"Người thầy đầu tiên" của Ai-ma-tốp là một tác phẩm nổi tiếng, được nhiều người trên thế giới biết đến, câu chuyện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc không chỉ qua nhân vật là thầy Đuy-sen mà còn qua hình ảnh cô học trò An-tư-nai. Hãy phân tích nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên.
Mục lục bài viết
1. Phân tích nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên:
Bằng lối viết cô đọng, hàm súc, nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã để lại rất nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa và đầy giá trị nhân văn. Đặc biệt, truyện vừa “Người thầy đầu tiên” của ông đã trở thành cuốn sách quen thuộc với vô vàn độc giả trên khắp thế giới. Tác phẩm đã xây dựng và khắc họa rất chân thực hình ảnh cô bé An-tư-nai kiên cường, giàu tình yêu thương.
An-tư-nai không có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc như bao bạn bè khác. Cô bé mồ côi cha mẹ từ sớm, phải ở cùng với chú thím. Mặc dù thiếu vắng đi sự quan tâm, chăm sóc từ mẹ cha nhưng An-tư-nai vẫn nuôi dưỡng, chất chứa tâm hồn trong sáng cùng với tấm lòng nhân hậu, lương thiện. Cô bé sẵn sàng trút lại ki-giắc ở trường để cho thầy Đuy-sen khỏi vất vả kiếm củi. Hành động nhỏ bé của cô bé như ngọn lửa sưởi ấm trong mùa đông buốt giá. Khi thấy thầy bị lăng mạ, xúc phạm bởi những lời lẽ và cả hành động của bọn nhà giàu trên núi, An-tư-nai cảm thấy vô cùng bất bình và tức giận. Chứng kiến thầy Đuy-sen phải vất vả xếp đá ở giữa dòng suối, cô bé không ngại buốt lạnh mà nhanh nhẹn giúp đỡ. Từng hành động tuy là nhỏ bé nhưng đã tô đậm sự lương thiện, nhân ái của An-tư-nai – cô bé có một cái tên thật đẹp như thầy Đuy-sen nhận xét “An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?”.
An-tư-nai còn là người học trò trọng tình nghĩa. Cô bé cảm thấy xúc động trước hành động ấm áp hay là những ý nghĩ tốt đẹp từ thầy Đuy-sen. Cô bé và mọi học sinh luôn ngưỡng mộ và yêu quý người thầy đầu tiên. Sau này, khi trở thành bà viện sĩ Xu-lai-ma-nô-va, An-tư-nai vẫn ghi nhớ về công ơn dạy bảo to lớn của thầy Đuy-sen. Bởi vậy, An-tư-nai đã nhờ người họa sĩ tìm mọi cách lan tỏa câu chuyện về thầy nhằm để “không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này.”.
Sống trong hoàn cảnh mồ côi, An-tư-nai chưa từng nghĩ tới việc gục ngã, buông bỏ. Cô bé không muốn người đời nhìn mình với ánh mắt thương hại. An-tư-nai vẫn mạnh mẽ vươn lên như những cây xương rồng mọc giữa hoang mạc khô cằn. Mỗi lần đi nhặt ki-giắc, cô bé phải tới tận chân núi ở mé làng, lúc ra về thì mang theo cả các cái bao to hơn cả người. Ấy vậy, An-tư-nai không hề ngại khổ. Nhờ sự yêu thương, giúp đỡ của người thầy, An-tư-nai đã không ngừng cố gắng, chăm chỉ học hành và trở thành một viện sĩ. Sự kiên cường và quyết tâm vượt lên số phận bản thân đã khẳng định vẻ đẹp con người An-tư-nai.
Từ việc sử dụng nhiều ngôi kể là người họa sĩ và nhân vật xưng “tôi” – An-tư-nai, nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã thể hiện được một cách sâu sắc suy nghĩ, tình cảm của nhân vật. Qua đây, ta cũng cảm nhận được về tấm lòng thương yêu, trân trọng tới số phận bất hạnh nhưng luôn mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.
2. Phân tích nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên hay nhất:
“Người thầy đầu tiên” của Ai-ma-tốp là một tác phẩm nổi tiếng, được nhiều người trên thế giới biết đến, câu chuyện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc không chỉ qua nhân vật là thầy Đuy-sen mà còn qua hình ảnh cô học trò An-tư-nai, một cô bé hiếu học, mạnh mẽ, thiện lương và giàu tình cảm.
An-tư-nai lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, cô bé phải sống với chú thím và bị họ đối xử rất tệ bạc, thậm chí từng bị bán đi. Dù cuộc sống khắc nghiệt, An-tư-nai vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của mình, không hề bị số phận thay đổi. Cô bé vô cùng thiện lương và giàu tình cảm với mọi người xung quanh. Khi bọn trẻ nghèo ở trong làng, trong đó có An-tư-nai, được thầy Đuy-sen mở lớp dạy học, cô bé đã để lại ki-giắc của mình để sưởi ấm cho thầy và các bạn của mình, giúp thầy không phải vất vả kiếm củi trong thời tiết buốt giá. Mùa đông khắc nghiệt, thầy Đuy-sen đã có hành động là cõng và bế bọn An-tư-nai qua suối để các em không phải chịu cái lạnh thấu xương của dòng nước, nhưng lại bị bọn nhà giàu trên núi trêu chọc và phi ngựa qua để nước bắn lên người thầy trò. An-tư-nai đã rất tức giận, thương thầy Đuy-sen, và chỉ muốn nói với bọn nhà giàu rằng: “Các người không được nói thầy giáo của chúng tôi như thế! Các người ngu lắm, các người tồi lắm”. Không chỉ có vậy, thấy thầy Đuy-sen lội suối để đắp đất đá cho học trò đi qua, An-tư-nai đã không ngần ngại để xuống giúp đỡ thầy, dù sau này cô có nhớ lại ngày đó với lời nói “Hôm chúng tôi xếp đá qua dòng nước, tuyết đã phủ đầy ở trên mặt đất và nước buốt đến chết cóng đi”. Hành động của An-tư-nai đẹp như chính tâm hồn lương thiện của cô bé. An-tư-nai rất thương thầy Đuy-sen và quý mến thầy như người thân ruột thịt duy nhất của mình, không phải là người chú thím độc ác. Cô bé còn có những ước mơ thật sự rất đáng yêu: “Ước gì thầy là anh ruột của tôi! Ước gì tôi được bá cổ thầy, nhắm nghiền mắt lại và thủ thỉ với thầy với những lời đẹp đẽ nhất! Trời ơi, ước gì thầy Đuy-sen là anh ruột tôi!”. Dù không có dòng nào miêu tả về ngoại hình hay tính cách của An-tư-nai nhưng bằng ngòi bút tài năng, qua các chi tiết tinh tế, tác giả Ai-ma-tốp đã thành công mang đến một cô bé vô cùng xinh đẹp từ tâm hồn và sự lương thiện, trong sáng, trái tim giàu tình cảm.
An-tư-nai luôn mạnh mẽ và kiên cường dù sống trong hoàn cảnh bất hạnh từ nhỏ. Cô bé không sợ hãi cực nhọc hay là khó khăn, một mình đến tận khe núi ven làng để nhặt ki-giắc và mang về nhiều bao to hơn cả người mình. Cô bé tồn tại giống như một cây sương rồng nhỏ bé nhưng tràn ngập nghị lực sống, cho đến khi gặp thầy Đuy-sen, người đã soi sáng cho cuộc đời của cô bé, cho cô bé ước mơ và tương lai tươi sáng hơn. Khi được thầy Đuy-sen dạy học, An-tư-nai đã bộc lộ tư chất thông minh và sự hiếu học của mình. Cô bé chăm chỉ đến lớp mỗi ngày, không quản ngại trời rét mướt và điều kiện học tập thiếu thốn nơi nhà kho. Nhận thấy tư chất đặc biệt và sự hiếu học của cô bé, thầy Đuy-sen đã cố gắng giúp cô lên thành phố học, thoát khỏi cái nghèo khổ ở nơi làng quê lạc hậu. Không phụ lòng thầy, An-tư-nai sau này đã trở thành một viện sĩ nổi tiếng tại Moscow, thủ đô của Liên Xô. Sự kiên cường vượt lên số phận và ham học của An-tư-nai thật đáng ngưỡng mộ, khiến cho người đọc càng thêm yêu quý cô bé, một con người nhỏ bé với phẩm chất đáng quý.
Với cách miêu tả chân thật, gần gũi và sử dụng kết hợp nhiều ngôi kể, nhà văn Ai-ma-tốp đã khắc hoạ được thành công nhân vật An-tư-nai. Cô bé có trái tim trong sáng, thiện lương và giàu tình cảm. Lớn lên ở trong hoàn cảnh khó khăn nhưng An-tư-nai luôn kiên cường, không chịu khuất phục trước số phận, tinh thần hiếu học của cô bé cũng rất đáng khâm phục. Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” vẫn giữ được nguyên giá trị nhân văn cho tới ngày nay, nhờ việc tạo nên những nhân vật để lại dấu ấn trong lòng người đọc, đặc biệt là An-tư-nai.
3. Phân tích nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên ngắn gọn:
Bối cảnh câu chuyện diễn ra tại làng Ku-ku-rêu, một vùng núi hẻo lánh, đầy thách thức, vào thời kỳ đầu của thế kỷ XX. Lúc bấy giờ, tư tưởng phong kiến, quan niệm gia trưởng vẫn đang đeo bám mạnh mẽ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ mồ côi thường phải đối mặt với chính những sự coi thường và khó khăn. An-tư-nai, một cô bé mất bố mẹ, sống nhờ gia đình chú thím. Hàng ngày, cô phải làm việc rất nặng nhọc và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt từ bà thím dâu độc ác. Thầy giáo trẻ Đuy-sen, người được Đoàn thanh niên Cộng sản bổ nhiệm tới làng để mở trường giáo đã giúp cho An-tư-nai vượt qua gian khổ và học vấn. Bà thím tham lam buộc cô kết hôn với một người đàn ông khá giàu có trong khu vực. Một lần nữa, nhờ sự giải thích và sự hỗ trợ của thầy Đuy-sen, cô đã được gửi lên thành phố học và tiếp tục đào tạo đại học tại Moscow. Sau này, cô trở thành một nữ viện sinh An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-va, trong khi thầy Đuy-sen về già mở tiệm vận chuyển thư.
Được giới thiệu qua lời của người họa sĩ đồng bằng – một nhân vật tôi: “Bà đã già, đầy đẳng, mái tóc khá mượt mà bắt đầu nhuộm bạc. Người phụ nữ nổi tiếng của chúng tôi làm chủ nhiệm của bộ môn ở trường đại học tổng hợp. Bà thường xuyên bận rộn với công việc, và tôi vẫn chưa được có dịp gặp gỡ gần gũi, nhưng mỗi lần tôi xuất hiện ở đâu, bà đều quan tâm đến cuộc sống ở quê nhà và luôn luôn bày tỏ ý kiến, dù là ngắn gọn, về tác phẩm của tôi”. Người đọc có thể thấy An-tư-nai hiện đang có một địa vị trong xã hội. Nhưng bà vẫn biết ơn và tôn trọng người thầy đầu tiên đã dạy chữ cho mình, giúp cho bà vươn lên từng con số, từng chữ cái, để An-tư-nai có thể chiếu sáng cho tương lai của mình, không phải là bị bán làm vợ lẻ hay chịu số phận nghèo khó, vì tri thức sẽ làm nên tất cả.
THAM KHẢO THÊM: