Bài thơ “Sông núi nước Nam” tương truyền do Lý Thường Kiệt sáng tác trong cuộc kháng chiến chống Tống được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân Việt Nam. Bài thơ là tiếng nói khẳng định độc lập, chủ quyền và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược. Dưới đây là những Bài văn phân tích tinh thần yêu nước trong Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) hay nhất được sưu tầm và tổng hợp.
Mục lục bài viết
1. Phân tích tinh thần yêu nước trong bài Sông núi nước Nam ấn tượng:
Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người dân Việt Nam. Tình cảm ấy thấm sâu vào tâm hồn dân tộc và chảy dạt dào vào từng trang thơ.
Nam quốc sơn hà là một áng thơ như thế!
Sông núi nước Nam không phải là sáng tác duy nhất thời Lý, Trần khơi nguồn cảm hứng từ tình cảm đất nước, dân tộc. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của một thời kỳ đấu tranh hào hùng chống giặc ngoại xâm, đất nước và con người dường như là mối quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà thơ. Chính vì vậy lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng chính cho các tác phẩm văn học thời bấy giờ.
Nhìn lại các tác phẩm của triều đại Lý – Trần, tuy tình cảm đối với đất nước được thể hiện qua các khía cạnh khác nhau, thời đại khác nhau nhưng đều rất sâu sắc. Trong Chiếu dời đô, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Lý bày tỏ sự quan tâm đến vận mệnh đất nước, dân tộc và hạnh phúc của muôn dân và trăm họ là điều trăn trở lớn nhất. Trong Hịch Tướng Sĩ, lòng căm thù giặc, nỗi đau vì đất nước bị giày xéo, tan nát, ý chí sẵn sàng hy sinh mạng sống vì nước đã lớn lên trong lòng vị thân vương họ Trần. Còn trong Phò giá về kinh, lại là hào khí chiến thắng của dân tộc và mong ước về một thái bình muôn thuở cho đất nước của thượng tướng thái sư Trần Quang Khải.
Ra đời trong máu lửa của cuộc kháng chiến chống nhà Tống, Sông núi nước Nam là tuyên bố của Đại Việt về độc lập, chủ quyền của đất nước. Đây là lời tuyên ngôn từ trái tim của hàng triệu người Đại Việt nồng nàn, yêu quê hương tha thiết.
Ta hãy đọc kỹ bản tuyên ngôn này và cảm nhận được những cảm xúc mãnh liệt của một dân tộc:
Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Sông núi nước Nam thuộc về người Nam, đó là ý tưởng của hai câu thơ đầu của bài thơ. Tư tưởng này đối với chúng ta ngày nay tự nhiên cơm ăn nước uống. Nhưng ý tưởng này thiêng liêng và ý nghĩa biết bao vào thời điểm mà bọn phong kiến phương Bắc đang muốn biến nước ta thành quận huyện của chúng và đang cố sức khôi phục lại địa vị thống trị. Lòng tự tôn dân tộc hun đúc qua mấy mươi thế kỷ đã chuyển thành tư thế đứng thẳng làm người, mặt đối mặt với kẻ thù. Đọc câu thơ, lòng ta không khỏi rưng rưng xúc động.
Nếu nhìn từ góc độ nguyên tác Hán tự, ta thật kinh ngạc. Bài thơ này như một ngọn roi quất thẳng vào bộ mặt bá vương hợm hĩnh của bọn bạo chúa kiêu ngạo của triều đình phong kiến Trung Quốc, những kẻ tiến hành chiến tranh xâm lược để đạt được mục đích bá chủ của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử bành trướng, chúng gặp phải ý chí kiên cường, tinh thần mạnh mẽ như vậy. Chúng đã có Bắc quốc (Trung Quốc) thì ta cũng có Nam Quốc chúng có Bắc đế thì ta cũng có Nam đế; nào có thua kém gì nhau! Lời lẽ, tư tưởng trong bài thơ thể hiện niềm tự hào cao độ về đất nước, con người dân tộc. Đây là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Đại Việt trong cuộc đấu tranh sinh tử chống lại kẻ thù.
2. Phân tích tinh thần yêu nước trong bài Sông núi nước Nam đặc sắc:
Trong kho tàng văn học dân tộc chứa đựng vô số tác phẩm xuất sắc, ý nghĩa thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của cha ông ta, trong đó có bả hùng ca bi tráng “Nam quốc sơn hà” hay còn được nhắc dưới cái tên “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt. Bài thơ là tinh hoa của văn hóa dân tộc, tinh thần anh hùng và trên hết là lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước trong thời kỳ dựng nước và giữ nước.
Nam Quốc Sơn Hà được viết thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán với áng văn hào sảng như sau:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược phương Bắc của nhân dân ta đã để lại nhiều dấu tích lịch sử hào hùng, giặc Oa, giặc Hán, giặc Tống, giặc Thanh,…và bài thơ được “Nam quốc sơn hà ” được sáng tác trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, trong đền thờ thần trên tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt.
Bài thơ thể hiện lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của nhân dân ta. Mở đầu bài thơ, tác giả khẳng định chủ quyền của đất nước bằng những ngôn từ hùng hồn:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Câu thơ với hai vế rõ ràng, được tác giả dùng ngôn từ rất biểu cảm, hàm súc, giàu ý nghĩa, giọng điệu rất mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền của đất nước. Hai từ “Nam quốc” và “Nam đế” là từ chủ chốt của bài thơ này. Những kẻ xâm lược phương Bắc luôn coi thường nước Nam ta, chúng chỉ coi Bắc quốc là đế quốc duy nhất thống trị thế giới, chúng ngang nhiên xâm lược, đô hộ nước ta trở thành một châu, một quận và phải chịu sự giám sát, quản thúc và cung phụng chúng. Để giữ vững nền độc lập, nhân dân ta đã không ngừng chiến đấu bảo vệ đất nước trong suốt ngàn năm qua.
“Nam quốc” không chỉ có nghĩa là nước Nam mà hơn thế, còn có nghĩa là độc lập về chủ quyền và vị thế của Nam quốc. Lời tác giả khẳng định ta hoàn toàn có thể đứng ngang hàng với Bắc quốc, vị vua trị vì Nam quốc ta cũng oai phong và hiển hách như Bắc quốc kia. Cho ta thấy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn và niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ, anh hùng.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Câu thơ là một câu nói biện chứng khẳng định “sông núi nước Nam” là của người Nam sinh sống và hưởng thụ, điều này rõ ràng là do Trời định. Không một sức mạnh thể lực hay tập thể cá nhân nào có thể phủ nhận được điều này. Mảnh đất được thêu dệt bằng gấm, từng ngọn cỏ, từng ngọn cây, từng đường biên giới khẳng định chủ quyền của dân tộc ta, được ghi vào sử sách và đánh dấu trên các bản đồ của trời và của thế giới. Không ai có quyền thay đổi sự thật này.
Hai câu thơ với hai lời khẳng định cùng những lý lẽ biện chứng xác đáng, cho chúng ta thấy được một chân lí rằng: Nước Đại Việt tồn tại độc lập, có chủ quyền quốc gia, không ai có thể xâm phạm và có quyền xâm phạm.
Để nhấn mạnh điều đó, tác giả đã nhấn mạnh, khẳng định vô cùng đanh thép với hai câu thơ
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Sách Trời đã lưu danh tính chủ quyền. Vậy mà vì sao kẻ thù dám xâm lược? Câu hỏi này như một lời nhắc nhở rõ ràng cho kẻ xâm lược rằng việc xâm chiếm bờ cõi nước ta không khác gì một hành động vô đạo đức, Đại nghịch bất đạo. Chúng đã xâm phạm chủ quyền của cả một dân tộc, động đến lòng tự tôn của một dân tộc, ý chí độc lập, chủ quyền ngút ngàn. Nếu chúng cố gắng xâm phạm bờ cõi ấy, chúng chắc chắn sẽ thất bại, và điều đó là rõ ràng. Chúng sẽ phải cúi đầu chịu thất bại trước trời đất và ý chí, tinh thần của con người Nam quốc.
3. Đọc hiểu bài thơ Sông núi nước Nam:
3.1. Hai câu thơ đầu: Lời khẳng định chủ quyền của đất nước.
Phiên âm
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư”
Dịch thơ
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở”
– Nam Đế: Hoàng đế nước Nam – thể hiện sự ngang hàng, tương xứng với vua nước Trung Hoa (vua được dùng để đại diện cho cả dân tộc, quốc gia, vì thế câu thơ cũng khẳng định nước Nam là để dành cho người dân nước Nam sinh sống).
→ Khẳng định lòng tự tôn, lòng tự hào dân tộc – Nước ta là một quốc gia có độc lập, có chủ quyền, ngang hàng với Trung Quốc, không thua kém gì Trung Quốc.
– Thiên Thư: sách trời – Biên giới lãnh thổ của người Nam được quy định trong Thiên Thư.
→ Điều này đã trở thành một sự thật, một chân lý không thể phủ nhận và không ai có thể thay đổi được (đối với người xưa thì yếu tố tâm linh – thiên mệnh là thần thánh, là một điều thiêng liêng)
→ Vì vậy lãnh thổ nước Nam phải thuộc về người Nam – bất khả xâm phạm.
⇒ Khẳng định niềm tin vào chủ quyền dân tộc, lòng tự hào, ý chí thế lập và tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc.
3.2. Hai câu thơ cuối: Sự quyết tâm, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Phiên âm
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Dịch thơ
“Giặc giữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”
– “Nghịch lỗ” có nghĩa là quân man rợ làm trái ý trời – ám chỉ những kẻ dám đem quân xâm chiếm đất ta, ở đây chính là quân Tống.
→ Hành động của quân Tống là phi nghĩa, không thể chấp nhận được, trái với ý trời → Vì vậy, thất bại là điều không thể tránh khỏi đối với quân Tống.
– Câu thơ cuối là lời khẳng định, cảnh báo về số phận của những kẻ làm việc sai trái, nhưng đồng thời thể hiện niềm tin vào sức mạnh của đất nước, thể hiện niềm tin vào thắng lợi tất yếu của các phe chính nghĩa.