“Thơ tình người lính biển” của Trần Đăng Khoa là một bài thơ đầy cảm xúc, thể hiện tình yêu Tổ quốc thiêng liêng hòa quyện với tình yêu đôi lứa trong lòng người lính biển. Dưới đây là bài viết Phân tích bài “Thơ tình người lính biển” của Trần Đăng Khoa gồm các mẫu văn hay giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng phân tích thơ để đạt điểm cao trong môn học.
Mục lục bài viết
1. Phân tích bài Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa hay:
Có một mảng thơ rất hay khai thác về đề tài chiến tranh, đặc biệt là những cuộc chia tay của người lính trước khi ra trận. Nguyễn Đình Thi có “Chia tay trong đêm Hà Nội”, Nguyễn Mỹ với “Cuộc chia ly màu đỏ” và Trần Đăng Khoa để lại dấu ấn qua ”Thơ tình người lính biển”. Bài thơ được sáng tác vào năm 1981, khi tác phẩm giả lúc bấy giờ đang chính thức thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Hải quân. Trong thời gian ấy, Nguyễn Đăng Khoa có cơ hội đi đến nhiều vùng biển và ghé thăm các đơn vị hải quân, từ hạm đội, hải đoàn cho đến quần đảo Trường Sa. Vì vậy, ông có nhiều cơ hội trực tiếp trải nghiệm và thấu hiểu sâu sắc cuộc sống của những người lính đảo. Bài thơ đi theo trình tự thời gian, từ giây phút nhân vật “anh” chia tay với nhân vật “em” nơi bến cảng, đến khi “anh” thực hiện nhiệm vụ ở đảo xa, xen lẫn trong đó là những suy tư cá nhân hòa quyện với tinh thần thời đại, đã thành công khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của người lính biển.
Ngay từ những vần thơ đầu tiên, hiện thực đã được tái hiện một cách đầy lãng mạn:
“Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên..”
Nhà thơ đã mở đầu bài thơ bằng ba từ ngắn gọn nhưng chất chứa bao cảm xúc: “Anh ra khơi.” Đằng sau câu nói giản dị ấy là cả một trời tâm trạng của người lính hải quân. Anh chia tay người yêu để lên tàu, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc. Một mối tình thật đẹp, đậm chất lưu luyến nhưng cũng tràn đầy sự thấu hiểu và cảm thông về nhiệm vụ mà người bạn trai phải gánh vác. Trong giây phút chia xa, cả hai bước đi chầm chậm trên bến cảng, dường như quên hết mọi thứ xung quanh, tận hưởng chút hạnh phúc giản dị và ngắn ngủi bên nhau, bởi lẽ anh có thể ra đi mà không biết ngày trở lại. Bối cảnh lúc ấy thật nên thơ với những cánh buồm trắng căng gió như được “treo ngang trời” giữa nền trời xanh thẳm, cao vời vợi. Phép nhân hóa này gợi lên hình ảnh những cánh buồm như lời chào đưa anh đến vùng biển đảo xa xôi, nơi mà con tàu chuẩn bị cập bến và cũng là nơi cả hai phải chia tay. Câu thơ “Biển một bên và em một bên” kết thúc bằng dấu chấm lửng đầy dụng ý nghệ thuật. Lời thơ ấy không chỉ gợi lên nỗi niềm xa cách trong tình yêu tuổi trẻ mà còn mở ra những tâm sự dở dang, những lời thiết tha chưa kịp thổ lộ, để lại sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc trong lòng người đọc. Tiếp nối đó, nhà thơ tài tình khắc họa tính cách của biển và em.
“Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên…”
Chỉ một lần dạo bước trên bến cảng, sự mãnh liệt của biển và sự dịu dàng của em đã hòa quyện, lan tỏa trong lòng anh. Nhà thơ sử dụng phép đối lập “ồn ào” – “dịu êm” cùng nghệ nhân thuật nhân hóa hình ảnh “biển ồn ào” để khắc họa hai thế giới song song: Biển cả mênh mông, những con sóng cuộn trào như thôi thúc, vẫy gọi anh mau lên đường bảo vệ Tổ quốc và em – dịu hiền, kín đáo, là điểm tựa ấm áp, là nơi bến đợi của anh. Hai hình ảnh tưởng như trái ngược nhau nhưng trong hoàn cảnh này lại gắn kết không thể tách rời, vì cả biển và em đều đã khắc sâu trong trái tim anh. Từng lời nói êm ái, từng tiếng cười dịu dàng của em đều chứa đựng sự tinh tế. Em chỉ buông một câu nói thấm đẫm tình yêu, giấu nỗi đau chia xa vào đáy lòng, rồi lặng lẽ mỉm cười như một lời động viên, khích lệ. Chính nụ cười ấy là sợi dây vô hình níu giữ trái tim anh, khiến anh xao xuyến, bâng khuâng. Anh ví mình “như con tàu lắng sóng từ hai phía” – giữa biển và em. Gần biển hay gần em đều là khát vọng cháy bỏng trong tâm hồn người lính đảo. Nhưng như bao người đang yêu khác, anh cũng từng mơ ước được mãi bên cạnh người mình yêu. Dẫu vậy, khi đất nước chưa bình yên, những người lính buộc phải nén lại khao khát cá nhân để gánh vác nhiệm vụ lớn lao.
Tiếp đến khổ bốn, thi nhân đã khơi gợi lại về những năm tháng khó khăn của dân tộc:
“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên..”
Ở đây, nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa đã nhân hóa hình ảnh “đất nước gian lao”, khắc họa một Việt Nam nhỏ bé nhưng gồng gánh biết bao đau thương và thử thách trong thời kỳ chiến tranh. Đất nước đã gánh chịu biết bao sự cực nhọc vì gánh nặng chiến tranh từ những kẻ thù không ngừng xâm lược, âm mưu biến Việt Nam thành thuộc địa, đồng thời cũng phải chống chọi với biết bao thiên tai và khí hậu khắc nghiệt, từ đó làm ta gợi nhớ đến hai câu thơ trong “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải: “Đất nước bốn ngàn năm/Vất vả và gian lao.” Phép ẩn dụ “những vành tang trắng” không chỉ gợi lên nỗi đau của những nhân dân mất đi người thân vì thiên tai, bão tố, mà còn là nỗi đau mất mát chung của cả dân tộc trong chiến tranh. Những mất mát ấy không chỉ là con người, mà còn là vết thương sâu trong lòng đất nước. Đứng trước những thử thách đó, người chiến sĩ đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió để hoàn thành nhiệm vụ “Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng”. Câu thơ được ngắt nhịp đầy dụng ý như nén chặt bao cảm xúc để tạo nên hình tượng người lính hải quân hiên ngang và kiên cường. Giữa thiên nhiên rộng lớn, tịch mịch, anh vẫn đứng đó, vững vàng cầm chắc tay súng, quyết giữ gìn và bảo vệ nền độc lập của đất nước.
Khép lại bài thơ, thi sĩ nhấn mạnh về tình cảm, lẽ sống của anh đã và sẽ mãi mãi dành cho “biển” và “em”:
“Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ còn anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên..”
“Vòm trời” trong lời thơ chính là mái nhà chung của anh và đồng đội, nơi anh ngước lên để tìm kiếm niềm hy vọng, sự bình yên và thanh thản trong tâm hồn. Trong tác phẩm, các giả định liên tiếp được xuất hiện. Các câu thơ giả định này được tạo nên từ những cơn sóng vỗ bờ day dứt và mãnh liệt. Những giả định như “không em”, “không biển”, “chỉ còn anh với cỏ” đều nhằm khẳng định một điều chắc chắn: Dù phải đối mặt với bất trắc, anh vẫn sẽ luôn trung thành với tình yêu đất nước và thủy chung với tình yêu đôi lứa. Đó chính là tình yêu vĩnh cửu và thiêng liêng của người lính biển. Biển trong bài thơ đã trở thành một hình ảnh ẩn dụ cho tình yêu quê hương đất nước (đại diện cho cái rộng lớn). Trong khi đó, em là hình ảnh ẩn dụ cho tình yêu đôi lứa (đại diện cho cái nhỏ bé). Hai hình ảnh này tưởng như đối lập nhưng lại hòa quyện giữa cái chung và cái riêng để cùng nuôi dưỡng, vun đắp cho khát vọng và niềm tin của người lính. Đặc biệt, câu thơ “Biển một bên và em một bên” được lặp đi lặp lại năm lần ở cuối mỗi khổ như một lời khẳng định rằng trong tâm hồn anh, tình yêu dành cho em luôn hòa quyện một cách hài hòa với tình yêu biển trời và Tổ quốc.
Có thể nói rằng, với giọng điệu sâu lắng, âm hưởng trầm bổng đầy thương nhớ cùng những câu từ giản dị nhưng giàu sức gợi và sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp nghệ thuật: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ và đối lập, Trần Đăng Khoa đã khắc họa sâu sắc mối tình cảm động giữa anh, em và biển, qua đó tôn vinh lý tưởng sống lớn lao của người lính. Anh rời xa em không phải vì không yêu mà bởi tình yêu ấy chính là động lực để anh đấu tranh, gìn giữ hòa bình cho em và quê hương. Điệp khúc “Biển ồn ào, em lại dịu êm” như những đợt sóng trào dâng, da diết mà hùng tráng, gợi lên hình ảnh tuổi trẻ kiêu hãnh, sẵn sàng dấn thân của những người lính. Và đó cũng chính là ngọn sóng thi ca bất diệt, trường tồn cùng thời gian.
2. Phân tích bài Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa ấn tượng:
Ngay từ những ngày còn là một cậu bé, Trần Đăng Khoa đã dành nhiều tình yêu thương và sự cảm phục cho các anh bộ đội. Chính vì vậy, khi trở thành một người lính, ông đã mang hết niềm tin, hoài bão để sống sao cho xứng đáng là anh bộ đội Cụ Hồ. “Thơ tình người lính biển” là một thông điệp về lẽ sống của người lính biển mà Trần Đăng Khoa muốn gửi tặng cho tất cả đồng đội của mình, những người đang ngày đêm canh giữ bầu trời và vùng hải đảo của Tổ quốc. Nhắc tới Trần Đăng Khoa, người đọc nhớ về một cậu bé, một nhà thơ thần đồng đã có rất nhiều bài thơ viết về các chú bộ đội. Lúc còn nhỏ, Trần Đăng Khoa đã rất yêu quý, ngưỡng mộ các chú bộ đội. Cậu bé ấy đã từng reo lên khi phát hiện các chú bộ đội là những con người phi thường trong chiến đấu nhưng lại rất đỗi thân thương và bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Chính từ lòng cảm phục đó, Trần Đăng Khoa đã nguyện đi theo con đường mà các chú bộ đội đã chọn. Và ông đã trở thành một người lính trên đảo Trường Sa. Khi đã trở thành một người lính, Trần Đăng Khoa lại say sưa viết về người lính, nhưng bây giờ là cái say sưa của người trong cuộc. Trần Đăng Khoa hiểu được cả những điều sâu kín, cả những phút xao lòng, bịn rịn, lưu luyến của người lính trước giờ phút chia tay:
“Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên.
* *
*
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên.”
Biển ồn ào như vẫy gọi, còn em chỉ mỉm cười lặng lẽ. Nhưng chính “nụ cười lặng lẽ” ấy lại là một sợi dây vô hình níu giữa anh, làm lòng anh xao xuyến, băn khoăn, lắng lòng mình về hai phía “biển” và “em”. Em hay biển đều là những hình ảnh thân thương, diệu kỳ ngự trị trong trái tim anh. Được gần em hay gần biển đều là niềm khát khao cháy bỏng của người lính đảo. Thực ra, khi yêu, người lính cũng như bao nhiêu người bình thường khác, ai chẳng muốn được gần gũi người mình yêu. Chỉ có điều, khi đất nước chưa được bình yên, người lính đã kìm nén niềm khao khát đó lại.
“Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trôi nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên.”
Điệp từ “ngày mai” vừa thể hiện sự quyết tâm của người lính khi đến với hải đảo xa xôi vừa phảng phất sự bịn rịn, lưu luyến khi phải chia tay người mình yêu. Tạm biệt em, anh lên đường đến nơi chỉ có nắng, gió, cát dài và biển cả mênh mông, nơi “thăm thẳm nước trôi”. Tiếng gọi của biển cả đã đưa bước chân anh đến với vùng đảo xa, mang theo hành trang quý giá nhất: Hình bóng em, được giữ trọn trong tim. Nhờ đó, dù ở nơi đầu sóng ngọn gió, anh vẫn cảm nhận được sự hiện diện của biển và em bên mình. Giữa không gian bao la, hình ảnh em hiện lên càng rõ nét hơn, sưởi ấm tâm hồn anh, giúp anh vượt qua nỗi cô đơn mà khoảng cách không gian đã tạo ra. Gần nhau là để yêu nhau, để nhớ về nhau là điều dễ hiểu, nhưng trong xa cách mà vẫn giữ trọn hình bóng nhau, luôn nghĩ về nhau, đó mới chính là cung bậc cao đẹp và say đắm nhất của tình yêu. Điểm đặc biệt và chân thực của bài thơ nằm ở chỗ, tác giả không vạch ra ranh giới và sự chọn lựa giữa tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển cả với tình yêu đôi lứa. Thay vào đó, hai thứ tình cảm cao đẹp ấy hòa quyện, bổ trợ lẫn cho nhau, tạo nên một bản tình ca tuyệt đẹp. Tình yêu đôi lứa như ngọn lửa ấm áp, xua tan nỗi cô đơn, tiếp thêm sức mạnh để người lính vượt qua mọi gian khổ, vững chắc tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Ngược lại, tình yêu Tổ quốc và biển cả chính là thước đo để khẳng định sự cao quý của tình yêu đôi lứa, làm cho tình yêu ấy trở nên sâu sắc và giàu giá trị nhân văn hơn.
Trong sự say đắm của tình riêng, con người vẫn luôn lo nghĩ cho sự bình yên của Tổ quốc. Đó chính là điều đáng trân trọng và ngợi ca.
“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên.
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên.”
Bằng các hình ảnh hết sức quen thuộc, có tính biểu trưng cao, nhà thơ đã để hình ảnh “Biển” và “Em” luôn xuất hiện bên nhau, đi liền nhau trong suốt cả bài thơ. Cùng với kết cấu đặc biệt, bài thơ gồm có năm khổ, thì cả năm khổ thơ đều được kết thúc bằng hình ảnh “biển một bên và em một bên”. Chính điều đó đã giúp cho bạn đọc cảm nhận được rằng, trong mọi nơi, mọi lúc, mọi khoảnh khắc thì “biển” và “em” đều ngự trị trong trái tim và tâm hồn của người lính biển.
Khổ thơ cuối một lần nữa khẳng định tình cảm, lẽ sống của người lính biển đã và sẽ mãi mãi dành cho “Biển” và “Em”:
“Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ còn anh với cỏ.
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên.”
Bài thơ là một bản tình ca đẹp về người lính biển. Người lính biển trong bài thơ không chỉ biết sống cho lí tưởng, cho tình yêu hải đảo, tình yêu Tổ quốc, mà còn rất nồng nàn, say đắm trong tình yêu đôi lứa.
3. Phân tích bài Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa đặc sắc:
Thơ viết về đề tài chiến tranh luôn mang sức mạnh chạm đến trái tim người đọc. Nhiều tác phẩm đã trở thành ký ức đẹp đẽ, sâu đậm trong lòng của biết bao thế hệ. Những cuộc chia tay của người lính lên đường bảo vệ Tổ quốc và người yêu ở lại hậu phương luôn để lại dư âm xúc động. Tiêu biểu có thể kể đến như “Chia tay trong đêm Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ, hay “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn. Hòa trong dòng cảm xúc ấy, Trần Đăng Khoa đã góp thêm một tác phẩm nổi bật với bài thơ “Thơ tình người lính biển”.
Đây là một cuộc chia tay vừa đượm lưu luyến, lãng mạn, vừa ngập tràn niềm tự hào. Người lính hải quân rời bến cảng, mang theo tình yêu nồng nàn của hậu phương làm sức mạnh để vững vàng tiến ra biển đảo xa xôi, bảo vệ biên hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tác phẩm đã được đón nhận nồng nhiệt qua nhiều thế hệ và khi được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, bài thơ nhanh chóng đi sâu vào lòng người, trở thành khúc ca bất hủ đi cùng năm tháng. Sự bình dị, gần gũi trong bài thơ chính là nhịp đập chung của tình yêu lứa đôi và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. Điệp khúc “Biển một bên và em một bên…” vang lên xuyên suốt năm bài thơ như một lời thì thầm chân thành, tạo nên âm hưởng dịu dàng và tha thiết. Nhịp điệu bài thơ khoan thai, tựa những con sóng nhẹ nhàng vỗ vào mạn thuyền, vừa chao nghiêng, vừa lắng đọng trong tâm hồn người lính. Trần Đăng Khoa đã khéo léo cân bằng giữa hai biểu tượng lớn lao: biển – đại diện cho Tổ quốc bao la, và em – đại diện cho tình yêu lứa đôi. Qua đó, hình ảnh biển lại dường như nghiêng hẳn về phía trách nhiệm lớn lao, trở thành tâm điểm ý chí của người lính. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp với tài năng tinh tế, đã cảm nhận trọn vẹn điều này để đưa bài thơ vào âm nhạc, làm rung động biết bao trái tim.
Người nhạc sĩ đã khéo léo đưa giai điệu của câu thơ “Biển một bên” vút cao đầy tha thiết, trong khi “Em một bên” dịu xuống rồi ngân dài, tạo nên một sự hòa quyện đầy cân bằng. Dù mang hai sắc thái khác biệt, giai điệu ấy không hề mất đi sự đối trọng mà ngược lại, nó bổ sung cho nhau, như cánh buồm đón gió đưa con thuyền băng ra biển lớn. Có lẽ, chính nhịp điệu ấy đã gợi lên hình ảnh người lính biển luôn đặt tình yêu Tổ quốc lên trên hết. Câu thơ vừa lãng mạn, vừa trí tuệ. Biển là Tổ quốc bao la, em lại là tình yêu lứa đôi ngọt ngào. Một đại diện cho cái rộng lớn, cái chung; một tượng trưng cho cái nhỏ bé, cái riêng. Cả hai hòa quyện, vun đắp khát vọng và niềm tin trong người lính biển.
Trong bài tứ tuyệt “Sóng”, nhà thơ Tế Hanh cũng đã viết: “Biển một bên, em một bên”. Tuy nhiên, câu thơ của Tế Hanh chỉ nghiêng về tình yêu lứa đôi dù vẫn có hình ảnh em và biển. Trong khi đó, Trần Đăng Khoa lại thay dấu phẩy bằng liên từ “và”, vừa tách biệt vừa gắn kết hai hình tượng với nhau. Biển và em trở thành hai tình yêu – Tổ quốc và lứa đôi – đan xen, nâng đỡ, chia sẻ, tạo nên sức mạnh và niềm tin cho người lính trẻ. Điệp khúc “Biển một bên và em một bên…” được lặp lại năm lần trong bài thơ, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, làm nổi bật ý thơ và cảm xúc của tác giả.
Bài thơ khởi đầu bằng ba từ thật giản dị: “Anh ra khơi”. Đằng sau câu nói ấy là biết bao tâm trạng của người lính biển. Hình ảnh mở đầu là cặp uyên ương chia tay nhau trên bến cảng, gợi lên khung cảnh rất thực, rất gần gũi. Người lính cùng người yêu bước bên nhau, ngước nhìn những vầng mây treo ngang trời như cánh buồm trắng, một hình ảnh thật quen thuộc gắn bó với biển cả. Với tâm hồn lạc quan, anh xem những đám mây như đôi cánh buồm phiêu du, như tiếng gọi thôi thúc anh tạm xa người yêu để trở về với biển đảo thiêng liêng. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, niềm hạnh phúc giản đơn và quý giá hiện lên trong sự hòa quyện giữa biển và em. Biển là Tổ quốc, em là tình yêu thủy chung, cả hai đan xen, ngân lên như một bản tình ca. Dấu chấm lửng sau câu thơ “Biển một bên và em một bên…” như giữ lại những tâm sự chưa kịp nói hết, vừa gợi lên sự đồng cảm của người đọc trước nỗi cách xa, vừa nhấn mạnh sự hy sinh lớn lao vì nghĩa vụ thiêng liêng của người lính. Cảnh chia tay trên bến cảng, nơi chân sóng vỗ rì rào được Trần Đăng Khoa khắc họa thật sinh động. Biển thì ồn ào, còn em thì dịu êm. Hai hình ảnh tưởng chừng đối lập nhưng trong hoàn cảnh này lại là sự tương thuộc. Cả hai đã in sâu vào trái tim người lính biển, trở thành nguồn sức mạnh động viên anh lên đường. Bên chân sóng, người con gái buông lời chia tay thấm đẫm tình yêu, nén lại nỗi đau chia xa trong sự luyến lưu thầm lặng.
Người lính lặng lẽ mỉm cười, như gửi lời động viên thầm lặng đến chính mình, trong khi biển cả ngoài kia đang dội lên tiếng gọi của trách nhiệm và nghĩa vụ làm trai. Khoảnh khắc ấy, giữa cái chung và cái riêng, người lính hóa thân thành con tàu lắng nghe những con sóng từ hai phía, để rồi trái tim lại ngân lên câu thơ quen thuộc: “Biển một bên và em một bên…”. Trong phút giây ngắn ngủi ấy, anh bỗng nhận ra và thầm nghĩ:
“Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên…”
Hai từ “ngày mai” được lặp lại liền kề như lời khẳng định chắc chắn rằng anh sẽ tiến bước đến nơi cần đến, nơi anh thực hiện nghĩa vụ cao cả của mình với tâm thế lạc quan, kiên định. Hình ảnh ấy khiến người đọc dễ dàng hình dung rằng điểm đến của anh là những vùng đất thật xa xôi, nơi đầy cách trở, có thể là một hòn đảo chìm, đảo nổi hoặc một con tàu tuần tra giữa trùng khơi. Không gian ở đó trải dài vô tận với “thăm thẳm nước trời” và “chùm sao xa lắc”. Trước biển trời bao la, con người nhỏ bé và cô đơn là điều tự nhiên. Nhưng anh khẳng định “anh không cô độc”, bởi trong anh luôn tồn tại tình yêu Tổ quốc, tình đồng đội gắn bó, sự động viên từ hậu phương và hình bóng người yêu nơi quê nhà.
Khi nói về biển, người ta thường nghĩ đến những hiểm họa khôn lường như kẻ thù rình rập, thiên tai dữ dội hay những bất trắc không thể đoán trước. Vì lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao chàng trai Việt đã ra đi không trở về, thân xác họ yên nghỉ nơi đáy biển nghìn thu. Những ngôi mộ gió trên bờ vẫn ngày đêm khắc khoải, ru hồn người lính:
“Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng.”
Đằng sau những câu thơ ấy là cả một sự hy sinh thầm lặng, là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng hòa quyện cùng tinh thần dũng cảm của những người lính đã đặt nghĩa lớn lên trên tất cả. Nhưng không vì thế mà những người thanh niên Việt Nam không chùn bước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ sẵn sàng dấn thân đến nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành nghĩa vụ của mình trong tư thế hiên ngang:
“Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng.”
Tác giả đã thật khéo léo khi sử dụng dấu chấm để ngắt nhịp câu thơ, chia thành ba cụm từ ngắn gọn. Nhịp điệu ấy không chỉ tạo nên sự lắng đọng mà còn khơi gợi hình ảnh người lính biển cô đơn, vững vàng giữa đêm khuya trên nơi đảo xa. Cách viết này khắc sâu trong lòng người đọc sự cảm phục trước những vất vả, gian lao của người lính, đồng thời gợi lên trong lòng họ niềm tự hào về ý chí và trách nhiệm của những người lính kiên cường.
Hình ảnh “Anh đứng gác.” không chỉ là hành động thường nhật mà đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, như một cột mốc kiên định khẳng định chủ quyền lãnh hải. Từ thuở cha ông dong thuyền nan cắm mốc chủ quyền trên biển đến nay, tinh thần ấy vẫn được truyền lại qua từng thế hệ. Những người lính biển luôn trung thành với đất nước và luôn thủy chung với tình yêu đôi lứa, bất chấp những giả định nghiệt ngã hay những thử thách khôn lường. Đây chính là tình yêu thiêng liêng của người lính biển.
“Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên…”
“Thơ tình người lính biển” quả là một tác phẩm giàu cảm xúc, đậm chất trữ tình với những hình ảnh thơ vừa sâu lắng vừa mãnh liệt. Âm điệu của bài thơ khi trầm khi bổng, lúc nhanh lúc chậm, tựa như những con sóng cuộn trào và dịu êm của biển cả. Tất cả hòa quyện trong âm hưởng điệp khúc “Biển một bên và em một bên…”, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về tình yêu Tổ quốc gắn bó cùng tình yêu đôi lứa. Tác phẩm không chỉ ca ngợi tinh thần yêu nước mà còn khơi dậy trách nhiệm công dân trong lòng mỗi thế hệ, như những con sóng bất tận mãi vỗ vào bờ.
THAM KHẢO THÊM: