Tràng giang là bài thơ nói về thiên nhiên của dòng sông, dưới con mắt của nhà thơ Huy Cận. Dưới cái nhìn đầy gợi cảm và phong phú, bài thơ đã có sự kết hợp mạnh mẽ giữa nội dung và nghệ thuật để có được một bức tranh thiên nhiên đẹp hùng vĩ. Sau đây là phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ Tràng Giang, mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật bài Tràng giang:
Tràng Giang là bài thơ rất nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Huy Cận. Một chiều thu năm 1939, tại bờ Nam bến Chèm, tác giả Huy Cận đứng nhìn sông Hồng mênh mông, tâm tư nặng trĩu. Bài thơ Tràng Giang phản ánh nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, khao khát hòa nhập với đời và yêu quê hương. Nhà thơ Huy Cận kết hợp yếu tố cổ điển và hiện đại để thể hiện điều này.
Về giá tri nội dung, bức tranh thiên nhiên Tràng Giang hiện lên với sự đối lập giữa vũ trụ bao la và tâm hồn cô độc, lạc lõng. Huy Cận sử dụng hình ảnh ”buồn điệp điệp”, ”sầu trăm ngả”, ”lạc mấy dòng”,… để tạo nên không gian rất buồn và tuyệt vọng. Huy Cận mô tả nỗi cô đơn, sầu muộn trước vũ trụ mênh mang. Hình ảnh con thuyền, cành củi trôi dạt giữa sóng nước là biểu tượng cho cuộc sống phù du, trôi chảy không ngừng. Tất cả tạo nên nỗi buồn triền miên của cái tôi trữ tình.
Sự mong đợi của sự hòa hợp giữa con người và tình yêu quê hương được thể hiện một cách tinh tế trong khổ thơ cuối:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Đây là nỗi mong đợi của một con người đứng sống trên quê hương mà vẫn cảm thấy nhớ quê hương, trải qua cảm giác bơ vơ ngay trên quê hương của mình. Tâm tư của nhà thơ cùng đồng hành với nỗi nhớ ”Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” của Bà Huyện Thanh Quan. Trước vẻ rộng lớn của vũ trụ, tâm hồn người thi sĩ lúc này là tâm trạng của người mất nước, lòng yêu thương giang sơn, tổ quốc.
Về giá trị nghệ thuật, bài thơ kết hợp mạnh mẽ giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, đặc biệt là sự kết hợp giữa Đường thi và thơ mới. Nhan đề ”Tràng giang” thể hiện sự độc đáo, tạo điểm nhấn dân gian và vượt qua những rào cản về địa danh. Hình ảnh sóng ”tràng giang” làm nổi bật cảnh bé nhỏ mơ hồ giữa vẻ mênh mông của cảnh tràng giang, tạo ra sự hài hòa giữa hữu hạn và vô cùng. Thủ pháp dùng động tả tĩnh và hữu hạn để tả vô cùng được sử dụng sắc sảo.
Điều đặc biệt, trong lời đề từ ”Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, tác giả tinh tế thể hiện tư tưởng và ý đồ nghệ thuật. Hai từ ”bâng khuâng” mang đến nỗi buồn man mác, lan tỏa vào tâm hồn con người. Bằng cách đảo trật tự cú pháp ”bâng khuâng” lên đầu câu, Huy Cận làm cho người đọc bị vướng vào nỗi niềm tâm sự không rõ đối tượng. Từ đó, bức tranh ”Tràng giang” hiện lên với sự đối lập giữa thiên nhiên và vũ trụ mênh mông so với sự cô đơn, hiu quạnh của tâm hồn giữa dòng. Ở khổ thơ, Huy Cận linh hoạt áp dụng các biện pháp nghệ thuật, bút pháp tạo hình giàu tính biểu cảm để diễn đạt nỗi sầu vô hạn của người thi sĩ đối diện với một không gian vô tận. Ở khổ thơ thứ nhất, tiểu đối trong câu thơ ”Thuyền về nước lại sầu trăm ngả” đẩy mạnh hình ảnh nghịch cảnh của thiên nhiên, tạo nên sự chia li giữa thuyền và nước. Ở khổ thơ thứ hai, tiểu đối trong câu thơ ‘Nắng xuống trời lên sâu chót vót’ đưa ra cảm giác mênh mang, như nhân lên gấp bội. Sử dụng hình ảnh như ”buồn điệp điệp”, ”sầu trăm ngả”, ”lạc mấy dòng”, ”bèo dạt hàng nối hàng”, ”gió đìu hiu”, ”vãn chợ chiều”, ”sâu chót vót”, ”bến cô liêu” là sự kết hợp giữa từ chỉ tâm trạng và động từ trạng thái với từ láy, làm nổi bật sự thưa thớt, trống trải của cảnh vật thiên nhiên.
Điểm nhấn của bài là hình ảnh Tràng Giang mênh mông, hoang vu, lạnh lẽo, nỗi sầu vô tận của người thi sĩ được Huy Cận gửi gắm qua cái nhìn lãng mạn của một hồn thơ thuỷ chung với cảm hứng vũ trụ, luôn khát khao hoà hợp cảm thông trong tình yêu với đất nước, tình nhân loại. Từ thể thơ, đề tài, cảm hứng, chất liệu đến giọng điệu, bút pháp, bài thơ Tràng giang vừa mang dấu ấn đặc trưng của cái tôi thơ mới vừa pha chút hương vị thi ca cổ điển. Tất cả điều đó làm nổi bật lên phong cách thơ của Huy Cận.
2. Phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật bài Tràng Giang hay nhất:
Nhà thơ Huy Cận – một trong những nhà thơ xuất sắc nhất trong phong trào Thơ mới, thơ Huy Cận bật lên trong phong trào Thơ Mới với nỗi buồn mênh mang, khắc khoải, đó là nỗi sầu của một cái tôi giàu ý thức, giàu suy tư về cuộc đời và con người. “Tràng giang” là bài thơ tiêu biểu, thể hiện rõ nhất phong cách thơ của Huy Cận, trong mỗi khổ thơ đều chất chứa nỗi buồn da diết. Đặt cái nhỏ bé của con người trước thiên nhiên mênh mông, Huy Cận đã thành công khơi dậy nỗi cô đơn, cảm giác chơi vơi, lạc lõng của con người giữa dòng đời rộng lớn. Bài thơ nổi bật với giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.
Mở đầu bài thơ là những câu thơ nội dung đậm phong cách cổ điển giàu hình ảnh và giàu nhạc điệu, chính những từ láy và cách gieo vần đã tạo nên âm điệu cho cả khổ thơ:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
“Tràng giang” ở đây không chỉ nói đến một con sông dài mà còn rộng, những con sóng trên sông được miêu tả rất thật, sống động với từng gợn sóng, đọc câu thơ “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” ta cảm nhận được sức gợi rất mãnh liệt, từng con sóng giống như những nỗi buồn của thi nhân, nỗi buồn ấy cứ dài rộng, triền miên theo cả không gian và thời gian.
Hình ảnh con thuyền xuôi mái chèo, mặc cho sức nước đẩy đưa gợi sự lênh đênh, phó mặc số phận cuộc đời, cũng bởi con thuyền so với dòng sông là quá nhỏ bé, dòng nước “song song”, “thuyền về nước lại” chẳng hứa hẹn sự giao thoa, gặp gỡ lại mang nặng nỗi buồn chia lìa, xa cách. Ta cảm nhận được sự mới mẻ hiện đại trong “Tràng giang” bởi nó xuất hiện cái tầm thường, nhỏ bé, vô nghĩa như “củi một cành khô”, đã là củi nhưng cũng chỉ có một cành mà lại còn là củi khô, hết sức tầm thường, bé nhỏ. Hình ảnh một cành củi khô lạc trôi bồng bềnh trên dòng nước mênh mông rộng lớn gợi lên nỗi buồn về một kiếp người nhỏ bé, tầm thường. Nỗi buồn càng thấm sâu hơn vào cảnh vật khi cảnh càng hoang tàn, quạnh hiu:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu
Cặp từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” cùng gợi lên sự buồn bã, quạnh hiu, cô đơn, không gian xung quanh đều vắng vẻ, lại thêm tiếng vãn chợ chiều đằng xa, chợ chiều ngày xưa vốn đã thưa thớt, vắng vẻ, không có được cái nhộn nhịp tấp nập như chợ sáng, ngay cả tiếng chợ chiều đằng xa cũng không còn nữa, âm thanh cuộc sống của con người văng vẳng nhạt nhòa.
Hai câu thơ sau gợi ra một không gian cao sâu, dài rộng mênh mông “sâu chót vót”, chiều cao dường như vô tận, “sông dài, trời rộng”, nhưng đứng giữa cái mênh mông bao la, rộng dài vô tận của vũ trụ đó lại chỉ có “bến cô liêu”, ta cảm nhận được sự cô liêu không chỉ của bến đò mà còn là sự cô liêu trong lòng người, con người nhỏ bé như bị choáng ngợp, lạc lõng giữa đất trời bao la.
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Tiếp nối mạch cảm xúc được gợi ra từ hai khổ thơ đầu, đến đây nỗi buồn vẫn được khắc sâu vào hình ảnh bèo dạt lênh đênh, lênh đênh vô định lại thêm sự chia ly tan tác, trời rộng mênh mông nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng con người “không một chuyến đò ngang”, cũng không có nổi một cây cầu để gắn kết, tạo sự gần gũi với con người. Chỉ có thiên nhiên với thiên nhiên “bờ xanh” với “bãi vàng” nối tiếp nhau, có thể nói, nỗi buồn của tác giả không dừng lại ở nỗi buồn trước trời rộng sông dài mà còn là nỗi buồn về nhân thế, cuộc đời.
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Khung cảnh trời thu với những đám mây trắng đùn lên phía cuối trời, ánh mặt trời phản chiếu lên những đám mây đó biến chúng thành những ngọn núi màu bạc trắng xóa, gợi cảnh thiên nhiên thật kỳ vĩ, tráng lệ. Thế nhưng xen giữa cái tráng lệ ấy vẫn là nỗi buồn, là hình ảnh cánh chim nhỏ nghiêng mình, con chim bé nhỏ đơn côi lẻ bóng trong buổi chiều tà gợi nỗi niềm xa vắng nhớ thương, cảnh thiên nhiên càng hùng vĩ, rợn ngợp bao nhiêu thì nỗi buồn càng sâu lắng và khắc khoải hơn. Nỗi nhớ quê hương dợn dợn theo từng con nước lên xuống, không thể ngừng, không thể nguôi ngoai, nỗi nhớ nhà cũng theo đó mà càng da diết, không cần khói hoàng hôn, không cần tác động ngoại cảnh cũng đủ làm cho sự nhớ nhung tràn ngập tâm hồn. Nhà thơ khát khao,được trở về quê hương, tìm một bến đỗ cho tâm hồn, tìm nơi sẻ chia sự cô đơn, trống vắng.
Xuyên suốt bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận là cả nỗi buồn cứ triền miên, vô tận, đó là cái buồn của một “cái tôi” đang cô đơn trống trải giữa thiên nhiên rộng lớn mênh mông. Bài thơ kết hợp hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật, chấm phá nét cổ điển đã khắc họa rõ nỗi buồn nhân thế, niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời của nhà thơ, đồng thời là tình cảm nhớ thương đối với quê hương, đất nước.
3. Phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật bài Tràng Giang ý nghĩa:
Tràng giang là bài thơ nói về thiên nhiên của dòng sông, dưới con mắt của thi sĩ nó trở nên vô cùng thơ mộng và đầy tinh tế. Dưới cái nhìn đầy gợi cảm và phong phú, bài thơ đã có sự kết hợp mạnh mẽ giữa nội dung và nghệ thuật, những yếu tố kì ảo và thơ mộng trữ tình, để có thể có được một bức tranh thiên nhiên đẹp hùng vĩ.
Mở đầu bài thơ tác giả đã thể hiện hình ảnh sóng gợn trên con sông dài mà mang một nỗi buồn man mác, ở đây tác giả cũng đang thể hiện đúng dòng tâm trạng của mình, trước khung cảnh thiên nhiên rộng mênh mang, con người như đang trôi chảy theo nhịp sống, cũng tấp nập và cũng vô cùng dịu dàng, trước một khung cảnh thiên nhiên, tươi tắn và cũng vô cùng thơ mộng:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Con sóng đang gợn, đó là dòng tâm trạng của con người cũng đang chảy trôi, lăn tăn trên dòng nước, ở đó con người như đang hòa nhập và tạo nên nhiều khung cảnh trữ tình, dòng nước trôi miên man, con người cũng đang hòa nhập trên dòng sông, với những cảm xúc buồn man mác, con người ở đây cũng phải hòa mình vào dòng cảm xúc đang chảy của thiên nhiên trữ tình. Hình ảnh con thuyền tự trôi theo dòng nước, cứ xuôi mái, ở đây dường như không có người lái đò, nó tự trôi chảy, ở đây thiên nhiên cũng giống như tâm trạng của con người, cũng đang lững lờ trôi mà không có một bờ vô định nào, cuộc sống cũng đang chảy trôi theo những dòng cảm xúc hỗn dung nhiều cảm giác của con người.
Trong không gian mênh mông rộng lớn đó, dường như sóng và dòng nước đang làm bạn với con thuyền, nhưng khi thuyền mà về thì dòng nước cũng mang những nỗi buồn man mác, cách xây dựng biện pháp nhân hóa ở đây được thể hiện một cách có ý nghĩa nhất. Tác giả thổi hồn mình vào sự vật, làm cho nó trở nên có hồn hơn, con người cũng đang chảy trôi theo dòng nước, nỗi buồn của nước giống như nỗi buồn của con thuyền, ở đó con người đang phải lênh đênh, vô định, trước một khoảng không gian mênh mông.
Con thuyền ở đây nó được thể hiện trong cảm xúc của con người, nó vô định, dạt dào và mang nhiều cảm giác mới mẻ, ở đó con người được sống những giây phút hạnh phúc nhất khi đang hòa mình vào thiên nhiên mặc dù con người đang phải trải qua những giây phút trống vắng trong tâm hồn.
Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ cũng được sử dụng hết sức tinh tế, tác giả không viết là củi khô mà lại viết “củi một cành khô”, ở đây biện pháp đảo ngữ làm tăng thêm độ mênh mang, dào dạt trong cảm xúc của con người, ở đó con người đang dạt dào nhiều cảm xúc, hình ảnh lạc mấy dòng cũng thể hiện được dòng tâm trạng hiu hắt, nó làm lay động trái tim của người đọc bởi tính chất và mức độ thể hiện ở đó, cách thể hiện đầy tinh tế, nó làm gia tăng thêm cảm xúc và giá trị trong tác phẩm.
Từng lời thơ đều được cảm nhận bằng những tính chất và mức độ khác nhau, chính vì vậy cuộc sống của con người cũng đang rơi vào những bờ lạc lõng, tâm trạng của thi sĩ cũng mang nhiều cảm xúc bởi nó có hồn và chứa chan nhiều giá trị sống:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, chiều lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”
Hình ảnh dài và rộng của dòng sông cũng được thể hiện một cách sâu sắc và có nhiều ý nghĩa nhất, dòng sông mênh mang chứa chan bao nhiêu cảm xúc của thi sĩ, trước con mắt của tác giả dòng sông đang trôi dạt theo nhiều cảm xúc và nó cũng trở nên trữ tình:
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Hình ảnh của bèo dạt thể hiện được sự trôi nổi, không có bờ đến và rồi sự mênh mông đó cũng thể hiện cảm xúc của con người đang hòa mình vào dòng tâm trạng và cảm xúc của con người, bờ xanh thể hiện một cảnh vật thiên nhiên tươi tắn, nó cũng thể hiện một dòng tâm trạng xa xôi và hiu hắt của con người. Hình ảnh của núi bạc, của những cánh chim nghiêng đang sà vào bóng chiều xa, với những hình ảnh đó tác giả đang có cảm xúc với hình ảnh của nhớ dòng sông và nhớ quê hương, hình ảnh đó gợi lại cho con người nhiều cảm xúc.
Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang đã đọng lại trong lòng người đọc một khung cảnh thiên nhiên và dòng sông rộng mênh mang. Sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật trong bài thơ đã thể hiện tâm hồn thi sĩ của Huy Cận, cũng đang dạt dào một nỗi nhớ quê hương bất tận.
THAM KHẢO THÊM: