"Trở gió" là một tùy bút giàu chất thơ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được nhiều độc giả yêu thích bởi lối viết nhẹ nhàng, sâu lắng và đậm chất Nam Bộ. Dưới đây là bài viết với chủ đề Phân tích văn bản Trở gió của Nguyễn Ngọc Tư hay nhất. Xin mời các em học sinh cùng theo dõi để đạt được kết quả cao trong học tập.
Mục lục bài viết
1. Phân tích văn bản Trở gió của Nguyễn Ngọc Tư hay nhất
”Trở gió” là một tản văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, trong đó tác giả chia sẻ những cảm xúc và kỷ niệm về những cơn gió chướng – loại gió đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, thường xuất hiện vào cuối năm. Thông qua văn bản, tác giả đã mô tả sự mong chờ và cảm xúc khi gió chướng về, thể hiện tình yêu sâu sắc của mình đối với quê hương và những ký ức gắn liền với nó.
Nguyễn Ngọc Tư đã giới thiệu về mùa gió một cách rất đặc biệt. Mùa gió chướng về như một cuộc hẹn không lời, cứ đều đặn đến rồi đi, nhưng lần nào cũng mang lại cảm giác như là lần đầu gặp lại. Những cơn gió ấy chẳng báo trước thời gian cụ thể, chỉ biết rằng khi tháng Chín khép lại. Ở đây, tác giả đã nhân hóa mùa gió chướng giống như một người bạn cũ, ùa về vội vã, mạnh mẽ, nhưng cũng đầy dịu dàng. Cảm giác đầu tiên mà tác giả cảm nhận được khi gió về là “bỗng nghe hơi thở gió rất gần”, rồi từng luồng gió mạnh mẽ, như một cơn thốc bất ngờ xốc tấm tôn lên, làm tim người nghe có chút xốn xang. “Ôi! Gió chướng!” – đó là lời thốt lên đầy nghẹn ngào của tác giả, như thể đang tham dự một cuộc hội ngộ mà cả năm dài chờ đợi, đầy sự quen thuộc, như một mối quan hệ lặp lại nhưng không bao giờ nhàm chán.
Tuy nhiên, đằng sau những cơn gió ấy là những tâm trạng ngổn ngang của tác giả. Vừa mừng vui vì những khoảnh khắc quen thuộc lại trở về, nhưng cũng là nỗi bực dọc khi đứng trước sân mà lòng lại bồi hồi buồn tủi. “Bàn tay vẫn trắng, sắp già thêm một tuổi”. Đó là cảm giác chưa kịp làm gì mà một năm đã sắp trôi qua. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nhận rất rõ ràng về sự trôi qua nhanh chóng của thời gian như thế này. Mùa gió đến nhưng lại mang theo cảm giác mất mát, một năm nữa sắp trôi qua mà chưa thực sự làm được điều gì đáng nhớ. Dẫu có mong ngóng nhưng tác giả lại tự thôi thúc mình phải sống vội vàng hơn, để không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào. Những tâm trạng lộn xộn, vừa vui vừa buồn, vừa mong ngóng lại vừa lo lắng đã phản ánh sự giằng xé trong tâm hồn của tác giả khi đối diện với mùa gió chướng, giống như chính sự chênh vênh trong cuộc sống mà tác giả đang trải qua.
Mỗi năm, khi mùa gió chướng về, tác giả lại không thể kìm lòng. Một cách chắc chắn và đầy tâm huyết, tác giả khẳng định: “Nhưng tôi vẫn mong gió chướng về”. Đó là sự mong chờ đã trở thành thói quen từ những năm tháng thơ dại. Khung cảnh trong ký ức của tác giả hiện lên rõ ràng: Đám trẻ con vui vẻ nhảy múa, vỗ tay cười, háo hức chờ đón quần áo mới cùng cảm giác Tết đang đến gần. Đối với nhân vật “tôi” và má, gió chướng không chỉ là một mùa gió mà là dấu hiệu của Tết, nhưng trong khi nhân vật “tôi” háo hức, trông đợi thì má lại thở dài, buồn bã, nặng trĩu nỗi lo về một cái Tết đủ đầy cho gia đình.
Tình cảm của tác giả với mùa gió chướng không chỉ là sự mong chờ mà còn là hy vọng vào mùa vụ bội thu “Gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới”. Gió chướng đến báo hiệu mùa lúa chín và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu như múa, vú sữa, dưa hấu,… khoảng thời gian chuẩn bị thu hoạch vụ mùa thường rơi vào khoảng cuối năm, trùng với mùa gió chướng về. Đó cũng là lúc những cánh đồng lúa, những vườn hoa màu bắt đầu chín mùi. Đối với tác giả, hai từ “gió chướng” luôn mang một sức gợi “khủng khiếp”, khiến trái tim của người viết như thắt lại trong nỗi nhớ về quê hương. Những hình ảnh gắn liền với gió chướng như “nùi rơm”, “giồng bạc hà”, “con nước bờ sông” hay “tiếng chày quết bánh phồng trong rặng dừa nước” đều khắc sâu vào tiềm thức của tác giả. Những ký ức bình dị ấy dù giản đơn nhưng lại là thứ có thể giết chết tác giả trong nỗi nhớ quê hương, bởi nó là những tình cảm chân thành, những cảm xúc mạnh mẽ mà tác giả dành cho quê nhà cũng như gia đình.
Và rồi, tác giả không thể không đặt câu hỏi tha thiết: “Có ai bán một mùa gió cho tôi?”. Một mùa gió nhưng lại mang trong đó tất cả những ký ức tuổi thơ, không khí Tết và tình cảm ấm áp mà tác giả cảm nhận được qua mỗi mùa gió chướng. Câu hỏi cuối bài như một tiếng thở dài, mang trong đó bao nhiêu yêu thương, day dứt và khao khát về một mùa gió, một mùa quê hương đã không thể nào quên.
Văn bản “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư mang đến một cái nhìn sâu sắc về mùa gió chướng, không chỉ là một hiện tượng thời tiết mà còn là biểu tượng của những cảm xúc phức tạp trong lòng con người. Mùa gió chướng đến, báo hiệu sự chuyển giao của thời gian, đồng thời khơi dậy trong tâm trí mỗi người những cảm giác mong chờ, lo lắng cùng những nỗi niềm ngổn ngang, dồn dập. Tuy vậy, hai từ “gió chướng” lại gắn liền với những ký ức sâu sắc về gia đình, quê hương, là những hình ảnh thân thuộc không bao giờ phai mờ. Qua đó, tác giả đã khéo léo khắc họa nỗi nhớ quê hương, sự bồi hồi trong lòng nhân vật và người đọc, từ đó tạo nên giá trị nội dung đầy xúc động và thiêng liêng.
Về mặt nghệ thuật, “Trở gió” đã thể hiện sự tinh tế của tác giả trong cách sử dụng ngôn từ. Tác giả vận dụng một cách tài tình những ngôn ngữ giàu hình ảnh và gợi cảm, khiến mùa gió chướng không chỉ hiện lên như một yếu tố tự nhiên mà còn mang trong mình sức mạnh của những cảm xúc con người. Các hình ảnh so sánh, nhân hóa được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, như khi gió chướng được ví như một người bạn cũ quay lại gặp gỡ, khiến không gian và thời gian như gần lại, thân quen hơn. Hơn nữa, tác giả còn khéo léo đưa vào nhiều từ ngữ địa phương đặc trưng của vùng Nam Bộ, tạo nên sắc thái riêng biệt, đậm đà bản sắc văn hóa miền Nam, khiến tác phẩm càng thêm sinh động và gần gũi với người đọc.
2. Phân tích văn bản Trở gió của Nguyễn Ngọc Tư đặc sắc:
Có thể nói, “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư là một tác phẩm ngắn nhưng giàu cảm xúc, mang đậm tính triết lý về sự chuyển giao của thời gian cùng những cảm xúc lẫn lộn trong lòng con người và tình cảm sâu sắc với quê hương, gia đình. Văn bản không chỉ là sự mô tả mùa gió chướng mà còn chứa đựng những suy tư, những khoảnh khắc đan xen giữa mong đợi, lo lắng và nỗi nhớ về quê hương của tác giả.
Đối với nhân vật “tôi” trong tác phẩm, mùa gió chướng không đơn thuần là sự thay đổi của thời tiết tự nhiên mà còn gắn liền với những cảm xúc phức tạp và sâu sắc của con người. Từ những ngày đầu mùa gió chướng, tác giả đã vẽ lên một bức tranh đầy cảm xúc của chính bản thân mình đầy ắp những sự mong chờ, bối rối và cả sự lo âu khi thời gian trôi đi. Mùa gió chướng được khắc họa giống như một người bạn cũ quay trở lại sau một thời gian dài. Đó là một cuộc hẹn mang theo những cảm xúc lạ lùng mà khó tả.
Tuy nhiên, khi mùa gió chướng về còn có những nỗi buồn nhẹ nhàng man mác trong đó. Cảm giác ngổn ngang của nhân vật “tôi” khi đối diện với sự chuyển giao của thời gian, suy nghĩ về việc một năm lại sắp qua đi mà nhiều điều chưa được hoàn thành đã tạo ra một tâm trạng đầy phức tạp, giữa sự vui mừng và bực dọc, giữa sự mong chờ và sự lo lắng. Dường như đây là tấm lòng của tác giả nói riêng và mỗi người nói chung. Đó là tấm lòng đối diện của con người với thực tại và ước mơ, giữa những niềm vui đơn giản và những nỗi lo không tên trong cuộc sống.
Mùa gió chướng, vì vậy, không chỉ là dấu hiệu chuyển giao thời tiết mà còn là biểu tượng của sự đổi thay trong đời sống con người, gợi lại những ký ức về quê hương, gia đình, những kỷ niệm sâu sắc không thể quên. Qua đó, tác giả đã khéo léo khai thác cảm xúc về những điều bình dị, gần gũi nhưng lại đầy thiêng liêng, khiến mùa gió chướng trở thành một kỷ niệm không thể xóa nhòa trong tâm trí nhân vật và người đọc.
Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng một cách tinh tế những phương thức nghệ thuật để làm nổi bật nội dung của tác phẩm. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, dễ cảm nhận được vận dụng một cách tài tình để tạo ấn tượng cho người đọc. Một trong những kỹ thuật đặc sắc mà Nguyễn Ngọc Tư sử dụng trong tác phẩm chính là hình ảnh so sánh và nhân hóa. Cơn gió chướng không chỉ là sự thay đổi của thiên nhiên mà còn được ví như một cuộc hẹn, một sự gặp gỡ đầy cảm xúc của người bạn cũ. Điều này làm cho thiên nhiên và con người trở nên hòa quyện với nhau, tạo nên một bức tranh sống động về sự chuyển giao của thời gian và cảm xúc. Hơn nữa, việc sử dụng từ ngữ đặc trưng của vùng Nam Bộ trong tác phẩm cũng đã làm nổi bật phong cách viết riêng biệt, mang đậm dấu ấn văn hóa miền Nam của tác giả. Những từ ngữ này vừa giúp tạo sự gần gũi đồng thời còn khiến cho tác phẩm thêm phần chân thực và sinh động.
“Trở gió” là một tác phẩm ngắn gọn nhưng sâu sắc, phản ánh những cảm xúc và suy nghĩ của con người khi mùa gió chướng về. Thông qua đó, tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã khéo léo thể hiện tâm trạng của nhân vật trong cuộc sống với những cảm xúc lẫn lộn. Với ngôn ngữ đặc sắc, hình ảnh sinh động và cảm xúc chân thực, “Trở gió” không chỉ là một mô tả đơn thuần về thiên nhiên mà còn là một bài học về tình cảm dành cho mỗi người về những gì thân thuộc và quý giá trong cuộc sống.
3. Phân tích văn bản Trở gió của Nguyễn Ngọc Tư ngắn gọn:
Gió chướng – cái tên mộc mạc mà người Nam Bộ dành cho gió mùa Đông Bắc – thường ghé về vào cuối năm, mang theo cái se lạnh len lỏi vào từng tán cây, mái nhà và cả tâm hồn người miền Tây, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng này làm nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, gây khó khăn cho việc canh tác, nhưng đồng thời cũng báo hiệu một mùa Tết đang đến gần.
Trong văn chương, đặc biệt là những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, gió chướng không đơn thuần là hiện tượng thời tiết. Nó là nhịp gõ khẽ vào lòng người, đánh thức bao nỗi niềm chất chứa. Gió mang theo sự háo hức xen lẫn bồi hồi của những ngày cuối năm khi thời gian như trôi nhanh hơn, lòng người như mềm lại. Với trẻ thơ, gió chướng là niềm vui rộn ràng, là lời hứa về chiếc áo mới mẹ sẽ mua. Nhưng với người lớn, đó lại là những âu lo, tất bật, là trăn trở về cơm áo gạo tiền khi năm sắp hết.
Gió chướng còn là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa ký ức, nơi tuổi thơ hiện về với bờ rạch, cánh đồng, bếp lửa quê nhà. Với những người con xa xứ, gió chướng là nhịp cầu gợi nhắc quê hương yêu dấu. Trong “Trở gió”, Nguyễn Ngọc Tư ví cơn gió ấy như một người bạn tri âm, một người bạn cũ lâu ngày gặp lại, mang theo biết bao tâm tình.
Gió về, không chỉ làm đổi thay cảnh vật mà còn lay động cõi lòng, gợi lên những rung động tinh tế, từ niềm vui hân hoan đến sự bâng khuâng, tiếc nuối. Qua hình tượng gió chướng, nhà văn đã thổi vào trang viết một tình yêu quê hương tha thiết và truyền tải những cảm xúc chân thực, mộc mạc mà sâu sắc của người miền Tây sông nước.
THAM KHẢO THÊM: