Triết lý ở hiền gặp lành được thể hiện rất rõ ràng qua các tác phẩm văn học Việt Nam, trong đó không thể không kể đến Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Dưới đây là bài tham khảo về Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, mời bạn đọc và thầy cô giáo theo dõi chi tiết.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên:
1.1. Mở bài:
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
Dẫn dắt vào yêu cầu của đề bài: Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
1.2. Thân bài:
Giới thiệu về Ngô Tử Văn.
– Quê quán: Huyện Yên Dũng Lạng Giang
– Tính cách: Khảng khái, thấy sự gian tà thì không chịu được
→Cách giới thiệu trực tiếp bằng giọng điệu ngợi ca cho người đọc cái nhìn khái quát về nhân vật
Đấu tranh trên trần gian.
Đốt đền
– Nguyên nhân: Tức giận trước sự lộng hành của hồn ma tên tướng giặc
– Hành động:
+ Tắm gội sạch sẽ, khấn trời
→ là hành động cẩn trọng, có chủ đích
+ Châm lửa đốt đền, mặc cho ai nấy lắc đầu lè lưỡi
→Hành động thể hiện sự chính trực, dũng cảm của trí thức Việt
Ngô Tử Văn gặp tướng giặc
– Sau khi đốt đền, Tử Văn bị “sốt nóng sốt rét”.
– Hồn ma tướng giặc:
+ Diện mạo cao lớn
+ Lời nói: đe dọa, bắt Tử Văn lập lại đền.
→Đây là kẻ xảo trá, hung ác
– Thái độ của Tử văn: Ung dung, vẫn ngất ngưởng, tự nhiên
→Thái độ tự tin vào việc làm chính nghĩa.
Ngô Tử Văn gặp thổ công
– Thổ công: Kể lại toàn bộ sự việc cho thấy được sự xảo trá của tên tướng giặc, lo lắng cho Ngô Tử Văn
→Thổ công không dám đấu tranh để đòi lại công lí
– Thổ công bày cách cho Ngô Tử Văn đối phó với tên giặc
→Tử Văn không còn đơn độc mà có hỗ trợ của thần
Cuộc đấu tranh ở Minh Ti.
– Tên tướng giặc: Tỏ vẻ đáng thương kêu oan
– Diêm Vương: trách mắng Tử Văn bướng bỉnh
– Thái độ của Tử Văn:
+ Không kinh hãi
+ Một mực kêu oan, cứng cỏi
Tử Văn vạch trần sự xảo trá của tên giặc
– Khi biết mình yếu thế, tên giặc sợ hãi xin giảm án cho Tử Văn.
– Tử Văn không bỏ cuộc, xin cho người xuống chứng thực
– Diêm Vương: Chứng thức và xử cho Tử Văn thắng kiện.
→Cuộc đấu tranh bộc lộ sự thông minh, quyết liệt của Ngô Tử Văn
→Kết quả cho thấy mong muốn về sự công bằng của nhân dân.
Ngô Tử Văn làm phán sự đền Tản Viên
– Là kết quả cho sự cương trực, dũng cảm của Ngô Tử Văn.
– Diệt trừ cái ác, làm sáng tỏ nỗi oan khuất cho Ngô Tử Văn
– Gửi gắm khát vọng về một vị quan thanh liêm.
Ý nghĩa, bài học
Thể hiện niềm tin vào một xã hội công bằng với lí lẽ rằng hiền gặp lành, ác giả ác báo
Phản ánh sự bất công của xã hội
1.3. Kết bài:
Khẳng định lại giá trị của câu chuyện
2. Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên hay nhất:
Nguyễn Dữ là một nhà văn xuất sắc trong lịch sử văn học Việt Nam với khả năng nắm bắt tinh tế hiện thực cuộc sống và sử dụng ngôn từ một cách khéo léo. Không chỉ vậy, văn chương của ông còn để lại ấn tượng với tinh thần nhân đạo sâu sắc và mới mẻ. Điều này được thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.”
Mỗi tác phẩm văn học đều có cách biểu hiện giá trị hiện thực và nhân đạo riêng biệt. Trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”, giá trị nhân đạo trước hết được bộc lộ qua việc lên tiếng chỉ trích những thế lực xấu xa, những kẻ chuyên đàn áp và gây khổ đau cho dân lành. Câu chuyện kể về ngôi làng mà Tử Văn sống, nơi từng có một ngôi đền linh thiêng, nhưng về sau đã trở thành nơi trú ngụ của hồn ma tên giặc ngoại xâm tử trận gần đó. Hồn ma này không chỉ trở thành yêu quái trong dân gian mà còn đút lót và đe dọa các vị thần xung quanh và khi bị đe dọa vạch mặt dưới âm phủ, hắn lại tìm cách lấp liếm tội lỗi của mình. Trong tác phẩm, Nguyễn Dữ đã dũng cảm vạch trần bộ mặt xấu xa của những kẻ đương quyền bấy giờ, những kẻ “quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược”. Câu nói của Tử Văn: “Sao mà nhiều thần quá vậy?” cho thấy thực trạng của xã hội phong kiến đương thời, nơi tồn tại quá nhiều kẻ hữu danh vô thực, lợi dụng quyền thế để làm điều bất chính.
Nguyễn Dữ đã viết “Truyền kì mạn lục” trong bối cảnh xã hội nhà Lê suy tàn, chiến tranh nội bộ diễn ra liên miên, sự hiện diện của cái ác ở khắp nơi. Những kẻ quan lại tham lam, nhũng nhiễu, ngang nhiên cướp bóc và ăn hối lộ, chúng bao che cho kẻ xấu lộng hành, gây ra biết bao oan trái và khổ đau cho người dân lương thiện. Tiếng nói tố cáo của Nguyễn Dữ chính là tiếng nói của những người dân thấp cổ bé họng, lên án những thế lực xấu xa của xã hội đương thời.
Bên cạnh việc tố cáo cái ác, tác phẩm còn thể hiện giá trị nhân đạo qua việc ca ngợi chính nghĩa và tôn vinh hình tượng của Ngô Tử Văn. Trong khi nhiều người trong làng sợ hãi trước sự hiện diện của quỷ thần tại ngôi đền, thì Tử Văn đã dũng cảm đứng lên chống lại sự bất công. Chàng không ngần ngại, ung dung tắm rửa, khấn trời rồi châm lửa đốt ngôi đền yêu ma. Hành động của Tử Văn xuất phát từ lòng mong muốn diệt trừ cái ác, bảo vệ dân lành.
Tính cách khẳng khái và cương trực của Tử Văn càng được thể hiện rõ nét qua thái độ của chàng khi đối mặt với hồn ma của tên tướng giặc. Khi còn sống, hắn là kẻ xâm lược, gây đau khổ cho người dân nước Nam, nhưng đến khi chết, hắn lại trắng trợn tranh miếu Thổ địa và còn dám mắng mỏ, đe dọa Tử Văn. Tuy nhiên, Tử Văn không hề khiếp sợ, chàng “ngồi ngất ngưởng tự nhiên” trước sự ngang ngược của hồn ma. Điều này chứng tỏ khí phách cứng cỏi, lòng tin vào chính nghĩa và sự đúng đắn trong hành động của chàng. Cảm kích trước hành động chính nghĩa của Tử Văn, Thổ thần đến dặn dò và hứa giúp đỡ chàng nếu cần người làm chứng. Khi đứng trước Diêm Vương uy nghiêm, Tử Văn đã mạnh mẽ vạch trần tội ác của tên tướng giặc bằng những lý lẽ sắc bén và bằng chứng không thể chối cãi. Sự kiên quyết của chàng không chỉ thể hiện sự mạnh mẽ, hiên ngang của công lý mà còn cho thấy sự không khoan nhượng trước bất kỳ thế lực nào. Cuối cùng, công lý đã chiến thắng, cái ác bị trừng phạt nghiêm khắc, còn Tử Văn được ban thưởng xứng đáng.
“Truyền kỳ mạn lục” là một tập truyện có giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là trong việc dựng truyện và khắc họa nhân vật. Tác phẩm vượt xa những truyện ký lịch sử thường thiếu chú trọng đến tính cách và đời sống của nhân vật và cũng vượt xa những truyện cổ dân gian thường ít đi sâu vào nội tâm nhân vật. Nguyễn Dữ đã khéo léo kết hợp giữa các phương thức tự sự, trữ tình và kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn của ông cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sống động tạo nên một mẫu mực cho thể loại truyền kỳ, được coi là “thiên cổ kỳ bút”.
Tóm lại, “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” không chỉ là một tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc mà còn là một tiếng nói mạnh mẽ lên án cái ác, bảo vệ công lý và ca ngợi những con người lương thiện, cương trực như Ngô Tử Văn. Tác phẩm đã thành công trong việc thể hiện tinh thần nhân đạo và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về sự chiến thắng của chính nghĩa trước cái ác.
3. Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn nhất:
Nguyễn Dữ là một nhà Nho sống vào nửa đầu thế kỷ XVI xuất thân từ một gia đình có truyền thống khoa bảng và được biết đến là tác giả của bộ truyện nổi tiếng “Truyền kỳ mạn lục”. Tác phẩm được sáng tác vào khoảng thế kỷ XVI, thời điểm xã hội phong kiến Việt Nam đang trải qua sự suy thoái và khủng hoảng. Bộ truyện không chỉ phản ánh mà còn lên án những hiện thực đầy bi kịch của thời đại. Trong số các câu chuyện, “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” nổi bật hơn cả với sự phơi bày những điều xấu xa, bất công trong xã hội lúc bấy giờ.
Nhân vật Ngô Tử Văn được khắc họa với chân dung và hành động đầy ấn tượng. Chàng đã nhiều lần chứng kiến sự quái đản của hồn ma tên tướng giặc đến mức không thể chịu đựng nổi nữa, khiến chàng buộc phải quyết định hành động. Với tâm nguyện muốn vì dân mà trừ diệt kẻ ác, Tử Văn đã suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng và cuối cùng quyết định đốt đền thờ của tên giặc. Đây là một hành động mang tính biểu tượng của lòng dũng cảm và quyết tâm đấu tranh chống lại cái xấu. Khi mọi người đều tỏ ra e dè, sợ hãi thì Tử Văn lại cương quyết, thẳng thắn và hành động một cách công khai, ung dung. Điều mà không ai dám làm thì Tử Văn đã làm, chính là đốt ngôi đền ma quái đó. Hành động này như một ngòi nổ khởi đầu cho cuộc chiến giữa chàng và hồn ma của tên tướng giặc đã bại trận. Kết quả là kẻ hung thần này tức giận và uy hiếp sẽ đưa Tử Văn xuống âm phủ để kiện tội.
Tuy nhiên, sự chính trực và lòng tốt thường được quý nhân phù trợ. Tử Văn đã nhận được sự giúp đỡ từ các thế lực trên cao, để biết rõ tội ác của tên tướng giặc và có cách trừng phạt thích đáng hắn. Trong phiên tòa dưới âm phủ, Tử Văn đã thể hiện sự kiên quyết và dũng cảm, khi thẳng thắn luận tội và vạch trần tội lỗi của kẻ hung thần mà không hề tỏ ra sợ hãi. Mặc dù phải đối mặt trực tiếp với Diêm Vương trong tình thế bất lợi, Tử Văn vẫn giữ được giọng điệu đanh thép, vững vàng. Cuối cùng, với tinh thần đấu tranh kiên cường, Tử Văn đã giành được chiến thắng, cái thiện đã chiến thắng cái ác và tên tướng giặc hung bạo phải chịu sự trừng phạt. Kết thúc câu chuyện, Tử Văn được phong làm chức phán sự đền Tản Viên, chịu trách nhiệm bảo vệ công lý. Đó là cái kết xứng đáng cho sự xảo trá và bạc nhược của hồn ma tên tướng giặc, đồng thời tác giả Nguyễn Dữ cũng khẳng định niềm tin vào sự đấu tranh triệt để chống lại cái xấu, cái ác.
Các yếu tố kỳ ảo và hoang đường trong câu chuyện đã làm tăng tính hấp dẫn của cốt truyện. Qua việc sử dụng các yếu tố này, Nguyễn Dữ đã thể hiện quan điểm rằng cõi trần gian và cõi âm phủ không hề tách biệt mà hòa quyện và phản ánh lẫn nhau. Cõi âm chính là chiếc bóng của hiện thực cuộc sống trần gian.
Vì thế, “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” không chỉ là một câu chuyện hoang đường, mà còn là bức tranh hiện thực về xã hội đương thời, nơi mà cái xấu và cái ác trở nên lẫn lộn, khi những kẻ đại diện cho lẽ phải lại mang bộ mặt tráo trở, đáng khinh. Đồng thời, truyện cũng là bản hùng ca tôn vinh những con người gan góc, kiên cường, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đấu tranh vì lý tưởng bảo vệ lẽ phải, được thể hiện rõ qua hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn.