Mỗi tuyến nhân vật lại là tượng trưng cho một lớp người mà tác giả muốn khắc họa, đó có thể là nhân vật tốt hoặc cũng có thể là nhân vật xấu. Nhân vật Trương Sinh trong Chuyện Người con gái Nam Xương chính là tượng trưng cho lớp người bảo thủ, cố chấp, mù quáng.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích nhân vật Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn nhất:
Mở bài: giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương
Thân bài:
– Hoàn cảnh của Trương Sinh:
+ Là con trai duy nhất trong một gia đình hào phú nhưng lại không có học.
+ Có tính đa nghi, ngay cả đối với vợ mình cũng đề phòng quá sức.
+ Là một người con hiếu thảo: khi đi tòng quân, vâng lời cha mẹ dặn dò. Khi về liền ra mộ thăm mẹ vô cùng đau khổ.
– Khi đi tòng quân trở về:
+ Nghi ngờ vợ chỉ qua lời nói vu vơ của một đứa trẻ con
+ Chửi mắng và đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà không cho cô cơ hội để giải thích
– Khi nhận ra mọi chuyện:
+ cảm thấy hối hận
+ lập đền giải oan cho Vũ Nương
Kết bài: đánh giá hình tượng nhân vật Trương Sinh, qua nhân vật này, tác giả khẳng định nội dung của tác phẩm
2. Phân tích nhân vật Trương Sinh trong Người con gái Nam Xương hay nhất:
Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những truyện nổi bật nhất trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Trong truyện, bên cạnh việc tập trung khắc họa vẻ đẹp quý giá và số phận bất hạnh của Vũ Nương, nhà văn Nguyễn Dữ còn sử dụng một số nét phác họa để tạo nên chân dung, tính cách của Trương Sinh – chồng Vũ Nương, đó là một người chồng độc ác, tàn nhẫn và cũng là đại diện tiêu biểu của xã hội cũ bất công do nam quyền thống trị.
Trương Sinh không phải là nhân vật trung tâm của truyện nhưng sự xuất hiện của nhân vật này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cốt truyện và nội dung truyện. Trương Sinh vốn là con một trong một gia đình khá giả nhưng thất học, tính tình đa nghi và độc đoán. Vì ngưỡng mộ vẻ đẹp và đức hạnh của Vũ Nương nên Trương Sinh đã xin mẹ một trăm lạng vàng để cưới nàng. Trong cuộc sống gia đình, Vũ Nương luôn giữ kỷ cương phép tắc nên vợ chồng chưa bao giờ mất đi sự hòa hợp, nhưng bản tính đa nghi và ghen tuông mù quáng của Trương Sinh vẫn không hề biến mất mà như hạt giống tai họa.
Mọi bi kịch bắt đầu khi Trương Sinh đi lính. Dù là con một trong một gia đình giàu có nhưng vì thất học nên Trương Sinh buộc phải ra trận. Xa mặt cách lòng lại có bản tính đa nghi, gia trưởng nên sau khi tòng quân trở về, Trương Sinh vì nghe lời nói ngây thơ của con trẻ mà nghi ngờ vợ thất tiết, phản bội mình. Mọi bi kịch cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
Tính cách đa nghi, ghen tuông mù quáng đã đánh mất khả năng đánh giá mọi việc. Nghe Đản – đứa con thơ kể chuyện có người đến thăm mỗi đêm, Trương Sinh về nhà mắng mỏ, đánh đập và đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà mà không cho cô cơ hội giải thích mọi việc. Vũ Nương là người vợ mà Trương Sinh từng yêu hết lòng nhưng sự ghen tuông vô cớ đã phá vỡ tất cả. Trương Sinh không chỉ đối xử tàn nhẫn mà còn là người đẩy Vũ Nương đến cái chết. Cảm thấy đau đớn, tuyệt vọng khi bị chồng nghi ngờ, Vũ Nương đành phải gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình.
Sau khi Vũ Nương bị đuổi ra khỏi nhà, sự vô tâm, tàn nhẫn của Trương Sinh còn được thể hiện thông qua thái độ lạnh nhạt, dửng dưng. Trương Sinh không một chút áy náy vì hành động vũ phu, không lo lắng hay đi tìm vợ. Chỉ khi tối về, “người cha ngày nào cũng đến” của bé Đản xuất hiện, hắn mới vỡ ra mọi thứ. Thế nhưng mọi việc giờ đã quá muộn màng, lời nói tàn nhẫn đã nói ra, tình nghĩa vợ chồng đã rạn nứt, người vợ “đầu gối tay ấp” của hắn cũng bị bức đến đường cùng mà gieo mình xuống sông Hoàng Giang lạnh lẽo.
Hối hận về việc mình đã làm, Trương Sinh lập đền giải oan ở bến Hoàng Giang với mong muốn rửa sạch nỗi oan cho vợ và được nhìn thấy cô lần cuối. Vũ Nương xuất hiện nhưng cô không trở lại thế giới đầy đau khổ này mà quyết định ra đi. Có lẽ sự ra đi của Vũ Nương là hình phạt đau đớn nhất đối với một kẻ đa nghi và độc ác như Trương Sinh.
Trương Sinh không phải là một người đàn ông tốt, hắn gia trưởng, đa nghi lại bạc tình, bạc nghĩa. Có lẽ điểm sáng duy nhất trong nhân cách, con người Trương Sinh là sự hiếu thảo, trước khi ra trận hắn lắng nghe lời mẹ dặn dò, khi tòng quân trở về, nghe tin mẹ mất hắn đã vô cùng đau khổ. Tuy nhiên, dù có thế nào cũng không thể xóa nhòa mọi tội lỗi mà hắn đã gây ra.
Xây dựng nhân vật Trương Sinh, nhà văn Nguyễn Du không chỉ nhằm tạo dựng một nhân cách, một “đời sống” trong tác phẩm của mình mà qua đó phản ánh, lên án xã hội phong kiến bất công đã tạo ra bi kịch dành cho phụ nữ. Tính cách gia trưởng, bảo thủ của Trương Sinh cũng là sự phản ánh của chế độ trọng nam khinh nữ trong xã hội xưa.
3. Phân tích nhân vật Trương Sinh trong Người con gái Nam Xương ấn tượng nhất:
Chuyện người con gái Nam Xương là một câu chuyện thành công của tác giả Nguyễn Dữ. Truyện không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về nhân vật chính Vũ Nương mà qua truyện chúng ta còn hiểu thêm về Trương Sinh – chồng của Vũ Nương.
Trương Sinh là con trai duy nhất trong một gia đình hào phú, giàu có khắp một vùng nhưng lại không có học. Thêm vào đó anh ta lại có tính đa nghi, ngay cả đối với vợ mình cũng đề phòng quá sức dù có một người vợ xinh đẹp, nết na, công dung ngôn hạnh đầy đủ. Tuy nhiên, anh ta lại là một người con hiếu thảo: khi đi tòng quân, vâng lời cha mẹ dặn dò. Khi chiến thắng trở về, nghe tin mẹ mình đã mất thì vô cùng đau xót, lập tức ra thăm mộ mẹ. Những tưởng anh ta sẽ có một cuộc sống đầm ấm, đề huề nhưng chính tay anh ta đã hủy hoại cuộc sống tốt đẹp đó của mình.
Vì là người ghen tuông, đau lòng khi nghe tin mẹ qua đời nên anh trở nên mù quáng, không phân biệt được đúng sai. Khi đến bên mộ mẹ, anh nghe con trai kể rằng có người thường xuyên đến thăm con vào mỗi tối. Anh ta liền nghi ngờ vợ không chung thủy nên về nhà mắng mỏ vợ dù cô có giải thích thế nào đi chăng nữa. Hơn nữa, anh cũng không tin và chỉ cho rằng lập luận của mình là đúng. Cho dù hàng xóm có bất bình với sự vô lý của anh và bênh vực lòng chung thủy, hiếu thảo của Vũ Nương cũng không có tác dụng gì. Trương Sinh đã thẳng tay đuổi vợ ra khỏi nhà. Hành động này chứng tỏ anh là người bảo thủ, không cho người khác cơ hội giải thích.
Nhưng anh ta cũng nhận về được kết quả bẽ bàng từ tính cố chấp của mình. Vào một đêm khi đang nói chuyện, chơi đùa cùng con trai, bất chợt, đứa bé chỉ tay lên chiếc bóng của anh ta ở trên tường và nhận đó là cha mình. Hóa ra, để bù đắp cho những thiếu thốn tình phụ tử, Vũ Nương đã chỉ bóng mình trên tường và bảo đó là cha bé để con trai mình đỡ tủi. Đến đây, anh ta vỡ lẽ ra mọi chuyện, biết rằng mình đã nghi oan cho vợ nên có chút buồn phiền tuy nhiên chúng ta vẫn không thấy được sự hối lỗi của Trương Sinh. Cuối cùng, Trương Sinh đã lập đền giải oan cho vợ nhưng Vũ Nương đã lựa chọn không trở về. Có lẽ kết cục này chính là cách trừng phạt tốt nhất cho con người như Trương Sinh.
Câu chuyện để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ qua nhân vật Trương Sinh. Đã nhiều năm trôi qua nhưng câu chuyện vẫn giữ được giá trị và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.