Tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao đã rất thành công khi khác họa hình tượng người trí thức trẻ bị tha hóa bởi cái nghèo, cái đói trước Cách mạng tháng Tám 1945. Truyện đã hàm chứa nhiều giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm, mời bạn đọc tham khảo bài viết Phân tích truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao hay nhất.
Mục lục bài viết
1. Phân tích truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao hay nhất:
Nam Cao là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam. Những tác phẩm của ông đem lại giá trị to lớn cho kho tàng văn học Việt Nam. Tác phẩm “Đời thừa” mà ông viết vào năm 1943 là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn chương của ông. Tác phẩm được xem làm tiền đề để chuẩn bị cho tiểu thuyết “Sống mòn” hoàn thành vào năm 1944. Tác phẩm khắc họa hình ảnh của người trí thức nghèo sống trong đau khổ và những ước mơ bị nghiền nát dưới gánh nặng của đói nghèo.
“Đời thừa” là một câu chuyện về cuộc sống của một trí thức nghèo, một nhà văn. Nhân vật chính trong truyện tên là Hộ. Anh ta là một nhà văn có tư duy đúng đắn, luôn nghiêm túc với nghề nghiệp và ước mơ sáng tạo tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, thực tế đau lòng xuất hiện khi Hộ phải đối mặt với những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống. Từ khi Hộ mở rộng đôi tay đón lấy Từ – một cô gái lỡ làng, bị tình nhân phụ bạc. Hộ nuôi Từ, nuôi mẹ già, nuôi con dại cho Từ thì Hộ mới hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền. Hộ phải vật lộn để kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình, chăm sóc đám con nhỏ đang ốm đau. Người đọc sẽ thấy nhân vật Hộ được tác giả Nam Cao khắc họa là một người đàn ông, người chồng, người cha trung thực, yêu thương gia đình và có trách nhiệm với vợ con. Hộ đau lòng khi nhìn cảnh gia đình mình phải trải qua khó khăn, đặc biệt là vợ anh – nhân vật Từ.
Lẽ ra với một nhà văn yêu nghề, tâm huyết như Hộ thì mọi nỗ lực, tâm huyết của anh phải dành cho văn chương, cho nghề viết văn. Thế nhưng cảnh đời cơ cực, một người chồng, người cha bắt buộc phải lo lắng cho miếng cơm, manh áo của gia đình. Một trí thức cũng vì thế mà trở nên thô bỉ, hèn kém. Những mộng tưởng, khát khao cũng dần trở nên lụi tàn. Người đọc có thể thấy tâm trạng của Hộ bị giằng xé giữa một bên là khao khát sáng tạo, vươn tới đỉnh cao trong văn chương và bên kia là những đòi hỏi thực dụng, cấp bách trong cuộc sống gia đình. Vốn yêu thương vợ con là thế nhưng rồi Hộ lại tìm đến rượu, thay đổi tâm tính. Hộ có lần đòi đuổi mấy mẹ con Từ ra khỏi nhà, đòi vật một nhát cho chết cả. Nhưng sáng hôm sau tỉnh dậy, hắn lại bẽn lẽn kêu mình quá chén, xin lỗi Từ và hôn hít các con như một người cha tốt. Hắn hứa sẽ bỏ rượu nhưng rồi lại uống say, lại làm những trò vừa đáng trách vừa đáng sợ như lần trước. Gần sáng tỉnh rượu, Hộ nhớn nhác đi tìm vợ. Thấy Từ xanh xao ôm con đang thiếp đi trên võng, hắn thương cảm, ngắm nghía Từ lâu lắm rồi kẽ thở dài, lắc đầu ái ngại và khóc. Từ tỉnh giấc, choàng tay ôm cổ chồng và nói: “Chính tại em mà anh khổ…”
Truyện ngắn “Đời thừa” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nam Cao viết về đề tài hiện thực xã hội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tác phẩm chỉ ra một nghịch lý rất lạ: “Lòng nhân đạo của nhân vật chính là sợi dây dẫn đến bi kịch cho chính cuộc đời họ, rồi từ trong cái bi kịch ấy hiện lên những thứ tình cảm khác như tình vợ chồng, tình cha con và cả tình người. Và có lẽ ấn tượng nhất chính là tấm lòng yêu văn chương sâu sắc đến day dứt của nhân vật Hộ để từ đó tác giả Nam Cao muốn nhấn mạnh một quan điểm nghệ thuật rằng: “Sự cẩu thả trọng bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.
2. Phân tích truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao dành cho học sinh giỏi:
Nói đến những tài năng của văn học Việt Nam, ngoài các tên tuổi như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng,… không thể không nhắc đến nhà văn Nam Cao. Tác phẩm của ông để lại nhiều ấn tượng và suy ngẫm sâu sắc trong tâm trí độc giả, đặc biệt là những tác phẩm trước Cách mạng tháng Tám. Điển hình cho đề tài về người trí thức là tác phẩm “Đời thừa”.
Nhan đề “Đời thừa” có giá trị hé mở nội dung là định hướng sự cảm nhận của người đọc về tác phẩm. Ở đây “Đời” là cuộc đời của mỗi người trong dòng chảy vô cùng vô tận của dòng sông cuộc đời nói chung và đời người của mỗi cá nhân, mỗi cá thể là hữu hạn. Cuộc đời ngắn ngủi lắm nên chúng ta đều ý thức chân trọng, nâng niu từng giây, từng phút của cuộc đời mình sống thế nào cho ý nghĩa. Thế nhưng trái ngược với lẽ thông thường ấy thì nhà văn Nam Cao dùng từ “thừa” đối với cuộc đời đáng lẽ phải nâng niu thì nay nó lại thừa thãi, vô nghĩa. Tác giả hé mở cho chúng ta biết rằng nhân vật chính đang sống cuộc đời thừa bởi trong sự nghiệp văn chương của anh ta đang mơ ước làm một điều gì đó có ý nghĩa. Thế nhưng vì gánh nặng mưu sinh, vì cơm áo gạo tiền mà anh ta phải bán rẻ ngòi bút của mình. Trong những lúc phẫn uất, anh ta chà đạp lên những người yêu thương của mình, đối xử vũ phu, thô bạo với vợ con, với những người đáng lẽ ra anh ta yêu thương nhất. Rõ ràng, nhân vật chính đang phải sống một cuộc sống thừa thãi với hai tư cách là một nhà văn và với tư cách là một người chồng, người cha.
Nhìn chung, bi kịch của Hộ không chỉ là bi kịch cá nhân mà còn là bi kịch của xã hội thời đó. Giá trị con người, giá trị của tài năng trở nên vô nghĩa. Bi kịch của Hộ thể hiện sự đối nghịch giữa hoàn cảnh và phẩm giá con người. Hộ phải đối diện với bi kịch của một người nghệ sĩ không thể phát triển tài năng vì áp lực cuộc sống và cũng phải đối mặt với bi kịch của tình thương. Trước khi xảy ra bi kịch, Hộ coi trọng tình cảm gia đình, là tiêu chuẩn hàng đầu để định rõ nhân cách con người. Từ là một cô gái bị bỏ rơi nhưng Hộ đã chấp nhận nuôi con của Từ và chăm sóc mẹ già mù lòa. Anh đã chấp nhận viết những tác phẩm mà anh tự cho là “thứ hồ quấy loãng”, chấp nhận trở thành kẻ đê tiện để giữ cho gia đình có thêm thu nhập. Rồi dần dần, Hộ trở thành kẻ bất lương, đê tiện, tìm đến rượu chè và trở thành người chồng vũ phu. Nhưng mỗi khi tỉnh dậy, anh lại nhận thức rõ về bi kịch của bản thân, hối hận vì đã hành xử thô bạo với vợ, chửi mắng bản thân và coi mình là thằng khốn nạn.
Tác phẩm Đời thừa thành công với cốt truyện đơn giản, khung cảnh hẹp, nhân vật ít hành động, giọng văn đặc sắc, nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý đạt đến bậc thầy. Qua đó, tác giả Nam Cao đã thể hiện được tầm vóc và chiều sâu của một nhà văn về hiện thực và giá trị nhân đạo trong cuộc sống. Nam Cao đã khéo léo xây dựng tình huống đầy kịch tính để đẩy xung đột nội tâm nhân vật lên đỉnh điểm, khắc họa sâu cái tình cảnh luẩn quẩn của con người trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
3. Dàn bài phân tích truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao hay nhất:
I. Mở bài:
+ Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Đời thừa.
II. Thân bài:
a. Nhân vật Từ:
+ Ngoại hình: Nam Cao rất ít miêu tả ngoại hình nhân vật này. Phần cuối, tác giả tả nhân vật Từ -một người đàn bà mà vẻ đẹp thời con gái đã tàn phai.
+ Lỡ làng vì bị nhân tình phụ bạc nhưng được Hộ cưu mang ba mẹ con bao gồm Từ, mẹ già bị mù lòa của Từ và đứa con vừa đẻ với gã nhân tình.
+ Từ hội đủ đức tính tốt đẹp của người vợ yêu chồng, người mẹ thương con. Từ hiểu rằng Hộ khổ vì mình. Bị Hộ say rượu hắt hủi, đánh đuổi nhưng Từ vẫn yêu chồng, không thể bỏ chồng.
=> Nam Cao với trái tim nhân đạo đã miêu tả sâu sắc tâm hồn nhân hậu của Từ, cảm thông với nỗi đau của Từ, của bao người phụ nữ bạc mệnh khác.
b. Nhân vật Hộ:
- Hộ là một người giàu tình yêu thương:
+ Hộ đã có hành động cao đẹp là nuôi con của Từ, nuôi mẹ già và nuôi Từ. Lúc mẹ Từ qua đời, Hộ đứng ra làm ma rất chu đáo. Hộ sống vì tình thương, vì bao dung, che chở như anh quan niệm: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”.
+ Hộ là người chồng yêu thương vợ con. Anh tính chuyện đi làm ăn xa vài năm để có tiền lo cho vợ con có cái vốn làm ăn. Những lúc Từ ốm, Hộ lo xanh mặt, thức suốt đêm chăm sóc. Chỉ xa các con vài ngày mà lúc gặp lại chúng, Hộ cảm động ứa nước mắt, hôn hít chúng vồ vập.
- Hộ cũng là nhà văn trải qua một bi kịch tinh thần đau đơn, dai dẳng:
+ Hộ có tài, lúc đầu anh viết rất thận trọng. Hộ mang một hoài bão lớn nhưng vì cơm áo gạo tiền mà anh in vội các quyển sách, tự xỉ vả mình là một thằng tồi, bất lương.
+ Mất dần cuộc đời hồn nhiên trong sáng, hắn đọc sách mà trông cũng dữ tợn: đôi lông mày rậm rạp, châu đầu vào với nhau, cái mặt hốc hác, mặt hầm hầm,…
+ Hộ tìm đến rượu giải sầu, càng ngày càng lún sâu vào bi kịch say rượi và đối xử vũ phu với vợ con. Rồi khi tỉnh rượu, hắn lại hối hận, xin lỗi vợ. Và hắn khóc, khóc nức nở và tự lên án chính mình.
=> Qua nhân vật Hộ, tác giả Nam Cao thể hiện ngòi bút vừa hiện thực, sắc lanh vừa nặng trĩu đằm thắm yêu thương. Tác giả đã giúp người đọc hình dung, thấm thía về bi kịch của một trí thức nghèo trong xã hội cũ.
III. Kết bài:
Truyện ngắn “Đời thừa” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nam Cao viết về đề tài hiện thực xã hội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tác phẩm chỉ ra một nghịch lý rất lạ: “Lòng nhân đạo của nhân vật chính là sợi dây dẫn đến bi kịch cho chính cuộc đời họ, rồi từ trong cái bi kịch ấy hiện lên những thứ tình cảm khác như tình vợ chồng, tình cha con và cả tình người.
THAM KHẢO THÊM: