Hình ảnh đôi bàn tay Tnú là hình ảnh đặc sắc, ấn tượng quan trọng trong tác phẩm "Rừng xà nu" của tác giả Nguyễn Trung Thành. Hãy cùng cảm nhận về hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu hay nhất qua bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Dàn bài phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu:
a) Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó, có duyên với vùng đất Tây Nguyên, có rất nhiều tác phẩm thành công viết về mảnh đất này.
- Rừng xà nu là câu chuyện, tác phẩm đặc biệt về cuộc đời Tnú. tiêu biểu cho số phận và con đường đến với chiến trường cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong thời kì chống Mĩ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
– Giới thiệu về chi tiết đôi bàn tay của nhân vật Tnú: Hình ảnh bàn tay Tnú là hình ảnh mang chi tiết ấn tượng nhất, thể hiện rõ nhất con người Tnú – tiêu biểu cho số phận và con đường đến với chiến trường cách mạng.
b) Thân bài
* Khái quát về tác phẩm
– Hoàn cảnh ra đời: Tác phẩm truyện ngắn Rừng xà nu được viết vào năm 1965 in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.
– Giá trị nội dung: Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh nơi vùng đất Tây Nguyên, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh ngắt bất tận, tác giả đã đặt ra hình ảnh có ý nghĩa lớn lao đối với bối cảnh dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của nhân dân và đất nước mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác, bảo vệ nền độc lập của nước nhà.
* Phân tích ý nghĩa đôi bàn tay Tnú
- Đôi bàn tay Tnú thể hiện lòng trung thành, dũng cảm, kiên cường và tinh thần gắn bó với lý tưởng cách mạng.
Đôi tay ấy từng là đôi tay của cậu bé mồ côi Tnú, cùng Mai vượt qua khó khăn, làm các công việc như đốn củi, xách nước, làm rẫy, và giấu gạo để nuôi cán bộ Quyết. Đôi bàn tay ấy đã cầm viên phấn từ núi Ngọc Linh để tập viết, mở ra cánh cửa đến với con đường cách mạng. Đôi tay ấy cũng dũng cảm làm nhiệm vụ liên lạc vì lòng căm thù giặc sâu sắc. Khi bị giặc tra tấn và hỏi về nơi cách mạng, Tnú đặt tay lên bụng và trả lời: “Ở đây này.”
=> Đôi bàn tay Tnú đại diện cho lý tưởng cách mạng bền vững và chân chính, không nằm ở đâu xa mà ở chính trong trái tim, trong tâm hồn của anh. Điều này tạo nên vẻ đẹp độc đáo và ấn tượng của đôi tay Tnú: một đôi tay mang niềm tin kiên định và sự thủy chung với cách mạng.
– Đó là đôi bàn tay của nghĩa tình:
- Đôi tay Tnú không ngần ngại che chở cho mẹ con Mai, cảm nhận sự gắn bó với quê hương, đất nước. Đôi tay ấy đã được Mai nắm chặt khi khóc trong sự yêu thương, đồng cảm khi Tnú vượt ngục trở về. Lửa căm hờn dâng lên trong Tnú, truyền từ đôi tay đến đôi mắt “hai cục lửa lớn” khi đối diện với sự tàn ác của giặc. Đôi bàn tay ấy cũng mang nỗi đau thương, tức giận và tình yêu thương dành cho những người thân yêu.
- “Hai cánh tay như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”.
- Mười ngón tay nóng lửa căm phẫn, tức giận và cả thương xót đã truyền sức mạnh vào hai cánh tay nhưng mà “Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí”.
– Đôi bàn tay là hiện thân của mất mát đau thương, ghi lại chứng tích tội ác mà bọn kẻ thù tội ác đã gây ra.
- Mười ngón tay Tnú đều bị cụt một đốt. Trong khi mẹ con Mai bị giết, Tnú bị bắt và chịu sự tra tấn tàn bạo. Bọn giặc nhẫn tâm tẩm dầu vào giẻ rồi đốt cháy mười đầu ngón tay anh. Dù vậy, cuối cùng, đó vẫn là đôi bàn tay cầm vũ khí chiến đấu, thể hiện ý chí kiên cường, lòng dũng cảm của một người chiến sĩ cách mạng.
