Đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm dân sự đối với hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Có thể thấy, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ và hoàn thiện về việc bảo vệ quyền bí mật đời tư. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ quyền bí mật đời tư còn một số điểm hạn chế.
Thứ nhất, định nghĩa về thông tin cá nhân mà cụ thể là định nghĩa, khái niệm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình còn chưa thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thứ hai, các quy định hiện hành mới tập trung điều chỉnh việc bảo vệ thông tin cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trên môi trường mạng (hoặc môi trường không gian mạng), chưa có quy định cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong môi trường truyền thống. Điều này tạo ra sự chia cắt trong điều chỉnh pháp luật giữa không gian thực và không gian ảo, không phù hợp với thực tiễn có sự hòa trộn, kết nối một cách khó phân tách giữa không gian thực và không gian ảo của thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.
Thứ ba, pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình còn chưa bắt kịp được với thực tiễn sử dụng các dữ liệu cá nhân như dữ liệu về hình ảnh cá nhân (công nghệ nhận diện khuôn mặt), các dữ liệu sinh trắc (vân tay, mắt…).
Thứ tư, các văn bản pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình chưa dự liệu tới những tình huống thực tế trong thu thập, xử lý thông tin cá nhân như: Việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân là trẻ em cần lấy ý kiến đồng ý của những ai, việc chuyển thông tin cá nhân xuyên biên giới cần được kiểm soát như thế nào, việc vô danh hóa thông tin cá nhân để sử dụng phải chịu những ràng buộc pháp lý nào…
Thứ năm, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chủ thể có hành vi sai trái trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Đây cũng là khoảng trống pháp lý cần được xử lý.
Thứ sáu,
Thứ bảy, Bộ luật Dân sự 2015 với nhiều thay đổi, trong đó có sửa đổi về quyền bí mật đời tư trước đây trong Luật Dân sự 2005, cụ thể điều 38 BLDS 2015 quy định rằng: “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bị mật gia đình”. BLDS năm 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một quy định cần thiết, quan trọng và là một điểm nhấn phản ánh quan điểm lập pháp và trình độ lập pháp ở Việt Nam hiện nay. Bộ Luật Dân sự 2015 thay đổi về mặt thuật ngữ, sửa đổi từ “bí mật đời tư” sang “quyền đối với đời sống riêng tư” bổ sung thêm cụm từ bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Về mặt nội dung, khoản 1 của hai quy định năm 2005 và 2015 vẫn là thiết lập nguyên tắc bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ cho quyền nhân thân được quy định. Khoản 2 điều 38 BLDS 2015 bãi bỏ quy định tiết lộ thông tin trong trường hợp chủ thể của thông tin đã chết, mất năng lực hành vi, chưa đủ tuổi có năng lực hành vi dân sự. Khoản 3 điều 38 BLDS 2015 so với quy định của BLDS 2005, không có nhiều thay đổi. Khoản 4 quy định thêm về quyền riêng tư của các bên trong quan hệ hợp đồng (một quan hệ đặc trưng trong lĩnh vực dân sự). Quy định của Bộ luật Dân sự 2015 chỉ có đổi mới về hình thức chứ chưa có sự đổi mới nhiều về mặt nội dung. Quy định về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có 4 điểm mới là: thay đổi về mặt thuật ngữ để tránh khỏi những khúc mắc về khái niệm bí mật đời tư trước đây; bổ sung thêm dữ liệu điện tử tại khoản 3 cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin; bổ sung thêm quy định về bảo vệ thông tin trong giao dịch hợp đồng và cuối cùng là bổ sung nội dung quyền đối với bí mật gia đình. Do những quan niệm pháp lý khác nhau cũng như đặc thù của hệ thống pháp lý mà pháp luật nước ta không có quy định ghi nhận trực tiếp quyền về đời sống riêng tư. Điều này không phải vấn đề lớn bởi lẽ quyền về đời sống riêng tư là một quyền năng mang tính ứng dụng rất cao có thể được quy định trong các trường hợp cụ thể, các điều luật cụ thể chứ không nhất thiết phải có một quy định trực tiếp về quyền riêng tư trong luật dân sự. Quyền về bí mật đời tư trước đây hay quyền về đời sống riêng tư hiện nay đều chưa thể hiện hết các khía cạnh của quyền riêng tư, hai quyền này mới chỉ đảm bảo sự riêng tư về thông tin, bản chất của quyền riêng tư còn bao gồm sự riêng tư về thân thể, hình ảnh, nơi cư trú, và tự do hành động. Nếu đưa quyền về đời sống riêng tư vào trong Luật Dân sự, vô hình chung sẽ chồng chéo lên các quyền năng khác, cụ thể quyền riêng tư sẽ chồng chéo quyền đối với hình ảnh (mặc dù khách thể bảo vệ là khác nhau, nhưng đối tượng bảo vệ lại giống nhau), quyền về đời sống riêng tư sẽ chồng chéo với quyền tự do đi lại, quyền bất khả xâm phạm nơi cư trú.
Nhìn sang pháp luật Mỹ thì thấy rằng, việc đưa ra định nghĩa cụ thể về quyền về đời sống riêng tư không quá quan trọng mà quan trọng là xác định được các hành vi xâm phạm quyền riêng tư và thiết lập những nguyên tắc pháp lý để bảo vệ sự riêng tư. Tu chính án số 4 được coi là gốc của quyền riêng tư tại Mỹ, nó quy định về việc bảo vệ thân thể, tài sản, thư tín trước những cuộc lục soát và tịch thu vô căn cứ. Trong tu chính án số 4 không hề có một từ nào liên quan tới quyền riêng tư “privacy”. Quyền về đời sống riêng tư và các quy định về quyền riêng tư trong pháp luật Hoa Kỳ được xây dựng trên cơ sở pháp điện hóa, tập trung hóa những tranh luận, quan điểm học thuật, thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng án lệ và ban hành những đạo luật để giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong xã hội. Như vậy, những quy định về quyền riêng tư ra đời là để đáp ứng nhu cầu của thời đại, việc xây dựng hệ thống quy định về quyền riêng tư trong pháp luật Mỹ rất linh hoạt và mang tính thực tiễn cao chứ không đòi hỏi những quy định khung, quy định cứng trong các đạo luật gốc. Đây là điểm mà những nhà làm luật Việt Nam cần lưu tâm nghiên cứu học hỏi quyền riêng tư: Thứ nhất dựa vào quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự; thứ hai là dựa vào vào việc xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm thông tin riêng tư trong từng lĩnh vực cụ thể; thứ ba là xử lý hình sự về các tội phạm hình sự nếu hành vi cấu thành các tội phạm như làm nhục người khác (Điều 155 BLHS 2015), tội xâm phạm chỗ ở người khác (Điều 158 BLHS 2015), tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (điều 159 BLHS 2015). Cơ chế thì đã có những việc xử lý trên thực tế thì khó bởi các phương thức xử lý thì chưa rõ ràng đôi khi chồng chéo lẫn lộn, hơn nữa cũng là một phần là do nhận thức của xã hội, của các cơ quan công quyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự riêng tư và thông tin là chưa cao.
Với những phân tích trên có thể thấy pháp luật dân sự nước ta quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là khác so với quyền về đời sống riêng tư của một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, quyền về đời sống riêng tư là một lĩnh vực mang tính thực tiễn cao, những quy định về quyền về đời sống riêng tư được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thực tế của xã hội, chứ không phải là thông qua quy định khung trong các đạo luật gốc như Hiến pháp, Luật Dân sự. Vấn đề hiện tại của Việt Nam không phải là sửa đổi Hiến pháp hay Bộ luật Dân sự để đưa quyền riêng tư vào, mà là xây dựng các đạo luật, các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định bảo vệ đời sống riêng tư cho cá nhân. Hiện nay, Nhà nước ta cũng đã rất tích cực chủ động để sửa đổi các bộ luật hiện hành, bổ sung các quy định về riêng tư, ban hành những quy định mới bảo vệ sự riêng tư trong các lĩnh vực như thông tin mạng, báo chí truyền thông, tố tụng hình sự. Hơn nữa, với sự ra đời của nguồn luật mới là Án Lệ (theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014, Nghị quyết 03/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng thẩm phán TANDTC), hy vọng rằng quá trình xây dựng và áp dụng các quy định để bảo vệ sự riêng tư sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa.
