Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã phác hoạ một bức tranh phong cảnh Tây Bắc vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến không chỉ là một bức tranh phong cảnh mà còn là một biểu tượng. Dưới đây là bài văn phân tích bức tranh thiên nhiên Tây Bắc trong bài Tây Tiến.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích bức tranh thiên nhiên Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến:
Mở bài:
Phần mở bài chúng ta có thể triển khai theo hai cách:
Cách 1: Theo cách trực tiếp là đi thẳng vào giới thiệu tác giả và tác phẩm và đoạn thơ chúng ta đang phân tích.
Cách 2: Theo cách gián tiếp là dẫn dắt từ một câu chuyện hay một câu thơ hay một đoạn văn mang hàm ý liên quan đến để từ đó đi vào trọng tâm của bài.
Hướng dẫn:
Trước khi đi vào tìm hiểu về bài thơ Tây Tiến chúng ta cần phải biết ai là người cha đẻ của bài thơ Tây Tiến để qua đó giúp người đọc có thể nhận biết được nguồn gốc của bài thơ; cũng như hiểu được tâm tư, tình cảm của người thi sĩ đã viết nên một tác phẩm tuyệt vời như vậy. Chính vì vậy, tại phần mở bài ta cần đi vào giới thiệu đôi nét về tác giả
Để có thể triển khai nội dung đoạn thơ mà chúng ta muốn phân tích thì việc dẫn dắt người đọc đến với thông tin đoạn thơ là rất quan trọng. Qua đó người được có thể nhận biết đoạn thơ mà chúng ta đang phân tích là đoạn thơ nào và nằm ở đâu trong bài thơ Tây Tiến; Vì vậy, tại phần mở bài chúng ta cần triển khai một vài ý để dẫn vào bức tranh thiên nhiên Tây Bắc
Thân bài:
* Khái quát chung:
Theo cách giới thiệu Tác giả tác phẩm trước để tiến vào nội dung của bài ta có thể triển khai theo một số ý sau:
- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài vừa làm thơ, viết văn, vừa có thể vẽ tranh, đặc biệt là rất thành công trong lĩnh vực sáng tác thơ văn.
- Quang Dũng mang phong cách thơ phóng khoáng, lãng mạn
- Bài thơ được viết vào cuối năm 1948 khi Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, ngồi tại Phù Lưu Chanh nhớ đơn vị cũ, tác giả đã viết bài thơ này.
- Ban đầu bài thơ có tên “Nhớ Tây Tiến”, sau được Quang Dũng đổi tên thành “Tây Tiến” và được in trong tập “Mây đầu ô”.
- Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc: vừa dữ dội, hùng vĩ vừa nên thơ, trữ tình, huyền ảo
* Phân tích chi tiết:
Trước tiên là phân tích vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc
“ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”:
- Cảnh Sài Khao với thời tiết khắc nghiệt, với những lớp sương mù dày đặc, mờ mịt.
- Hình ảnh “sương”: sự khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc
- Liên hệ với “sương” trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”
- Từ láy “khúc khuỷu”, gợi chiều đi lên gập ghềnh của con đường, “ thăm thẳm”, gợi chiều đi xuống có độ sâu hun hút
- Diễn tả được dốc cao cheo leo và vực sâu thăm thẳm trên con đường hành quân của những người lính Tây Tiến
“Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
- Từ láy “ heo hút”: vừa gợi ra được một khung cảnh hoang vu, lạnh lẽo, vừa gợi ra độ cao của đường đi cũng như vị trí của đoàn binh Tây Tiến lúc này đang lên rất cao với từng đám mây như chất chồng thành cồn ngay trước mắt người lính.
“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”
- Điệp từ phiếm chỉ “ngàn thước”: mở ra một không gian nhìn từ trên xuống cũng như từ dưới lên thật hùng vĩ, vô tận của núi non hiểm trở.
- Nghệ thuật tiểu đối cùng dấu phẩy ngắt nhịp thành 4/3 khiến câu thơ như bị bẻ gập đôi diễn tả độ cao gần như thẳng đứng của dốc núi, nhìn lên thì cao chót vót đến chóng mặt, nhìn xuống thì sâu hun hút làm cho người đọc như đang được trải nghiệm một trò chơi bập bênh đến chóng mặt.
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người“
- Hai câu thơ tác giả tập trung diễn tả âm thanh của “tiếng thác gầm thét” + “tiếng cọp trêu người”: Những âm thanh dữ dội, đáng sợ, mang cả oai linh rừng thẳm ẩn chứa những mối nguy hiểm đang rình rập xung quanh những người lính Tây Tiến.
- Không gian “chiều chiều”, “đêm đêm”: Đó là thời điểm ảnh mặt trời vừa tắt, cảnh rừng thêm âm u, tăm tối, huyền bí. Âm thanh phối hợp cùng bóng đêm tạo nên mối đe dọa khủng khiếp với người lính
- Hai thanh trắc “hịch”, “cọp”: khiến câu thơ như nặng trĩu xuống ở giữa, gợi những bước chân cọp đang rình rập, đe dọa người lính
Từ những chi tiết trên ta có thể đưa ra kết luận: Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên với nhiều dốc cao, vực thẳm song rất hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, đồng thời cũng gợi ra một hành trình đầy gian khổ, nhọc nhằn của những người lính Tây Tiến trên bước đường hành quân.
Vẻ đẹp lãng mạn, trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc
“ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
- “ Đêm hơi”- một đêm sương nhẹ nhàng, tan loãng với cảnh “ hoa về”
- 6/7 thanh bằng: tạo được một cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng cùng hương cùng hoa khiến cho những mệt mỏi tan biến hết trên con đường hành quân gian khổ.
“ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
- “ mưa xa khơi”: gợi ra được những cơn mưa rừng trắng trời khiến thung lũng như hòa vào mư
- “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy-Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”: chiều sương mờ ảo, dòng sông lặng tờ
- “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”: hoa đôi bờ đong đưa theo dòng thác lũ như lưu luyến vẫy tay chào con người
Từ đây ta có thể đưa ra kết luận: Với phong cách thơ phóng khoáng, lãng mạn, Quang Dũng đã vẽ thêm những nét vẽ trữ tình và đầy độc đáo cho khung cản thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.
* Tổng kết
- Nghệ thuật: Với những nét vẻ biến hóa khi mềm mại khi gân guốc, rắn rỏi cùng biện pháp nhân hóa, đối lập, cường điệu, nhà thơ Quang Dũng đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc có sự đan dệt độc đáo giữa hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội và lãng mạn, trữ tình, thơ mộng.
- Nội dung: Dưới ngòi bút nghệ thuật tài hoa, nhà thơ Quang Dũng đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc có sự đan dệt độc đáo giữa hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội và lãng mạn, trữ tình, thơ mộng. Qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó tha thiết của tác giả với vùng đất ông đã sống và chiến đấu. Đồng thời cũng thấy được tình yêu quê hương, đất nước của ông.
Kết bài:
Vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội và thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc đã góp phần làm nên thành công của “Tây Tiến”.
2. Phân tích bức tranh thiên nhiên Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến:
“Đường lên Tây Bắc vút xa mờ. Đường lên Tây Bắc mây trắng bồng bềnh như mơ… Gặp lại dấu chân cha ông, gặp lại chín năm gian khổ”. Những giai điệu trong bài hát “Hành quân lên Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên đã hơn một lần đưa ta ngược về thời gian, vượt qua khoảng cách không gian về với núi rừng Tây Bắc của một thời đạn lửa. Giữa rất nhiều tác phẩm văn chương nói chung và văn học thời kì kháng chiến chống Pháp nói riêng in đậm dấu ấn vùng cao Tây Bắc, Tây Tiến của Quang Dũng là bài thơ có vị trí đặc biệt. Đọc Tây Tiến người ta không chỉ thấy hiện lên sừng sững bức tượng đài người lính trên bước đường hành quân gian khổ mà còn ấn tượng sâu sắc về bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng, lãng mạn, qua đó làm nổi bật được bút pháp nghệ thuật đầy tài năng của Quang Dũng- một hồn thơ chiến sĩ thời máu lửa oai hùng.
Quang Dũng- một người chiến sĩ gan dạ, dũng cảm với chất nghệ sĩ đầy tài hoa thấm sâu trong máu thịt. Ông là người nghệ sĩ thực thụ đa tài vừa làm thơ, viết văn, vừa có thể vẽ tranh, đặc biệt là rất thành công trong lĩnh vực sáng tác thơ văn. Với một phong cách thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, Quang Dũng rất thành công trong việc viết về người lính Tây Tiến và quê hương xứ Đoài của mình, trong đó chúng ta không thể không nhắc đến “Tây Tiến”- một kiệt tác được viết vào cuối năm 1948 khi Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Ngồi tại Phù Lưu Chanh với nỗi nhớ da diết về đơn vị cũ Tây Tiến, ông đã viết lên bài thơ này. Tây Tiến là một đơn vị thành lập vào đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh từ Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình,… sang tận Sầm Nưa (Lào) rồi vòng về qua miền tây Thanh Hóa. Đây là những nơi rừng thiêng nước độc, núi non hiểm trở và đầy rẫy những nguy hiểm luôn rình rập con người. Những người lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả những học sinh, sinh viên như Quang Dũng. Họ phải sống và chiến đấu trong một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, khắc nghiệt, chết vì bệnh nhiều hơn chết trận. Tuy gian khổ là vậy, khốn khó là thế nhưng những người lính Tây Tiến ấy vẫn giữ trong mình một tinh thần sống đầy lạc quan, chiến đấu đầy dũng cảm và giữ được cốt cách hào hoa, lãng mạn của những chàng trai Hà Thành. “Tây Tiến” là một điểm sáng trong sự nghiệp nghệ thuật của Quang Dũng, với một ngòi bút tài hoa và một phong cách nghệ thuật độc đáo, ông đã làm nổi bật được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc.
Bài thơ bắt đầu bằng một nỗi nhớ, một nỗi nhớ của Quang Dũng về bức tranh núi rừng Tây Bắc và hình ảnh người lính trên bước đường hành quân gian khổ mà trước hết là những lời giãi bày về nỗi nhớ da diết:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Một tiếng gọi nhớ nhung tha thiết cất lên hướng về dòng sông Mã- nhân chứng chứng kiến mọi nỗi buồn, vui, mất mát, đau thương của người lính. Đã không biết bao nhiêu lần những người lính Tây Tiến hành quân qua địa danh này và cũng thật dễ dàng lí giải được tại sao hình ảnh sông Mã xuất hiện ngay trong câu thơ mở đầu bởi nhắc đến Tây Tiến thì dòng sông Mã hiện lên đầu tiên trong tâm trí nhà thơ và hướng về Tây Tiến, hướng về núi rừng để diễn tả một nỗi nhớ mãnh liệt trào dâng không thể kìm nén trong lòng Quang Dũng. Câu thơ mở đầu đã định hướng cho toàn bộ cảm xúc của bài thơ. Toàn bài sẽ là sự thể hiện cụ thể của hai hình tượng kết đọng nỗi nhớ của tác giả: Tây Bắc và người lính Tây Tiến. Nếu như câu thơ mở đầu mới chỉ gián tiếp thể hiện được nỗi nhớ của Quang Dũng thì sang đến câu thơ thứ hai, nỗi nhớ ấy đã được thể hiện một cách đầy trực tiếp qua những từ ngữ rõ ràng:
“ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Nhớ, rất nhớ về Tây Tiến, nhà thơ lặp đi lặp lại từ “ nhớ” hai lần để trực tiếp bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc, mãnh liệt, một nỗi nhớ triền miên trong lòng mình, đồng thời hướng nỗi nhớ về đối tượng cụ thể đó là rừng, là núi- địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến. Hơn thế nữa, tác giả còn khéo léo kết hợp nỗi nhớ ấy với từ láy “ chơi vơi” vừa gợi được nỗi nhớ trải rộng tới nhiều đối tượng trong kí ức, vừa có tác dụng hình tượng hóa nỗi nhớ. Đó là một nỗi nhớ lửng lơ, vô định hình, một nỗi nhớ ám ảnh da diết trong tâm hồn nhà thơ và bao trùm cả không gian của núi rừng Tây Bắc.
Sang những câu thơ tiếp theo, tác giả đã tái hiện nỗi nhớ bằng cách liệt kê một loạt các địa danh: “ Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông, Mai Châu” gợi miền viễn xứ, chốn biên giới xa xôi. Đây cũng chính là cảnh núi rừng Tây Bắc hiện lên theo từng bước chân hành quân của người lính Tây Tiến. Con đường hành quân điệp trùng với bao cái khắc nghiệt, dữ dội của mỗi vùng rừng biên ải , đây là cuộc trường chinh nơi nghìn trùng cách trở. Dưới ngòi bút nghệ thuật sáng tạo, Quang Dũng đã khắc họa thành công một bức tranh thiên nhiên qua sáu cảnh cụ thể với những nét đặc trưng riêng:
“ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”
Hiện lên đầu tiên trong bức tranh Tây Bắc là cảnh Sài Khao với thời tiết khắc nghiệt, với những lớp sương mù dày đặc, mờ mịt như vùi lấp cả đoàn quân Tây Tiến khiến cho những đêm dài hành quân vất vả đi trong đêm dày đặc sương giăng, ko nhìn rõ mặt nhau. Quang Dũng đã thật tài hoa khi ông mang hình ảnh “sương” vào “Tây Tiến” để khắc họa rõ nét hơn sự khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc vào những đêm dài lạnh lẽo. Cũng từng có những miêu tả về “sương”, Chế Lan Viên viết trong “Tiếng hát con tàu”:
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
Đây là một nét vẽ đầy dữ dội, đầy ấn tượng và Quang Dũng đã rất tài năng khi khắc họa thành công nét vẽ ấy.
Qua ngòi bút lãng mạn của tác giả, thiên nhiên Tây Bắc dần hiện ra và lần này tác giả đưa chúng ta đến với cảnh Mường Lát:
“ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Câu thơ đầy mới mẻ, độc đáo lan tỏa trong ta cảm giác lâng lâng. “ Đêm hơi”- một đêm sương nhẹ nhàng, tan loãng với cảnh “ hoa về”- một hình ảnh với nhiều cách hiểu khác nhau. Hiểu khái quát thì đó là hương hoa ùa về theo bước chân của những người lính Tây Tiến trở về trong đêm hơi. Còn một cách hiểu khác thì đó là những ngọn đuốc trên tay của những người lính Tây Tiến lung linh như những đóa hoa trong đêm. Dù hiểu theo cách nào thì “ hoa” vẫn là hình ảnh đẹp, thi vị của núi rừng Tây Bắc, xuất hiện trong đêm hơi gợi ra vẻ đẹp độc đáo, lãng mạn, thơ mộng cho cảnh núi rừng hiểm trở nơi đây. Câu thơ chứa 6/7 thanh bằng đã tạo được một cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng cùng hương cùng hoa khiến cho những mệt mỏi tan biến hết trên con đường hành quân gian khổ. Với phong cách thơ phóng khoáng, lãng mạn, Quang Dũng đã vẽ thêm những nét vẽ trữ tình và đầy độc đáo cho khung cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.
Ngòi bút của Quang Dũng tiếp tục dẫn đường cho chúng ta đến với khung cảnh núi non trùng điệp, hiểm trở:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”
Một khung cảnh núi rừng được tái hiện bằng những ngôn từ táo bạo đầy giá trị tạo hình. Nhà thơ đã sử dụng một loạt các từ láy độc đáo như “ khúc khuỷu” gợi chiều đi lên gập ghềnh của con đường, “ thăm thẳm” gợi chiều đi xuống có độ sâu hun hút. Hai từ láy giàu giá trị tạo hình này đã diễn tả được dốc cao cheo leo và vực sâu thăm thẳm trên con đường hành quân của những người lính Tây Tiến. Đặc biệt, từ láy “ heo hút” còn vừa gợi ra được một khung cảnh hoang vu, lạnh lẽo, vừa gợi ra độ cao của đường đi cũng như vị trí của đoàn binh Tây Tiến lúc này đang lên rất cao với từng đám mây như chất chồng thành cồn ngay trước mắt người lính.
“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”
Điệp từ phiếm chỉ “ngàn thước” được lặp lại hai lần đã mở ra một không gian nhìn từ trên xuống cũng như từ dưới lên thật hùng vĩ, vô tận của núi non hiểm trở. Nhà thơ sử dụng nghệ thuật tiểu đối cùng dấu phẩy ngắt nhịp thành 4/3 khiến câu thơ như bị bẻ gập đôi diễn tả độ cao gần như thẳng đứng của dốc núi, nhìn lên thì cao chót vót đến chóng mặt, nhìn xuống thì sâu hun hút làm cho người đọc như đang được trải nghiệm một trò chơi bập bênh đến chóng mặt. Nhà thơ còn sử dụng chủ yếu ba thanh trắc trong ba câu thơ với nét vẽ gân guốc, rắn rỏi tạo cảm giác mạnh, gây ấn tượng cho người đọc. Tác giả đã vẽ lên một núi rừng hoang vu với nhiều dốc cao, vực thẳm song rất hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, đồng thời cũng gợi ra một hành trình đầy gian khổ, nhọc nhằn của những người lính Tây Tiến trên bước đường hành quân.
Bức tranh thiên nhiên tiếp tục được mở rộng, và lần này Quang Dũng đưa chúng ta đến một nơi có vẻ đẹp bình yên- Pha Luông:
“ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Đây là một cảnh bản làng đầy bình yên với hình ảnh những mái nhà của ai đó ẩn hiện thấp thoáng sau cơn mưa rừng. Đặc biệt hình ảnh “ mưa xa khơi” còn gợi ra được những cơn mưa rừng trắng trời khiến cho từng ngôi nhà như đang trôi bồng bềnh trong làn mưa, giúp cho cảnh Pha Luông hiện lên đẹp đầy hư ảo, thơ mộng và lãng mạn. Có những cơn mưa rừng chợt đến đã để lại bao giá rét cho người lính Tây Tiến. Nhưng dưới ngòi bút của Quang Dũng, nó trở nên lãng mạn, trữ tình hơn bao giờ hết. Nhà thơ đã thông minh, sáng tạo khi nói đến mưa rừng bằng cụm từ “mưa xa khơi”, nó gợi lên 1 cái gì đó rất kì bí, hoang sơ giữa chốn núi rừng. Câu thơ thứ tám với bảy thanh bằng đã tạo ra được nhịp điệu êm ả, bằng phẳng, gợi ra được cảm giác thư thái, bình yên trong tâm hồn người lính như làm dịu đi vẻ dữ dội, hiểm trở của núi rừng và mở ra 1 bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng đầy lãng mạn. Câu thơ còn gợi ra được vị trí và tầm nhìn của người lính Tây Tiến. Các anh lúc này như đang dừng chân nơi sườn núi, phóng tầm mắt ra xa và trước mắt là cảnh bản làng bình yên thấp thoáng sau làn mưa rừng. Thì ra đọc thơ Quang Dũng không chỉ như ngậm nhạc trong miệng mà còn như được thưởng tranh: “Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc” là vì thế. Nếu câu thơ trên trắc trở bao nhiêu thì câu thơ dưới lại mềm mại bất nhiêu, câu thơ trên cheo leo bao nhiêu thì dưới lại nhẹ nhàng bấy nhiêu, cảnh trên hiểm trở bao nhiêu thì cảnh hiện thời lại êm đềm bấy nhiêu. Câu thơ xứng đáng là một nét vẽ mềm mại làm dịu mát cả khổ thơ. Nhưng đâu phải lúc nào cũng bình yên, êm đềm được như vậy mà cũng có những khi, thiên nhiên lại hiện lên thật hùng vĩ và dữ dội:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
Hai câu thơ, tác giả đã tập trung diễn tả âm thanh của tiếng “ thác gầm thét” và tiếng “ cọp trêu người”. Với nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ đã tạo ấn tượng mạnh về một thứ âm thanh dữ dội,đáng sợ của tiếng thác và tiếng hổ gầm. Những âm thanh ấy mang cả oai linh của rừng thẳm, ẩn chứa những mối nguy hiểm đang rình rập xung quanh những người lính Tây Tiến. Âm thanh ấy lại được đặt trong thời điểm “ chiều chiều” “ đêm đêm”- là những thời điểm ánh mặt trời vừa tắt, cảnh rừng thêm âm u, tăm tối, huyền bí. Âm thanh ấy phối hợp với bóng đêm của đại ngàn tạo nên mối đe dọa khủng khiếp với người lính. Hai thanh trắc trong chữ “ Hịch, cọp” làm cho câu thơ như trĩu xuống ở giữa như những bước chân cọp đang rình rập, đe dọa người lính đúng như lời nhận xét của nhà thơ Trần Lê Văn: “ Hai dấu nặng đi với nhau nghe nặng như tiếng chân cọp, có điều kì lạ là nếu ta thay hai chữ “ Mường Hịch” bằng hai chữ khác như “ Châu Thuận” thì hiệu lực câu thơ giảm sút ngay.
