Nhà thơ Xuân Diệu - gương mặt tiêu biểu và có nhiều đóng góp nổi bật cho sự phát triển của phong trào thơ Mới. Một trong những tác phẩm thể hiện rõ điều này chính là “Vội vàng”. Qua bài thơ, chúng ta thấy được tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, lòng ham sống mãnh liệt cùng quan điểm sống tích cực của tác giả. Sau đây là phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng hay nhất, mời các bạn tham khảo nhé.
Mục lục bài viết
1. Dàn bài phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất:
Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Xuân Diệu (đặc điểm sáng tác, các tác phẩm chính,…).
+ Ví dụ mẫu: Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào thơ mới. Bài thơ “Vội vàng” thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên trong bức tranh mùa xuân rạng ngời, rung động lòng người. Với 13 câu đầu của bài thơ “Vội vàng” đã gợi cho người đọc một cảm xúc khó diễn tả.
– Giới thiệu khái quát về bài thơ Vội vàng.
– Nêu vấn đề cần bàn luận: Cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng.
B. Thân bài: Phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng
a. Cái tôi yêu đời tha thiết, rạo rực
– Bốn câu thơ mở đầu bài thơ đã vẽ nên trước mắt chúng ta một cái tôi với những ước muốn tưởng chừng như viển vông song xét đến cùng đó lại là biểu hiện của niềm khát khao được giữ mãi hương sắc của cuộc đời.
+ “Nắng”, “gió” là những thứ thuộc về tự nhiên nào ai có thể chiếm giữ nó lại được.
+ Cái tôi Xuân Diệu lại muốn được “tắt nắng”, “buộc gió” để giữ lại màu, lại sắc, lại hương cho cuộc đời.
→ Tất cả những điều đó chỉ có thể được lí giải bởi khát khao níu giữ hương sắc của cuộc đời.
– Chín câu thơ tiếp theo đã làm bật nổi lên cái tôi yêu đời, khao khát tận hưởng vẻ đẹp giữa trần thế ấy
+ Hình ảnh thơ độc đáo, mới lạ, hấp dẫn “ong bướm”, “tuần tháng mật”, “đồng nội xanh rì”, “yến anh”.
+ Phép điệp “này đây”.
+ So sánh “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.
→ Vẻ đẹp tình tứ của bức tranh mùa xuân, tất cả như đang kết đôi, kết cặp đầy tình ái.
– Trước bức tranh thiên nhiên đẹp, tình tứ như thế, cái tôi trữ tình không thể giấu nổi niềm sung sướng, hạnh phúc, yêu đời thiết tha rạo rực cháy bỏng của mình mà phải thốt lên rằng:
Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
b. Cái tôi với quan niệm mới mẻ về thời gian và nỗi băn khoăn, lo lắng trước sự trôi chảy của thời gian, tuổi trẻ
– Cái tôi với quan niệm mới mẻ về thời gian, tuổi trẻ: Quan niệm thời gian tuyến tính
+ Sử dụng điệp từ các từ ngữ mang ý nghĩa giải thích “nghĩa là”
+ Các cặp từ đối lập ở hai vế câu “tới’ – “qua”, “non” – “già”,… tác giả đã cho thấy quan niệm thời gian tuyến tính.
– Cái tôi băn khoăn, lo lắng trước sự chảy trôi của thời gian
+ Thời gian có sức mạnh thay đổi, tàn phá vạn vật thật ghê rợn, khiến cho cái tôi trữ tình có thể “ngửi”, cảm nhận “vị chia phôi”, cảm nhận “núi sông than thầm tiễn biệt”.
+ Cái hờn dỗi của “cơn gió biếc’, cái lo lắng, sợ hãi của cánh chim kia phải chăng chính là nỗi lo lắng, sợ hãi của chính cái tôi trữ tình trước sự chảy trôi một đi không trở lại của thời gian và tuổi trẻ.
c. Cái tôi khát khao sống vội vàng, hối hả để tận hưởng những vẻ đẹp nơi “thiên đường trên mặt đất”
– Điệp từ “ta muốn” được lặp lại nhiều lần.
– Động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến “ôm” – “riết” – “say” – “thâu”.
→ Khát khao, mong ước được tận hưởng tuổi trẻ, hạnh phúc và tình yêu của cái tôi trữ tình.
Kết bài: Khái quát về cái tôi trữ tình trong bài thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân.
2. Phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất, đặc sắc nhất:
Trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu không phải là nhà thơ tiên phong đầu tiên, tuy nhiên khi vừa mới xuất hiện trên diễn đàn thơ ca, với những sáng tác đỉnh cao mang phong cách riêng độc đáo, ông được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất”. Tác phẩm “Vội vàng” được in trong tập “Thơ thơ” (1938) đã thể hiện thành công tiếng lòng yêu đời và khát khao sống mãnh liệt và quan điểm sống tích cực, hiện đại của nhà thơ Xuân Diệu, đồng thời là sự kết hợp giữa cảm xúc và triết lí, cùng những sáng tạo độc đáo về nghệ thuật.
Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã thể hiện khát vọng níu giữ vẻ đẹp, hương sắc cuộc đời:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Trong bốn câu thơ ngũ ngôn đầu tiên, bằng biện pháp điệp ngữ “tôi muốn” kết hợp với điệp cấu trúc câu ở câu thơ thứ nhất và câu thơ thứ ba, tác giả đã nhấn mạnh chủ thể của hàng động và khát vọng mạnh mẽ, in đậm cái tôi cá nhân. Và chủ thể trữ tình cũng thể hiện rõ ước muốn hướng về đối tượng thông qua những hình ảnh độc đáo như “tắt nắng”, “buộc gió”, cho thấy ước muốn táo bạo của người thi sĩ để “màu đừng nhạt, hương đừng bay”. Điệp ngữ “cho, đừng” cùng điệp cấu trúc câu ở câu thơ thứ 2, 4 đã thể hiện mục đích đẹp đẽ của nhà thơ là trân trọng, níu giữ vẻ đẹp, hương sắc của cuộc đời. Như vậy, qua bốn câu thơ đầu tiên, chúng ta có thể thấy được ước muốn lãng mạn của một thi sĩ với tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống sôi nổi, tha thiết.
Bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng sững lại trước vẻ đẹp thơ mộng mùa xuân. Những câu thơ kéo dài khiến cho người đọc liên tưởng đến như một bức tranh xuân tuyệt đẹp, thơ mộng. Sử dụng linh hoạt điệp từ “này đây” cùng nhịp thơ rộn ràng góp phần phô trương vẻ đẹp muôn màu sắc xuân. Hình ảnh biểu tượng cho mùa xuân là ong bướm, hoa, lá,… Tất cả những biểu tượng đó đã tạo nên một bức tranh mùa xuân sống động, căng tràn sức sống khiến cho người đọc như được chìm trong một thế giới ngập tràn màu sắc. Nhà thơ đã vẽ lên một khung cảnh hết sức lãng mạn gợi ra tâm trạng của những người đang yêu. “Yến anh” là chim yến chim oanh đại diện cho tình cảm thắm thiết của tình yêu đôi lứa. “Khúc si tình” là âm hưởng say đắm trong tình yêu.
“Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần!”
Mỗi buổi sáng mùa xuân luôn quyến rũ lạ thường, là lúc nữ thần mặt trời tỉnh giấc gửi những tia nắng lung linh trao niềm vui cho gia đình và tưới sự sống cho muôn loài. Đối với nhà thơ, mỗi ngày trôi qua đều vui vẻ sung sướng, nhưng cũng rất vội vàng bởi mỗi phút giây được sống đều rất quan trọng. Khi đang sung sướng thì ông lại nuối tiếc về tuổi xuân, đây là hai luồng cảm xúc đối lập với nhau.
“Tôi sung sướng, nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Qua 13 câu thơ đầu, nhà thơ đã cho người đọc thấy một bức tranh mùa xuân thơ mông, tươi đẹp, xao xuyến động lòng người. Qua đó, Xuân Diệu cũng thể hiện niềm nuối tiếc về thời gian trôi qua không ngừng và không chờ đợi một ai.
Ở đoạn thơ tiếp theo, tác giả đã tái hiện bức tranh cuộc sống thực tại đẹp như thiên đường trên mặt đất:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Điệp khúc “Này đây” xuất hiện trở đi trở lại trong các dòng thơ ở những vị trí khác nhau,, mang đến âm hưởng vui tươi, rộn ràng, náo nức cho đoạn thơ. Điệp khúc này gắn liền với hệ thống ngôn từ, hình ảnh gợi hình, gợi cảm thông qua biện pháp liệt kê về rất nhiều hình ảnh đẹp về cảnh sắc thiên nhiên: “hoa của đồng nội”, “lá của cành tơ”, “yến anh… khúc tình si”, “ánh sáng… chớp hàng mi”, “buổi sớm… thần Vui hằng gõ cửa”. Như vậy, tác giả đã cảm nhận cuộc đời bằng con mắt của chính mình, đó là đôi mắt của sự trẻ trung, “xanh non”, “biếc rờn”.