Tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất mà Bộ luật dân sự 2015 quy định. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo hoạt động dân sự diễn ra một cách khách quan, toàn diện và hiệu quả. Dưới đây là bài phân tích nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.
Mục lục bài viết
1. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự:
Theo quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015, pháp luật dân sự vận hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:
– Nguyên tắc 1: Trong pháp luật về dân sự, mọi cá nhân, pháp nhân đều không vì bất kỳ lý do gì mà bị phân biệt đối xử. Tức, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng với nhau; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Nguyên tắc bình đẳng này giúp quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia quan hệ dân sự được bảo đảm ở mức tối đa.
– Nguyên tắc 2: Mọi cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận ( Các cam kết, thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội). Tức với các cam kết, thỏa thuận không trái với quy chuẩn chung nhất về mặt đạo đức, xã hội, các cá nhân, pháp nhân có quyền tự do xác lập, chấm dứt quan hệ dân sự với nhau.
– Nguyên tắc 3: Khi xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, các cá nhân, pháp nhân phải được thực hiện một cách thiện chí, trung thực.
– Nguyên tắc 4: Khi tham gia giao dịch dân sự, các cá nhân, pháp nhân phải đảm bảo quan hệ dân sự đó không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
– Nguyên tắc 5: Đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự, các cá nhân, pháp nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Trên đây là 5 nguyên tắc được áp dụng trong pháp luật về dân sự. Tức khi tham gia bất kỳ giao dịch, hoạt động dân sự nào, các cá nhân, pháp nhân phải chấp hành tuân thủ đúng và đúng những nguyên tắc nêu trên. Có thể nói, những nguyên tắc này là cơ sở để Nhà nước quản lý một cách chặt chẽ và toàn diện hoạt động dân sự của người dân. Đây là căn cứ đối chiếu, xét duyệt tính đúng sai trong các hoạt động dân sự, từ đó xác định hành vi, đưa ra biện pháp xử lý, giải quyết sao cho phù hợp với các quy chuẩn chung của pháp luật.
2. Đặc điểm của nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là một trong những nguyên tắc căn bản nhất của pháp luật dân sự. Đi sâu vào phân tích, ta sẽ thấy bản chất và các đặc điểm cốt lõi của nguyên tắc này như sau:
– Bản chất của quan hệ pháp luật dân sự là sự trao đổi, thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau về giao dịch liên quan đến nhân thân và tài sản. Khi thực hiện trao đổi, thỏa thuận giao dịch dân sự, các bên sẽ bàn giao quyền và lợi ích hợp pháp cho nhau. Ngay tại thời điểm xác lập quan hệ dân sự với nhau, các bên phải có sự đồng thuận, tự do, tự nguyện thỏa thuận về quyền và lợi ích hợp pháp.
Ví dụ: Khi xác lập quan hệ vay nợ, bên cho vay và bên đi vay sẽ giao kết hợp đồng với nhau. Trong hợp đồng, hai bên sẽ thống nhất thỏa thuận về các vấn đề liên quan khoản nợ (nợ gốc), tiền lãi, thời hạn thanh toán, tài sản đảm bảo (nếu có). Đồng thời, nội dung hợp đồng còn thỏa thuận một cách rõ ràng và cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự vay nợ này. Sự thỏa thuận này dựa trên ý chí hoàn toàn tự nguyện của các bên.
– Xét về bản chất, nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết , thỏa thuận là việc các cá nhân, pháp nhân xác lập quan hệ dân sự với nhau một cách tự do, không có sự bức ép, bắt buộc, đe dọa. Tức, các cá nhân, pháp nhân sẽ xem xét thực tế về quyền lợi và các vấn đề pháp lý liên quan mà mình phải đảm bảo thực hiện trong quan hệ dân sự này. Sau khi xem xét các vấn đề này, cá nhân, pháp nhân sẽ đưa ra quyết định xem có tham gia giao kết hợp đồng hay không; từ đó đưa ra điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng dân sự. Nguyên tắc tự do, tự nguyện là cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong công tác bàn bạc, thỏa thuận trách nhiệm với nhau.
– Đặc điểm lớn nhất của nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là các bên được bình đẳng, tôn trọng về ý chí, tư tưởng. Khi tham gia bất kỳ giao dịch dân sự nào, chỉ khi các cá nhân đồng thuận hoàn toàn về vấn đề giao kết, thì thỏa thuận đó mới có giá trị. Nếu trong hoạt động thỏa thuận giao dịch, các điều khoản được đưa ra có yếu tố ép buộc, không dựa trên ý chí tự do, tự nguyện của các bên, thì giao dịch đó sẽ không có giá trị, bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.
– Pháp luật về dân sự điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến quan hệ nhân thân và tài sản của các cá nhân, pháp nhân. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết mà pháp luật quy định giúp người dân bảo đảm, bảo vệ đến mức tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Bởi, họ sẽ xem xét, đưa ra các phương án thỏa thuận sao cho phù hợp với lợi ích của mình nhất.
– Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là cơ sở bắt buộc mà mọi cá nhân, tổ chức phải đảm bảo thực hiện trong quan hệ pháp luật về dân sự. Nếu không đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc này, giao dịch dân sự đó sẽ không được pháp luật công nhận. Điều này tương ứng với việc các thỏa thuận sẽ không đạt hiệu quả pháp lý nhất định.
Trên đây là những phân tích về nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong pháp luật dân sự. Bản chất của nguyên tắc này chính là xây dựng quan hệ pháp luật bình đẳng, tự do giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau. Từ đó, giúp tạo nên nền tảng cơ sở cốt lõi nhất của các quan hệ pháp luật về dân sự sau này. Cũng cần thấy rằng, quy định về nguyên tắc trên mà Nhà nước đưa ra dựa trên thực tiễn khảo sát, kiểm tra và áp dụng thực tế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân một cách tốt nhất.
3. Ý nghĩa của nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận mà Nhà nước đề ra:
Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận mà Nhà nước đưa ra có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với các cá nhân, pháp nhân, mà còn với cả công tác quản lý, vận hành pháp luật dân sự của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể:
– Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận giúp các cá nhân, pháp nhân trực tiếp thể hiện được ý chí, mong muốn về quyền lợi của bản thân trong một quan hệ dân sự bất kỳ. Vậy nên, với nguyên tắc tự do, tự nguyện này, giúp người dân có cơ hội lựa chọn, xem xét, đưa ra phương hướng điều chỉnh sao cho phù hợp nhất, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
– Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận do cơ quan Nhà nước đưa ra. Do đó, việc tuân thủ nguyên tắc này giúp người dân thực thi và tuân thủ pháp luật. Đồng thời, đây cũng được xem là cơ sở để hạn chế đến mức tối đa những sai phạm có thể xảy ra, tranh chấp cũng được hạn chế. Bởi giao kết hợp đồng dựa trên nguyên tắc tự do, tự nguyện là việc cá nhân, pháp nhân tự do thể hiện ý chí. Tức mọi thỏa thuận mà các bên giao kết với nhau là dựa vào mong muốn, ý chí của chủ thể tham gia.
– Khi các tranh chấp, mâu thuẫn xung đột được hạn chế, chất lượng của các giao dịch dân sự được đảm bảo. Bản chất của giao dịch dân sự là sự thỏa thuận, bàn giao quyền và lợi ích hợp pháp của các bên với nhau. Việc tiết chế được tranh chấp, mâu thuẫn giúp nâng cao chất lượng của quan hệ giao dịch dân sự. Từ đó, pháp luật về dân sự cũng có nền tảng để phát huy đến mức tối đa trong khuôn khổ điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau.
– Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận giúp công tác vận hành, quản lý hoạt động pháp lý liên quan đến vấn đề dân sự của cơ quan Nhà nước đạt hiệu quả cao nhất. Nguyên tắc này chính là định khung để cơ quan Nhà nước dựa vào, xác định xem tính đúng sai của giao dịch dân sư, quyền và nghĩa vụ của các bên khi xảy ra tranh chấp. Công tác quản lý được đảm bảo giúp Nhà nước quản lý hoạt động pháp lý của người dân một cách cụ thể và cặn kẽ.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.