Tạm biệt với mảnh đất dữ nơi lam chướng nghìn trùng Mường Hịch, Quang Dũng tiếp tục mở ra trước mắt chúng ta bức tranh thiên nhiên Tây Bắc với địa danh Mai Châu cùng bữa cơm ấm áp đầy tình người:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
Nếu như trước đó, những câu thơ gợi lên sự trắc trở, gập ghềnh của chặng đường hành quân thì những câu thơ này đã làm bức tranh thiên nhiên Tây Bắc như thơ mộng hơn khi nó xuất hiện cùng với hình ảnh bữa cơm ấm nồng nghi ngút khói, nếp xôi thơm lừng cả xóm thôn. Câu thơ đã trực tiếp bộc lộ được nỗi nhớ về Tây Tiến, về vùng đất Mai Châu của tác giả. Hình ảnh “ cơm lên khói” là một hình ảnh được cảm nhận bằng thị giác gợi được một bữa cơm nóng hổi, ấm áp sau bao ngày hành quân gian khổ, vượt núi trèo đèo. Hình ảnh ấy còn gợi ra được hình ảnh ngọn khói như chờn vờn, lay động cả kí ức của nhà thơ. Không chỉ cảm nhận bằng vị giác, tác giả còn sử dụng khứu giác để cảm nhận mùi “ thơm nếp xôi” với một hương vị ngọt ngào, no đủ của một ngày bội thu, gợi được sự ấm cúng, quây quần, sum vầy. Có lẽ người lính Tây Tiến sau chặng đường dài hành quân vất vả giờ đây họ mới có thời gian quây quần bên những nồi cơm dẻo nghi ngút khói. Chính những hình ảnh ấy đã tạo ra không gian thật gần gũi, quen thuộc của cuộc sống giữa tình thân với những bữa cơm đầm ấm mà mỗi người lính Tây Tiến đã từng có nơi quê nhà, họ tìm được cho mình điểm tựa để được vỗ về, an ủi sau biết bao những mỏi mệt, gian lao đã trải qua. Đặc biệt, hình ảnh “ mùa em” còn gợi ra được thấp thoáng bóng dáng của cô gái vùng Tây Bắc.Trong nỗi nhớ về tình quân dân cá nước có xen vào nỗi nhớ riêng tư trong tâm hồn người lính Tây Tiến. Kỉ niệm của nhà thơ Quang Dũng có sự gặp mặt tương đồng với nỗi nhớ của Chế Lan Viên khi nhớ về kháng chiến trong bài thơ “ Tiếng hát con tàu” :
“Anh nắm tay em giữa mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương.”
Với những nét vẽ biến hóa khi mềm mại khi gân guốc, rắn rỏi cùng biện pháp nhân hóa, đối lập, cường điệu, nhà thơ Quang Dũng đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc có sự đan dệt độc đáo giữa hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội và lãng mạn, trữ tình, thơ mộng. Từng nét vẽ, ông như một hướng dẫn viên du lịch đưa người đọc trải nghiệm một chuyến khám phá đến Tây Bắc với từng địa điểm và từng đặc trưng của nơi ấy , dữ dội có, nguy hiểm có và cả lãng mạn, bình yên cũng đều có. Qua đó Quang Dũng đã cho người đọc thấy được tình cảm gắn bó tha thiết của ông đối với vùng đất ông đã sống và chiến đấu, đồng thời cũng thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước tha thiết của nhà thơ.
Có những bài thơ một thời nhưng cũng có những bài thơ mãi mãi. Thơ hay không có tuổi cũng như mùa xuân không ngày tháng. “ Tây Tiến” là một tác phẩm tiêu biểu, không, người ta gọi đó là một kiệt tác, là một kiệt tác với những câu thơ chỉ gợi không tả cũng đủ sức vẽ lên một bức tranh Tây Tiến sống động huyền ảo. Bức tranh ấy khi thì thấp thoáng sau màn sương dày đặc hay ẩn hiện sau cơn mưa xa khơi, khi thì lung linh, huyền ảo với những ngọn đuốc hoa hay hiểm trở trùng điệp với từng cảnh núi non, khi lại dữ dội, đáng sợ với tiếng thác, tiếng gầm hay lại quay trở lại bình yên với bữa cơm ấm áp tình người. Một bức tranh, một nỗi nhớ, một tấm lòng. Bất chấp hiện thực tàn khốc, hiểm trở, sự lãng mạn đặc trưng cho phong cách thơ của Quang Dũng vẫn được bộc lộ một cách rõ ràng, vẫn đi vào lòng người đọc như một dấu ấn khó phai. Những nét vẽ sáng tạo với quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, chiến sĩ Quang Dũng đồng thời là một người nghệ sĩ đa tài đã khắc họa thành công một tác phẩm hội họa về Tây Bắc đẹp đến nao lòng người. Và trên tất cả, khung cảnh thiên nhiên ấy chính là phông nền để Quang Dũng khắc họa hình ảnh những người lính Tây Tiến hiện lên như những người anh hùng sử thi với vẻ đẹp lạc quan, hào hoa, lãng mạn, thơ mộng đúng chất những con người Hà Thành. Ngay từ khi ra đời, Tây Tiến đã được lưu truyền rộng rãi trong bộ đội và những người yêu thơ. Nhưng sau đó, do quan niệm có phần đơn giản và ấu trĩ nên bài thơ này bị coi là mộng rớt, có những rơi rớt của tư tưởng lãng mạn anh hùng kiểu cũ. Vì vậy, trong một thời gian khá dài, Tây Tiến ít được nhắc đến. Mãi tới thời kì đổi mới, trong xu hướng nhìn nhận lại các giá trị văn học, bài thơ Tây Tiến mới được khôi phục lại vị trí của nó trong lịch sử văn học. Nhưng dù có thế nào, “ Tây Tiến” vẫn mãi là một đóa hoa ngát hương và Quang Dũng vẫn mãi là một người chiến sĩ nghệ sĩ đầy tài năng và tình yêu.
Gấp trang sách lại người đọc vẫn thấy mạch đời đập trên từng dòng thơ như mạch máu đập dưới làn da. Một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu như vậy, một nghệ sĩ tài hoa như vậy, có lí do nào để chúng ta phủ nhận đi những cống hiến và những chất đời của “Tây Tiến”. Hi vọng rằng cho đến những năm tháng về sau, “ Tây Tiến” vẫn là một kiệt tác và sẽ mãi là một kiệt tác trong kho tàng văn học Việt Nam.
3. Điểm cần chú ý khi phân tích bức tranh thiên nhiên Tây Bắc trong bài Tây Tiến:
Tây Bắc hoang sơ, hiểm trở:
- Địa hình hiểm trở: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, “Sài Khao sương lấp” – những câu thơ đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc với những con đường mòn ngoằn ngoèo, những vách núi dựng đứng, những dòng sông chảy xiết.
- Khí hậu khắc nghiệt: Hình ảnh mưa rừng, thác ghềnh đã khắc họa một Tây Bắc với khí hậu khắc nghiệt, mưa nhiều, sương mù bao phủ.
- Thiên nhiên hoang dã: Hình ảnh rừng già, thú dữ đã gợi lên một không gian hoang dã, đầy bí ẩn.
Tây Bắc thơ mộng, trữ tình:
- Vẻ đẹp của thiên nhiên:Những hình ảnh thơ mộng, trữ tình đã làm dịu đi vẻ khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc.
- Không khí lễ hội: “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”, “Đêm hội đuốc hoa” – những hình ảnh này gợi lên một không khí lễ hội, vui tươi của người dân Tây Bắc.
- Tình người ấm áp: Tình đồng đội sâu nặng đã làm ấm lòng người đọc giữa khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt.
Ý nghĩa của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc:
- Tạo nên không gian nghệ thuật: Thiên nhiên Tây Bắc là phông nền cho những câu chuyện về tình yêu, tình đồng đội, sự hy sinh của người lính.
- Khắc họa hình ảnh người lính: Thiên nhiên Tây Bắc đã tôi luyện nên những người lính dũng cảm, bất khuất.
- Gợi lên những cảm xúc: Thiên nhiên Tây Bắc đã gợi lên trong lòng người đọc những cảm xúc đa dạng: sự kinh ngạc trước vẻ đẹp hùng vĩ, nỗi sợ hãi trước sự khắc nghiệt, sự ấm áp trước tình người.
THAM KHẢO THÊM: