Phân tích và đánh giá tác phẩm Cha con Nghĩa nặng của tác giả Hồ Biểu Chánh để có thể thấy được tác giả đã ghi nhận, diễn tả thành công tình nghĩa cha con, một trong những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất của con người. Bài viết dưới đây xin đi sâu phân tích, đánh giá về tác phẩm này, quý độc giả có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Phân tích và đánh giá về tác phẩm Cha con nghĩa nặng hay nhất:
Văn chương Việt Nam từ trước đến nay thông thường đều ca ngợi nhiều về tình mẫu tử, thế nhưng có rất ít tác phẩm viết về tình phụ tử. Với những trang viết vô cùng cảm động, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã phần nào bổ khuyết khoảng trống đó của nền văn học Việt Nam. Cha con Nghĩa nặng là một đoạn trích tác phẩm đã diễn tả thành công tình cảm cha con, một trong những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất của con người.
Hồ Biểu Chánh được xem là một tác giả tiêu biểu, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền văn xuôi quốc ngữ của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Nếu ở Bắc Bộ, tác giả Hoàng Ngọc Phách nổi tiếng với tác phẩm Tô Tám thì ở khu vực Nam bộ, tác giả Hồ Biểu Chánh được bạn đọc đón nhận vô cùng nồng nhiệt bởi sức sáng tạo phong phú, dồi dào với hàng loạt những tác phẩm tiêu biểu có khuynh hướng tư tưởng trong sáng, tốt đẹp, đề cao cái thiện, cổ vũ cho sự cao quý của lòng thủy chung, bao dung, ngợi ca sự trung thực, dám hy sinh vì chữ tín, sống ngay thẳng,… Cha con Nghĩa nặng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Hồ Biểu Chánh, tác phẩm phản ánh nghệ thuật chân chất giản dị thông qua ngòi bút tiểu thuyết một bạc, cách kể chuyện đơn giản, ít gây bất ngờ đột ngột tuy nhiên lại khá lôi cuốn. Hệ thống ngôn ngữ trong tác phẩm khá phong phú, sử dụng nhiều tình tiết về không gian, thời gian và nhân vật gần với đời thường, rất quen thuộc với người dân khu vực Nam bộ.
Chủ đề của tác phẩm Cha con Nghĩa nặng đã phản ánh tình phụ tử, nhà văn thể hiện hết sức xúc động tình cảm của con người. Tác phẩm kể về gia đình của Sửu. Trần Văn Sửu – một người nông dân chất phác, hiền lành, mộc mạc, một người chồng thương vợ, một người cha yêu thương con hết mực. Thị Lựu – là vợ của Sửu, đây là một người đàn bà lăng nhăng. Sửu bắt quả tang vợ mình ngoại tình, tuy nhiên vợ Sửu không biết hối lỗi mà còn hỗn láo với chồng. Tức giận, Sửu đã xô ngã vợ của mình. Không may Thị Lựu qua đời, Sửu bắt buộc phải bỏ trốn, mọi người trong làng tưởng rằng Sửu đã nhảy xuống sông để tự tử. Sau 11 năm trốn tránh, Sửu lén quay trở về quê để thăm con. Gặp lại bố vợ, Sửu biết con mình đã có một cuộc sống yên ổn tại quê nhà. Mặc dù rất muốn gặp con tuy nhiên Sửu sợ con bị liên lụy, vì vậy Sửu đã quyết định đi biệt tích. Thằng Tí – con trai của Sửu biết bố về nên đã chạy ra để đuổi theo, hai cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi.
Tình cha con đã được tác giả đặt trong một tình huống nghệ thuật đầy kịch tính, mâu thuẫn 10 năm xa cách với cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của Trần Văn Sửu với người con trai của mình. Mâu thuẫn giữa tình yêu thương con sâu nặng, khao khát được nhìn thấy con khôn lớn, ở gần con với nỗi lo sự hiện diện của mình sẽ phá vỡ hạnh phúc của con. Đây được xem là tình huống éo le, căng thẳng nhưng vô cùng cảm động. Cuộc chạy đuổi của hai cha con là một câu chuyện đau lòng. Người con vì muốn đuổi kịp cha mình nên đã phải chạy thật nhanh; người cha một mặt vì tưởng có người đuổi bắt, mặt khác lại không muốn để bản thân ảnh hưởng, liên lụy đến con cái nên càng chạy nhanh hơn. Người cha chạy nhanh vì muốn để lại phía sau sự bình yên cho các con của mình. Người con chạy nhanh vì muốn tiến tới kịp phía trước để giữ lại tra, lo lắng cho cha ngày càng tuổi cao sức yếu. Hai người chạy một cách vội vã, gấp gáp, họ đã gặp nhau trong tình yêu thương – tình phụ tử.
Khi người cha định đi tự tử thì người con đã lao tới. Đây được xem là chi tiết thể hiện được mức độ căng thẳng nhất trong tác phẩm. Có lẽ chỉ cần chậm một chút nữa thôi là người con sẽ vĩnh viễn mất đi cha của mình. Và người ta chỉ cần nhanh thêm một chút nữa thôi là sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại con. Tiếng gọi của đứa con yêu dấu kéo người cha khỏi bàn tay của thần chết. Giây phút hai cha con gặp nhau là một trong những giây phút vô cùng cảm động: “Thằng Tí chạy riết lợi nắm tay cha nó, dòm sát vào mặt mà nhìn, rồi ôm cổ cha mà nói: Cha ơi, cha chạy đi đâu vậy”. Vì thế đây được đánh giá là một chi tiết vô cùng cảm động. Đặt tình cha con giữa ranh giới của sự sống và cái chết, sự chia ly và gặp gỡ, tác giả đã khiến cho người đọc có những giây phút hồi hộp, vô cùng hạnh phúc để rồi từ đó nhận ra tình cha con là thứ tình cảm rất cao quý và thiêng liêng.
Cuộc trò chuyện cảm động giữa hai cha con một mặt thể hiện tấm lòng yêu thương một mặt thể hiện tấm lòng kính trọng đối với người cha của mình sau nhiều năm tháng không gặp gỡ. Người cha vì hạnh phúc của con nên đã quyết định hy sinh cuộc sống riêng. Người con vì thương cha lo cho sự an nguy của cha mà bất chấp chạy theo tìm cha để đưa cha trở về. Khi nhận thấy người cha muốn đi, người con đã quyết theo cha. Cuộc đối thoại đầy mâu thuẫn và xúc động, tô đậm mối quan hệ máu mủ ruột rà đáng quý: Người cha quên đi chính mình chỉ vì nghĩ đến tương lai hạnh phúc cho con cái, ngược lại người con hoàn toàn chỉ nghĩ đến cuộc sống an vui thanh thản của người cha lúc tuổi già. Đây quả thật là một tác phẩm, một bài ca cảm động về tình nghĩa cho con: Cha hiền – con hiếu.
Tác phẩm Cha con Nghĩa nặng của tác giả Hồ Biểu Chánh có lẽ đã được viết cách đây nhiều thập kỷ, từ ngữ và câu văn có vẻ cũ kỹ tuy nhiên tình nghĩa cha con mà ông gợi lên trong tác phẩm luôn lấp lánh vẻ đẹp mà con người trong bất kỳ thời đại nào cũng cần phải nhận thấy.
2. Phân tích và đánh giá về tác phẩm Cha con nghĩa nặng ngắn gọn:
Tác phẩm Cha con Nghĩa nặng là một tác phẩm hay và độc đáo, khéo léo sử dụng tình huống nghệ thuật có kịch tính cao để làm rõ chủ đề như hình ảnh: Anh Sửu và cha vợ đối thoại với nhau, tưởng như một bí mật riêng tư, tuy nhiên thằng Tí đã nghe thấy đầy đủ nên đã hiểu rõ được lòng thương của cha nó. Thằng Tí chạy theo cha, mong muốn gặp được cha tuy nhiên anh Sửu lại lầm tưởng bị người trong làng đuổi bắt, ngược lại người con sợ mất cha nên cố hết sức để đuổi theo. Đang lúc đau đớn nhớ cảnh gia đình cũ, an tâm về tương lai của các con, Sửu chui đầu qua lan can định tự tử thì gặp được Tí. Cha con gặp nhau vô cùng cảm động, sung sướng ôm nhau mà khóc.
Ngôn ngữ trong tác phẩm ít có sự chăm chút, gần gũi với ngôn ngữ đời thường, đặc biệt là ngôn ngữ của nông dân Nam bộ. Đồng thời, tác phẩm cũng sử dụng nhiều loại câu biền ngẫu. Về nội dung của tác phẩm, tác phẩm diễn đạt thành công tình cảm thiêng liêng của con người với con người, cụ thể là tình phụ tử. Sau khi vô tình giết vợ và bỏ trốn, sau nhiều năm Trần Văn Sửu phải luôn đối mặt với đạo lý và pháp lý. Pháp lý thì có thể trốn tránh được sự truy nã của chính quyền tuy nhiên đạo lý thì không trốn tránh được tình phụ tử. Lẩn trốn cả đời thì có lỗi với con cái, trở về thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cuối cùng, Trần Văn Sửu đã lựa chọn con đường mạo hiểm quay trở về, có nghĩa là tình phụ tử đã chiến thắng.
3. Hướng dẫn lập dàn ý phân tích tác phẩm Cha con nghĩa nặng:
(1) Mở đầu: Giới thiệu tổng quát về tác giả Hồ Biểu Chánh và đoạn trích Cha con Nghĩa nặng, đây là đoạn trích năm phần cuối chương IX của cuốn tiểu thuyết cùng tên.
(2) Nội dung:
- Phân tích về hoàn cảnh và số phận của Trần Văn Sửu:
+ Đây là người nông dân đơn giản, yêu vợ và yêu thương con cái;
+ Đã phải trải qua bi kịch gia đình, bắt buộc phải rời bỏ quê hương để bảo vệ hạnh phúc cho con cái.
- Nghiên cứu cuộc gặp gỡ giữa hai cha con trên cầu Mê Tức:
+ Tình thương và sự hy sinh của người cha;
+ Hiểu biết về tình cha và lòng hiếu thảo của người con.
(3) Kết luận: Cần phải đưa ra đánh giá về giá trị của tác phẩm. Tác phẩm thể hiện một cách xuất sắc tình cảm cha con, tình cha con có thể chiến thắng mọi mâu thuẫn.
THAM KHẢO THÊM: