Hãy phân tích nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao để thấy được nét độc đáo về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao:
Mở bài:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật Hộ
Thân bài:
– Hộ có nhiều đặc điểm tiêu biểu cho sự thông minh trí tuệ và tài năng
– Những túng quẫn của Hộ khi sống trong xã hội cũ
Kết bài:
Khái quát lại nội dung và thông điệp truyền tải qua bài phân tích.
2. Bài phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao hay nhất:
Nam Cao chính là một nhà văn lớn và tài năng của văn học Việt Nam, ông gắn với cuộc đời của những trí thức nghèo trước cách mạng tháng Tám. Các tác phẩm của ông là những: “thước phim bom tấn” về bi kịch cuộc đời con người đã bị tha hóa, hay “Đời thừa” là một tác phẩm tiêu biểu. Bi kịch trong “Đời thừa” đã được thể hiện qua “vai diễn” của nhân vật Hộ, đó không chỉ là bi kịch về cuộc sống gánh nặng cơm áo gạo tiền, mà còn là bi kịch của người nghệ sĩ phải chà đạp lên nghệ thuật chân chính, là người cha, người chồng phải chà đạp lên chính nguyên tắc tình thương do mình đề ra để sống.
“Văn sĩ Hộ” hay chính là nhân vật Hộ trong tác phẩm là một nhà văn, người nghệ sĩ nghèo nhưng mang trong mình bao ước mơ, hoài bão lớn lao và có lí tưởng sống cao đẹp. Nhà văn Hộ đã luôn khao khát có cho mình những tác phẩm lớn và mang những giá trị vĩ đại, vượt thời gian, thế nhưng cái nghèo đói đã níu kéo, ràng buộc khao khát đó của Hộ. Lấy vợ xong là cuộc đời Hộ bị trói buộc và bị rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, Hộ đành tạm gác lại những hoài bão, mơ ước của mình để chăm lo cho gia đình nhưng đã bắt đầu sự mâu thuẫn trong lương tâm người làm văn và nỗi lo cơm áo đã biến nhân vật Hộ trở thành một kẻ vũ phu, một vòng luẩn quẩn uống say – đánh đập vợ con – ân hận cứ thế xoay quanh khiến hắn rơi vào cuộc đời bế tắc, không lối thoát.
Cuộc đời nhân vật Hộ chính là bi kịch “đời thừa” – sống vô ích, vô ý nghĩa và vô tích sự, thừa thãi. Trước hết, bi kịch của Hộ cũng chính là bi kịch của một nhà văn trẻ tài năng có tâm huyết với nghề, nuôi trong mình ước mơ hoài bão cao đẹp “gã trẻ tuổi say mê lí tưởng… khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất”, nghệ thuật đối với Hộ chính là tất cả, ngoài nghệ thuật chẳng còn gì đáng để Hộ bận tâm.
Trong xã hội thời bấy giờ, nét nổi bật đó khiến Hộ trở nên không tầm thường chính là sống có ích bằng chính văn chương tâm huyết của mình. Những nhà văn khác viết văn chỉ vì văn chương hoặc nghệ thuật nhưng với Hộ, hắn viết văn vì mong tác phẩm của mình có ích cho xã hội, củng cố đạo đức cho đời “làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”… Tất cả đó chỉ là suy nghĩ của Hộ trong thực tế những ước mơ của Hộ đã bị gạt phắt đi bởi cơm áo tiền tầm thường. Trong hoàn cảnh có vợ con, phải lo cho gia đình, Hộ không thể chỉ nghĩ cho bản thân mình, hắn phải kiếm tiền lo cơm áo cho vợ con, phải làm tròn trách nhiệm với gia đình và lương tâm của mình.
Trách nhiệm cao cả ấy đã đẩy Hộ đến con đường viết văn chương một cách nhạt nhẽo, nông cạn và thô thiển, khác xa với lí tưởng và tâm huyết của hắn và chỉ cốt viết sao cho kiếm được nhiều tiền. Tinh thần của văn sĩ của Hộ bị bức ép, dồn đến chân tường bởi cuộc sống, nhiều khi đọc lại văn của mình anh tự cảm thấy xấu hổ, trách mình là một thằng khốn nạn “là một kẻ bất lương”, “đê tiện”. Người nghệ sĩ như Hộ đã trở thành “đời thừa” trong xã hội, trong chính bản thân mình khi đã đánh mất tài năng và nhân cách của mình.
Bi kịch thứ hai của Hộ là bi kịch của một người sống có nhân cách, sống tình cảm nhưng lại chà đạp lên chính tình thương của mình. Vợ của Hộ là Từ, hai người đến với nhau trong hoàn cảnh éo le và Hộ đã cưu mang Từ cả đứa con đỏ hỏn của cô khi cô bị nhân tình bỏ rơi, Hộ nhận làm chồng và làm cha đứa trẻ. Hộ vừa cứu cuộc đời mẹ con Từ và giữ danh dự cho cô, đây chính là tính nhân đạo, thương người, hơn thế anh còn giúp Từ lo ma chay cho mẹ già, với con cái anh cũng rất tình cảm “Hắn hôn hít chúng vồ vập lắm”. Tâm huyết với văn chương vẫn cứ âm ỉ trong tâm hồn Hộ, nó chỉ cần có bén lửa là sẽ bùng lên, thế nhưng hoàn cảnh cuộc sống nghèo đói, vật lộn cơm áo gạo tiền cứ giày vò Hộ làm cho hắn “nóng bỏng” lên.
Hộ tìm đến rượu để “làm mát” , xoa dịu nhưng hắn đã tìm sai đường, rượu chỉ khiến con người hắn trở nên thô bạo, tầm thường cả trí tuệ và nhân cách, hắn thậm chí đã từ bỏ lí tưởng văn chương của mình, đánh đuổi vợ con, sống ngược lại với tất cả những gì đã đề ra và từng cố gắng. Như vậy, với cả hai tư cách là người nghệ sĩ và người cha, người chồng, Hộ đều trở thành “đời thừa” trong cuộc đời của hắn, nỗi đau của Hộ là nỗi đau sống mà không ra sống, không thể sống với tâm huyết của mình cũng chẳng thể hết mình cho gia đình mình. Sống với nỗi đau ấy, Hộ nhận ra sự bất lực của chính mình, tự trách mình là một kẻ vô tích sự khi mãi sống thừa thãi trên cuộc đời.
Hai bi kịch mà nhân vật Hộ trải qua chính là bi kịch mà tầng lớp trí thức nghèo tiểu tư sản phải hứng chịu trong xã hội cũ. Tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao thực sự đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về bi kịch của văn sĩ Hộ, đồng thời cũng cho người đọc thấu hiểu quan điểm văn chương nghệ thuật đắt giá, những giá trị nhân đạo sâu sắc mà trải qua bao thăng trầm thời gian vẫn giữ nguyên giá trị lưu truyền thế hệ sau.
3. Bài phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao ý nghĩa nhất:
Nam Cao là nhà văn xuất sắc trong việc phản ánh giá trị của thời đại, mỗi tác phẩm của ông đều được thể hiện một cách chi tiết, sâu sắc những vấn đề của thời đại đó. Nam cao đã xây dựng nên những nhân vật trong tác phẩm của mình vô cùng tinh tế, tác phẩm cũng đã phản ánh được sâu sắc hiện thực của xã hội lúc bấy giờ. Tác phẩm Đời thừa của Nam Cao là một tác phẩm như thế, nhân vật Hộ được xây dựng sâu sắc, tinh tế trong từng câu chữ đoạn văn.
Nhân vật Hộ xuất hiện trong tác phẩm, lấy xuất thân là một nhà văn có lý tưởng sống cao đẹp và là nhà văn chân chính, biết hướng tới giá trị hiện thực, thế nhưng lại bị chính cuộc sống nghèo đói biến thành một gã vũ phu. Với hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn, Hộ bị áp lực trước cuộc sống, tiền bạc, cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Trong tác phẩm tác giả đã xây dựng những hình ảnh về sự giằng xé trong nội tâm nhân vật, ở đó nhân vật Hộ xuất hiện là người có khát vọng sống cao cả và có trách nhiệm với cuộc sống gia đình. Từ sau khi lấy người vợ tên là Từ cuộc sống của anh như bị thêm phần áp lực về cuộc sống, lúc này biết bao nhiêu vấn đề từ cuộc sống đang giằng xé trong nội tâm của nhân vật của tác phẩm.
Hộ là một nhà văn có lý tưởng sống cao đẹp, thế nhưng vì cuộc sống hàng ngày mà ông phải gác lại giấc mơ của mình để lo cho vợ con, gác lại bao hoài bão, ước mơ của mình, ông hy sinh ước mơ, sự nghiệp của mình cho cuộc sống xoay quanh cơm áo gạo tiền. Bởi thời bấy giờ tiền kiếm ra được từ viết văn chương quá rẻ mạt, chính vì thế ông phải từ bỏ nó. Mâu thuẫn nội tâm đã xuất hiện rõ nét trong đoạn trích, nó phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội lúc bấy giờ về cái nghèo đói khổ sở.
Việc xây dựng tâm lý nhân vật trong cảnh rằng xé đã khắc họa nên hình tượng nhân vật trong tác phẩm, mỗi chi tiết đều thể hiện một giá trị riêng, mang nét sâu sắc trong cách sáng tạo và tạo nên giá trị biểu hiện trong tác phẩm, con người đang bị tha hóa, bởi cái nghèo, cái đói trong cuộc sống cơ cực lúc bấy giờ. Bao nhiêu hoài bão bị tiêu tan, Hộ là biểu hiện cho những người tiểu tư sản nghèo khó trước cách mạng bị xã hội tha hóa, ông rơi vào tấn bi kịch tự đau khổ và rồi nhận ra những lỗi lầm của mình.
Chính sự tinh tế trong cách sáng tác của mình mà Nam Cao đã thể hiện rõ giá trị hiện thực sâu sắc trong tác phẩm, chính giá trị đó biểu hiện những nét riêng mang những cung bậc riêng, phản ánh hiện thực của xã hội lúc bấy giờ.
Với cách sáng tạo và giằng xé nội tâm nhân vật, Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật của mình với những nét tính cách điển hình, đại diện cho những con người tri thức tiểu tư sản ở xã hội. Họ bị xã hội tha hóa, con người rơi vào tấn bi kịch của thời đại, chính cái nghèo khổ đó đã là hiện thực sâu sắc của xã hội Việt Nam trước năm 1945.