Ông Sáu là một nhân vật được xây dựng vô cùng đặc sắc trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.Tác phẩm đã đặc biệt khắc họa tình yêu thương sâu nặng ông dành cho bé Thu. Dưới đây là bài phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu ở chiến khu.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu ở chiến khu:
1.1. Dàn ý phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu ở chiến khu chi tiết:
Mở bài:
‐ Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
‐ Nêu về tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu.
Thân bài:
Khái quát chung:
‐ Hoàn cảnh sáng tác.
‐ Tóm tắt văn bản từ đầu cho đến khi ông Sáu trở lại căn cứ.
Phân tích:
‐ Nỗi day dứt, ân hận vì đã đánh con của ông Sáu.
‐ Nhớ lời dặn của con gái, ông hết lòng làm chiếc lược bằng cả tình yêu thương, dồn hết tâm trí vào công việc. Chiếc lược trở thành vật quý giá, thiêng liêng khiến ông Sáu mong chờ gặp lại con. Ông cẩn thận khắc từng dòng “Yêu nhớ tặng Thu con của ba.”
‐ Vì chiến tranh nên ông Sáu đã hy sinh nhưng tình cha con thắm thiết sâu nặng vẫn cháy bỏng trong lòng ông nên trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông đã kịp trao chiếc lược cho người bạn để mang về cho con gái.
→ Tình phụ tử thiêng liêng sâu nặng. Nhưng chính chiến tranh đau thương đã làm chia lìa cha con.
Đánh giá chung:
Giá trị nội dung: Đề cao tình phụ tử thiêng liêng, lên án chiến tranh làm cho bao gia đình rơi vào cảnh nước mất nhà tan.
Giá trị nghệ thuật:
– Tác giả đã đặt nhân vật vào một tình huống truyện bất ngờ, từ đó bộc lộ cảm xúc bên trong của nhân vật.
– Nghệ thuật tạo hình nhân vật thiên tài, miêu tả tâm lý sâu sắc, chân thực
Kết bài:
Khẳng định lại giá trị của tình phụ tử.
1.2. Dàn ý phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu ở chiến khu ngắn gọn:
a. Mở bài:
‐ Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
‐ Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
b. Thân bài:
‐ Tóm tắt từ đầu câu truyện đến khi ông Sáu quay trở lại chiến khu.
‐ Vào chiến trường, ông Sáu chỉ biết nhớ con và ân hận thật nhiều vì đã đánh con khi nóng giận. Ông dùng tất cả tình yêu của mình để làm cho con gái chiếc lược ngà, như lời hứa sau khi hai cha con chia tay.
‐ Trước khi qua đời, ông Sáu cố gom chút sức lực cuối cùng để trao chiếc lược, nhờ đồng đội chuyển cho con gái.
‐ Cô bé Thu lớn lên đã đi tiếp con đường của cha như để nối dài mãi tình cha con bất tử.
c. Kết bài:
‐ Khẳng định về sức hấp dẫn của tác phẩm trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại về tình cảm gia đình và chiến tranh.
2. Phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu ở chiến khu hay nhất:
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn của Nam Bộ. Ông rất am hiểu và gắn bó với mảnh đất này. Phần lớn ông chỉ viết về cuộc sống, con người miền Nam trong chiến tranh và sau hòa bình, truyện thường có cốt truyện bất ngờ, tự nhiên và hợp lý, đặc biệt là trong những tình huống éo le của chiến tranh ác liệt để thể hiện cảm xúc của con người. Tiêu biểu nhất là truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và qua đó khắc sâu tình cảm phụ tử thiêng liêng. Trong truyện, nhân vật gây ấn tượng mạnh nhất đối với người đọc có lẽ là ông Sáu, nhất là khi ông trở lại chiến trường.
Ông Sáu đi chiến đấu xa nhà, mãi đến khi con gái lên 8 tuổi, ông mới có dịp về quê thăm con. Bé Thu không chịu nhận ba vì vết sẹo trên mặt không giống với người đàn ông trong bức ảnh chụp cùng với má. Thu coi ba như người xa lạ. Cho đến khi được nghe giải thích từ bà ngoại, Thu mới nhận ra ba. Lúc đó, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong bé Thu thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở lại chiến khu. Ở chiến khu, ông Sáu nhớ con thật nhiều, bao nhiêu tình cảm dành cho con ông dồn hết vào việc làm cây lược và mong ngóng được gặp lại con. Nhưng cuối cùng ông lại hy sinh trong một trận càn của Mĩ ngụy. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông còn trao chiếc lược cho người bạn của mình. Tình đồng đội, tình cha con của ông Sáu được thể hiện rất cảm động, tô đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng, người cha thương con.
Tác giả cũng thể hiện tình cảm của ông Sáu với con gái khi còn ở căn cứ. Nỗi đau đớn, hối hận dày vò ông nhiều ngày bởi đã đánh con trong lúc nóng giận. Rồi lời dặn dò của con gái “Ba về ba mua cho con một cây lược nghe ba!” đã khiến ông nảy ra ý định làm chiếc lược ngà. Như vậy, làm cây lược đã trở thành bổn phận của người cha, thành tiếng gọi cầu khẩn của tình yêu thương con. Kiếm được chiếc ngà voi, ông Sáu thích thú, sung sướng như một đứa trẻ có được món quà và dành hết tâm trí, sức lực để làm chiếc lược. Đồng đội của ông kể lại rằng: “Những lúc rảnh rỗi, ông lại cần cù, chịu khó, tỉ mẩn đếm từng chiếc răng lược như một người thợ bạc”. Phải chăng ông đã dồn biết bao nhiêu tình cảm cho con gái mình để làm nên chiếc lược đó? Sau đó ông cẩn thận khom lưng, dùng hai tay khắc vào mặt sau lược “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Chiếc lược này, dòng chữ này là chính tình yêu thương, là nỗi nhớ, là sự ân hận của ông đối với đứa con của mình. Cả lúc rảnh rỗi hay buổi tối, lúc nào nhớ con, ông thường lấy chiếc lược ra ngắm nghía rồi chuốt cho cây lược bóng, mượt hơn. Làm như vậy, chắc hẳn ông không muốn con mình bị đau khi chải tóc. Ông Sáu yêu thương cả mái tóc của con gái mình. Người đọc cảm động trước tấm lòng tràn đầy tình yêu thương của người cha. Tình yêu con đã khiến người lính trở thành một nghệ sĩ – một nghệ nhân tạo ra một tác phẩm duy nhất trên đời – chiếc lược ngà. Vì thế, chiếc lược ngà đã kết tinh trong nó tình cha con mộc mạc, sâu nặng mà mộc mạc, giản dị.
Hoàn thành xong chiếc lược, ông Sáu mong được gặp lại con và tự tay chải tóc cho con. Nhưng rồi một tình huống đau lòng đã xảy ra với cha con ông Sáu: trong một trận đánh lớn của quân Mỹ ngụy, ông Sáu bị bắn vào ngực. “Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức để trăn trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được.” Bằng tất cả sức lực cuối cùng, ông đưa tay vào túi, móc cây lược ra đưa cho người đồng đội. Dù đó là lời trăng trối cuối cùng không lời, nhưng nó thiêng liêng hơn cả lời di chúc. Đó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. Và kể từ giây phút đó, chiếc lược ngà đã biến người đồng đội của ông Sáu trở thành người cha thứ hai của bé Thu.
Người đọc đã không cầm được nước mắt khi nghe tiếng khóc của đứa con trong buổi chia tay cha mình, nay bỗng dưng càng không thể cầm lòng khi chứng kiến cử chỉ cầm chiếc lược và ánh mắt của người cha trong phút giây cuối của cuộc đời. Có biết bao nhiêu áng văn xúc động nói về tình mẹ nhưng có lẽ đây là trang viết rất hiếm hoi lột tả được tấm lòng yêu thương đến tận xương tủy của người cha dành cho đứa con của mình. Cũng dựa trên hình ảnh này tác giả đã khẳng định: Bom đạn và chiến tranh có thể hủy diệt sự sống nhưng tình cha con – tình phụ tử thiêng liêng không thể bị giết chết bởi bất cứ thứ gì.
Có thể nói, nhân vật ông Sáu được nhà văn xây dựng bằng những nét nghệ thuật đặc sắc. Nguyễn Quang Sáng đã đặt nhân vật vào một hoàn cảnh sống khó khăn nên ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế của ông đã trở nên dạt dào tình cảm cha con. Ngoài ra, ngôn ngữ truyện đậm chất Nam Bộ vừa truyền cảm, vừa đậm chất ngôn tình mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Đặc biệt, tác giả đã chọn một số chi tiết nghệ thuật rất đắt giá, chẳng hạn như lời dặn mua lược của bé Thu, chi tiết ông Sáu rất vui mừng khi tìm thấy ngà voi để làm cây lược… Tất cả những điều này làm nổi bật vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng, người cha hết mực yêu thương con.
Hình ảnh ông Sáu – người chiến sĩ cách mạng, người cha trong truyện “Chiếc lược ngà” đã để lại bao xúc động về tình cha con sâu nặng trong lòng người đọc. Chiếc lược ngà và những dòng chữ ghi trên mặt sau của lược sẽ mãi là ký ức vĩnh hằng, là nhân chứng của những bi kịch đau thương, đẫm máu và nước mắt của những năm tháng chiến tranh. Ông Sáu là người chiến sĩ anh hùng thế hệ đi mở đường trước trải qua bao gian khổ hy sinh. Ông là hình ảnh tiêu biểu của con người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
3. Phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu ở chiến khu ý nghĩa nhất:
Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn của Nam Bộ, ông viết nhiều về cuộc sống, con người và đất nước Nam Bộ. Ông đi lính thời Pháp xâm lược, sau năm 1954 tập kết ra Bắc ông mới bắt đầu viết văn. Trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ông sống và làm việc trên chiến trường miền Nam và luôn mang tinh thần, nhịp sống của người dân Nam Bộ vào tác phẩm của mình. Trong đó “Chiếc lược ngà” là một trong những tác phẩm viết về nhân dân miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu, đứa con gái mà nhiều năm sau ông mới gặp lại.
Ông Sáu đi chiến đấu xa nhà, mãi đến khi con gái lên 8 tuổi, ông mới có dịp về quê thăm con. Bé Thu không chịu nhận ba vì vết sẹo trên mặt ba không giống với người đàn ông trong bức ảnh chụp cùng với má. Thu coi ba như người xa lạ. Cho đến khi được nghe giải thích từ bà ngoại, Thu mới nhận ra ba. Lúc đó, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở lại chiến khu. Sau khi thăm gia đình, ông Sáu trở lại chiến trường miền đông. Trong khi ở chiến khu, ông luôn nhớ lời hứa với con gái là sẽ làm một chiếc lược ngà để tặng con gái khi trở về.
Trở về chiến trường, ông luôn nhớ đến con, hối hận day đứt vì đã đánh con trong lúc nóng giận. Hồi đó, ông đánh con vì nó bướng bỉnh trong giờ ăn, chỉ duy nhất lần đó mà ông day dứt mãi cho thấy ông thương con thế nào.
Và cho đến khi kiếm được khúc ngà, ông vô cùng hạnh phúc, vì lời hứa với con gái đã có thể được thực hiện, ông liền mài chiếc ngà này thành chiếc lược nhỏ xinh để tặng con gái “những lúc rảnh rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉm và cố công như người thợ bạc”. Sự quan tâm của ông Sáu chính là tình yêu dành cho con gái mình, muốn dành cho con gái những điều tốt nhất. Ông còn khắc lên đó dòng chữ “yêu nhớ tặng Thu con của ba”.
Chiếc lược ngà đã phần nào gỡ rối được tâm trạng nhớ con của ông Sáu. Những lúc nhớ con, ông lại lấy cây lược ra ngắm và trải chuốt làm cho cây lược thêm bóng và mượt hơn. Có chiếc lược rồi ông càng muốn nhìn thấy con hơn trước, muốn nhìn thấy niềm hạnh phúc trên gương mặt của con.
Nhưng khao khát được gặp con không bao giờ có thể trở lại. Trong một trận càn với Mĩ ngụy, ông Sáu đã hy sinh. Giây phút cuối cùng ấy, ông chỉ nhớ đến con, tình cha con không bao giờ chết được, bằng hết sức lực cuối cùng ông đút tay vào túi, lấy chiếc lược ra, đưa cho người bạn. Trong suốt những năm tháng ở chiến trường, chiếc lược luôn ở bên ông cho đến khi qua đời, ông coi đó là bảo vật. Báu vật ấy chính là tình cảm cha con thiêng liêng không bao giờ mất đi, cho dù có bao nhiêu bom đạn và máu đổ.
Chỉ nghe lời hứa của người bạn sẽ đích thân mang chiếc lược đến cho con gái, ông mới nhắm mắt xuôi tay. Ngay cả trong lúc hy sinh, ông đã dành tất cả tình yêu thương của mình cho con của mình. Có thể nói tình yêu của ông dành cho bé Thu lớn hơn cả cái chết. Thất hứa với con là điều đau đớn nhất đối với ông, còn cái chết chỉ nhẹ tựa lông hồng.
Tình cha con là thiêng liêng bất diệt. Qua đây, chúng ta không chỉ xúc động, trân trọng trước tấm lòng của ông Sáu dành cho con mà còn lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa đã làm chia cắt tình gia đình, tình vợ chồng, tình cha con. Đồng thời ta cũng thấy được tấm lòng của tác giả dành cho những nhân vật của mình, luôn dành cho họ tình cảm yêu thương lớn lao nhất.