Tuổi thơ của chúng ta thường gắn liền với những lời hát ru của bà, của mẹ,... với những câu chuyện cổ tích như đang lạc vào xứ sở thần tiên và còn là những câu chuyện truyền thuyết vô cùng thú vị. Một trong số đó chính là truyện Con Rồng Cháu Tiên. Hãy phân tích truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên?
Mục lục bài viết
1. Phân tích truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên hay nhất:
“Xưa mẹ Âu Cơ sinh được trăm con.
Năm mươi xuống biển năm mươi lên non.
Nay triệu cháu con chung tình nước non, là hoa một gốc là con một nhà”.
Những ca từ ấy đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác lấy cảm hứng từ tác phẩm “Con Rồng, cháu Tiên” trong dân gian. Đây là một trong các truyền thuyết nổi tiếng của dân tộc ta giải thích về nguồn gốc giống nòi, dân tộc và về quá trình dựng nước, giữ nước của các vua Hùng.
Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về những nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ thường có những yếu tố tưởng tượng kì ảo, thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các điều được kể. Lạc Long Quân được giới thiệu là một vị thần “thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ”. Thần thì hay ở dưới nước, “thỉnh thoảng lên sống trên cạn”, có sức khỏe vô địch và có nhiều phép lạ. Lạc Long Quân đã giúp cho nhân dân diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, những con cá, con cáo, những cây sống lâu năm đã biến thành yêu quái làm hại đến cuộc sống, tính mạng của dân lành. Vị thần ấy còn dạy cho nhân dân ta “cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở”. Sau đó, Lạc Long Quân thường sẽ về thủy cung, “khi nào có việc cần, thần mới hiện lên”.
Còn Âu Cơ là một nàng tiên thuộc “dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần”. Do nghe nói vùng đất Lạc có rất nhiều hoa thơm cỏ lạ nên tìm đến thăm. Tại đây, nàng và Lạc Long Quân đã gặp được nhau, “đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, cùng chung sống trên cạn ở cung điện Long Trang”. Hai nhân vật này có điểm chung là đều có nguồn gốc xuất thân cao quý. Nhắc đến “Rồng” là nhắc đến loài vật vô cùng thiêng liêng, được nhân dân ta tôn thờ và thành kính. Nhắc đến “Tiên” là nhắc đến một vẻ đẹp tuyệt thế, cao sang. Phải chăng thông qua về nguồn gốc của Lạc Long Quân và Âu Cơ, nhân dân ta muốn ngợi ca nguồn gốc của dân tộc ta, của những con người Việt Nam máu đỏ da vàng?
Chi tiết Âu Cơ có mang và sinh ra cái bọc trăm trứng, “trăm trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường”, đặc biệt hơn là, “đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh như thần”. Đây quả là một chi tiết rất kì lạ mang tính kì ảo, hoang đường nhưng cũng dễ hiểu bởi thực tế thì rồng và chim đều là loài vật đẻ trứng. Chi tiết này còn hàm chứa ý nghĩa biểu tượng nhằm mục đích giải thích nguồn gốc của giống nòi. Mọi người dân Việt Nam đều được sinh ra bởi bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, bởi vậy nên được gọi là đồng bào, là anh em của nhau, cùng yêu thương và đùm bọc nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tất cả những con người Việt Nam phải biết gắn bó và đoàn kết với nhau để tạo nên sức mạnh dân tộc, chống lại mọi sự xâm lược của kẻ thù.
Do không quen với cuộc sống trên cạn nên Lạc Long Quân đã từ biệt Âu Cơ và mang theo năm mươi người con của mình xuống biển, năm mươi người con còn lại theo Âu Cơ lên núi để chia nhau cai quản các phương. Kẻ ở “chốn non cao” còn kẻ ở “miền nước thẳm” nên khi nào có việc thì giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc chia tay ấy đã thể hiện được ý nguyện mở rộng đất đai để làm ăn, sinh sống của con người. Qua đó, hành động này cũng thể hiện về tình đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Họ không phân chia tôn giáo, ngôn ngữ, giới tính, nơi ở, tuổi tác mà họ luôn sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm và những thế lực thù địch trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Truyền thống ấy đã được đúc kết qua câu ca dao của dân gian:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Có thể nói, chính sức mạnh đoàn kết đã giúp cho dân tộc ta không ngừng lớn mạnh, phát triển và hội nhập với các nước trên thế giới như ngày hôm nay.
“Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu và đặt tên nước là Văn Lang”, thiết lập triều đình, dựng xây đất nước. Triều đình có đầy đủ cả tướng văn và tướng võ, con trai của vua thì được gọi là “lang”, con gái thì được gọi là “mị nương”, “khi cha chết thì ngôi được truyền cho người con trưởng, mười mấy đời truyền nối ngôi vua đều lấy hiệu là Hùng Vương”. Cũng chính từ sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ mà người Việt Nam chúng ta đều rất tự hào khi nhắc đến nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên” của mình. Để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, nhân dân ta cũng đã xây lăng tưởng niệm. Hằng năm, vào ngày mùng mười tháng ba âm lịch, người dân ở khắp mọi nơi trên đất nước đổ về xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để tham gia vào lễ hội tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng. Nghi lễ giỗ tổ này đã trở thành tín ngưỡng và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhân dân ta dù có đi đâu, làm gì thì cũng đều sẽ ghi nhớ:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” đã giúp cho chúng ta có được sự lí giải về nguồn gốc giống nòi, về truyền thống đoàn kết của dân tộc. Bên cạnh đó, những chi tiết kì ảo cũng góp một phần không nhỏ tạo nên sự thành công và sức hấp dẫn của tác phẩm.
2. Phân tích truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên ngắn gọn:
Trong vốn văn học dân gian phong phú của Việt Nam, có không ít câu chuyện huyền thoại lý giải về những sự tích truyền thống của dân tộc. Trong đó, truyện “Con Rồng cháu Tiên” là một trong các câu chuyện truyền thuyết đặc biệt, mang ý nghĩa sâu sắc với người Việt.
Câu chuyện này là một truyền thuyết thần thoại, nổi bật với các chi tiết kỳ diệu thể hiện cho những nhân vật có sức mạnh phi thường và hình ảnh đặc biệt. Lạc Long Quân và Âu Cơ chính là hai nhân vật được tạo hình bởi sự tưởng tượng phong phú của con người, thể hiện sự bồi đắp cho việc hình thành dân tộc.
Lạc Long Quân, con trai của thần Long Nữ ở Đông Hải, cùng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, sống ở tại vùng núi cao phương Bắc. Mỗi nhân vật đều mang những nét đẹp và phẩm chất riêng biệt của mình. Lạc Long Quân với hình ảnh rồng, thể hiện được sự mạnh mẽ, linh hoạt và can đảm của một người anh hùng, là vị thần có thể sinh sống dưới nước và trên cạn. Còn Âu Cơ là người xinh đẹp và dịu dàng, yêu thích khám phá thiên nhiên, đến những vùng đất có hoa thơm và cỏ lạ.
Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, Âu Cơ và Lạc Long Quân đã đồng cảm với nhau và tiến tới kết hôn, mở ra một giai đoạn hạnh phúc. Tuy nhiên sau đó với sự khác biệt về cách sống và về môi trường sinh sống, họ nhận ra rằng việc duy trì cuộc sống chung là không thể. Lạc Long Quân sống dưới biển, khó lòng ở lâu dài trên cạn, trong khi Âu Cơ từ núi cao không thể xuống biển. Vì thế, hai người buộc lòng phải chia tay, mỗi người đem theo một nửa số con của mình: “năm mươi người lên núi và năm mươi người xuống biển, khai phá và cai quản vùng đất mới”.
