Người lái đò sông Đà là một trong những tuyệt bút của nhà văn Nguyễn Tuân. Ở đó, đã phô diễn một Nguyễn Tuân đa tài đi kiếm tìm cái đẹp. Bài phân tích dưới đây sẽ hướng dẫn phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyên Tuân.
Mục lục bài viết
1. Dàn bài phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong Người lái đò Sông Đà:
Mở bài:
Nói đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân và tùy bút Người lái đò sông Đà.
Thân bài:
Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân:
- Tùy bút Người lái đò Sông Đà đã thể hiện rõ nét các đặc điểm của phong cách nghệ thuật nhà văn:
- Khám phá, phát hiện sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ:
- Tác giả đã miêu tả bằng những bút pháp nghệ thuật: ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị.
- Vốn ngôn từ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao.
- Câu văn đa dạng, nhiều tầng lớp ý nghĩa, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả, gân guốc, khi thì chậm rãi, trữ tình.
- Vận dụng tri thức của nhiều ngành nghề để sáng tác nên hình tượng con Sông Đà hung bạo và những trận thủy chiến của ông lái đò được ghi lại bằng kiến thức của văn chương, hội họa, điện ảnh, địa lí, lịch sử, quân sự, võ thuật.
=> Nhờ phong cách thơ văn đặc trưng, Nguyễn Tuân đã khắc họa con sông Đà với hai nét tính cách: vừa hùng vĩ, hung bạo, vừa thơ mộng, trữ tình.
Ngôn ngữ trong tác phẩm:
- Vốn ngôn ngữ phong phú, giàu tính gợi, thể hiện sự tài ba của Nguyễn Tuân: Ngữ nghĩa, ngữ điệu biến đổi, chuyển hóa: sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ, nắng giòn tan, nỗi niềm cổ tích tuổi xưa, để thơ vào sông nước…; từ ngữ sáng tạo, cô đọng, giàu ý nghĩa: luôn gân, luôn tim, bờm sóng…
- Tác giả đã diễn tả đa dạng, nhiều góc cạnh, câu văn ngắn gọn phối hợp với câu thật dài đan xen hài hòa.
- Sự biến hóa khôn lường của vốn ngôn ngữ: dòng sông hiện lên, khi thì dịu dàng, thơ mộng, khi thì hung tợn, dữ dằn.
Kết bài:
Khái quát lại nội dung tác phẩm “người lái đò sông Đà” và nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.
2. Các nét đặc sắc nghệ thuật trong Người lái đò sông Đà:
“Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân là một tác phẩm văn học độc đáo, hội tụ nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật. Qua ngòi bút tài hoa của nhà văn, hình ảnh con sông Đà hiện lên vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa trữ tình, thơ mộng. Để khám phá sâu hơn vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm này, chúng ta cùng phân tích một số nét đặc sắc sau:
Ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gợi:
- So sánh, nhân hóa: Nguyễn Tuân sử dụng tài tình các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa để tạo nên những hình ảnh độc đáo, sinh động. Sông Đà được ví von như “áng tóc trữ tình”, “con ngựa bạch mã phi nước đại”, những thác nước như “răng cưa”, “mái tóc xõa”.
- Từ ngữ giàu màu sắc: Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân rất giàu màu sắc, âm thanh. Ông sử dụng những từ ngữ gợi cảm, tạo nên một bức tranh sông nước sống động, đa chiều.
- Câu văn biến hóa: Câu văn của nhà văn rất linh hoạt, lúc ngắn gọn, lúc dài dòng, lúc dồn dập, lúc chậm rãi, tạo nên nhịp điệu đa dạng, phù hợp với diễn biến của sự việc.
Kết hợp hài hòa giữa tả thực và lãng mạn:
- Tả thực: Nguyễn Tuân miêu tả sông Đà một cách chân thực, tỉ mỉ, thể hiện sự am hiểu sâu sắc của ông về thiên nhiên.
- Lãng mạn: Bên cạnh tả thực, tác giả còn sử dụng nhiều yếu tố lãng mạn để tô điểm cho bức tranh sông nước. Ông so sánh sông Đà với những hình ảnh thơ mộng, tạo nên một không gian huyền ảo, mơ hồ.
Sử dụng nhiều phương thức biểu đạt:
- Miêu tả: Phương thức miêu tả được sử dụng chủ yếu để khắc họa vẻ đẹp của sông Đà, của con người và của cuộc sống nơi đây.
- Tự sự: Tác giả kể lại những câu chuyện về cuộc sống của người dân nơi đây, về những chuyến đò vượt sông.
- Biểu cảm: Nguyễn Tuân thể hiện tình cảm của mình đối với sông Đà, với con người Tây Bắc qua những lời văn tràn đầy cảm xúc.
Kết cấu chặt chẽ, bố cục hợp lý:
- Kết cấu theo dòng thời gian: Tác phẩm kể lại một hành trình trên sông Đà, từ thượng nguồn đến hạ lưu, giúp người đọc hình dung rõ hơn về sự thay đổi của dòng sông.
- Bố cục linh hoạt: Tác giả có thể chuyển đổi linh hoạt giữa các đoạn miêu tả, tự sự, biểu cảm, tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm.
Ngôn ngữ giàu tính nhạc:
- Âm điệu: Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân giàu âm điệu, tạo nên những giai điệu trầm bổng, du dương.
- Nhịp điệu: Câu văn của ông có nhịp điệu đa dạng, lúc nhanh lúc chậm, tạo nên sự hấp dẫn cho người đọc.
Sử dụng thành công các thủ pháp nghệ thuật:
- Đối lập: Nguyễn Tuân thường sử dụng phép đối lập để làm nổi bật vẻ đẹp đa dạng, phức tạp của sông Đà.
- Điệp từ, điệp ngữ: Việc lặp lại các từ ngữ, câu văn giúp nhấn mạnh ý tưởng, tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
- Ẩn dụ, hoán dụ: Các biện pháp tu từ này giúp tác giả tạo ra những hình ảnh giàu sức gợi, mở rộng không gian tưởng tượng của người đọc.
Tóm lại, “Người lái đò sông Đà” là một tác phẩm văn học độc đáo, hội tụ nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật. Qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên không chỉ là một dòng sông mà còn là một tác phẩm nghệ thuật sống động, đầy sức hấp dẫn.
Những nét đặc sắc nghệ thuật này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của tác phẩm, khiến người đọc không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn cảm nhận được tình yêu, sự say mê của tác giả đối với vùng đất Tây Bắc.
3. Phân tích nét đặc sắc của tác phẩm Người lái đò sông Đà hay nhất:
Người lái đò Sông Đà trích trong tập tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân, sáng tác năm 1960, là kết quả của chuyến đi thực tế của tác giả ở Tây Bắc năm 1958. Phong cách, con người Tây Bắc đã đi vào trang sách của Nguyễn Tuân một cách tự nhiên, mộc mạc với nét đẹp kỳ vĩ, lùng của non nước Tây Bắc.
Tác phẩm lấy người lái đò làm nhân vật trung tâm trong bức tranh thiên nhiên về sông Đà nhưng thực chất là cảm nghĩ, nghe nhìn, quan sát, nghiền ngẫm và sáng tạo của Nguyễn Tuân. Sông Đà hiện lên với những nét đẹp riêng, đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, được vẽ nên bằng ngòi bút biến hóa tài tình, độc đáo, thể hiện sự gắn bó với đất nước đến mức sâu xa nhất của tâm hồn tác giả.
Hình ảnh con sông Đà với nhiều nét tính, ông Đà hung bạo ở những đoạn có thác dữ, những quãng lòng sông hẹp, bị kẹp giữa hai vách núi cao hay những chỗ có xoáy nước khủng khiếp, hút tất cả những gì sa vào đó và dìm xuống đáy sông. Sông Đà khi thì dữ dội, nguy hiểm trong cái hùng vĩ không ngờ: nào là chét lại thành cái yết hầu, nào là vách đá dựng đứng, đúng ngọ mới thấy mặt giời… mùa hè vẫn lạnh… khi thì pha chút huyền thoại trong những nét nên thơ như con nai, con hổ vọt từ bờ này sang bờ kia. Nào là cát, gió, đá, thác ghềnh, sóng nước phối hợp với nhau: Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió và gió cứ cuồn cuộn từng luồng, tiếng reo của nước lúc nghe như là oán trách, rồi lại như là van xin, rồi lại là như khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo… Rồi bỗng dưng nó rống lên như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn, hoặc có lúc nó réo như đun sôi lên một trăm độ muốn hất tung đi một cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm một ấm nước sôi khổng lồ, nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Con sông Đà còn hiện lên như con quái vật lúc nào cũng dình dập con thuyền. Thuyền đi vào luồng nước thì chết ngay, quãng hiểm trở của Sông Đà mang diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một của con người: hung hãn, nham hiểm và xảo quyệt.
Nguyễn Tuân đã dùng ngòi bút trăm màu để miêu tả hàng loạt những hình ảnh khác nhau vừa có chất lãng mạng của người nghệ sĩ, vừa giàu trí tuệ và tạo hình độc đáo, vượt xa những thủ pháp mà người ta quen gọi là nhân hóa, đi vào bản chất sâu xa nhất, độc đáo nhất của sự vật, tạo thành những trang viết biến hóa khôn lường. Cái tài của Nguyễn Tuân càng tô điểm thêm nét đẹp dữ dội của Sông Đà.
Sông Đà dữ dội nhưng cũng rất trữ tình. Nhìn từ máy bay xuống, Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân, nước Sông Đà màu sắc thay đổi theo mùa: Mùa xuân dòng xanh ngọc bích,… mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ. Nhà văn nhìn Sông Đà như nhìn một cố nhân, một người thân cũ lâu ngày gặp lại, say mê ngắm màu nắng giòn tan vàng như hổ phách trên sông mà chợt liên tưởng tới màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” trong thơ Lý Bạch. Ngòi bút Nguyễn Tuân thuật điêu nghệ, khắc họa hình ảnh sông dưới những góc nhìn đa chiều, để thấy được những nét đẹp kỳ diệu ẩn giấu của vùng núi rừng Tây Bắc.
Bên trên là thái độ đối với Sông Đà, còn đây là tình cảm của tác giả đối với con người lao động nơi đây. Ngòi bút của Nguyễn Tuân tập trung về hình ảnh ông lái đò để miêu tả nét đẹp con người lao động. Hình ảnh ông lái đò đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn cố vật lộn để giành giật sự sống với con sông, ông cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cái cuống lái, mặt méo bệch đi mà vẫn cưỡi lên con thác, nắm chặt lấy bờm sóng, ghì cương, đè sấn lên mà chặt đôi con thác… rất sinh động và ấn tượng.
Lên thác phải chống bằng sào, trên vai người lái đò, đầu sào in vào một khoanh bầm, đó là hình ảnh chân thực đến cảm động. Nguyễn Tuân xúc động: Cái đồng tiền tụ máu cũng là cái hình ảnh quý giá của một thứ huân chương lao động siêu hạng tặng cho người lái đò Sông Đà, nhà văn thật khâm phục những con người dũng cảm, thông minh đã chiến thắng được thiên nhiên dữ dội. Ở những lao động nơi đây, có cái gì mà không in dấu con sông, không là sản phẩm của Sông Đà? Sông Đà đối với ông lái đò quả là một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những dấu chấm câu và những đoạn xuống dòng, ông lái đò đã trở thành một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác chèo ghềnh, mà nhà thơ gọi tài nghệ của ông là tay lái ra hoa.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân từng được mệnh danh là nhà văn của sự tài hoa và uyên bác. Bởi lẽ, vốn cũng như nguồn tri thức khổng lồ của ông về lịch sử, khoa học, địa lí, sinh học… thật đáng khâm phục. Tất cả các kiến thức này được thể hiện qua từng tác phẩm của ông, đặc biệt là sự thành công của tùy bút “Người lái đò sông Đà” thì Nguyễn Tuân cũng đã đưa ta đến với một miền quê hương Tổ quốc, khắc in vào tâm trí người đọc hình ảnh một con sông hùng vĩ, đẹp đến lạ thường.
Nói riêng về khả năng diễn đạt và vốn ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Tuân thật phong phú, dường như, cứ mỗi từ ngữ khi đưa vào câu văn dường như đã được chắt lọc, gọt giũa cẩn thận. Giọng văn đôi khi có vẻ thô kệch, nó dường như cũng đã dàn trải nhưng lại hết sức cô đúc và tự nhiên, giàu sức nghệ thuật.
THAM KHẢO THÊM: