Sơn tinh, Thủy tinh là một tác phẩm rất nổi tiếng trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Đọc tác phẩm, ngoài nhân vật Sơn tinh thì người đọc còn ấn tượng với Thủy tinh - có tài hô phong hoán vũ. Bài viết sau sẽ phân tích về nhân vật Thủy tinh trong truyện Sơn tinh Thủy tinh, mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Phân tích nhân vật Thủy Tinh trong Sơn Tinh, Thủy Tinh:
Sơn Tinh Thủy Tinh là truyền thuyết nổi tiếng gắn bó với tuổi thơ mỗi người. Tác phẩm đã cho thấy người anh hùng Sơn Tinh tài năng, dũng cảm đã chiến đấu chống lại sự đánh trả quyết liệt của Thủy Tinh. Thủy Tinh cai quản biển cả có khả năng hô phong hoán vũ, Thủy Tinh chính là đại diện cho hiện tượng thiên nhiên mưa bão, lũ lụt đe dọa đến tính mạng con người xảy ra hàng năm.
Thủy Tinh đại diện cho sức mạnh thiên nhiên hung bạo, dữ dội. Tác phẩm được bắt đầu bằng câu chuyện kén rể của vua Hùng. Nhà vua có một người con gái tên là Mị Nương đã tới tuổi lấy chồng, bởi vậy vua cha muốn kén cho con gái yêu của mình một người chồng thật xứng đáng cả về tài năng lẫn phẩm chất. Trong rất nhiều những người đến cầu hôn, có hai người một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh khiến nhà vua ưng ý hơn cả. Thủy Tinh đến từ vùng biển cả có tài hô mưa gọi gió, hô phong hoán vũ long trời lở đất thì Sơn Tinh lại là chúa vùng non cao có tài vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Tài năng của hai chàng chẳng ai kém ai khiến nhà vua vô cùng băn khoăn và do dự. Trước tình thế này, vua Hùng đã đưa ra yêu cầu sính lễ, ai đem đến trước sẽ được rước Mị Nương về làm vợ. Sính lễ bên cạnh những sản vật bình dị như cơm nếp, bánh chưng còn có những sản vật kì dị, quý hiếm “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Ngay từ khi vua ra yêu cầu sính lễ thì đã thấy phần nào chiến thắng nghiêng về phía Sơn Tinh vì các sản vật quý hiếm này chỉ trên rừng núi nới có. Và thật đúng như vậy, hôm sau, Sơn Tinh mang sính lễ đến sớm, rước nàng Mị Nương về làm vợ. Thủy Tinh đến sau vô cùng tức giận, đến sau không lấy được Mị Nương đã đem quân đánh trả. Trước sự hung hãn của Thủy Tinh, để bảo vệ người dân Sơn Tinh đã bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi ngăn chặn dòng nước lũ. Trận chiến kéo dài từ ngày này qua ngày khác, sau Thủy Tinh đuối sức đành phải bỏ về. Nhưng hàng năm Thủy Tinh vẫn quay lại báo thù Sơn Tinh.
Câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh được khắc họa qua các chi tiết kỳ ảo, sinh động về hai vị thần Thủy tinh và Sơn tinh đưa người đọc đến với hình ảnh của người dân thời xưa đối mặt với sự tức giận từ thiên nhiên như thế nào. Thủy tinh đại diện cho mưa bão sớm chớp, lũ lụt hàng năm vẫn xảy ra với nhân dân ta. Truyện gắn mãi với bao thế hệ, luôn nhắc nhở chúng ta về tình đoàn kết của nhân dân trước mọi khó khăn, thử thách.
2. Phân tích nhân vật Sơn Tinh trong truyện Sơn tinh Thủy tinh:
Truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” đã giải thích các hiện tượng trong thiên nhiên như bão, lũ lụt. Tác phẩm này là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nổi bật trong truyền thuyết này là nhân vật Sơn Tinh – người được mệnh dạnh là thần núi.
Sơn Tinh là một người ở núi Tản Viên, có nhiều tài năng nổi bật: “vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi”. Đó là sức mạnh của các vị thần thánh, người bình thường không thể làm được những điều này. Sức mạnh, tài năng, trí tuệ của Sơn Tinh được thể hiện qua cuộc thi kén rể của vua Hùng. Hùng Vương thứ 18 muốn kén cho con gái một người chồng xứng đáng nên đã đưa ra sính lễ cầu hôn gồm: “một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”. Sáng sớm hôm sau, giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh ai mang đến trước thì người đó sẽ được lấy Mị Nương. Sơn tinh đã chuẩn bị đầy đủ sính lễ và hôm sau rước được Mị Nương về làm vợ. Sức mạnh của Sơn Tinh còn được thể hiện trong cuộc chiến đấu với Thủy Tinh. Thủy Tinh do không rước được Mị Nương nên đã nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thủy Tinh hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Nhưng Sơn Tinh không hề bị nao núng, dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ dâng lên. Hai bên chiến đấu ngang tài ngang sức kéo dài ròng rã mấy tháng trời và chiến thắng cuối cùng đã thuộc về Sơn tinh. Thủy Tinh do kiệt sức nên đành phải rút quân. Sơn Tinh luôn đứng về phía nhân dân để giúp đỡ và bảo vệ họ tránh khỏi thiên tai, lũ lụt. Qua đó, tác giả dân gian cũng gửi gắm bài học về tình đoàn kết, sự yêu thương, gắn bó qua hình tượng nhân vật này. Sơn tinh không chỉ mang trong mình sức mạnh siêu nhiên mà đó còn là một sức mạnh bền bỉ. Khi Thủy Tinh đã sức cùng lực kiệt thì Sơn Tinh vẫn vững vàng chiến đấu đến cùng. Sức mạnh này còn tượng trưng cho sức mạnh của con người, của dân tộc Việt Nam chúng ta. Thiên nhiên có khắc nghiệt đến mấy thì con người vẫn sẽ chống lại sự tàn phá của nó và tìm cách khắc phục, bảo vệ sự sống. Hằng năm, nhân dân ta vẫn đắp đê ngăn lũ.
Nhân vật Sơn tinh được khắc họa bằng những chi tiết thần thánh hóa, yếu tố kì ảo nhằm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Sơn Tinh được thờ cúng ở nhiều địa điểm khác nhau trên đất nước. Đây là một trong tứ bất tử của nước ta và được nhân dân cung kính gọi với một tên khác là Đức thánh Tản.
3. Phân tích truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh hay nhất:
Kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều những tác phẩm truyền thuyết hay, phản ánh một cách khách quan và khái quát về vẻ đẹp cuộc sống sinh hoạt cùng những giá trị tinh thần sâu sắc, tích cực, về ước muốn những ước muốn và niềm tin cao đẹp của con người muôn đời. Sơn Tinh, Thủy Tinh là một trong những truyền thuyết gắn liền với tuổi thơ của nhiều độc giả. Câu chuyện thể hiện niềm khao khát khống chế thiên nhiên của nhân dân ta trước thiên tai bão lụt vẫn thường diễn ra hằng năm.
Bối cảnh của truyện là vào thời Hùng Vương thứ 18, ông chỉ có một cô con gái là công chúa Mị Nương. Vua đã tổ chức cuộc thi kén rể, đọ tài đọ sức giữa hai chàng trai có xuất thân và sức mạnh phi thường. Người thứ nhất là thần núi Tản Viên, thường gọi là Sơn Tinh với khả năng vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Còn người thứ hai xuất thân là chúa vùng nước thẳm gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Hai người đều làm vừa lòng vua Hùng, vua rất khó chọn lựa, chính vì thế vua đã ra thách cưới. Lễ vật thách cưới mà vua Hùng đưa ra gồm một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Hôm sau Sơn tinh đến từ rất sớm, mang đầy đủ sính lễ và rước được nàng Mị Nương về. Thủy tính đến sau, tức giận vì không lấy được Mị Nương nên đã đuổi theo đánh Sơn Tinh nhằm cướp lại công chúa. Thủy Tinh hô mưa gọi gió làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn, nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi. Khả năng hô mưa gọi gió của Thủy Tinh đã đem đến một đợt thiên tai ngập lụt khủng khiếp, vốn là nỗi sợ ngàn đời của nhân dân ta. Thế nhưng Sơn Tinh chẳng hề nao núng, chàng bốc từng quả đồi dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất ngăn chặn dòng nước lũ, nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu. Trận đánh ngang tài ngang sức, cả hai đánh nhau ròng rã mấy tháng trời mà vẫn bất phân thắng bại. Thủy Tinh dần dà mệt mỏi đành rút quân, Sơn Tinh giành chiến thắng vẻ vàng bởi ý chí kiên cường chống lại cái ác. Nhưng với lòng thù hận sâu sắc vì thua cuộc nên năm nào Thủy tinh cũng gây ra bão lũ đánh Sơn tinh.
Sơn Tinh Thủy Tinh xây dựng nhiều nét nghệ thuật đặc sắc, xây dựng cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn, có nhiều yếu tố kỳ ảo. Nhân vật được thần thánh hóa, có sức mạnh phi thường, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ tượng trưng cho hai thế lực là sức mạnh của con và sức mạnh của thiên nhiên. Kết thúc truyện hợp lý, giải thích được lý do cho những đợt thiên tai hằng năm trên đất nước ta. Đồng thời cũng thể hiện một niềm tin, niềm khao khát khống chế và chiến thắng thiên nhiên của ông cha ta từ xưa đến nay.