Với đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích Nguyễn Du đã khắc hoạ một bức tranh thiên đặc sắc với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau trước cuộc đời đầy sóng gió của Thuý Kiều. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những bài văn mẫu Phân tích 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Mời các bạn cùng tham khảo nhé!
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích:
Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về tác giả và nội dung đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
– Giới thiệu 8 câu thơ cuối.
Thân bài
– Cặp lục bát đầu tiên: Hình ảnh “cửa bể chiều hôm” và “cánh buồm xa xa” đã thể hiện nỗi buồn của nàng Kiều khi nghĩ tới mẹ cha là những người đã có công sinh thành nuôi dưỡng mình, Kiều cảm thấy vô cùng xót xa.
– Cặp lục bát thứ hai: Hình ảnh “ngọn nước mới sa” và hình ảnh “hoa trôi man mác” đã gợi ra một nỗi lo lắng một cách mông lung của Thúy Kiều, nàng không biết rằng cuộc đời của mình sẽ trôi dạt đi đâu. Kiều đã trở về với tâm trạng nỗi đau thực tại của đời mình.
– Cặp lục bát thứ ba: Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” và hình ảnh “chân mây mặt đất” đã gợi ra sự vô định của Thúy Kiều. Sử dụng từ láy “rầu rầu” đã gợi cho người đọc sự tàn úa, héo hắt đến thảm thương.
– Cặp lục bát thứ tư: Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” và hình ảnh “tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” gợi ra sự hoảng hốt của nàng Kiều. Trên chặng đường đời đầy sóng gió, Kiều sẽ phải đối mặt sự lênh đênh, gập ghềnh đó.
Nghệ thuật:
– Sử dụng diệp cấu trúc và điệp ngữ “buồn trông”.
– Nghệ thuật miêu tả cảnh ngụ tình.
– Có sự tăng tiến về hình ảnh gợi tả của cảm xúc.
Kết bài
Đoạn trích là một khung cảnh được vẽ lên với tông màu xám lạnh, thể hiện tâm trạng sinh động nhưng nhiều ai oán thê lương.
2. Sơ đồ tư duy phân tích 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích:
3. Phân tích 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất:
Nguyễn Du không chỉ là một cây bút tài tình trong việc miêu tả chân dung nhân vật mà ông còn có biệt tài miêu tả về thiên nhiên tâm trạng, tình cảm của con người. Dưới bàn tay của Nguyễn Du mỗi bức tranh luôn thể hiện tâm trạng và ngoại cảnh. Đặc biệt trong 8 câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể rõ biệt tài đó của Nguyễn Du.
Sau khi Thúy Kiều bị lừa bán vào lầu xanh, cuộc sống của nàng Kiều trở nên ê chề, đau đớn và nàng đã giải thoát cho mình bằng cái chết nhưng không thành công. Tú Bà đã giam lỏng Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, chờ ngày âm mưu mới được thực hiện. Ở lầu Ngưng Bích Kiều sống trong sự tủi hổ, cô đơn, đau đớn đến tuyệt vọng. Lòng Kiều lúc này một lòng hướng về gia đình của mình. Thân phận nàng Kiều nổi trôi, bán mình để cứu gia đình thoát khỏi tình cảnh khó khăn, thì nỗi nhớ ấy lại càng da diết vô cùng:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”.
Không gian cửa bể mênh mông kết hợp với thuyền “thấp thoáng cánh buồm xa xa” gợi ra một không gian hoang vắng. Dường như cánh buồm trở nên bé nhot hơn rất nhiều ở trong không gian mênh mông ấy. Hiện giờ thân phận của nàng chẳng khác nào cánh buồm bé nhỏ, lênh đênh, trôi nổi giữa cuộc đời vô định. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã rất khéo léo khi chọn lựa thời gian “chiều hôm” để diễn tả nỗi nhớ da diết của Kiều. Đây là không gian thường gợi ra một nỗi buồn man mác, nỗi buồn của Kiều gắn với khao khát được hạnh phúc, sum họp bên gia đình.
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
Hình ảnh “hoa trôi” đó là biểu tượng cho số phận bất hạnh của Thúy Kiều. Sức mạnh của “ngọn nước mới sa” rất ghê gớm, sóng gió ở trong cuộc đời đã vùi dập nàng Kiều. Cuộc đời của nàng trôi nổi theo dòng đời, không biết rằng đi đâu về đâu. Câu hỏi tu từ “biết là về đâu” tựa như một ai oán trách cho cuộc đời đầy nỗi bất hạnh. Qua đó càng khẳng định thân phận bèo bọt, lênh đênh của nàng. Sắc xanh đã xuất hiện rất nhiều lần ở trong tác phẩm nhưng mỗi lần đều có ý nghĩa khác nhau. Với đoạn trích này màu xanh lại đem đến cho người đọc một ý nghĩa nhạt nhoà:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.
Hình ảnh “nội cỏ” mang màu sắc của sự lụi tàn, héo úa. Từ chân trời đến mặt đất được nối lại bởi sắc xanh nhưng lại đơn sắc, nhạt nhòa. Tất cả các màu sắc ấy có sự hài hòa với nhau càng góp phần khiến cho tâm trạng Kiều chán nản hơn với cuộc sống thực tại. Khung cảnh xung quanh chỉ càng làm cho Kiều thêm ảm đạm, u sầu. Dưới ánh mắt chất chứa nỗi tuyệt vọng của nàng, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” khung cảnh cũng trở nên bế tắc, buồn chán và vô vọng. Hai câu thơ cuối được xem là đỉnh cao của nghệ thuật khi tác giả đã miêu tả cảnh ngụ tình, sự rợn ngợp, hoang vắng của Thúy Kiều:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Thiên nhiên xuất hiện thật dữ dội, Thúy Kiều tưởng rằng mình đang ở giữa biển khơi bao la rộng lớn chứ không phải đang ở lầu Ngưng Bích. Những cơn sóng biển gào thét như đang muốn nhấn mình thân xác Kiều xuống biển. Với từ láy “ầm ầm” gợi ra một khung cảnh dữ dội đồng thời thể hiện tâm trạng đang hoản loạn của Kiều. Nàng có dự cảm rằng giông bão của số phận sẽ nhấn chìm cuộc đời của mình xuống biển sâu.
Tác giả đã sử dụng tài tình nghệ thuật miêu tả cảnh ngụ tình, mỗi khung cảnh trong khổ thơ lại là một nỗi đau mà Thúy Kiều đang phải gánh chịu. Với hình ảnh ẩn dụ độc đáo kết hợp với từ láy giàu giá trị biểu cảm và tạo hình góp phần tạo nên sự thành công của đoạn trích. Nguyễn Du đã khắc hoạ một bức tranh đặc sắc với nhiều trạng thái xúc cảm khác nhau trước cuộc đời đầy sóng gió của Thúy Kiều. Đồng thời tác giả đã thể hiện một niềm thương cảm sâu sắc cho số phận bất hạnh của nàng Kiều nói riêng và những người phụ nữ dưới xã hội phong kiến nói chung.
4. Phân tích 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều):
Nhắc đến Nguyễn Du chắc hẳn người ta sẽ nghĩ ngay đến kiệt tác “Truyện Kiều”. Đọc tác phẩm, người đọc như cảm nhận được tác giả có một trái tim nhân hậu đối với con người. Và 8 câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện được bút pháp tài tình của Nguyễn Du, trong đó đặc biệt là bút pháp miêu tả cảnh ngụ tình.
Tác giả Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc để diễn tả tâm trạng của Kiều, một tâm trạng cô đơn buồn tủi và đầu tuyệt vọng. Mỗi cảnh đều gợi ra một nỗi buồn khác nhau, cảnh mỗi lúc một buồn hơn bởi tình buồn tác động đến cảnh buồn và khiến cho nỗi buồn ấy ngày càng trở mãnh liệt hơn.
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Bằng những dòng thơ sinh động cộng thêm sự tài giỏi trong việc miêu tả nội dung nhân vật của Nguyễn Du đã làm hiện lên một bức tranh tả cảnh thiên nhiên đẹp không những thế mà còn thể hiện nỗi lòng của Thúy Kiều. Kiều bơ vơ một mình, cô đơn giữa một không gian mênh mông, rộng lớn cùng với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trỗi dậy không nguôi trong lòng nàng.
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng, cánh buồm xa xa”
Từ “cửa bể” chỉ một không gian mênh mông của biển khơi, nỗi buồn ấy càng trở nên khủng khiếp hơn khi tác giả đặt nó vào khoảng thời gian chiều tà. Qua câu thơ này người đọc có thể hình dung được cảnh người con gái lấy chồng xa quê, man mác buồn. Hình ảnh một cánh buồm lẻ loi giữa một khoảng không gian bao la, rộng lớn vào buổi chiều hôm. Một sự lạc long lúc ẩn lúc hiện gợi lên sự cô đơn cùng một nỗi buồn da diết của một con người giữa chốn đất khách xa xôi. Cho thấy được tình cảnh của Kiều lúc bấy giờ, một mình lẻ loi đối đầu với bão tố sóng gió chả cuộc đời, số phận Kiều giống như cánh buồn kia trôi lênh đênh và không biết sẽ dạt về phương trời nào.
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
Người đọc cản thấy xót thương khi chứng kiến cảnh Kiều lo lắng và sợ hãi giữa cảnh biển trời mênh mông vô hướng, ở nơi đó Kiều nhìn thấy cánh hoa trôi và nghĩ đến thân phận của chính bản thân mình: Không gian bây giờ đã càng trở nên mạnh mẽ và dữ dội hơn. Hình ảnh của cánh hia trôi giống như cuộc đời Kiều một mình trôi nổi giữa dòng đời và cảm thấy bất lực mặc cho số phận xô đẩy về đâu. Đến hai câu thơ tiếp theo, thì tâm trạng của Kiều bây giờ đã chuyển từ lo lắng và sợ hãi thành tuyệt vọng và bế tắc
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
Ngày xuân cảnh vật đầy sức sống đáng kẽ ra phải là cỏ non xanh tận chân trời nhưng Kiều nhìn thấy là hình ảnh của “nội cỏ rầu rầu” gợi lên sự úa héo, tàn phai, chết chóc, đã khiến cho Kiều càng trở nên chán nản và tuyệt vọng. Bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du trong hai câu thơ cuối có thể nói là đạt đến đỉnh điểm. Âm thanh của sóng gió dữ dội đang bủa vây lấy cuộc đời Thúy Kiều như đang muốn báo điều gì xấu sắp xảy ra.
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Chiều đã dần muộn, mọi cảnh vậy đều không còn nhìn rõ nhưng âm thanh của sóng gió lại càng mạnh mẽ hơn. Kiều cảm thấy lo sợ và kinh hãi, Kiều cô đơn, lẻ loi, chơi vơi và bất lực rơi vào vực thẳm và Kiều cảm thấy tuyệt vọng và yếu đuối. Không những thế, bốn câu thơ lục bát đã được liên kết lại với nhau qua điệp ngữ “buồn trông” thể hiện nỗi buồn triền miên, tựa như âm hưởng của một bản nhạc buồn. Với hình ảnh ẩn dụ độc đáo, khung cảnh như được miêu tả từ xa cho đến gần, màu sắc cũng chuyển dần từ nhạt cho đến đậm, âm thanh cũng chuyển từ tĩnh thành động và tâm trạng của nàng Kiều cũng từ cô đơn, tuyệt vọng cô đơn cho đến hoang mang và lo lắng.
Nói tóm lại, đoạn trích “Kiều ở Lầu Ngưng Bích” vừa là một bức tranh thiên nhiên vừa là một bức tranh thể hiện tâm trạng sâu sắc. Đồng thời thể hiện tài năng bậc thầy của tác giả trong tả cảnh ngụ tình, đặc biệt đó là 8 câu thơ cuối cùng đã gieo vào trong lòng độc giả biết bao nỗi buồn thương nàng Kiều và từ đó thấu hiểu thân phận người đàn bà của Nguyễn Du.