Bài viết dưới đây là tổng hợp các mẫu Phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài Đoàn thuyền đánh cá hay nhất. Chúc các bạn có thêm nhiều tài liệu để ôn tập thật tốt. Cùng tham khảo nhé.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của người lao động trong đoàn thuyền đánh cá:
1.1. Mở Bài:
Giới thiệu về tác giả Huy Cận và bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.
Khái quát về vẻ đẹp người lao động trong bài Đoàn thuyền đánh cá
1.2. Thân Bài:
* Khổ 1:
Trong khi thiên nhiên và vạn vật nghỉ ngơi, con người bắt đầu vào công cuộc lao động của mình.
Con người làm việc không biết mệt mỏi, với tinh thần mạnh mẽ, công việc tuy lặp đi lặp lại nhưng không hề nhàm chán, vẫn mang lại cảm giác phấn khích và đam mê cho những người đánh cá.
* Khổ 2:
Những câu hát vui tươi của ngư dân cất lên đã sưởi ấm đêm tối, khơi dậy sự phấn khích trong con người, xua tan những khó khăn, mệt mỏi, mang đến cho những người lao động một bầu không khí làm việc vô cùng hào hùng và lãng mạn.
Người dân hát vang bài ca lao động, gọi cá vào lưới. Công việc căng thẳng trên biển của người dân là công việc không ngừng nghỉ ngày đêm, thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và bền bỉ của họ.
* Khổ 3 và 4:
Người dân không chỉ làm việc bằng sức lực mà còn dựa vào lòng dũng cảm, sẵn sàng ra khơi để thăm dò, đồng thời vạch ra một kế hoạch rõ ràng để thu hoạch được nhiều cá, tôm.
* Khổ 5 + 6:
Huy Cận miêu tả sự phong phú của thiên nhiên, đại dương với nhiều loại cá, tôm đang uốn lượn
Vẻ đẹp của người ngư dân còn hiện lên qua tình yêu và sự trân trọng thiên nhiên.
* Khổ 7:
Câu thơ không chỉ cho thấy chuyến đánh bắt cá bội thu của người dân mà còn cho thấy sức mạnh của họ trong công việc kéo lưới giữa biển khơi đầy vất vả.
* Khổ 8:
Bài ca chiến thắng trở về sau chuyến đánh bắt bội thu.
1.3. Kết Bài:
Nêu cảm nghĩ của bản thân về vẻ đẹp người lao động trong bài Đoàn thuyền đánh cá
2. Phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài Đoàn thuyền đánh cá hay nhất:
Vẻ đẹp của người nông dân lao động từ lâu đã là đề tài cho ngòi bút của nhiều nhà thơ, nhà văn khai thác. Một trong những nhà thơ đi sâu vào chủ đề này và đạt được thành công lớn là Huy Cận với bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ không chỉ là bức tranh thiên nhiên đẹp, ấn tượng mà còn nổi bật lên hình ảnh những người lao động với sự hăng say, niềm tin và lạc quan đầy sức sống.
Với sự liên tưởng và trí tưởng tượng độc đáo, ấn tượng, vũ trụ hiện ra trong tầm nhìn của tác giả rất gần gũi và tuyệt đẹp. Nhà thơ hình dung vũ trụ như một ngôi nhà, đêm là cánh cửa và sóng là những chiếc then cài. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc cánh cửa khép lại. Vào khoảnh khắc thiên nhiên bước vào trạng thái nghỉ ngơi, con người lại bắt đầu một ngày làm việc mới trên biển. Ngày làm việc của những người đánh cá được tính từ hoàng hôn đến bình minh. Con người trong bức tranh hiện lên là người làm chủ thiên nhiên. Những người ngư dân ra khơi không phải lần đầu mà như một thói quen, một chu kỳ. Tuy nhiên, mỗi lần ra khơi, họ đều mang theo một tinh thần hăng hái, lạc quan và niềm tin vào cuộc sống. Cả đoàn thuyền dũng cảm tiến ra biển khơi.
Dù khó khăn, gian khổ, những bài hát vẫn tiếp thêm sức mạnh cho những người lao động, góp phần tạo nên sức gió đẩy đôi cánh thuyền ra khơi. Họ ra khơi với niềm tin chiến thắng, chinh phục thiên nhiên. Những người lao động được đặt vào một bối cảnh thiên nhiên bao la, rộng lớn, không còn đơn độc và biệt lập trên con đường xây dựng quê hương, đất nước. Họ đã biến những khó khăn mà thiên nhiên tạo ra thành nguồn sống của mình.
Trong công việc mệt mỏi, những người lao động vẫn cất tiếng hát vang. Bài hát ca ngợi sự trù phú của biển cả, mời gọi những chú cá vào. Đó cũng là mong muốn của những ngư dân luôn khát vọng đánh bắt được nhiều cá, xây dựng quê hương, đất nước tươi đẹp. Cùng với những bài hát lạc quan, yêu đời đó là tiếng gió và sóng vỗ vào những chiếc thuyền, tạo nên những bản nhạc du dương, vang vọng trong không gian. Chi tiết này nổi bật lên vai trò của biển, tác giả ví biển như trái tim người mẹ, luôn nâng đỡ bước chân con tìm về nguồn sống.
Khi trời gần sáng mọi công việc trở nên vội vã hơn. Những tấm lưới cuối cùng được kéo lên khi mặt trời sắp lên. Những người đánh cá phải kéo “xoăn tay” những mẻ lưới nặng. Những hành động mạnh mẽ, dứt khoát của người lao động, giúp thu được những mẻ cá lớn. Khi cá đã nằm gọn trong lưới, những người đánh cá lên thuyền chuẩn bị về nhà.
Dưới ngòi bút của tác giả, hình ảnh mặt trời được miêu tả dần nhô lên trên mặt biển thật đẹp. Những người đánh cá phải chạy đua với thời gian, với mặt trời trên hành trình trở về đất liền để họp chợ sớm, bắt đầu một ngày mới thật nhiều niềm tin và hi vọng. Những con cá trở thành nguồn sống, nuôi sống những người lao động sau những giờ làm việc mệt mỏi. Khi ra về, mọi người có bầu không khí hăng hái, tin tưởng vào thành quả lao động của mình. Khi trở về, mọi người có cảm giác hạnh phúc, hài lòng về thành công của công việc. Sự kết hợp thành công của các biện pháp nghệ thuật độc đáo cùng trí tưởng tượng phong phú và những vần thơ lãng mạn, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp cùng hình ảnh những người lao động đang ra khơi đánh cá. Qua đó làm nổi bật niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc, và tình yêu quê hương của những người dân miền biển.
3. Phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài Đoàn thuyền đánh cá ý nghĩa nhất:
Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong chuyến đi thực tế của Huy Cận ở vùng đất mỏ Quảng Ninh. Chính cảnh lao động hăng say của người dân nơi đây đã khơi dậy cảm xúc để ông sáng tác nên bài thơ này.
Trước hết họ là những con người yêu lao động, say mê lao động. Khi màn vừa buông, sóng vừa kéo, cửa đêm khép lại, cũng là lúc những người đánh cá bắt đầu công việc của mình:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
Nếu vũ trụ đã nghỉ ngơi, thì cũng là lúc những chiếc thuyền lại giương buồm. Những lần ra khơi diễn ra đều đặn và tuần hoàn không ngưng nghỉ. Kết hợp câu hát trong câu thơ sau cho thấy sự say mê, vui tươi và phấn khởi của người dân nơi đây. Họ luôn là những người chủ động trong hành trình chinh phục thiên nhiên. Hành trình đánh bắt cá trên biển chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng những người đánh cá vẫn dũng cảm và chủ động trong công việc của mình.
Không chỉ vậy, họ còn là những ngư dân tài giỏi và mạnh mẽ. Với tài năng của mình, kết hợp với nhiều năm kinh nghiệm trên biển, họ mang về những mẻ cá lớn. Từ “xoăn tay” vừa thể hiện sức mạnh của con người, vừa thể hiện sức nặng của mẻ cá lớn. Tất cả những điều đó càng làm sáng tỏ hơn thành quả lao động của người dân.
Biển là nguồn sữa mẹ, là nguồn tài nguyên để con người sinh sống. Tác giả ví biển như trái tim người mẹ, cho thấy biển gần gũi, ấm áp, yêu thương con người như mẹ yêu con. Đằng sau câu thơ là lòng biết ơn sâu sắc của những người ngư dân đối với biển mẹ yêu thương. Ca từ xuất hiện từ đầu đến cuối bài thơ cho thấy người lao động có tinh thần vui tươi, yêu đời, lạc quan, luôn mang trong mình niềm tin và sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
“Đoàn thuyền đánh cá” là bài ca anh hùng, tràn đầy niềm vui về cuộc sống và công việc của những người đánh cá trên biển. Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của con người nơi đây, vẻ đẹp của sự cần cù, chăm chỉ, dũng cảm, ngày đêm nỗ lực làm giàu cho quê hương, đất nước. Với lối viết lãng mạn và giọng thơ tươi vui, vẻ đẹp của con người nơi đây được tôn vinh rõ ràng và sắc nét.