Bằng Việt là một trong những nhà thơ có những tác phẩm văn học xuất sắc về tình cảm gia đình, trong đó nổi bật nhất là bài thơ Bếp lửa - tình bà cháu thiêng liêng, cao cả. Dưới đây là bài phân tích bài thơ Bếp lửa hay nhất.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt:
Mở bài: giới thiệu tác giả tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Bếp lửa
Thân bài:
a. 3 câu đầu
– Hình ảnh bếp lửa được hình dung trong trí nhớ tác giả
– Từ hình ảnh cái bếp lửa, ta nghĩ tới người nhóm lửa – bà
b. Khổ thơ 2: Ký ức tuổi thơ
– Nhớ về quá khứ: nhớ về những năm tháng chống Pháp gian khổ (đói mòn đói mỏi, khô rạc ngựa gầy)
– Hình ảnh chi tiết ám ảnh đứa cháu đến tận bây giờ: mùi khói bếp (nghĩ đến bây giờ sống mũi còn cay)
c. Khổ thơ 3:
– Chi tiết tiếp theo hiện lên trong trí nhớ của cháu: tiếng chim hú trong ngày hè, chính là âm thanh của đồng quê. Tiếng chim ám ảnh đến da diết.
– Tiếng chim hú vang vọng giúp tác giả nhớ đến bà, nhớ lại những tháng ngày bình yên bên bà.
c. Đoạn tiếp theo: Những đức tính cao quý của bà:
– Vững vàng niềm tin trước mọi thử thách khó khăn, cháu và bà vẫn cùng nhau vượt qua những tháng ngày đau khổ
– Bếp lửa trở thành ngọn lửa vĩnh cửu, ngọn lửa tình yêu thương, khiến cháu càng nhớ thương người bà của mình.
=> Ý chí và lòng dũng cảm của phụ nữ Việt Nam.
d. Phần còn lại
– Điệp từ “nhóm” nhấn mạnh đến hình ảnh bếp lửa, nhấn mạnh vai trò truyền lửa của người bà
– Khẳng định: “ôi kì diệu và thiêng liêng bếp lửa” => nhận ra và quyết tâm gìn giữ giá trị của bếp lửa.
Kết bài: Khẳng định lại tình cảm bà cháu, qua đó là tình yêu đất nước, quê hương của tác giả
2. Phân tích Bếp lửa của Bằng Việt hay nhất:
Nhà thơ Bằng Việt trong những năm đi học xa nhà vẫn nhớ quê hương sâu sắc, với khói cay xè của bếp lửa, nhớ người bà ngày ngày vất vả nuôi cháu. Tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ ấy đều được tác giả nén vào từng câu chữ qua bài thơ Bếp Lửa.
Bếp lửa là bài thơ in trong tập thơ Hương Cây – Bếp Lửa xuất bản cùng nhà thơ Lưu Quang Vũ. Có thể nói Bếp Lửa là một trong những tác phẩm hay nhất của Bằng Việt. Ông sáng tác bài thơ này vào năm 1963, khi đang du học ở Liên Xô.
Bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh ngọn lửa bập bùng, ẩn chứa biết bao ý nghĩa:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Một khung cảnh tuy đơn giản nhưng rất quen thuộc hiện ra trước mắt người đọc. Ngọn lửa bập bùng đó khiến hình ảnh người bà hiện ra với biết bao tình thương. Hai chữ “ấp iu” gợi lên hình ảnh đôi bàn tay cần cù của bà ngày ngày nhen nhóm bếp lửa, dậy sớm lo cho cháu từng miếng ăn, từng giấc ngủ. Và từ đó, những kí ức về bà bật lên một cách tự nhiên:
“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”
Những năm tháng phải chịu cảnh đói rét, hai bà cháu vẫn kiên cường tiến lên không lùi bước trước nạn đói, nạn rét. Hình ảnh bếp lửa mỗi sáng khi thức dậy, cùng bà nhen nhóm đến mức “cay xè” nhưng đứa cháu vẫn thấy hạnh phúc biết bao.
“Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”
Bài thơ thực chất là lời tự sự của tác giả nhưng chỉ điều đó thôi cũng thể hiện tấm lòng, sự tận tâm của bà đối với đứa cháu. Bà như đã trở thành cha, mẹ và dạy dỗ đứa cháu nên người. Nếu không có bà bên cạnh, có lẽ cháu đã không có được thành công như ngày hôm nay. Tác giả đã dành hết tình yêu thương và sự kính trọng cho người bà yêu quý của mình.
Ở khổ thơ tiếp theo, khung cảnh chiến tranh càng trở nên khủng khiếp hơn, khi kẻ thù đốt làng, chỉ còn là tro tàn. Nhưng bà không hề gục ngã mà vẫn vô cùng kiên cường, với sự giúp đỡ của những người hàng xóm, bà đã dựng lại túp lều tranh để hai bà cháu ở. Không những vậy, sợ các con lo lắng, bà đã căn dặn cháu không được kể chuyện này với bố. Đó không chỉ là hình ảnh người bà thân yêu, tảo tần mà còn là hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, không quản ngại khó khăn để giúp đất nước.
Những năm tháng ở cùng bà và những lời căn dặn ấy sẽ luôn theo cháu suốt cuộc đời. Đó sẽ là hành trang để cháu vững bước tiếp trên những chặng đường tiếp theo, vượt qua bao chông gai thử thách. Dù cháu đã đi xa, tiếp xúc với bao điều mới mẻ nhưng hình ảnh người bà và bếp lửa vẫn luôn in đậm sâu trong tâm trí của cháu.
3. Phân tích bài thơ Bếp lửa ý nghĩa nhất:
Chắc hẳn ai cũng có một quá khứ với người thân, gia đình, một tuổi thơ trong sáng, hạnh phúc hay một tuổi thơ đau thương,… nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người, những kỷ niệm, ký ức tuổi thơ luôn là những điều sâu sắc và ám ảnh nhất trong cuộc đời mà chúng ta không bao giờ có thể quên được. Nó sẽ theo chúng ta suốt những thăng trầm của cuộc đời, in sâu vào trái tim và ngự trị mãi mãi trong lòng của chúng ta… Đối với Bằng Việt, những năm tháng được ở cạnh bà chính quãng thời gian khắc sâu vào ký ức của nhà thơ.
Hình ảnh bếp lửa nhen nhóm lên ngay từ những dòng đầu tiên:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Ngay trong ba dòng đầu bài thơ, hình ảnh bếp lửa cùng những tính từ “ấp iu”, “nồng đượm” đã mang lại cho ta cảm giác ấm áp, chan chứa tình cảm. Chúng ta cảm nhận được ở câu thơ đầu tiên, bếp lửa với những ngọn lửa ấm áp sưởi ấm cả không gian vào buổi sáng sớm. Ngọn lửa là hình ảnh đầu tiên cháu nhớ đến khi nghĩ về quá khứ. Bởi hình ảnh của bà luôn gắn liền với bếp lửa, bà nhóm lửa ấm áp như tình thương bà dành cho đứa cháu, ấm áp như tình cảm gia đình, hơi ấm của bếp lửa cũng vậy.
Ngọn lửa cứ cháy mãi, cháy mãi đưa cháu về với miền kí ức tuổi thơ, những năm tháng được ở cạnh bên bà:
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”
“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế”
Những tháng năm ở cạnh bà, cháu đã cùng bà vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách. Nạn đói năm 1945, đã tàn phá đất nước, làm chết hàng triệu người. Nhưng nhờ có sự yêu thương, chăm sóc của người bà, cháu đã vượt qua những tháng ngày đó. Khó khăn này chưa qua, thì giặc lại đến đốt cháy làng quê. Bà vẫn kiên cường mạnh mẽ, cùng với sự giúp đỡ của hàng xóm để dựng lại túp lều. Dường như những ký ức đã khắc sâu trong thâm tâm của người cháu, để giờ đây chúng trở thành nguồn động lực để cháu cố gắng hơn nữa.
Những câu văn chân thành mà da diết về những hồi ức của hai bà cháu khiến người đọc cảm nhận rõ hơn tình cảm mà Bằng Việt dành cho bà của mình. Qua đó, chúng ta cũng cảm nhận rõ ràng được tình yêu quê hương, đất nước của một con người xa quê, luôn hướng về cội nguồn, đất nước mọi lúc.