Cuộc trò chuyện giữa ông Hai và bé Húc là một trong những đoạn văn ấn tượng nhất trong tác phẩm "Làng" của nhà văn Kim Lân. Cuộc trò chuyện giữa hai cha con thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm. Chúng ta cùng tham khảo một số đoạn văn mẫu phân tích tâm trạng của ông Hai khi trò chuyện với bé Húc nhé dưới đây nhé.
Mục lục bài viết
1. Phân tích tâm trạng của ông Hai khi trò chuyện với bé Húc hay nhất:
Cuộc trò chuyện giữa ông Hai và bé Húc đã cho ta thấy được lòng yêu nước sâu nặng của ông Hai. Ông Hai được nhà văn Kim Lân khắc hoạ là một người nông dân làng chợ Dầu phải đi tản cư bởi chiến tranh. Ông là một người nông dân hiền lành, chất phác, chịu khó với một trái tim yêu làng tha thiết, một linh hồn yêu nước đến nồng nàn, mãnh liệt. Trước hết ta có thể thấy được một người đàn ông vô cùng yêu làng của mình, tình yêu ấy được thể hiện bằng cái sự hay khoe làng của ông. Hình ảnh về ngôi làng chợ Dầu thân thuộc ấy luôn in sâu, hiện hữu ở trong tâm trí người nông dân ấy để khi nói đến làng quê của mình thì “hai con mắt ông sáng hẳn lên”. Nhưng khi nghe tin làng theo giặc, ông đã rất đau đớn nhưng vẫn dứt khoát chọn theo nước: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Thật đau đớn cho ông khi phải đứng giữa lựa chọn tình yêu làng hay tình yêu nước. Ngôi làng mà ông luôn yêu quý, tự hào nay đã không còn như trong kí ức của ông, hình ảnh ngôi làng thân thương đã sụp đổ hoàn toàn khi nghe tin làng theo giặc. Nhưng tình yêu đất nước lớn lao đã bao trùm lên tình yêu làng, ông đã phải đưa ra một lựa chọn đau lòng là từ bỏ ngôi làng chợ Dầu đã gắn bó với mình suốt bao năm nay. Nhưng dù đã lựa chọn, đã xác định như thế nhưng ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng bởi vì thứ tình cảm ấy quá sâu nặng và luôn hiện hữu trong trái tim ông. Vì thế mà ông càng đau xót và tủi hổ khi nghe tin làng mình theo lũ giặc Tây. Tâm trạng đau đớn, dồn nén của ông đã đạt tới đỉnh điểm, ông đã trút hết nỗi lòng vào những lời thủ thỉ, tâm sự với đứa con nhỏ ngây thơ “Thế con ủng hộ ai?”. Và khi bé Húc trả lời “Ủng hộ Hồ Chí Minh muôn năm”, tâm trạng của ông dần được hồi sinh trở lại. Suy nghĩ của bé Húc dường như hoàn toàn trùng khớp với lựa chọn của ông Hai. Nghe con nói vậy, nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ “Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ”. Ông Hai cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi nghe câu trả lời của con. Câu trả lời như một lời khẳng định chắc nịch là sự lựa chọn của ông là hợp lý. Ông khóc vì hạnh phúc và tự hào vì bé Húc cũng là một người con Việt Nam yêu nước như ông. Dù còn nhỏ nhưng câu trả lời của bé Húc thể hiện rõ sự quyết tâm kháng chiến và niềm tin vào chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Qua cuộc trò chuyện giữa ông Hai và bé Húc, một lần nữa người đọc lại có thể thấy được tình yêu nước, thương làng sâu đậm trong lòng ông. Và hơn hết, ta không chỉ trân trọng tình cảm của ông đối với làng quê đối với đất nước mà ta còn cảm thấy vô cùng tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, tự hào về dòng máu yêu nước luôn chảy trong trái tim mỗi con người Việt Nam, trong trái tim của ông và trong trái tim đứa con ông.
2. Phân tích tâm trạng của ông Hai khi trò chuyện với bé Húc đặc sắc nhất:
Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân hiện lên là một người nông dân vô cùng yêu làng, yêu nước. Tình yêu làng của ông luôn thường trực trong trái tim. Mỗi khi nhắc về ngôi làng chợ Dầu, đôi mắt của ông sáng rực lên và ông luôn khoe khoang về ngôi làng của mình bằng tất cả sự tự hào. Làng là một phần máu thịt, một phần trái tim và một phần của cuộc đời ông Hai. Ông đã sinh ra và lớn lên cùng với ngôi làng chợ Dầu. Nhưng thật đau đớn và sững sờ khi ông Hai bỗng nhận được tin làng chợ Dầu đã theo giặc. Trong lòng ông Hai lúc này đã diễn ra một cuộc xung đột nội tâm dữ dội giữa tình cảm với quê hương và lòng yêu nước. Ông không thể tin nổi là ngôi làng mình yêu thương, tự hào bao lâu nay đã theo giặc Tây. Và ông càng không thể chấp nhận được là làng chợ Dầu đã phản bội lại Tổ quốc. Nhưng tình yêu đất nước, yêu Tổ quốc lớn lao, mãnh liệt đã bao trùm lên tình yêu làng. Điều này được thể hiện rõ nét qua cuộc trò chuyện của ông với đứa con trai nhỏ – bé Húc. Khi ông hỏi con: “Con ủng hộ ai?”, bé Húc đã ngay lập tức có câu trả lời “Ủng hộ Hồ Chí Minh muôn năm”. Câu trả lời đầy ngây ngô, chân thực của đứa trẻ dường như hoàn toàn đồng điệu với suy nghĩ và tình cảm của ông. Ông Hai không giấu được niềm tự hào và hạnh phúc khi nghe câu trả lời ấy của con. Nước mắt ông lão đã lăn dài trên hai má, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, những giọt nước mắt đầy tự hào của ông. Ông thủ thỉ với bé Húc: “Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ”. Đây vừa là lời tâm sự với con, vừa là một lời khẳng định chắc nịch cho quyết định của ông. Dù có ra sao, ông vẫn lựa chọn theo Tổ quốc, lựa chọn tin vào cách mạng, tin vào chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể thấy, dù đã đưa ra lựa chọn vô cùng đúng đắn, hợp lý nhưng nỗi đau đớn và xấu hổ của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc vẫn còn đó. Tin dữ đó dường như đã khiến ông chết lặng, ông vẫn không thể tin rằng có một ngày ngôi làng mình luôn tự hào lại phản bội lại Tổ quốc để theo lũ giặc Tây. Hình tượng ngôi làng chợ Dầu trong kí ức của ông Hai đã hoàn toàn sụp đổ. Chính những lời thủ thỉ tâm tình với con đã giúp ông Hai vững lòng tin vào Tổ quốc và làm nguôi ngoai nỗi đau trong lòng ông. Ông nhắc về cụ Hồ, về cuộc kháng chiến để chứng minh cho tấm lòng yêu nước, tấm lòng thủy chung với đất nước, với cách mạng và đồng thời để gieo vào lòng đứa con những tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy. Bằng biện pháp nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật kết hợp với tình huống truyện độc đáo, nhà văn Kim Lân đã thành công miêu tả cho người đọc thấy được nội tâm giằng xé và diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc. Đồng thời qua đó, nhà văn muốn cho ta thấy được tình yêu làng, tình yêu nước và tinh thần kháng chiến mạnh mẽ của những người nông dân Việt Nam ta.
3. Dàn ý phân tích tâm trạng của ông Hai khi trò chuyện với bé Húc:
- Câu chủ đề: Qua cuộc hội thoại với người con trai bé bỏng – bé Húc, nhân vật ông Hai Thu trong truyện ngắn “Làng” đã bộc lộ sâu sắc tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến.
- Sau khi nghe tin làng Dầu theo giặc, ông đau đớn, sững sờ, tủi nhục và ông càng bế tắc hơn khi mụ chủ nhà có ý đuổi đi.
- Trong tâm trạng bế tắc, cùng đường đó, ông chỉ còn biết trò chuyện với thằng Húc, con ông, ông hỏi con (trích đoạn hội thoại)
+ Ông hỏi con về làng, để thỏa nỗi nhớ làng, để khắc sâu tình cảm cội nguồn nơi con: ông vẫn yêu làng tha thiết.
+ Ông hỏi con về cụ Hồ, biểu tượng của Cách mạng: để chứng minh cho tấm lòng yêu nước, tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cách mạng và đồng thời, hỏi con để gieo vào lòng đứa con những tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy
+ Hai bố con ông chỉ xoay quanh chuyện làng, chuyện nước, ông nói với con, nhưng thực chất là để giãi bày lòng mình, để chứng minh cho tấm lòng trong sạch của mình, mong cụ Hồ, anh em đồng chí hiểu cho tấm lòng của bố con ông.
- Bằng tình huống truyện độc đáo, Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ đối thoại mà như độc thoại, tác giả đã tái hiện một cách sinh động, chân thực và cảm động tâm trạng của một người nông dân yêu làng, yêu nước và có tinh thần kháng chiến.
THAM KHẢO THÊM: