Truyền thuyết “An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy” được trích từ “Sự tích Rùa Vàng” dựa trên bối cảnh lịch sử dựng nước và giữ nước. Dưới đây là bài viết về Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy.
Mục lục bài viết
- 1 1. Dàn ý Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ngắn gọn nhất:
- 2 2. Mở bài phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ngắn gọn nhất:
- 3 3. Thân bài phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ngắn gọn nhất:
- 4 3. Kết bài phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ngắn gọn nhất:
1. Dàn ý Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ngắn gọn nhất:
1.1. Mở bài:
Giới thiệu về truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy
Nêu nội dung khái quát của truyện.
1.2. Thân bài:
An Dương Vương xây thành, chế nỏ, bảo vệ đất nước
– Vua An Dương Vương xây thành nhưng gặp nhiều khó khăn, khi mà “hễ đắp tới đâu là lại lở tới đấy”. Nhà vua lập đàn tai giới. Sau đó, có một cụ già từ phía Đông đến và nhà vua ra tận cửa đông chờ đợi đón Rùa Vàng.
→ An Dương Vương là người kiên trì, quyết không ngại khó khăn, tâm huyết với việc xây thành và lo lắng cho vận mệnh của đất nước và biết trọng người hiền tài.
– An Dương Vương xây thành “rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc”
→ Tầm nhìn xa trông rộng của nhà vua An Dương Vương.
– Khi Rùa Vàng rời đi, An Dương Vương lo lắng khi nghĩ về tương lai: “Nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”
→ Ý thức của người đứng đầu với tinh thần cảnh giác cao độ.
– Lấy vuốt rùa làm nỏ đánh thắng mọi kẻ thù.
⇒ Thành công hình tượng vị vua sáng suốt, anh minh, luôn suy nghĩ cho vận mệnh của nhân dân, biết trọng người tài, vì vậy nhận được sự giúp đỡ của cả trời đất.
Những sai lầm của An Dương Vương
– Chủ quan: Nhận lời cầu hòa của Triệu Đà, gả con gái cho Trọng Thủy và cho Trọng Thủy ở rể.
– Ỷ lại vào vũ khí mà lơ là cảnh giác, xem thường kẻ thù: lúc giặc đến vẫn mải đánh cờ.
– Chi tiết An Dương Vương giết chết con gái thể hiện sự quyết liệt, dứt khoát đứng về lợi ích chung của cả dân tộc, cũng là sự thức tỉnh muộn màng của An Dương Vương
– An Dương Vương được Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển đã hóa bất tử.
Bi kịch tình yêu của Mị Châu và Trọng Thủy
Nhân vật Mị Châu:
– Hết lòng tin tưởng chồng: cho Trọng Thuỷ xem nỏ thần.
– Nhẹ dạ cả tin, chỉ biết đến hạnh phúc cá nhân: khi bị giặc truy đuổi, đánh dấu cho Trọng Thủy lần theo
– Bị kết tội là giặc và bị chém chết là sự trừng trị nghiêm khắc nhất
– Lời thề của trước lúc chết là lời thanh minh cho tấm lòng trong trắng của mình.
Nhân vật Trọng Thủy:
– Là một tên gián điệp sang làm rể để điều tra bí mật.
– Thời gian ở Loa Thành: lừa Mị Châu, lợi dụng sự chủ quan lơ của An Dương Vương để hoàn thành kế hoạch đen tối.
– Khi Mị Châu chết, khóc lóc, thương nhớ rồi tự tử, chính là sự hối hận muộn màng.
– Hình ảnh ngọc trai và giếng nước ở cuối chuyện là tấm lòng bao dung của nhân dân dành cho Mị Châu và Trọng Thủy.
Bài học từ bi kịch mất nước
– Đề cao cảnh giác với kẻ thù, không chủ quan trước bất cứ hoàn cảnh nào.
– Luôn luôn đặt quan hệ riêng, chung đúng mực, phải đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi cá nhân
1.3. Kết bài:
Nêu cảm nhận cá nhân về truyện.
2. Mở bài phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ngắn gọn nhất:
Truyền thuyết là những câu chuyện lịch sử được lưu truyền qua lời kể của dân gian. Nếu như thần thoại nhằm giải thích và nhận thức các hiện tượng tự nhiên, thì truyền thuyết tập trung vào việc nhận thức và giải thích các sự kiện lịch sử. Chính vì vậy, truyền thuyết thường liên quan đến các chủ đề lịch sử, nhằm phản ánh và lý giải những sự kiện quan trọng cũng như các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Nội dung của truyền thuyết thường bao gồm hai phần: một là phản ánh những sự kiện, nhân vật lịch sử và phần còn lại là gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Một trong những truyền thuyết nổi bật được viết theo mô-típ này là truyền thuyết về thần Kim Quy (truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy).
3. Thân bài phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ngắn gọn nhất:
Đây là một truyền thuyết mang tính bi kịch lịch sử, phản ánh những nét đặc trưng của dân tộc thời kỳ Âu Lạc (thế kỷ thứ ba và thứ hai trước Công Nguyên). Truyện đã được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu sử học và văn học.
Nội dung của truyền thuyết này chủ yếu là lý giải sự thất bại của An Dương Vương, gồm hai phần chính (đôi khi được kể thành hai câu chuyện riêng). Phần 1 kể về việc An Dương Vương xây thành, chế nỏ và đánh bại quân xâm lược Triệu Đà lần thứ nhất, buộc Triệu Đà phải rút lui. Phần 2 nói về việc An Dương Vương mắc mưu Triệu Đà khi nhận lời cầu hòa, chấp nhận hôn ước giữa Mị Châu và Trọng Thủy, dẫn đến việc mất cắp nỏ thần và cuối cùng là thất bại mất nước.
Phần đầu của truyền thuyết tập trung vào việc An Dương Vương xây thành, chế nỏ. Nỏ thần là loại vũ khí tiên tiến hơn so với thời Thánh Gióng. Việc xây thành Cổ Loa hình xoắn ốc cũng là một bước tiến mới của thời kỳ Âu Lạc so với thời kỳ Văn Lang. Thần Kim Quy là một nhân vật siêu nhiên, xuất hiện để giúp An Dương Vương xây thành và chế nỏ. Chi tiết này là sự thần thánh hóa nhân vật Cao Lỗ, người có tài chế tạo nỏ liên châu ở thời kỳ Âu Lạc. Việc xây dựng thành Cổ Loa gặp nhiều khó khăn, phản ánh những thách thức thực sự trong giai đoạn đầu của buổi đầu dựng nước.
Nếu như ở Thánh Gióng, hình ảnh người anh hùng trực tiếp tham gia chiến trường được khắc họa, thì ở truyện An Dương Vương, truyền thuyết lại tập trung vào vai trò của người lãnh đạo trong việc dựng nước và giữ nước. Và mưu trí, sự tỉnh táo là những yếu tố không thể thiếu đối với người chỉ huy. Trong giai đoạn đầu, An Dương Vương được thần Kim Quy giúp đỡ, có đủ điều kiện để xây thành và đánh bại Triệu Đà. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng, An Dương Vương trở nên chủ quan, ỷ lại vào thành trì và vũ khí, cuối cùng thất bại đau đớn. Thần Kim Quy đóng vai trò là biểu tượng của sự mưu trí. Khi được thần giúp đỡ, An Dương Vương tỉnh táo, nhưng khi thần ra đi, ông mất hết sự sáng suốt. Điều này cho thấy con người thời bấy giờ còn phụ thuộc nhiều vào lực lượng siêu nhiên và chỉ khi nhận được sự giúp đỡ của các lực lượng thần kỳ, người anh hùng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vai trò của các yếu tố siêu nhiên trong truyền thuyết vì thế rất quan trọng.
Nhận thức được việc An Dương Vương sở hữu thành Cổ Loa kiên cố và chiếc nỏ thần uy lực, Triệu Đà đã lập kế hoạch giả vờ cầu hòa. Đồng thời hắn cho con trai là Trọng Thủy sang kết hôn với Mị Châu. An Dương Vương chấp nhận lời cầu hôn này và đây là một sai lầm nghiêm trọng, thể hiện sự mất cảnh giác và lòng tin sai lầm vào kẻ thù. Sai lầm của vua cha dẫn đến sai lầm của công chúa Mị Châu. Nàng cho Trọng Thủy vào xem chiếc nỏ thần, để chàng biết được bí mật và đánh tráo nó.
Tiếp theo đó, sau khi Trọng Thủy xem nỏ thần, y viện cớ trở về thăm cha và khiến Mị Châu tin tưởng một cách mù quáng khi nói: “Tình phu thê không thể phai nhạt, nghĩa mẹ cha không thể bỏ qua. Ta trở về thăm cha, nếu có sự bất hòa giữa hai nước, khi Nam Bắc cách biệt, ta sẽ tìm nàng, nàng hãy để lại dấu vết cho ta nhận ra”. Đây là lời nói đầy mưu mô, nhưng Mị Châu vì quá yêu thương Trọng Thủy, đã không nghi ngờ và đáp lại: “Thiếp là phận nữ nhi, nếu gặp chia lìa sẽ vô cùng đau đớn. Thiếp có chiếc áo lông ngỗng, khi đi đến ngã ba đường, thiếp sẽ rải lông ngỗng để chàng có thể tìm thấy thiếp”.
Mị Châu hoàn toàn không mảy may nghi ngờ rằng Trọng Thủy sẽ phản bội mình. Khi quân Triệu Đà tấn công, An Dương Vương và Mị Châu vẫn chìm trong ảo mộng. Vua cha mải mê đánh cờ, tin rằng nỏ thần vẫn bảo vệ được mình. Khi nghe tin quân giặc đã đến gần, An Dương Vương vẫn thản nhiên nói: “Quân Đà không sợ nỏ thần sao?”. Điều này thể hiện sự chủ quan và thiếu cảnh giác của nhà vua, ông quá phụ thuộc vào nỏ thần mà quên đi việc giữ cảnh giác. Hậu quả là nước mất, nhà tan và bi kịch xảy ra.
Khi hai cha con chạy đến bờ biển mà không còn đường thoát, An Dương Vương tuyệt vọng kêu lên: “Trời hại ta! Sứ Thanh Giang mau cứu ta!” Điều này phản ánh sự bế tắc cả về lối thoát và nhận thức của hai cha con. Đến giờ phút cuối cùng, An Dương Vương vẫn nghĩ rằng trời đã hại mình, nhưng điều ông không ngờ tới là kẻ thù không ai khác chính là con gái mình. Khi Thần Kim Quy hét lớn: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó,” tiếng hét này như sét đánh ngang tai nhà vua, sự thật phũ phàng không thể ngờ tới. Trong cơn tỉnh ngộ muộn màng, không còn cách nào khác, An Dương Vương buộc phải giết con gái mình để chuộc lỗi với đất nước.
Tiếng nói của Thần Kim Quy thể hiện sự phẫn nộ của đất nước Âu Lạc trước sai lầm của hai cha con. Câu nói “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc” rất chính xác, nhưng Thần Kim Quy không gọi thẳng tên Mị Châu là giặc, bởi nàng chỉ vô tình làm giặc do lòng tin bị lợi dụng. Mị Châu chấp nhận cái chết để chứng minh rằng nàng không phản bội tổ quốc, nàng hóa thành ngọc trai để rửa sạch nỗi nhục và giữ gìn tấm lòng trong sạch với cha với đất nước.
Trước khi chết, Mị Châu không van xin hay hối tiếc về tội lỗi của mình, mà hoàn toàn mãn nguyện. Trọng Thủy trái ngược với Mị Châu, ban đầu chỉ kết hôn với nàng vì mục đích chính trị nhằm thực hiện âm mưu của cha, nhưng sau đó, chàng đã thực sự yêu nàng say đắm. Khi Trọng Thủy tìm đến nơi Mị Châu bị cha chém đầu, chàng ôm nàng về Cổ Loa, rồi trong nỗi đau đớn tuyệt vọng, lao đầu xuống giếng mà chết. Máu của Mị Châu chảy xuống biển, trai sò ăn vào biến thành ngọc trai. Cái chết của Trọng Thủy là kết cục bi thảm của một kẻ xâm lược.
3. Kết bài phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ngắn gọn nhất:
Câu chuyện kết thúc nhưng nó không chỉ là bi kịch của sự mất cảnh giác dẫn đến mất nước, mà còn là bi kịch tình yêu giữa Mị Châu và Trọng Thủy. Mỗi nhân vật đều trải qua sự biến chuyển trong tâm trạng và tình cảm, làm tăng thêm tính bi kịch cho câu chuyện. Nội dung sâu sắc, kết cấu chặt chẽ và cách thể hiện độc đáo đã khiến cho truyền thuyết này có sức sống mãnh liệt cho đến tận ngày nay.