Bài viết dưới đây là tổng hợp văn mẫu phân tích nhân vật em gái trong truyện Bức tranh của em gái tôi, thể hiện qua tính cách hồn nhiên, nhân hậu và tình cảm anh em chân thành. Cùng tham khảo bài viết: “Phân tích nhân vật em gái trong Bức tranh của em gái tôi” qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích nhân vật em gái trong Bức tranh của em gái tôi:
* Mở bài:
– Giới thiệu khái quát tác phẩm “Bức tranh của em gái tôi”
– Giới thiệu nhân vật cô em gái Kiều Phương
* Thân bài:
Kiều Phương là một cô bé ngây thơ, trong sáng
– Kiều Phương rất vui khi được mọi người đặt cho biệt danh là “Mèo”, thậm chí còn dùng cái tên đó để xưng hô với bạn bè.
– Cô bé thường lục lọi đồ vật trong nhà một cách thích thú.
– Kiều Phương “vênh mặt” trả lời một cách ngây thơ “Mèo mà lại! Em không phá là được” khi anh trai tỏ vẻ khó chịu “Này, em không để chúng nó yên được à!”.
– Kiều Phương vui vẻ làm việc bố mẹ giao.
=> Một nhân vật lúc nào cũng ngây thơ, hồn nhiên và đáng yêu.
Kiều Phương là cô bé có tài năng hội họa
– Cô thường sáng tác những bức tranh với nhiều màu sắc khác nhau: đỏ, vàng, xanh, đen…
– Qua lời khen của chú Tiến Lê và qua sự ngạc nhiên của ba mẹ Kiều Phương
– Thái độ của những người thân trong gia đình:
Bố Kiều Phương rất ngạc nhiên
Mẹ Kiều Phương không giấu được xúc động trước lời khen của họa sĩ Tiến Lê dành cho con gái mình.
– Kiều Phương được khẳng định qua bức tranh đạt giải nhất Cuộc thi vẽ tranh quốc tế.
Kiều Phương là một cô gái có tình cảm trong sáng và tấm lòng nhân hậu
– Kiều Phương đã dành cho anh trai mình những tình cảm rất trong sáng.
– Chỉ có người có tình cảm trong sáng và nhân hậu mới có thể vẽ nên một bức tranh đẹp và ý nghĩa về anh trai mình.
– Những lời anh trai muốn nói với mẹ trong phần cuối tác phẩm là lời khẳng định tâm hồn Kiều Phương
* Kết bài:
Cảm nghĩ về nhân vật Kiều Phương
2. Phân tích nhân vật em gái trong Bức tranh của em gái tôi hay nhất:
Trong chương trình Ngữ văn lớp 6 – phần II, em ấn tượng nhất với tác phẩm Bức tranh của em gái tôi. Và nhân vật Kiều Phương, nhân vật em gái – với tấm lòng nhân hậu đã tỏa sáng trong tâm trí em.
Sau khi học xong truyện, em vẫn thấy rõ rằng truyện không đơn thuần khẳng định và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật người em gái, mà chủ yếu muốn hướng người đọc đến sự tự nhận thức ở nhân vật người anh thông qua việc trình bày rõ nét những thay đổi trong tâm trạng của nhân vật.
Vẻ đẹp của Kiều Phương được hiện ra không phải do lời kể của tác giả, cũng không phải do nhân vật tự bộc bạch mà vẻ đẹp đó dần được bộc lộ qua con mắt và lời kể của người anh. Một người anh trai luôn “coi thường” những việc của em gái làm, đố kị với tài năng của em gái. Điều này khiến cho vẻ đẹp đó ngày càng đẹp hơn, cho đến cuối truyện, vẻ đẹp đó sẽ đọng lại sâu trong trái tim người anh trai và mang đến cho người đọc nhiều suy nghĩ. Đó là vẻ đẹp của sự hồn nhiên, hiếu động, tài năng hội hoạ, tình cảm trong sáng và lòng nhân hậu của người em gái.
Không hồn nhiên thì sao cô em có biệt danh là “Mèo”, “nó vui vẻ chấp nhậnvà cũng dùng cái tên đó để xưng hô với bạn bè. Sự ngây thơ cũng có thể thấy khi ở nhà mèo hay lục lọi đồ vật một cách thích thú. Khi người anh trai tỏ vẻ khó chịu, cô bé vẫn hồn nhiên. Khi chế xong bột vẽ, cô bé vừa làm vừa hát, trông rất vui vẻ. Đúng là một cô bé hồn nhiên và đáng yêu.
Đáng yêu hơn nữa là cô bé còn có năng khiếu hội họa, theo chú Tiến Lê, đó là một thiên tài hội hoạ. Tài năng đó thể hiện ở sáu bức tranh do “Mèo” vẽ dấu người anh, không ngờ đó lại là bức tranh độc đáo nhất.
Tài năng của Kiều Phương đã được khẳng định qua bức tranh đạt giải nhất, sau một tuần tham gia cuộc thi vẽ tranh quốc tế, khiến cả nhà “vui như tết”. Chỉ có anh trai Mèo là buồn lắm. Hiểu được điều này, Kiều Phương đã dành cho anh trai những tình cảm rất trong sáng. Nó vội vàng ôm lấy cổ, thì thầm vào tai muốn cả anh cùng đi nhận giải. Chỉ một hành động, một lời nói thôi đã toát lên tâm hồn ngây thơ của một cô gái đáng yêu!
Khi người anh thấy bức tranh em gái vẽ mình đã rất bất ngờ. Bởi đó chính là tâm hồn và lòng tốt của người em. Có lẽ khi nhìn vào bức tranh đó, cũng chính là nhìn vào tâm hồn trong sáng và lòng tốt của em gái, nhân vật người anh đã nhìn vào chính mình nhiều hơn để vượt qua những giới hạn của lòng tự ái và tự ti. Đây là khoảnh khắc nhân vật tự “thức tỉnh” để hoàn thiện nhân cách của mình.
Bức tranh của em gái tôi được vẽ thông qua quá trình thay đổi tâm trạng của người anh trai, thông qua lời kể vô cùng cảm xúc của nhân vật. Đó là “Mèo con” với trái tim nhân hậu. Đây cũng chính là vẻ đẹp của một cô bé trong cuộc sống thường ngày mà chúng ta có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên đất nước mình.
3. Phân tích nhân vật em gái trong Bức tranh của em gái tôi điểm cao nhất:
Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” là câu chuyện khiến người đọc nhớ mãi mỗi khi lật từng trang sách. Đặc biệt, hình ảnh cô em gái Kiều Phương đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.
Kiều Phương là một cô bé ngây thơ, tinh nghịch nhưng có niềm đam mê hội họa. Niềm đam mê này được tác giả thể hiện cụ thể qua cách cô vẽ mỗi ngày, cách cọ nhọ nồi để làm màu vẽ… Và khi cha cô phát hiện ra niềm đam mê này, Kiều Phương càng tỏ rõ sự quyết tâm và phấn đấu cho ước mơ thành họa sĩ.
Mặc dù anh trai gọi cô là “mèo” vì lục lọi đồ đạc linh tinh, Kiều Phương vẫn “vui vẻ chấp nhận” và hồn nhiên khoe với bạn bè. Cách Kiều Phương nói chuyện với anh trai cũng cho thấy Kiều Phương là một cô bé tinh nghịch, ngây thơ và vô cùng đáng yêu “Nó vênh mặt, mèo mà lại, em không phá là được”. Dù anh trai có bực mình đến đâu, cô bé nhỏ này cũng không bao giờ nổi giận, luôn giữ được sự hòa thuận và tinh nghịch như vậy. Tạ Duy Anh đã khéo léo khắc họa hình ảnh một nhân vật đáng yêu, tạo ấn tượng tốt cho người đọc.
Điều khiến người đọc ngưỡng mộ nhất là tài năng hội họa của Kiều Phương. Điều này khiến bố mẹ cô vui mừng “Ôi con đã cho bố một bất ngờ quá lớn. Mẹ cũng không kìm được xúc động”. Anh trai cô ghen tị với tài năng của cô, vì vậy anh ngày càng lạnh lùng và hay quát mắng em. Tuy nhiên, tình cảm và thái độ của em gái đối với anh vẫn không thay đổi, cô tin tưởng và tôn trọng anh hết lòng.
Đặc biệt nhất là tình yêu và tấm lòng của Kiều Phương dành cho anh trai mình trong bức tranh đoạt giải. Cô bé không bao giờ ghét anh, mặc dù anh rất ghét cô, ghen tị với cô. Bức tranh là hình ảnh một cậu bé có đôi mắt rất sáng, nhìn ra ngoài cửa sổ, tỏa sáng với vẻ đẹp tuyệt vời. Có thể nói đây là chi tiết khiến người đọc xúc động về tình anh em trong gia đình. Chính bức tranh của Kiều Phương đã “đánh thức” trái tim người anh, khiến cho người anh có cái nhìn khác về em gái mình, vừa hối hận vừa xấu hổ vừa biết ơn.
Kiều Phương không chỉ là một cô gái đáng yêu, ngây thơ và tài năng, mà còn có tấm lòng nhân hậu, bao dung khiến người khác phải ngưỡng mộ và tôn trọng.
Tạ Duy Anh là người hiểu thế giới trẻ thơ, hiểu được tấm lòng và tình cảm của trẻ thơ nên đã gửi gắm những điều tốt đẹp đến nhân vật Kiều Phương.
Với cách kể chuyện nhẹ nhàng, gần gũi và sâu sắc, tác giả đã để lại cho người đọc những cảm xúc tốt đẹp về nhân vật Kiều Phương. Qua đó, tác giả cũng gửi gắm tình anh em chân thành và sâu sắc.