Bài thơ "thương vợ" của Tú Xương thế hiện sự thương yêu, kính trọng và biết ơn vợ qua sự thấu hiểu nỗi vất vả gian lao và phẩm chất cao đẹp người phụ nữ – bà Tú. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cảm nhận 2 câu đầu bài Thương vợ của Tế Xương. Mời các bạn tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Dàn bài chi tiết hướng dẫn phân tích hai câu thơ:
1.1. Mở bài:
– Đôi nét về tác giả Trần Tế Xương.
– Thương vợ là một trong số những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú, người vợ tần đảo, chịu thương chịu khó của ông.
– Hai câu thơ đầu tập trung đặc biệt khắc họa hình ảnh của bà Tú với công việc thường ngày của bà.
1.2. Thân bài:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
– Hoàn cảnh nhà bà Tú: mang gánh nặng gia đình, quanh năm lặn lội buôn bán ở “mom sông”
+ Cụm từ “quanh năm” ám chỉ thời gian liên tục, không trừ ngày nào, hết năm này qua năm khác
+ Địa điểm “mom sông” chỉ phần đất nhô ra phía lòng sông không ổn định.
⇒ Công việc và hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định của bà Tú
– Lí do:
+ nuôi đủ năm con với một chồng: một mình bà Tú phải gánh vác công việc chăm lo cho cả gia đình.
+ Cách dùng số đếm độc đáo để người đọc cảm thấy “một chồng” bằng cả “năm con”, ông Tú nhận mình cũng là đứa con đặc biệt, là gánh nặng của vợ.
⇒ Bà Tú là người vợ đảm đang, chu đáo với chồng con.
1.3. Kết bài:
– Khẳng định lại giá trị nội dung 2 câu thơ đầu: khái quát về công việc và trách nhiệm của bà Tú với chồng con. Khẳng định những nét đặc sắc tiêu biểu về nghệ thuật làm nên thành công khắc họa sự vất vả của người phụ nữ xưa.
– Liên hệ, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân về hình tượng người phụ nữ trong xã hội hôm nay.
2. Hướng dẫn phân tích 2 câu đầu bài thơ:
Nhà thơ Tú Xương là một trong những nhà thơ lớn của văn học trung đại Việt Nam. Dù chỉ để lại dưới 100 tác phẩm, tuy nhiên tên tuổi và sự nghiệp thơ ca của ông đã trở nên bất tử. Thơ của Tú Xương chủ yếu được chia thành hai mảng: trào phúng và trữ tình, nhưng trữ tình mới là cái rễ, cái gốc, còn trào phúng chỉ là cành lá.
Bài thơ “Thương Vợ” là một trong những bài thơ nổi tiếng và cảm động nhất của Tú Xương, được viết để tặng người vợ của ông, người mà ông hết lòng yêu thương và trân trọng. Qua tấm lòng yêu thương của mình, nỗi vất vả, nhọc nhằn cùng sự đảm đang của bà Tú đã hiện lên xúc động ngay từ những nét phác họa đầu tiên.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã phác họa lại hình ảnh của bà Tú với những nỗi vất vả, nhọc nhằn cùng sự đảm đang:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Là “con gái nhà dòng” lấy chồng nho sinh, bà Tú những mong được sống cảnh thanh nhàn “bên chàng đọc sách, bên nàng quay tơ” và sớm được hưởng hiển vinh: võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Nhưng đặt trong hoàn cảnh trớ trêu, giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng, mua chữ bán danh, ông Tú tài hoa nhưng đi thi chín lần đều bị đánh trượt, chỉ đỗ Tú Tài, công danh dang dở, sự nghiệp không thành. Gánh nặng cũng thế đè lên vai bà Tú.
Mom sông là dải đất nhô ra bờ, ba bề là nước chênh vênh, cheo leo, rất dễ sụt lở, vô cùng nguy hiểm, nhưng lại là nơi bà Tú buôn bán quanh năm. Dường như, để có cuộc sống gồng gánh cả gia đình, chính bà cũng phải đánh cược cả tính mạng của mình với thần sông, hà bá. Vất vả nhọc nhằn là thế mà bà Tú đâu chỉ kéo dàu ngày một hai tháng, trái lại, kéo dài quanh năm suốt tháng, không ngừng nghỉ.
Bà Tú không chỉ bươn chải nhất thời, chờ chồng hiển đạt, mà sự vất vả tất bật của bà dường như nó đã trở thành định mệnh của bà Tú. Có thể thấy, thơ trước là sự, sau là tình, ẩn sau câu thơ tái hiện cuộc sống buôn bán nhọc nhằn vất vả của bà Tú là ánh mắt dõi theo, ánh mắt lo lắng đầy xót thương của ông Tú.
Vì sao, người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm phải lăn xả vào nơi thương trường – nơi vốn được coi là chiến trường, bất chấp cả gian nguy? Chỉ có thể lí giải điều này bằng trách nghiệm tình yêu thương với chồng và trách nhiệm với con của bà Tú:
Nuôi đủ năm con với một chồng
Thế là bà Tú phải chạy chợ kiếm ăn cho bảy người, một bên là năm đứa con thơ dại, một bên là đức ông chồng dài lưng tốn vải. Dường như, gánh nặng đè hết lên vai của bà. Hai chữ “nuôi đủ” chứa nhiều hàm nghĩa ý vị mà sâu xa, “đủ” là vừa đủ, không dư giả. Bà Tú phải chắt chiu, bòn mót, dành dụm từng đồng, từng hào mới vừa đủ nuôi sống cả con và chồng. Hai chữ “nuôi đủ” cũng chất chứa biết bao nỗi vất vả, cực nhọc. Cách nói “năm con với một chồng” giản dị ẩn chứa ý vị, sâu sa, dường như, nhà thơ Tú Xương đã hạ mình xuống hàng con để nhân lên nhiều lần công ơn to lớn của bà Tú.
Hai câu thơ đầu của bài thơ “Thương vợ” không chỉ bày tỏ tình cảm của Tú Xương dành cho vợ mình – một người vợ chung thủy, tận tâm và hy sinh hết mình cho gia đình. Chúng còn phản ánh nỗi đau thương, sự hối tiếc của nhà thơ Tú Xương, đại diện cho lớp người trí thức, nhưng khôn gặp thời. Một người đàn ông mạnh mẽ, rắn rỏi lại phụ thuộc vào vợ và con cái, câu thơ đó thật sự lồng ghép những nỗi niềm tủi hổ, đắng cay của Tú Xương.
Đúng với quan niệm “Trọng nam khinh nữ” trong đời sống văn hóa của Việt Nam, văn học trung đại của nước ta hiếm khi có những tác phẩm nói về người vợ. Tuy nhiên, Trần Tế Xương đã là một ngoại lệ đáng chú ý, với sự đa dạng về thể loại văn học viết về bà Tú, người vợ của ông.Bài thơ “Thương Vợ” của Trần Tế Xương là một ví dụ điển hình cho thể loại viết về người vợ trong văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm này được xem là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất mà Tú Xương đã viết để tặng người vợ của mình. Với sự đa dạng trong cách thể hiện và sự tình cảm đầy chân thành của tác giả, bài thơ “Thương Vợ” đã góp phần làm phong phú hơn thêm cho văn học Việt Nam trong giai đoạn trung đại.
3. Hướng dẫn phân tích hai câu đầu bài thơ:
Tú Xương là một trong những nhà thơ tài ba của Việt Nam, luôn tỏa sáng trong lòng độc giả bằng những tác phẩm đầy tính trào phúng và sâu sắc, đôi khi còn đầy sự đả kích. Ngoài ra, ông cũng được biết đến với những bài thơ trữ tình đậm chất nhân văn. Trong bài thơ “Thương Vợ”, ông đã miêu tả rất rõ hình ảnh người vợ bà Tú, với sự vất vả lặng lẽ để hi sinh cho chồng và con cái. Từ đó, Tú Xương cũng thể hiện được tình yêu thương sâu nặng mà ông dành cho người vợ của mình, đầy biết ơn và quý trọng. Điều đó càng làm nổi bật thêm tình cảm gia đình, tình yêu thương đong đầy nhân ái của Tú Xương trong cuộc sống và trong nghệ thuật sáng tác của ông. Bài thơ “Thương Vợ” là một tác phẩm vô cùng đặc biệt của Tú Xương, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc và là một phần không thể thiếu trong văn học Việt Nam.
Chỉ với hai câu thơ đầu tiên cũng đã phần nào nói lên được sự vất vả tần tảo chịu thương chịu khó của bà Tú
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Chỉ bằng vài lời thơ hồn hậu và bình dị, câu thơ đã giúp cho người đọc hình dung ra được hoàn cảnh bà Tú một thân một mình gánh vác trên vai nuôi gia đình, lặn lội từ bờ sông này đến bờ sông khác chăm chỉ làm ăn kiếm tiền nuôi chồng con mà không hề than trách một lời nào.
Danh từ “mom” dùng để diễn tả mảnh đất trống nhô ra, là địa điểm để buôn bán nhỏ của những người dân, nơi họ chèo thuyền để đến buôn bán và bà Tú là điển hình quanh năm buôn bán ở đó để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống cả nhà có những đứa con thơ. Chỉ với một từ mà tác giả đã phần nào nói lên được sự khắc khổ và bươn chải và tiềm tàng những hiểm nguy của vợ.
Từ “quanh năm” buôn bán nghĩa là không một ngày nào bà Tú nghỉ làm và xem ngày nào cũng giống như ngày nào theo thường lệ. Hơn nữa, từ “mom sông” càng tô đậm thêm cái chênh vênh không vững vàng của việc làm ăn, càng nhấn mạnh sự nguy hiểm, tạm bợ của việc buôn nhỏ, bán lẻ.
Vậy là với hai câu thơ đầu của bài thơ “Thương Vợ”, Tú Xương đã phần nào bộc lộ được tình cảm của mình dành cho bà Tú – người vợ đảm đang, tận tụy, hết lòng vì chồng vì con của mình. Không chỉ bộc lộ tình cảm với vợ, câu thơ còn thể hiện nỗi niềm chua xót của người con đất Vị Hoàng, đường đường là đàn ông sức dài, vai rộng mà lại sống bám vào vợ, ăn ké theo đám con, nó cũng phần nào thể hiện sự tủi nhục, xấu hổ của chính nhà thơ.