Phân tích tác phẩm Người trong bao của Sê- khốp để thấy được sự phê phán của tác giả đối với lối sống thu mình trong bao của nhân vật Bê li cốp. Sau đây là dàn ý phân tích Người trong bao, mẫu bài phân tích Người trong bao hay và chi tiết.
Mục lục bài viết
1. Đôi nét về tác phẩm Người trong bao:
* Hoàn cảnh ra đời:
– Bối cảnh hẹp: Viết 1898 trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen.
– Bối cảnh rộng: Xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế, u ám, nặng nề của nước Nga cuối thế kỷ XIX.
* Thể loại: Truyện ngắn
* Ý nghĩa nhan đề: Người trong bao nhằm chỉ một kiểu người, một hiện tượng xã hội phổ biến đã và đang tồn tại trong một bộ phận trí thức Nga đương thời. Họ có lối sống khép kín, thu mình trong vỏ ốc, trốn tránh hiện thực một cách hèn nhát.
– Ý nghĩa chiếc bao:
+ Chiếc bao được nhắc đến trong phần nhan đề trước hết nó mang ý nghĩa tả thực, đó là vật dụng gắn liền với cuộc sống của Bê-li-cốp, nơi hắn ta có thể chứa đựng mọi đồ dùng, vật dụng.
+ Chiếc bao cũng chính là chiếc vỏ bọc, thứ ngăn cách, bảo vệ Bê-li-cốp khỏi những tác động của cuộc sống.
→ Đó là biểu tượng cho một lối sống khép kín, lối sống thụ động với nhiều nỗi sợ.
* Bố cục: 3 phần
– Mở truyện: Cuộc trò chuyện ở gần nhà kho giữa hai người bạn: bác sĩ thú y và thầy giáo.
– Thân truyện: Về cuộc đời và tính cách của Bê-li-cốp.
– Kết truyện: Nhận xét của bác sĩ thú y – người nghe chuyện.
* Giá trị nội dung:
– Thể hiện cuộc đấu tranh giữa con người với cái “bao” chuyên chế và khát vọng sống là mình, loại bỏ lối sống “trong bao”
– Thức tỉnh “con người không thể sống mãi như thế này được”.
* Giá trị nghệ thuật:
– Cách kể, giọng chuyện chậm rãi, u buồn, giễu cợt một cách sâu cay.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình mang tính biểu tượng cho một giai cấp xã hội.
– Nghệ thuật xây dựng biểu tượng độc đáo, giàu tính khái quát.
2. Dàn ý phân tích tác phẩm Người trong bao của Sê- khốp:
Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Sê-khốp (những nét chính về cuộc đời, các sáng tác chính, đặc điểm sáng tác,…).
– Giới thiệu khái quát về truyện ngắn “Người trong bao” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm,…).
– Nêu vấn đề nghị luận: Hình tượng cái bao trong truyện ngắn “Người trong bao”.
* Thân bài
– Cái bao là một hình tượng mang ý nghĩa tả thực – là một vật dụng được Bê-li-cốp dùng để đựng các vật dụng của mình. Cái bao còn là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng:
Chiếc bao là hình ảnh tượng trưng cho lối sống thu mình, hèn nhát và luôn sống trong nỗi sợ hãi của Bê-li-cốp:
Chân dung của Bê-li-cốp luôn được giấu kín sau nhiều lớp bao: Cái mặt được giấu sau một chiếc cổ áo bành tô lúc nào cũng được bẻ đứng lên, mắt đeo kính râm, tai nhét bông, chân đi giày cao su,…
Nơi ở: Căn phòng chật như cái hộp và những ô cửa thì lúc nào cũng kín mít.
Suy nghĩ của Bê-li-cốp cũng được giấu trong bao, luôn giấu mình giấu ý nghĩ không muố để ai biết
Bê-li-cốp với lối sống, lối suy nghĩ trong bao của mình là một điển hình cho một bộ phận người tri thức Nga.
– Hình tượng chiếc bao trong tác phẩm còn là hình ảnh tượng trưng cho chế độ Nga hoàng chuyên chế bảo thủ, trì trệ đã bóp nghẹt cuộc sống của con người.
* Kết bài
Khái quát về hình tượng cái bao trong truyện ngắn “Người trong bao” và nêu cảm nghĩ, bài học cho bản thân từ hình tượng ấy.
3. Phân tích tác phẩm Người trong bao của Sê- khốp hay nhất:
3.1. Bài phân tích mẫu 1:
Sê Khốp là một tác giả có sự nghiệp sáng tác đồ sộ với nhiều thể loại. Sê Khốp là một nhà văn Nga kiệt xuất, đại diện cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực Nga, nhà cách tân vĩ đại về nghệ thuật sân khấu và truyện ngắn. Tác giả Sê Khốp có một truyện ngắn được mọi người biết đến đó là truyện ngắn “Người trong bao”.
Năm 1898, tác giả sáng tác truyện ngắn vào khoảng thời điểm ông đang điều trị ở thành phố I-an-ta trên bán đảo Crưm, biển Đen. Hoàn cảnh xã hội nước Nga lúc này đang nghẹt thở dưới không khí chuyên chế, tối tăm, nặng nề cuối XIX. Môi trường ấy đã sản sinh ra những con người như Bê-li-cốp, nhân vật trung tâm trong truyện ngắn.
Hình tượng nhân vật Bê-li-cốp khi còn sống được tác giả khắc hoạ khá rõ ràng. Về diện mạo, Bê-li-cốp có khuôn mặt buồn rầu, tái nhợt. Hắn chân đi đôi giày cao-su, tay cầm ô, mặc áo bành tô ấm cốt bông, lại thường mang kính mát. Mọi vật dụng hắn ta để trong bao gồm ô, dao gọt bút chì, đồng hồ. Lúc nào hắn cũng giấu đằng sau chiếc áo khoác rồi bẻ cổ đứng lên. Tai của Bê-li-cốp được nhét bông gòn, khi đi ngựa thì hắn ta kéo mui xe lên. Buồng ngủ của ông chật bằng chiếc hòm. Khi nằm bao giờ hắn cũng kéo mền phủ kín đến tận gáy, kín mít. Qua cách miêu tả của tác giả đối với Bê-li-cốp chúng ta có thể nhận thấy đây là một nhân vật kì quái, lạ thường.
Nhân vật Bê-li-cốp có một tính cách hết sức kì lạ. Hắn có một khát vọng mãnh liệt là thu bản thân vào một cái vỏ, làm cho bản thân một cái bao để ngăn cách. Ngay cả những suy nghĩ của bản thân hắn cũng muốn giấu kín trong bao, không bao giờ có ý kiến gì đến một vấn đề nhỏ, lớn cả. Bê-li-cốp là một người tôn thờ dĩ vãng, lảng tránh thực tại: Bê-li-cốp là một thầy giáo dạy học tiếng Hi Lạp, một thứ tiếng không hề có tính chất thời sự, hắn thường chọn cho bản thân cách sống an toàn. Bê-li-cốp là một người thích những thứ cụ thể: chỉ thị, thông tư, những tờ báo cấm. Hắn là một con người sống giáo điều, dập khuân một cách nguyên tắc như một cái máy vô hồn. Tác giả đã làm bật lên hình ảnh của một con người cô độc, rụt rè, sợ hãi mọi thứ, lúc nào cũng sợ “sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì”.
Bê-li-cốp duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp bằng cách đến nhà, ngồi im như phỗng độ một giờ thì xin cáo từ. Giáo viên, hiệu trưởng đều sợ hắn: những bà cô không dám tổ chức biểu diễn kịch mỗi tối thứ 7, nhà tu không dám ăn thịt và bài bạc, người ta sợ nói chuyện lớn, sợ gửi thư từ, sợ viết, sợ đọc sách báo, …
Bê-li-cốp tự tin và hãnh diện với cách sống của bản thân, tuy nhiên hắn không hiểu tại sao nhiều người đang ghê tởm, khinh chê và chế nhạo hắn. Do vậy, khi bị vẽ tranh chế giễu, thấy hình ảnh chị em Va-ren-ca đi xe đạp, hắn bị đối xử thô bạo, nhưng hắn không thể hiểu và cũng không thể chịu đựng được. Nhân vật Bê-li-cốp được khắc hoạ lên như một dị nhân giữa cuộc sống thường ngày.
Và rồi, con người dị nhân ấy chết. Khi Bê-li-cốp bị va phải cô Va-len-cô, Va-len-ca thấy thế cũng cười theo khi thấy hắn bị ngã. Chính vì tiếng cười như thế, đã chấm dứt việc hôn nhân và kết thúc cuộc sống của Bê-li-cốp. Nhưng nguyên nhân cái chết của Bê-li-cốp không chỉ có vậy, mà còn nguyên nhân sâu xa hơn nữa, đó là: với tạng người cùng cách sống của mình, sớm muộn gì cũng sẽ phải diệt vong hoặc bị đào thải. Cái chết với Bê-li-cốp chính là chiếc vỏ bao tốt đẹp nhất mà hắn mong ước, cái chết sẽ giúp hắn giải thoát được những gánh nặng nề và thấy nhẹ nhõm, thanh thản hơn.
Mọi người trong thành phố kia đều nghĩ, khi Bê-li-cốp chết đi rồi, cuộc sống của nhiều người sẽ thoải mái hơn, nhưng không ngờ sau khi Bê-li-cốp chết cuộc sống vẫn diễn ra như cũ, nặng nề, ngột ngạt và vô vị. Đó chính là vì người dân trong thành phố này đã bị ảnh hưởng bởi tác hại lâu dài, nặng nề của lối sống, kiểu người như Bê-li-cốp. Những người như Bê-li-cốp đã huỷ hoại cuộc sống trong sạch, lành mạnh của con người, văn hoá nước Nga đương thời. Trong xã hội lúc bấy giờ, kiểu người như Bê-li-cốp mang tính chất đặc thù, điển hình. Nó sống lâu dài như một hiện tượng xã hội, một quy luật trong lịch sử tiến hoá của nhân loại, không chỉ ở nước Nga mà thôi.
