Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Bài viết sau đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về Vũ Trọng Phụng và nghệ thuật xây dựng nhân vật của ông qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.
Mục lục bài viết
1. Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật của Vũ Trọng Phụng:
1.1. Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia:
Hạnh phúc của một tang gia là đoạn trích của tác phẩm Số Đỏ, một trong những tác phẩm văn học xuất sắc thời kì này. Đoạn trích ấy đã thể hiện khá rõ tài năng của Vũ Trọng Phụng trong việc xây dựng nhân vật, góp phần bộc lộ chủ đề của tác phẩm. Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã khéo léo sắp đặt nhan đề gợi sự tò mò của người đọc đồng thời đặt tất cả các nhân vật của mình vào một hoàn cảnh “trớ trêu” buộc phải bộc lộ bản chất. Chọn thời điểm tang gia là lúc gia đình đương bối rối nhất để làm bật lên niềm hạnh phúc cực điểm là cách mà nhà văn gợi ra mâu thuẫn chính yếu của toàn chương: mâu thuẫn giữa hình thức và bản chất nhân vật. Tình huống oái oăm biến đám ma thành đám hội tạo nên sự “lệch chuẩn” phi đạo đức: đó là niềm hạnh phúc của một gia đình vô phúc khi cụ tổ qua đời, đám con cháu bất hiếu cuối cùng cũng nhận được một phần gia sản mà bấy lâu nay chúng thèm muốn. Một người nằm xuống làm cho bao nhiêu người sung sướng hạnh phúc chính là phép thử cho tình người và tính người mà Vũ Trọng Phụng đã mở ra.
Như tên của đoạn trích, ta thấy ngay có một cái gì là lạ, tại sao tang gia mà lại hạnh phúc? Mà hạnh phúc thì phải sung sướng lắm, phải “phởn chí” lắm. Và chúng ta tìm hiểu những nhân vật mà nhà văn miêu tả.
1.2. Chân dung nhân vật:
Vũ Trọng Phụng đã chứng tỏ một bút pháp bậc thầy trong việc xây dựng nhân vật.
Dáng vẻ khách đến đưa đám:
Về ngoại hình, chỉ bằng một vài nét tác giả đã lột tả được dáng vẻ cùa bọn người đi đưa đám. Trước hết là những ông bạn thân của cụ cô Hồng: “Ngực dầy những huân chương như: Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn Tượng bội tinh… Trên mép va cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngấn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hoặc rẩm rậm, loăn quăn…”. Đi đưa đám bố của một người bạn già chết mà họ như để khoe mẽ, hãnh tiến đến hóm hỉnh.
Độc giả lại được hiểu thêm cái hạnh phúc, cái không khí “đau buồn” của đám tang qua những câu hội thoại có vẻ lộn xộn, vụn vặt của người đi đưa đám.
Con bé nhà ai kháu thế?
Con bé bên cạnh đẹp hơn nữa!
Xưa kia vợ nó bỏ nó chớ?
Hai đời chồng rồi!
Còn xuân chán!
Làm môi cho tở nhé!
Mỏ vàng hay mỏ chì?…
Tác giả đã cho chúng ta thấy bộ mặt thực của những người đi đưa đám, chúng là những kẻ thiếu văn hóa. Chúng đi đưa đám mà nào có chú ý gì đến không khí tang gia đâu! Chúng chỉ nghĩ đến những chuyện tầm phào như ngắm người, nghĩ chuyện làm mai mối, suy tính thiệt hơn. Chúng không hề xót thương cho người chết mà trái lại, còn vui vẻ, hồ hởi nữa.
Dáng vẻ những người thân trong nhà:
Nhà văn đã dày công miêu tả những tất bật, lo toan của các thành viên trong và ngoài gia đình cụ cố Hồng trong việc tổ chức đám ma. Những lo lắng, bận rộn, “đăm đăm chiêu chiêu”, “buồn lãng mạn” cũng chỉ xoay quanh cái gia tài kếch xù của người quá cố, bởi nó là nguồn gốc mở ra biết bao câu chuyện về tình và tiền, danh và lợi: từ chuyện lo cưới chạy tang cho Tuyết, chuyện hối hôn đến chuyện lăng xê các mẫu tang phục của tiệm may Âu hóa; từ chuyện “Vì sao Xuân không đến” đến chuyện “mãi mà phái già chưa ra lệnh phát phục”… Bên cạnh niềm vui chung là “từ nay cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hành chứ không còn là lý thuyết viễn vông nữa”, mỗi thành viên lại có những “nỗi niềm” riêng tạo nên những chân dung biếm hoạ khác nhau.
Đầu tiên là chân dung của cụ cố Hồng – con cụ cố tổ, vị trưởng bối đứng đầu một đại gia đình danh gia. Mới 50 tuổi nhưng ích được gọi là “cố”, con người chỉ mơ màng nghĩ đến lúc “mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: “úi giời, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa”. Đám tang là dịp để người ta trông vào và là “cơ hội” cho cụ cố Hồng thể hiện ngôi vị trưởng tộc đáng kính trọng mà đầy đau thương của mình. Trong khi bố mình vừa mới qua đời, cụ cố Hồng đã tìm niềm vui nơi 60 điếu thuốc phiện và phải gắt lên đến 1872 câu: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đứa con trai. không có một phút giây nào nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mình, cố Hồng đại diện cho loại người háo danh trong xã hội thượng lưu.
Còn con cháu thì sao? Người ta thấy “Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng trong có cóoc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú” đề khoe rằng mình chưa đánh mất chữ trinh. Cụ cố Hồng tha hồ “ho khạc, mếu máo và ngất di” ra vẻ đau khổ lắm vì “từ nay mà đi, cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành, chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa”.
Niềm hạnh phúc lớn lao của Văn Minh (cháu cụ cố tổ) là “cái chúc thư kia đã đi vào thời kì thực hành chứ không còn là lý thuyết viễn vông nữa”. Chính vì thế mà việc khám liệm tử thi diễn ra qua loa bởi Văn Minh còn bận lăng xê những mốt quần áo của tiệm may Âu hoá. Bên cạnh niềm hạnh phúc chung thì Văn Minh cũng có “nỗi niềm riêng” khi không biết xử trí ra sao với Xuân Tóc Đỏ bởi Xuân có “hai cái tội nhỏ, một cái ơn to”. Cái tội quyến rũ một em gái của Văn Minh, tố cáo cái hoang dâm của một em gái khác đã bị lu mờ đi trước cái ơn làm cho “ông cụ già chết thật”. Điều này khiến Văn Minh “đăm đăm chiêu chiêu” rất hợp với gia cảnh của nhà có đám! Văn Minh đại diện cho loại người hám lợi trong xã hội.
Đối vối ông Phán mọc sừng, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là được chia thêm một gia tài lớn, “một số tiền là vài nghìn đồng” khiến hắn vui sướng đến ngỡ ngàng không tin vào bản thân mình nữa “chính ông ta cũng không ngờ cái giá của đội sừng trên đầu mình lại to như thế”. Trong niềm hạnh phúc ấy ông Phán đã sớm trù tính một công việc “doanh thương” với ngài Xuân, đã quyết định giữ chữ tín bằng cách dúi vào tay Xuân một tờ giấy bạc năm đồng gấp tư khi hạ huyệt. Hành động đó của tên cháu rể quý hóa thật là bỉ ổi, dám mua bán lương tâm trên huyệt mộ. Tên cháu rể của người chết chính là đại diện tiêu biểu cho táng tận lương tâm vì dám đem cái xấu xa ra mà tán tụng, khen thưởng.
2. Lý giải nghệ thuật xây dựng nhân vật của Vũ Trọng Phụng:
Vì sao lại như vậy? Qua nội tâm các nhân vật, cái chết của cụ cố là niềm vui của con cháu. Bà Văn Minh mừng vì sẽ được trưng diện bộ “đồ sô gai tân thời”, cụ cô Hồng “mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ sô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc, vừa mếu máo” để cho thiên hạ trầm trồ bình phẩm, ngợi khen. Còn ông Phán mọc sừng mừng vì sẽ được chia thêm một số tiền nhờ đối sừng hươu trên đầu. Tất cả chúng đều giống nhau ở chỗ mong cho cụ cố chết, vì ông cụ chết là “cái chết của ông cụ già đáng chết”.
Vũ Trọng Phụng đã chứng tỏ tài năng bậc thầy của mình trong nghệ thuật xây dựng nhân vật qua ngôn từ mang tính trào lộng, gây cười, nhất là đoạn miêu tả đám bạn bè của cụ cố Hồng. Nhà văn cũng chọn lọc những chi tiết để lột tả bản chất nhân vật, vạch trần cái mâu thuẫn giữa bản chất bên trong và hình thức bên ngoài, tạo ra tiếng cười châm biếm.
Đám con cháu của người chết đều vui mừng nhưng đứa nào cũng khoác bộ mặt giả tạo: cụ cố Hồng thì khóc mếu, ông Phán mọc sừng thì “oặt người đi, khóc mãi không thôi”. Tiếng khóc của ông phụ họa cùng cụ Hồng nghe thật đặc biệt: “Hứt!… Hứt… Hứt!…”. Bề ngoài ông tỏ ra đau xót như thế, nhưng trong bụng thì nghĩ đến chuyện thanh toán nợ Xuân Tóc Đỏ: “Ồng Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm trăm đồng gấp tư”. Người đọc không thể nhịn được cười trước bọn người xảo trá và đê tiện ấy.
3. Kết luận đối với nghệ thuật xây dựng nhân vật của Vũ Trọng Phụng:
Bằng nghệ thuật sắc sảo, trào lộng của mình, Vũ Trọng Phụng đã thế hiện khá rõ chủ đề: vạch rõ chân tướng nhố nhăng, lố bịch của bọn người thượng lưu trí thức trong xã hội đương thời – thực chát chúng chí là bọn xấu xa, đểu cáng vô học. Đó chính là những hạng người cận bã của xã hội, những quái thai của thời đại. Đám tang đã mở ra ít nhiều hạnh phúc cho mỗi một người tham dự, duy chỉ có cụ cố tổ là lạnh ngắt trong quan tài. Tác giả Vũ Trọng Phụng bằng lời văn mỉa mai giễu cợt trên tất cả các cấp độ, bằng việc xây dựng các chân dung biếm hoạ độc đáo cũng như cảm nhận toàn cảnh về đám tang đã thể hiện 1 nghệ thuật trào phúng đặc sắc có giá trị tư tưởng nghệ thuật lớn lao.
Đám tang giống như hình ảnh một xã hội thu nhỏ, đằng sau đám tang là cái bịp bợm, nhố nhăng của cái xã hội thượng lưu đương thời. Cái xã hội ấy đang tiễn đưa cụ cố tổ về nơi an nghỉ cuối cùng nhưng cũng là tiễn đưa chính mình về hành trình huyệt mộ. Đoạn trích đã thể hiện khá rõ tài năng và thái độ phê phán xã hội một cách mạnh mẽ của nhà văn. Thế hệ chúng ta trân trọng những tâm huyết của nhà văn và biết ơn ông về sự mách bảo một thời quá khứ, giúp cho chúng ta biết yêu ghét đúng hơn và sông tốt đẹp hơn đúng với thực chất vốn có của thời đại mình, cá nhân mình.