiện hết sức quan trọng cần phải được nhắc đến là Những nguyên tắc Yogyakarta. Ngày 26/3/2007, một nhóm chuyên gia nhân quyền đưa ra bộ Yogyakarta Principles (Nguyên tắc Yogyakarta) để áp dụng Luật Nhân quyền cho những vấn đề có liên quan đến xu hướng tính dục và bản dạng giới. Các nguyên tắc này xác định nghĩa vụ của các quốc gia là phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện quyền con người của tất cả mọi người bất kể xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của họ. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang vận động để đưa những nguyên tắc Yogyakarta vào trong pháp luật của họ. Trong đó có các quyền tự do dân chủ của công dân, ban hành các luật về những quyền chưa được cụ thể hóa như: quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, quyền được trưng cầu dân ý, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận thông tin... Quyền của nhóm người LGBT được thể hiện rõ nhất trong 3 nguyên tắc đầu tiên của bộ nguyên tắc này như: Quyền được thụ hưởng mọi quyền con người trên toàn cầu: Mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng về quyền và phẩm giá. Mọi người, bất kể khuynh | hướng tính dục hay bản dạng giới đều được hưởng đầy đủ các quyền con người; Các quyền về bình đẳng và không phân biệt đối xử: Mọi người đều có quyền được thụ hưởng mọi quyền con người mà không bị phân biệt đối xử vì khuynh hướng tính dụng hay bản dạng giới của họ; Quyền được công nhận trước pháp luật: Mọi người ở mọi nơi đều có quyền được công nhận là một cá nhân trước pháp luật. Những cá nhân thuộc các nhóm khuynh hướng tính dục và bản dạng giới khác nhau đều được hưởng năng lực pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống. Xu hướng tính dục và bản dạng giới của riêng mỗi người là một phần không thể tách rời với nhân cách của họ và là một trong những bộ phận cơ bản nhất của sự quyết tâm cá nhân, phẩm giá và tự do; Quyền được sống: Mọi người đều có quyền được sống. Không ai có thể bị tước đoạt quyền sống một cách tùy tiện, kể cả dựa trên các lý do khuynh hướng tính dục hoặc bản dạng giới. Không ai có thể bị xử tử hình và các hành vi tình dục tự nguyện giữa các cá nhân đủ tuổi, tự nguyện hoặc vì khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của họ... Bộ nguyên tắc Yogyakarta là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên ghi nhận và bảo vệ quyền của nhóm người LGBT. Bộ nguyên tắc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiến tới xóa bỏ hoàn toàn sự kỳ thị người LGBT trên thế giới. Các quốc gia đang xem xét, xây dựng Luật cho người LGBT có thể xem bộ nguyên tắc này như nguồn để từ đó xây dựng lên một văn bản pháp luật phù hợp nhất cho quốc gia mình nhưng vẫn đảm bảo không vi phạm Luật quốc tế.
Đồng hành cùng với các tổ chức nhân quyền bảo vệ quyền của nhóm người LGBT và sự công khai của nhóm này, ngày 18/12/2008, Tuyên bố của Liên hiệp quốc về định hướng tình dục và sự đồng giới ” đã được thông qua. Nội dung của Tuyên bố lên án những hành vi bạo lực, quấy rối, phân biệt đối xử, loại trừ, kỳ thị, định kiến, sự giết hại, hành quyết, tra tấn, bắt giữ tùy tiện và tước bỏ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa dựa trên định hướng tình dục và sự đồng giới. Tuyên bố này nhận được sự ủng hộ của nhóm các nước ghi nhận và có pháp luật bảo vệ quyền của nhóm người LGBT. Văn bản này được coi là một bước đột phá mới trên lĩnh vực quyền con người trên diễn đàn Liên hiệp quốc, nhưng nó bị phản đối bởi một số quốc gia không thừa nhận nhóm người LGBT, trong đó đặc biệt là các nước thuộc khối Ả–rập và Vatican. Những quốc gia phản đối cho rằng, việc pháp điển hóa hôn nhân và các quan hệ dân sự đối với nhóm người LGBT có thể làm tổn hại đến đức tin của các tôn giáo cũng như đến các giá trị đạo đức và quan hệ xã hội. Có thể thấy cho tới nay, Liên hợp quốc đã có nỗ lực từng bước trong việc chỉ ra những vi phạm đối với người LGBT, cũng như yêu cầu các quốc gia có những hành động cụ thể tuân theo các điều luật nhân quyền quốc tế để chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền. Với quan điểm rõ ràng này của Liên hợp quốc và những động thái chung tích cực của những người có lương tri trên khắp thế giới, nhóm người LGBT có quyền hy vọng vào một tương lai tự do, bình đẳng và không còn phải chịu những sự phân biệt đối xử không đáng có.
Như vậy, các quy định pháp lý quốc tế đã khẳng định tất cả mọi người, bao gồm cả nhóm người LGBT đều được bảo vệ theo những quy định trong các văn bản pháp lý và được tôn trọng quyền được sống, an toàn cá nhân và riêng tư, quyền không bị tra tấn, bị bắt giữ tuỳ tiện, quyền không bị phân biệt đối xử... Các văn bản pháp lý quốc tế đã nhấn mạnh nguyên tắc không phân biệt đối xử là một nguyên tắc cốt lõi để đảm bảo quyền con người của nhóm người LGBT, do đó các quốc gia thành viên phải đảm bảo các chính sách, pháp luật và chương trình không mang tính chất phân biệt đối xử.
2. Pháp luật của một số quốc gia về quyền hôn nhân và gia đình của nhóm người LGBT:
Mặc dù những người LGBT là một bộ phận hợp thành nên nhân loại nhưng thực tế cho thấy các quốc gia trên thế giới đều có những cách tiếp cận khác nhau về quyền và bảo vệ quyền của nhóm người LGBT. Có thể chia các quốc gia thành các nhóm như sau: các quốc gia công nhận và bảo vệ đầy đủ quyền của nhóm người LGBT; các quốc gia có quan điểm hài hòa các quan hệ xã hội liên quan đến người LGBT, nhưng chưa công nhận đầy đủ các quyền của người LGBT trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; các quốc gia theo quan niệm hạn chế về quyền hôn nhân và gia đình đối với nhóm người LGBT; các quốc gia phủ nhận quyền người LGBT, phân biệt đối xử, coi quan hệ đồng giới là tội phạm.
2.1. Các quốc gia công nhận các quyền HN&GĐ đầy đủ đối với nhóm người LGBT:
Các quốc gia công nhận và bảo vệ quyền HN&GĐ đầy đủ của nhóm người LGBT, theo đó, nhóm người LGBT được hưởng đầy đủ các quyền giống với mọi cá nhân khác như quyền bình đẳng, quyền được công nhận trước pháp luật, quyền kết hôn, quyền nuôi con nuôi... Một trong số những quốc gia đã bảo vệ và thừa nhận quyền của nhóm người LGBT có thể kể đến như Hà Lan, Canada, Pháp, Thụy Điển,... Hà Lan là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc ghi nhận các xu hướng mới về quyền con người trong đó có quyền của nhóm người LGBT. Hiến pháp Hà Lan đã quy định: “Tất cả mọi người Hà Lan sẽ được đối xử bình đẳng. Việc phân biệt đối xử dựa trên các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, quan điểm chính trị, chủng tộc giới tính hay bất kỳ yếu tố nào khác sẽ không được phép” (Điều 1 Hiến pháp Hà Lan ngày 17/1/1983 (sửa đổi bổ sung năm 1989)”. Đồng thời trong Chương về quyền Cơ bản (chương 1) của Hiến pháp Hà Lan cũng quy định theo hướng mở và ngầm thể hiện cấm phân | biệt đối xử đối với các vấn đề về giới tính hay xu hướng tính dục. Năm 2000,
Hà Lan là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa kết hôn đồng giới. Theo đó Bộ Luật Dân sự Hà Lan cũng được sửa đổi thành: “Một hôn nhân có thể được xây dựng bởi hai người cùng giới hoặc khác giới”. Đạo luật này không chỉ cho phép kết hôn đồng tính mà còn cho phép họ được nhận con nuôi chung. Sau khi đạo luật được thông qua, phần lớn người dân Hà Lan đã ủng hộ, khoảng 62% người Hà Lan khi được hỏi ý kiến đã ủng hộ hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên đạo luật này vẫn vấp phải sự phản đối dữ dội của thiên chúa giáo và các đảng cánh hữu khác. Chính vì vậy một số nhà thờ của Hà Lan hiện nay vẫn từ chối đăng ký kết hôn cho các cặp đồng tính.