Hình ảnh “cái bao” trong truyện có giá trị biểu tượng: nó là biểu tượng về một loại người có lối sống trong bao đã và đang sống ở nước Nga. Nước Nga thời ấy dường như cũng đang bị một cái bao khổng lồ bủa vây, ngăn cản tất cả. Qua truyện ngắn tác giả muốn cảnh báo, lên án kiểu người có lối sống trong bao, hậu quả của nó với xã hội. Đồng thời tác giả cũng muốn cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người về cách sống, không thể nào cứ sống an phận, cam chịu như thế được.
Truyện ngắn thể hiện được sự đấu tranh giữa con người với “cái bao” tha hoá và khao khát cuộc sống là mình, từ bỏ cuộc sống “trong bao”, rằng “con người không thể nào tồn tại mãi như vậy được”.
3.2. Bài phân tích mẫu 2:
Sê-khốp được ví von là con linh điểu của buổi tịch dương trên đồng cỏ dại nước Nga xưa, là ngôi sao chói sáng rực trên bầu trời nhân đạo. Chính tấm lòng của một nhà văn chân chính và các tác phẩm có nội dung miêu tả chân thực xúc động số phận người dân và đất nước Nga đã chinh phục được trái tim của độc giả trên khắp mọi miền, trong số đấy, “Người trong bao” là một trong trong các tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông.
Người trong bao được viết năm 1898, thời kì cả xã hội Nga đang ngộp thở bởi ách cai trị hà khắc của Sa Hoàng cuối thế kỉ 19. Môi trường xã hội đương thời đã đẻ ra nhiều loại người kì lạ mà Bê-li-cốp nhân vật chính trong tác phẩm là hình tượng tiêu biểu về số phận bất hạnh của những người dân Nga lúc bấy giờ.
Nhan đề của truyện cũng là hình tượng của nhân vật chính, gây tò mò và thu hút người đọc về kiểu người kì lạ, vừa đáng thương, vừa tội nghiệp ấy. Đồng thời bày tỏ niềm thương cảm đối với số phận của những người dân Nga lúc bấy giờ.
Nhân vật chính trong truyện là Bê-li-cốp, hắn là một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp, sống rất kỳ lạ, luôn sợ hãi mọi chuyện diễn ra xung quanh mình. Hắn sợ những thử thách cuộc sống, sợ nắng mưa gió tuyết. sợ bị mất trộm và bị phát hiện cho nên hắn cất giấu toàn bộ đồ đạc của hắn vào những cái bao. Hắn mặc cái áo sơ mi lớn che kín gần hết mặt, tai nhét bông điều ấy chứng tỏ hắn sợ phải nghe thấy tiếng động xung quanh, sợ bị trông thấy. Không chỉ vậy hắn cũng sợ giao tiếp, khi đến nhà ai hắn ngồi 15 phút không nói năng gì rồi quay về chứng tỏ hắn sợ giao tiếp ấy thế mà hắn cũng sợ phải nói và không muốn chịu trách nhiệm với lời nói, và hành vi của mình. Trong yêu đương hắn cũng muốn giam cầm tình cảm của bản thân, hắn sợ cái mới vì chỉ vì trông thấy Va-ren-ca đi xe đạp hắn sợ hãi, bàng hoàng và hoảng loạn đến tận nơi để nhắc nhở. Điều ấy chứng tỏ hắn sợ mọi thứ bắt đầu từ những điều không hề đáng sợ, hắn là nô lệ cho cái cũ, không muốn thay đổi, vì thế hắn đã tự sát ngay trong khi đang sống, từng giờ, từng phút trong chiếc bao sợ hãi hắn đang tự tạo ra và bị bầu không khí ngột ngạt của xã hội Nga Hoàng đẩy vào. Để thông qua hình tượng tiêu biểu ấy, Bê-li-cốp phản ánh chân thật về bộ mặt xã hội Nga lúc bấy giờ, người dân phải sống trong nỗi sợ và sự áp bức khủng khiếp đến ngộp thở, từ đó khao khát muốn đổi thay và hướng về một thế giới tốt đẹp hơn, không bị trói buộc và giam cầm bởi cái bao nào nữa.
Ngôn ngữ của truyện giản dị, gần gũi, mang tính chất chính luận điểm trúng vào các trạng thái tâm lý đa dạng và phức tạp của con người. Kết cấu truyện lồng trong truyện giúp câu chuyện trở nên sinh động, chân thực và cuốn hút đầy hấp dẫn, đồng thời thể hiện rõ tài năng của tác giả. Khẳng định được tài năng bậc thầy của nhà văn Nga trên mảng truyện ngắn.
Qua việc tạo dựng và khắc hoạ các sự việc, chi tiết và hình ảnh tiêu biểu ở tác phẩm Người Trong bao, nhà văn Nga vĩ đại Sê-khốp đã gửi gắm đến độc giả hình ảnh người dân Nga đang sinh sống trong chế độ Nga Hoàng nặng nề trì trệ thế nào; đồng thời thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông và lời kêu gọi thay đổi của tác giả. Chính những giá trị hiện thực và nhân đạo cao cả ấy đã giúp tác phẩm tồn tại mãi trong lòng bạn đọc.