Dù đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp cận mới, tuy nhiên việc hiểu và áp dụng những quy định đó trong thực tế vẫn còn những hạn chế nhất định như:
Thứ nhất, trong luật chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Trước đây cũng chưa hề có một quy định rõ ràng như thế nào là “bí mật đời tư”. Trong luật chỉ ghi nhận về quyền bí mật đời tư, coi đó là quyền mà các chủ thể có liên quan, được xác định phải tôn trọng, mặc dù trên thực tế “bí mật đời tư” được đề cập khá nhiều trong các văn bản pháp luật cũng như các văn bản áp dụng, hướng dẫn thi hành pháp luật của Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những khó khăn mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp phải khi áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp liên quan bí mật đời tư hoặc xử lý những hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Bởi lẽ, quyền bí mật đời tư được xây dựng trên khái niệm bí mật đời tư. Muốn xác định được phạm vi của quyền bí mật đời tư đòi hỏi chúng ta phải xác định được khái niệm về bí mật đời tư. Tình trạng tương tự có thể diễn ra khi chưa có khái niệm nào về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.
Thứ hai, những quy định đặt ra còn khá chung chung, chưa xác định rõ giới hạn và cách nhận diện những thông tin như thế nào sẽ thuộc vào phạm vi “bất khả xâm phạm”. Phạm vi đời sống riêng tư của một cá nhân được xác định ra sao? Những dạng thông tin như thế nào được coi là bí đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bất khả xâm phạm nhất là đối với những cá nhân, những gia đình thường xuyên xuất hiện trước công chúng và được nhiều người biết đến? Có sự khác nhau về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình giữa người bị tạm giữ, khởi tố về hình sự với người đã bị kết án không? Việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, công bố thông tin riêng, nhận dạng cá nhân được thực hiện thế nào? Những câu hỏi này đều là các vấn đề có thể gây tranh cãi khó đi đến hồi kết, nếu không được luật hóa bằng các quy định cụ thể. Quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau, cùng với sự tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật có thể khiến rất nhiều trường hợp chính hoạt động của cơ quan nhà nước (cơ quan điều tra, Tòa án) và của báo chí lại trở thành “chủ thể” của hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Dưới góc độ này, quy định của luật chưa thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực.
Thứ ba, Bộ luật Dân sự quy định chưa đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Quy định về các hành vi bị nghiêm cấm là để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin hiện đại, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Sự phổ biến của internet khiến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân có thể bị lan truyền, phát tán với tốc độ cực nhanh chỉ sau một cú nhấp chuột, không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới, hệ quả là gây ra những thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, công việc, danh dự, nhân phẩm của người trong cuộc. Chính vì thế, càng quy định chặt chẽ, rõ ràng và đầy đủ những hành vi bị nghiêm cấm thì Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền càng có cơ sở để áp dụng hậu quả pháp lý bất lợi đối với những chủ thể thực hiện hành vi này, từ đó quyền và lợi ích của cá nhân có thể được đảm bảo đầy đủ và chính xác hơn. Các hành vi bị cấm liên quan đến việc xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được mở rộng so với trước đây, bao gồm: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình mà không được các thành viên gia đình đồng ý. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, các hành vi bị cấm do pháp luật quy định vẫn chưa đầy đủ, bởi lẽ bên cạnh những hành vi này còn có hành vi tiêu hủy, làm mất thông tin của cá nhân cũng có thể xếp vào nhóm hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và cần phải được nghiêm cấm. Tiêu hủy thông tin là hành vi cố ý của một chủ thể nhằm làm cho thông tin đó không còn tồn tại trên thực tế, làm mất thông tin là hành vi được thực hiện với lỗi vô ý của chủ thể làm cho thông tin đó không còn tồn tại, ngoài sự kiểm soát của chủ sở hữu thông tin. Như vậy, thay vì bí mật đó bị chiếm đoạt (thu thập) hoặc công khai cho người khác biết thì chủ thể xâm phạm đã cố ý hoặc vô ý làm cho bí mật không còn tồn tại (tiêu hủy, làm mất), điều này gây hậu quả đôi khi không hề nhỏ bởi trong nhiều trường hợp vật chứa đựng thông tin đó chỉ có duy nhất một bản, một vật. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng có quy định liên quan đến “giới hạn” của quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình – đó là có thể thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin về đời tư của cá nhân trong trường hợp luật có quy định khác, không cần tới sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin.
Thứ tư, luật chưa tính đến những trường hợp có thể làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý trừ trường hợp theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đây cũng là vấn đề cần chú ý khi sửa đổi Bộ luật Dân sự về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Có thể nói, chưa bao giờ nguy cơ xâm phạm về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình lại cao như hiện nay, chính vì vậy, nếu không làm rõ được khái niệm “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, nếu không chỉ rõ được ranh giới giữa an toàn và vi phạm thì “đời sống riêng tư”, “bí mật cá nhân”, “bí mật gia đình” khó có thể được bảo đảm và bảo vệ một cách hiệu quả.
Nhận thấy, hệ thống các văn bản pháp luật chưa đầy đủ và toàn diện về các khía cạnh cần được làm rõ trong việc bảo hộ quyền đối với bí mật cá nhân. Ví dụ như: cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một khái niệm nào về bí mật cá nhân là gì? Hay bảo hộ quyền đối với bí mật cá nhân là như thế nào? Do đó, rất khó có thể xác định được những loại bí mật cá nhân nào cần được bảo hộ và bảo hộ theo hướng như thế nào, mức độ bảo hộ ra làm sao,… không được quy định cụ thể ở luật nào cả, nên làm cho cơ chế xử lý hậu quả chưa triệt để, các quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước chưa thống nhất, rõ ràng dẫn đến việc chồng chéo trong quản lý và xử lý khi có tranh chấp về quyền bí mật cá nhân xảy ra, giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Còn nhiều quy định chung chung, thiếu cụ thể, chi tiết nên rất khó áp dụng, dù trên thực tế đã phát sinh những vụ việc. Thực tế cho thấy, số lượng vụ việc xâm phạm về bí mật cá nhân là không ít, tuy nhiên, số vụ việc được giải quyết là rất hạn chế.
Trong các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên thì việc thiếu một định nghĩa cụ thể trong luật về “bí mật cá nhân” chính là một nguyên nhân chính, điều này khiến cho việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề liên quan đến bí mật cá nhân trở nên hết sức khó khăn do không xác định rõ ràng được những thông tin như thế nào mới là bí mật cá nhân và được pháp luật bảo vệ. Pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể về quyền đối với bí mật riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chỉ được quy định tản mát trong một số văn bản pháp luật nên thiếu tập trung, giá trị pháp lý khác nhau khiến cho việc tiếp cận, chấp hành và thi hành gặp nhiều khó khăn. Các quy định pháp luật về bí mật cá nhân, bí mật đời tư,…, còn nằm rải rác trong nhiều loại văn bản khác nhau như: quy định trong Hiến pháp 2013; Bộ luật Dân sự 2015; Luật An toàn thông tin mạng 2015; Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành hành chính khi trao đổi mua bán trái phép thông tin riêng tư của người khác; Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng; Thông tư liên tịch số 10/2012 ngày 10/9/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, VKSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, việc xác định hành vi mua bán thông tin cá nhân, rất khó để xác định hậu quả gây ra có nghiêm trọng hay không? Gây khó khăn cho việc tiếp cận cũng như chấp chấp hành và thi hành.