Nhà thơ Xuân Diệu đã từng khen tiếng Việt giàu và đẹp, nhuần nhị và trong sáng, đặc biệt là ca dao Việt Nam, nhiều câu ca dao là những viên ngọc của thơ dân tộc. Câu ca dao đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng là 1 trong số những câu ca dao đặc biệt như vậy
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng hay nhất:
1.1. Giới thiệu bài ca dao:
Diễn tả tình yêu quê hương đất nước, con người thật bình dị mà sâu sắc đến khó ngờ.
1.2. Hai dòng đầu của bài ca dao:
– Kéo dài 12 tiếng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ:
+ Phép đối xứng: đứng bên ni đồng >< đứng bên tê đồng, mênh mông bát ngát >< bát ngát mênh mông.
+ Điệp từ, điệp ngữ,…
– Những từ chỉ vị trí, địa điểm hồn nhiều.
→ Thay đổi ví trị quan sát vẫn không thể bao trọn sự dài rộng, to lớn của cánh đồng – vẻ đẹp trù phú, đầy sức sống.
1.3. Hai dòng cuối của bài ca dao:
– So cánh đồng rộng lớn thì hai dòng cuối khắc họa cô gái rất nhỏ bé, mảnh mai – làm nên cánh đồng.
– Số lượng tiếng ngắn hơn nhưng không bị hai dòng trên che lấp đi vẻ đẹp.
→ Đó là một cô thôn nữ thon thả, mảnh mai, duyên dáng và đầy sức sống.
1.4. Giá trị của bài ca dao:
– Bức tranh đồng quê, con người, tươi sáng sinh động.
– Bài ca dao là lời của cô gái nhân buổi đi thăm đồng:
+ Lòng phơi phới ngắm cánh đồng tràn đầy sức sống;
+ Thấy bản thân cũng tươi trẻ như chẽn lúa đòng đòng, phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
– Bài ca dao là lời của anh trai làng nào đó: Ngợi ca cánh đồng cũng là ngợi ca người mình thầm yêu.
→ Tình yêu với cánh đồng quê hương đã hé lộ tình cảm lứa đôi kín đáo, tế nhị.
=> Bài ca dao là lời ăn tiếng nói dân dã, mộc mạc của miền quê: Mở ra một không gian bao la và thế giới cảm xúc thiết tha sâu lắng.
2. Phân tích ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng:
2.1. Giới thiệu bài ca dao:
Quê hương, đất nước và con người luôn là chủ đề mà mỗi nhà văn, nhà thơ đề cập tới trong kho tàng sáng tác văn thơ của mình. Mượn cảnh để tả tình hay thổ lộ tình cảm là cách người xưa thường hay làm. Qua một cảnh vật, họ gửi gắm vào trong đó biết bao nỗi niềm. Ca dao, dân ca là một phương thức để tác giả dân gian bày tỏ tình cảm của mình. Những bài ca dao dân ca thường được viết có quy luật hoặc sử dụng thể thơ lục bát thì ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng… là một ngoại lệ: cảnh tình đối lập nhau hết sức tinh tế và độc đáo.
Những câu ca dao được cất lên từ chính cánh đồng lúa bát ngát mênh mông trong lời tự tình của cô thôn nữ đẹp xinh phơi phới sức xuân như chẽn lúa đòng đòng ngọt ngào hương quê. Cánh cò bay lả bay la, nương dâu xanh ngắt một màu, cò bay thẳng cánh… Tất cả đã đem lại cho mọi người những giai điệu ngọt ngào về tình thương nỗi nhớ. Phải gắn bó lắm, tha thiết lắm về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, tổ tiên ông bà mới viết được những vần thơ trong sáng như những viên ngọc vậy.
2.2. Hai câu mở đầu:
Bài ca dao chứa đựng những từ ngữ, hình ảnh quen thuộc của con người nơi đây, nơi những từ ni, tê đã trở thành thân thuộc, gắn liền với tuổi thơ, gắn liền với những năm tháng lớn lên, những từ xây dựng vun đắp tuổi thơ của họ.
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Bài ca dao mờ đầu bằng hai câu thơ lục bát biến thể:
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông
2 câu thơ này cảm giác là một câu chỉ khác nhau ờ vị trí một số từ ngữ như “ni, tê”, “mênh mông, bát ngát”… Nhưng chính cách đảo như thế tạo nên hai góc nhìn khác nhau. Người đứng ngắm cánh đồng lúa ấy thật kĩ lưỡng và kì công. Chính bởi thế câu ca dao đã gợi lên hình ảnh cánh đồng lúa ngút ngàn không tận trải rộng ra trước tầm mắt ta không bờ bến, không giới hạn. Ánh mắt nhìn đó mang theo niềm tự hào trào dâng trong lòng. Những tiếng địa phương “ni, tê” vang lên cùng niềm vui được “khoe” vẻ đẹp trù phú của làng quê mình gửi trong mỗi câu hát.
2.3. Hai câu thơ cuối:
Hai câu thơ cuối quay trở lại thể lục bát nhuần nhị:
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Lúa vốn là biểu tượng của nông thôn, đất nước Việt Nam. Lúa không chỉ là nguồn sống của mỗi người dân đất Việt mà nó còn đẹp, một cái đẹp vừa thanh mảnh vừa đậm đà, vừa uyển chuyển lại vừa khỏe khoắn. Chính vì vậy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã cất tiếng hát tự hào về Việt Nam, về cây lúa ấy:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa, đâu trời đẹp hơn?
Cùng bắt đầu bằng từ “thân em” khơi nguồn cho cảm hứng về thân phận nhưng khác với chùm ca dao than thân, tiếng thơ cất lên tràn ngập niềm tự hào, kiêu hãnh về vẻ đẹp của “thân em”. “Chẽn lúa đòng đòng” là chẽn lúa tươi non, căng đầy sức sống. Cái “phất phơ ” của “tấm lụa đào” giữa chợ” là sự phất phơ của thân phận trôi nổi, vô định, hoàn toàn bị phụ thuộc vào tay kẻ khác. Còn “chẽn lúa đòng đòng” đang “phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai” là vẻ đẹp giàu sức tạo hình. Chẽn lúa ấy không chỉ căng tràn sức sống mà còn thật mềm mại, duyên dáng “khoe sắc” dưới ánh nắng ban mai tinh khôi, trào tràn nhựa sống.
Hai dòng thơ đầu và hai dòng thơ cuối của bài tưởng như không liên hệ với nhau nhưng giữa chúng có mối liên hệ ngầm. Hai dòng thơ dầu ca ngợi vẻ đẹp trù phú, bát ngát của cánh đồng quê hương. Hai câu thơ cuối là lời ca ngợi vẻ đẹp của cô thôn nữ. Hơn nữa vẻ đẹp ấy còn được ví như “chẽn lúa đòng đòng”. Cô gái chính là một phần của vẻ đẹp quê hương. Chính cô đã góp phần tạo nên. Vẻ đẹp trù phú cho cánh đồng và đồng thời cánh đồng như phông nền tỏa ngời lên vẻ đẹp duyên dáng, khỏe khoắn ở cả hình dáng và tâm hồn của cô thôn nữ.
Thời kì lúa lên đòng là thời kì sung sức nhất, mạnh mẽ nhất, dồi dào sức sống nhất của lúa. Cái màu xanh đậm đà điệp điệp khắp đồng chính là nét đẹp của biển lúa. Lúa lúc này không có màu rực rỡ của “lúa tháng năm kén tằm vàng óng”, nhưng chính cái màu xanh ấy mới thật là khỏe khoắn, nhuộm cả một không gian đầy lúa lại càng đẹp. Tác giả Tố Hữu có nói: “Một ngôi sao chẳng sáng đêm. Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng” nên giờ đây, khi đọc câu thứ ba này, ta mới thấy hết, ngấm hết cái đẹp “mênh mông bát ngát” của lúa.
Không chỉ minh họa cho vẻ đẹp của hai câu đầu, câu thứ ba còn đem đến cho ta một cái nhìn đúng đắn vẻ cô gái nông thôn Việt Nam. Nổi lên trên cả câu là hình ảnh so sánh sáng tạo lọ kì: “Thân em như chẽn lúa đòng đòng”. “Em” ở đây chính là các cô gái nông thôn. Các cô không vì mình với trúc, với mai như Thúy Kiều, Thúy Vân: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” mà lại ví mình với lúa. Bởi cái vẻ đài các, yểu điệu đâu có phù hợp với cuộc sống dân dã, giản dị ở thôn quê. Nếu các cô vì mình là một “cây lúa” thì mảnh mai quá, một “bổ lúa” thì thô thiển quá, chỉ có thể là một chẽn lúa đầy đặn mà vừa vặn. Thân hình ấy sao mà đẹp thế, khỏe khoắn, đậm đà thế mà cũng mềm mại thế. Thật là một nét quê bình dị mà đáng mến.
Vậy, nên hiểu đây là lời của chàng trai hay lời một cô gái? Chàng trai ca ngợi vẻ đẹp của cánh đồng và ca ngợi vẻ đẹp của cô gái như một lời bày tỏ tình cảm một cách kín đáo với cô. Cũng có thể hiểu đây là lời cô gái tự hào về vẻ đẹp quê hương và ý thức vẻ đẹp của chính mình.
Tuy nhiên, nên hiểu theo cách thứ hai là lời của cô gái thì sát hợp hơn. Bởi một trong những nội dung quan trọng thứ hai của chùm ca dao “thân em” không chỉ là than thân mà còn là ý thức về vẻ đẹp bản thân. Người phụ nữ nhận rõ giá trị của vẻ đẹp bản thân như dải lụa dào mềm mại, như giếng giữa đàng trong mát hay như cây quế ngát hương… Tuy thế, vẻ đẹp ấy lại hoàn toàn đối lập với thân phận chìm nổi của họ. Vậy thì bài ca dao này quả là ngoại lệ độc dáo. Gắn mình với vẻ đẹp quê hương, người thôn nữ với giọng điệu lạc quan, khỏe khoắn “tự hát” về vẻ đẹp của mình giống như nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài “Bánh trôi nước”.
Người con gái Việt Nam đều được các nhà văn, nhà thơ sử dụng những hình ảnh mượt mà, đẹp đẽ thiết tha để ví von. Tuy nhiên, cuộc đời của họ lại không mấy êm đềm, cũng giống như cô thôn nữ trong câu ca dao, cuộc đời phất phơ như bông lúa giữa đồng.
3. Giá trị bài ca dao:
Thiên nhiên quê hương, đất nước luôn là một phần trong tâm hồn đa cảm của con người. Nói như Hoàng Tiến Tựu: “thiên nhiên phong phú đa dạng của đất nước đã giúp cho nhân dân ta sáng tạo rất nhiều hình tượng nghệ thuật có sức khái quát cao”. Tình yêu quê hương đất nước ở các bài ca trên luôn gắn liền với niềm tự hào, lời ngợi ca cảnh trí quê hương vừa thơ mộng, hữu tình vừa mang chiều sâu của truyền thống văn hóa, lịch sử. Ở đó, vẻ đẹp con người vừa gắn bó hài hòa nhưng cũng chính họ đã “làm nên đất nước muôn đời này”.
Bài ca dao là một tác phẩm nhẹ nhàng, tinh tế và mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Nó thể hiện vẻ đẹp giản dị của cuộc sống thôn quê và đồng thời thể hiện sự tiếc nuối về thân phận của những người con gái trong xã hội cũ, họ phải chịu đựng nhiều tủi nhục và không được phép có tiếng nói trong xã hội. Tuy chỉ có bốn câu nhưng nó cũng đủ để vẽ lên hình ảnh quê hương tươi sáng, con người tin yêu vào cuộc sống, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Đặc biệt, hình ảnh thôn nữ đã làm cho bức tranh quê thêm náo nức, vẻ đẹp của cô cũng chính là vẻ đẹp của cánh đồng quê hương. Đọc bài ca dao ta thấy như tâm hồn thêm gắn bó, thêm yêu cuộc sống, quê hương. Ta hãy biết trân trọng gìn giữ những truyền thống quê hương, đồng thời phải biết ơn những người nông dân Việt Nam dầm mưa dãi nắng đem đến cho ta bát cơm ngày mùa dẻo hạt.