Ngoài Hà Lan thì Liên bang Canada là một trong những quốc gia thể hiện rõ quan điểm lập pháp về bảo vệ quyền của người LGBT. Liên bang Canada là một trong các quốc gia được đánh giá là quốc gia phát triển về bảo vệ quyền của người đồng giới. Tại Phần I Hiến pháp Canada quy định mỗi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền được bảo vệ lợi ích mà không bị phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, nòi giống, dân tộc, tôn giáo, màu da, giới tính tuổi tác hoặc khuyết tật về tâm thần thể chất. (Điều 15) *. Như vậy, nguyên tắc cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp Canada. Đây chính là nền tảng quan trọng để đảm bảo quyền đẳng cho người LGBT tại Canada. Đối với vấn đề kết hôn đồng giới, Canada là một trong những quốc gia đầu tiên thừa nhận chính thức hôn nhân đồng giới vào tháng 7 năm 2005 sau khi Thượng nghị viện nước này bỏ phiếu đa số tán thành Đạo luật Hôn nhân đồng giới, cho phép người LGBT được nhận con nuôi cũng như đầy đủ các quyền khác trong lĩnh vực HN&GĐ.
2.2. Các quốc gia công nhận hạn chế một số quyền HN&GĐ đối với nhóm người LGBT:
Một số quốc gia ban hành luật cấm phân biệt đối xử, kỳ thị với nhóm người LGBT ở các quyền dân sự, nhưng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình chỉ cho phép xác định quan hệ hôn nhân đồng giới là kết hợp dân sự và đăng ký cặp đôi để chung sống mà không thừa nhận việc kết hôn của nhóm người LGBT. Điển hình là luật pháp của Hy Lạp, năm 2015, kết hợp dân sự đã được hợp pháp hóa cho các cặp đồng giới, khiến các hộ gia đình đứng đầu bởi các cặp đồng giới đủ điều kiện cho nhiều người, nhưng không phải tất cả, các biện pháp bảo vệ và quyền hợp pháp dành cho các cặp vợ chồng khác giới. Năm 2017, người chuyển giới đã được cấp quyền thay đổi giới tính hợp pháp của họ mà không phải trải qua phẫu thuật thay đổi bộ phận sinh dục của họ để thay đổi khóa thẻ căn cước. Năm 2018, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua luật cho phép các cặp đồng giới có quyền chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em nhưng vẫn còn những hạn chế như về vấn đề con nuôi chung của các cặp đồng giới, mang thai hộ ở các cặp đồng tính nam,...
2.3. Các quốc gia không ghi nhận và bảo vệ quyền HN&GĐ của nhóm người LGBT:
Ngoài những quốc gia coi nhóm người LGBT là một thực tế khách quan của xã hội và có hành lang pháp lý ghi nhận và bảo vệ họ thì có những quốc gia vẫn theo quan điểm truyền thống hạn chế quyền hôn nhân và gia đình của nhóm người này, có thể kể đến như: Liên Bang Nga, Nhật Bản, Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên... Cá biệt có những quốc gia phủ nhận quyền của nhóm người LGBT thậm chí còn coi quan hệ đồng tính là tội phạm (ví dụ như: các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Somalia và Sudan...).