Truyện “Con Rồng cháu Tiên” thể hiện sự hình thành và giá trị của dòng họ Âu Lạc, là những con người đang mang trong mình dòng máu Tiên Rồng, có nguồn gốc quý tộc và đáng được tôn vinh. Hình ảnh Âu Cơ sinh ra trăm quả trứng rồng là biểu tượng thiêng liêng, thể hiện về mối quan hệ họ hàng chặt chẽ của người Việt, đề cao tình anh em đoàn kết dưới cùng một mái nhà, từ cùng một tổ tiên.
Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” là một câu chuyện sâu sắc trong dân gian Việt Nam, lý giải về gốc gác và cả về tình thân thiết của những người con cháu trong cộng đồng, nhắc nhở những thế hệ mai sau giữ gìn và tự hào về dòng máu Tiên Rồng trong mỗi người.
3. Phân tích truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên xuất sắc:
Tuổi thơ của chúng ta thường gắn liền với những lời hát ru của bà, của mẹ,… với những câu chuyện cổ tích như đang lạc vào xứ sở thần tiên và còn là những câu chuyện truyền thuyết vô cùng thú vị. Một trong số đó chính là truyện Con Rồng Cháu Tiên, một câu chuyện nói về nguồn gốc nòi giống cao quý của con người, dân tộc Việt.
Con Rồng, Cháu Tiên là một truyền thuyết nổi tiếng của kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Câu chuyện đã kể về nguồn gốc sinh thành của cộng đồng người Việt Nam. Lạc Long Quân sống ở miền sông nước, tượng trưng cho loài Rồng. Lạc Long Quân được biết đến như là một vị thần với những chiến công lừng lẫy như lấn biển, mở rộng về đất đai, khai sơn, phá thạch, tiêu diệt Ngư Tinh, Mộc Tinh, Hồ Tinh để giữ gìn được cuộc sống bình yên của nhân dân, đất nước. Còn Âu Cơ được biết đến như là một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, biểu tượng cho cái đẹp. Chính vẻ đẹp tuyệt trần và có sự xuất thân tương xứng đã khiến cho Lạc Long Quân rung động với Âu Cơ.
Đây là tình yêu tuyệt đẹp giữa hai con người tương xứng về mọi mặt, từ xuất thân đến hình thức bề ngoài. Nhưng không được bao lâu sau, Lạc Long Quân và Âu Cơ phải chia li khi họ đang có sự khác biệt về tính cách cũng như là tập quán, đời sống của hai con người thuộc dòng giống khác nhau, một con Rồng, một cháu Tiên. Chính vì thế, họ quyết định chia nhau một trăm người con ra thành hai nơi, năm mươi theo mẹ lên rừng và năm mươi con xuống biển theo cha.
Câu chuyện truyền thuyết có sử dụng nhiều chi tiết, yếu tố hoang đường kì ảo. Đây cũng là một trong những điểm đặc trưng của thể loại truyện này. Những yếu tố không có thật dựa trên sự sáng tạo, một tâm hồn phong phú của những tác giả dân gian đã góp phần truyền tải nội dung, ý nghĩa câu chuyện. Câu chuyện về mối tình đẹp giữa cả hai vị thần tượng trưng cho núi, cho biển đã tạo nên một truyền thuyết thật đẹp về nguồn gốc ra đời của con người nước Việt Nam. Họ chia ly nhưng luôn giữ trọn lời hẹn thề là: “kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau” đã thể hiện được tinh thần, sức mạnh dân tộc. Cùng với đó chính là tinh thần đoàn kết tập thể giữa con người với con người, tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Con Rồng, cháu Tiên là một truyền thuyết đầy ý nghĩa về nguồn gốc ra đời của những con người con Lạc, cháu Hồng nước Việt Nam. Câu chuyện giúp chúng ta hiểu rõ hơn về dân tộc, đất nước, con người Việt Nam cũng như ca ngợi về tinh thần đoàn kết dân tộc tuyệt vời. Đây mãi là một câu chuyện đẹp, một câu chuyện hay trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: