Chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự mang ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đấu tranh chống tội phạm. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội sẽ được giảm nhẹ hình phạt, thậm chí có thể được coi là miễn trách nhiệm hình sự. Phân tích các điều kiện tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội như sau:
Mục lục bài viết
1. Điều kiện để tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Căn cứ điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu là việc mà người thực hiện hành vi phạm tội đã kiềm chế, tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng mà chủ thể đang thực hiện khi biết rằng không có gì ngăn cản chủ thể thực hiện tội phạm. Theo đó, có thể thấy, để xác định một người có hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cần dựa trên các điều kiện sau đây:
1.1. Tội phạm được thực hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc giai đoạn phạm tội chưa đạt (trường hợp chưa đạt chưa hoàn thành).
Trong đó, giai đoạn chuẩn bị phạm tội là trường hợp mà người phạm tội mới có các hành vi chuẩn bị như tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm, nhưng chưa có hành vi xâm hại đến khách thể được Luật hình sự bảo vệ và chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Còn giai đoạn phạm tội chưa đạt (chưa đạt chưa hoàn thành) được hiểu là người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm nên hậu quả của tội phạm chưa xảy ra cho xã hội.
Theo đó, điều kiện này đòi hỏi người phạm tội đang còn điều kiện thực hiện tội phạm như công cụ, phương tiện phạm tội mà người phạm tội không bị phát hiện hoặc điều kiện thuận lợi khác để thực hiện tội phạm trót lọt. Như vậy, sự chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra trong quá trình mà người đó đã có hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm hoặc đã bắt đầu thực hiện hành vi thực hiện ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện được tội phạm đến cùng, nghĩa là hành vi mà người đó thực hiện chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể mà người đó định phạm, hành vi chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành. Do vậy hậu quả của tội phạm chưa xảy ra cho xã hội.
Lưu ý: Trường hợp người phạm tội chấm dứt hành vi của mình ở giai đoạn phạm tội hoàn thành hoặc chưa đạt nhưng đã hoàn thành thì không được thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vì họ đã thực hiện hết các hành vi khách quan mà các hành vi đó đã đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm do điều luật quy định.
1.2. Người phạm tội phải tự ý chấm dứt việc tiếp tục thực hiện tội phạm một cách tự nguyện và dứt khoát.
Thứ nhất, sự tự nguyện trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu là người phạm tội tự mình từ bỏ ý định phạm tội và chấm dứt việc thực hiện hành vi phạm tội hoàn toàn theo ý chí của người phạm tội mặc dù không có gì ngăn cản. Còn đối với các trường hợp mà người phạm tội không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội do các nguyên nhân khách quan gây nên như: đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, đối tượng tác động của tội phạm được bảo vệ cẩn thận,… thì việc dừng lại đó không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Lý do dẫn tới việc người thực hiện hành vi phạm tội tự nguyện chấm dứt hành vi do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 nêu rõ rằng việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như: hối hận, sợ bị trừng trị, lo sợ, không muốn thực hiện tội phạm đối với người quen biết, …. Do đó, chúng ta không nên đòi hỏi người có hành vi nguy hiểm phải tỉnh ngộ, hối hận mà hành vi của họ được coi là đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ cần họ đã thực hiện sự tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tội phạm nữa.
Thứ hai, sự dứt khoát trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thể hiện ý chí của người có hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, phải từ bỏ hẳn ý định phạm tội một cách triệt không phải dừng lại tạm thời, chốc lát, chờ cơ hội khác thuận lợi hơn để tiếp tục phạm tội. Tức là cho dù hành vi phạm tội chưa bị phát hiện và người phạm còn điều kiện, thời cơ tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng nhưng người phạm tội phải dứt khoát chấm dứt không tiếp tục thực hiện tội phạm.
Tuy nhiên không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đối với trường hợp một người đã thực hiện những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm, để gây ra hậu quả tội phạm, nhưng hậu quả tội phạm chưa xảy ra hay tội phạm chưa hoàn thành mà do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó, thì sau đó mặc dù người ấy lại nhận thức được là sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nếu tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nhưng đã không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa. Bởi hành vi đó đã xảy ra hoàn thành, nguyên nhân hậu quả chưa đạt do yếu tố khách quan ngoài ý muốn của người đó.
Ví dụ: A chạy xe máy giật dây chuyền của B, nhưng chưa giật được. Sau đó mặc dù A có thể quay lại để giật nhưng A đã tự mình từ bỏ ý định, không tiếp tục thực hiện hành vi giật dây chuyền của B nữa. Trường hợp này không được coi là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Một số trường hợp người đó đã thực hiện được các hành vi cần thiết để thực hiện tội phạm, tuy nhiên hậu quả giữa hành vi mà người đó thực hiện và hậu quả gây thiệt hại cho xã hội cần một khoảng thời gian nhất định. Nếu trong thời gian xảy ra hậu quả thiệt hại đó mà người thực hiện hành vi tự nguyện, chủ động, tích cực ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả và tội phạm không hoàn thành được thì cũng được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
2. Trách nhiệm hình sự trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Luật hình sự năm 2015 thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; tuy nhiên người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã thực hiện nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác.
Như vậy, đối với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì ý chí chủ quan của người phạm tội đã tự nguyện từ bỏ việc tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, dù không có gì ngăn cảm và chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Bên cạnh đó, quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội về tội định phạm thể hiện bản chất tính nhân đạo của nhà nước XHCN, khoan hồng đối với những người đã lỡ bước vào con đường phạm tội nhưng kịp thời ý thức được tội lỗi của mình, kịp thời dừng hành vi phạm tội, không gây ra nguy hiểm cho xã hội. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc phòng ngừa tội phạm. Điều này rõ ràng đã góp phần hạn chế bớt những thiệt hại nguy hiểm có thể xảy ra cho xã hội.
Ví dụ: người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hiếp dâm thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
Đối với trường hợp hành vi của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đã thực hiện thỏa mãn các dấu hiệu của một tội phạm khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Ví dụ: một người có ý định giết người đã dùng dao chém gây thương tích người khác, sau đó người đó đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc giết người thì người đó được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người tuy nhiên hành vi đâm chém đã gây tỷ lệ thương tích là 30% thì người đó có thể phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích theo quy định pháp luật.
3. Ý nghĩa của chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong khoa học lập pháp, thực tiễn xét xử, đặc biệt là đối với người phạm tội, đối với Nhà nước và xã hội. Cụ thể:
Đối với khoa học lập pháp: góp phần vào việc hoàn thiện khoa học pháp lý nói chung, khoa học pháp luật hình sự nói riêng. Thông qua chế định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội còn khẳng định rằng trình độ lập pháp của nước ta đã được nâng lên đáng kể, rút ngắn khoảng cách với trình độ lập pháp của thế giới.
Đối với thực tiễn xét xử: thông qua quy định chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong Bộ luật hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tạo nên sự nhất quán và đồng bộ trong việc áp dụng chế định, là cơ sở để xác định Trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi họ đã tự nguyện không tiếp tục thực hiện tội phạm dù không có gì ngăn cản.
Đối với người phạm tội: Tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho người đang chuẩn bị phạm tội hoặc đã bắt tay vào thực hiện tội phạm tự nguyện chấm dứt việc phạm tội lựa chọn được cách xử xự để được miễn trách nhiệm hình sự, hưởng khoan hồng của pháp luật, do đó đây là cơ sở để phòng ngừa tội phạm.
Đối với Nhà nước và xã hội: thể hiện rõ nét chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với mục đích, nhiệm vụ của luật hình sự, đặc biệt là mục đích của hình phạt, nhằm hạn chế những thiệt hại có thể gây ra cho các quan hệ xã hội, góp phần vào sự tiến bộ của xã hội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.