- Mặc dù “Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”, nhưng Tnú không hề kêu van. Đôi tay cụt đốt của anh vẫn đủ sức cầm giáo, cầm súng để tiếp tục con đường chiến đấu. “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!” -> Đây là chân lý khẳng định rằng vũ khí là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý chí và đôi tay con người.
- Tnú đã dùng đôi tay cụt đốt, biểu tượng của sự trả thù, để tiêu diệt những kẻ tàn ác như thằng Dục.
=> Ngọn lửa thù hận và bạo tàn của kẻ thù không thể thiêu đốt được tinh thần bất khuất, trung kiên của người chiến sĩ trẻ tuổi.
c) Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa biểu tượng của đôi bàn tay Tnú.
- Trình bày cảm nhận của em về đôi bàn tay ấy.
2. Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong Rừng xà nu hay nhất:
Trong văn học Việt Nam thời kỳ chiến tranh, Rừng xà nu là một tác phẩm gây ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều người đọc. Một trong những hình ảnh nổi bật góp phần tạo nên thành công của tác phẩm chính là đôi bàn tay của nhân vật Tnú – biểu tượng rõ ràng cho tinh thần kiên cường và lòng trung thành sắt đá với lý tưởng cách mạng.
Đôi bàn tay của Tnú xuất hiện ngay từ những trang đầu, và xuyên suốt qua các sự kiện quan trọng trong tác phẩm. Đầu tiên, khi Tnú còn là một cậu bé, đôi bàn tay ấy đã ngày ngày lên rẫy, trồng tỉa và mang gạo tiếp tế cho cán bộ Quyết đang hoạt động bí mật trong rừng. Dù biết rõ những nguy hiểm đang rình rập, Tnú không hề e ngại, luôn hướng tới mục tiêu của Đảng, ấp ủ khát vọng trở thành một chiến sĩ cách mạng anh hùng. Đôi tay của Tnú, khi còn nhỏ, được mô tả là vụng về khi cầm viên phấn làm từ đá trắng để tập viết. Chính đôi tay ấy đã tự đập đá vào đầu mình đến mức chảy máu vì thất vọng khi không thể nhớ bài học, thể hiện sự quyết tâm và lòng tự trọng mãnh liệt của Tnú trong việc theo đuổi con đường trở thành một cán bộ giỏi.
Chi tiết thứ hai về đôi tay của Tnú thể hiện sự khéo léo của anh. Khi bị bắt trong lúc làm liên lạc, Tnú đã nhanh trí giấu kín bức thư của anh Quyết và nuốt nó để đảm bảo bí mật không bị lộ. Trong tình huống này, anh cũng bộc lộ sự can trường và ý chí kiên cường. Sau ba năm bị giam cầm, Tnú đã trốn thoát và trở về làng, cùng dân làng kiên trì mài giáo, sẵn sàng đối mặt với kẻ thù. Việc phân tích hình ảnh đôi tay của Tnú không thể bỏ qua chi tiết anh chứng kiến vợ con bị giặc hành hạ, từ đó quyết tâm chiến đấu. Không có nỗi đau nào lớn hơn việc thấy vợ và con bị bắt, bị sử dụng như một công cụ để phá tan phong trào cách mạng của làng Xô Man. Tnú phải bấu chặt tay vào thân cây, chịu đựng nhìn cảnh tượng người thân yêu nhất bị giặc tra tấn. Mặc cho cụ Mết đã can ngăn, Tnú vẫn lao vào giữa vòng vây quân lính, dang rộng đôi tay che chở cho mẹ con Mai. Tuy nhiên, bi kịch là chính đôi tay đó lại không thể cứu được vợ con anh khỏi cái chết.
Dẫu vậy, chi tiết ám ảnh nhất chính là khi đôi tay của Tnú bị giặc trói, quấn giẻ tẩm nhựa xà nu và đốt cháy. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón”. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng. Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!”
Câu chuyện khép lại với hình ảnh Tnú sử dụng đôi bàn tay trần đã bị cụt đốt để tiêu diệt những kẻ tàn ác như loài thú hoang. Sự dũng cảm, khí phách và tinh thần chiến đấu mãnh liệt của anh được thể hiện rõ qua việc phân tích hình ảnh đôi bàn tay này.
3. Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu:
Tây Nguyên từ lâu đã trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ. Mỗi người đều tìm thấy ở mảnh đất này những biểu tượng đẹp để thăng hoa tâm hồn và ngòi bút. Ngọc Anh có hình ảnh cây Kơ-Nia, Thu Bồn với cánh chim Chơ-Rao. Nguyễn Trung Thành mang đến cho chúng ta tác phẩm “Rừng xà nu”, giúp ta thấy rõ hơn vẻ đẹp thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Một trong những hình ảnh nổi bật nhất trong tác phẩm là đôi bàn tay của Tnú, tượng trưng cho cả cuộc đời và số phận của nhân vật, đồng thời thể hiện sâu sắc ý đồ nghệ thuật của tác giả.
Đôi bàn tay của Tnú không chỉ đơn thuần là chi tiết về hình thể mà còn là biểu tượng cho cuộc đời anh: kiên cường, dũng mãnh nhưng cũng chịu đựng nhiều đau thương. Từ những giây phút bé nhỏ nhưng đầy ý chí, bàn tay ấy đã góp phần đánh bại kẻ thù và báo thù cho những mất mát mà Tnú và quê hương anh phải gánh chịu.
Ban đầu, đó là đôi bàn tay nhỏ bé, lành lặn, đã cùng Mai học chữ trong rừng. Bàn tay ấy nhanh nhẹn cầm những thư từ và hàng hóa vượt qua vòng vây giặc, góp phần quan trọng trong việc liên lạc với cán bộ. Qua đó, ta thấy bàn tay của Tnú không chỉ bé nhỏ mà còn mạnh mẽ, kiên cường, xứng đáng với bản chất anh hùng của người con Tây Nguyên. Bàn tay ấy không chỉ giúp Tnú học chữ, mà khi gặp khó khăn trong việc học, chính nó đã đập đá vào đầu để tự trừng phạt mình vì sợ không thể trở thành cán bộ hữu ích như lời dạy của anh Quyết. Chi tiết đôi bàn tay tự trừng phạt mình nổi bật lên hình ảnh người anh hùng từ nhỏ đã mang trong mình lý tưởng lớn, không ngại gian khổ và tự giác rèn luyện để giúp ích cho quê hương, đất nước. Đôi tay ấy đã giật tung hàng chục trái vả, thể hiện sự căm ghét của quân thù trong đêm mà mẹ con Mai bị tra tấn đến lúc mất mạng. Đứng nhìn vợ con chịu đau đớn, đôi bàn tay như truyền tải mọi cảm xúc thay cho chủ nhân.
Khi mẹ con Mai ngã xuống, chính đôi tay ấy đã vươn ra đỡ lấy vợ con mình. Đó là đôi tay mạnh mẽ, chất chứa tình yêu thương sâu đậm. Sau khi bị bắt, quân thù đã trói tay Tnú, quấn giẻ tẩm nhựa xà nu và đốt cháy đôi tay ấy. Mười ngón tay bốc lửa như mười ngọn đuốc. Hình ảnh này vừa đau thương, vừa mang nét đẹp bi tráng, vì đôi tay ấy đã chịu đựng biết bao nỗi đau nhưng không bao giờ gục ngã.
Dù không còn nguyên vẹn, nhưng đôi tay ấy trở nên mạnh mẽ hơn cả khi chưa từng bị thương. Bởi sau này, chính đôi tay ấy vẫn cầm chắc súng, hạ gục vô số quân thù. Đôi tay chịu nhiều đau thương đó cũng là bàn tay đã giết chết Dục để trả thù cho mẹ con Mai. Hình ảnh đôi tay của Tnú trở thành một chi tiết nghệ thuật nổi bật trong tác phẩm. Đôi tay ấy như một phần cuộc đời của Tnú: hiền lành, dũng cảm, yêu thương rồi chịu đựng đau khổ, nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục chiến đấu. Đôi tay ấy không chỉ để tiêu diệt kẻ thù, mà còn là đôi tay mang tình yêu, chăm lo cho đồng đội, và nắm tay Mai trong những khoảnh khắc hạnh phúc của tình yêu.