Thanh Thảo là cái tên rất quen thuộc với những độc giả yêu thơ Việt Nam. Nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông phải kể đến là bài thơ "Đàn ghi-ta của Lorca". Nổi bật lên hết chính là sáu câu thơ đầu để giới thiệu vị anh hùng của xứ sở Tây Ban Nha. Sau đây là bài phân tích 6 câu thơ đầu của bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca, mời các bạn cùng theo dõi!
Mục lục bài viết
1. Phân tích 6 câu đầu trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca hay nhất:
Thanh Thảo là cái tên rất quen thuộc với những độc giả yêu thơ Việt Nam. Với tài hoa của mình, ông đã có rất nhiều tác phẩm để đời. Nổi bật phải kể đến là bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” – đây chính là tiếng lòng ngưỡng mộ, tiếng lòng xót thương của Thanh Thảo đối với cuộc đời của một người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh. Nổi bật lên hết chính là sáu câu thơ đầu để giới thiệu vị anh hùng của xứ sở Tây Ban Nha:
” những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếch choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Mở đầu là một hình ảnh gợi âm thanh “những tiếng đàn bọt nước”. “Tiếng đàn” ở đây có thể được hiểu là tiếng đàn ghi-ta. Đàn ghi-ta có nguồn gốc từ Tây Ban Nha là đứa con tinh thần của Tây Ban Nha nên cũng có thể nói rằng đàn ghi-ta là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật của Tây Ban Nha. Ở câu thơ này có một danh từ nhưng được sử dụng như một tính từ để miêu tả tiếng đàn ghi-ta là “bọt nước”. Bọt nước gợi ta đến một hình ảnh nhỏ bé, dễ vỡ, li ti thế nhưng lại được tạo ra liên tục, không ngừng nghỉ, không bao giờ biến mất. Ở câu thơ này, Thanh Thảo ví tiếng đàn ghi-ta, ví nền văn hóa Tây Ban Nha với “bọt nước” để nhấn mạnh rằng: Dù có trải qua bao thời gian thì nền văn hóa Tây Ban Nha vẫn mãi được làm mới liên tục, cũng có thể như dự báo trước những tinh hoa như Lorca sẽ luôn luôn tái sinh, xuất hiện dù ông không còn nữa.
“Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”
Xuất hiện với “tấm áo choàng”, Lorca đã chiếm trọn sự chú ý của người đọc. Lorca cũng chính là biểu tượng của Tây Ban Nha. Với tấm “áo choàng đỏ gắt”, Lorca xuất hiện với hình tượng là một chiến sĩ đấu bò tót oai phong, lẫm liệt, sẵn sàng chiến đấu với cái ác để đòi tự do cho nhân loại. Cái tài của Thanh Thảo ở đây chính là việc sử dụng tính từ chỉ màu sắc với gam nóng ở mức độ mạnh “đỏ gắt” để Lorca xuất hiện với một hình ảnh rực rỡ, hút mắt người nhìn, đi vào tâm hồn người đọc.
“li-la li-la li-la”
Một tràng “li-la” không ngừng như những âm thanh trong trẻo vang mãi trong tâm trí người đọc. Ba câu thơ tiếp theo, Thanh Thảo đã gợi tả một Lorca vừa anh hùng vừa lãng mạn, vừa là một chiến sĩ vừa là một thi ca trong mắt người đọc:
“đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếch choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Lorca “đi lang thang”, đi không có điểm dừng, đi không biết đích đến. Lorca “về miền đơn độc”, Lorca đang một mình đi trên con đường đổi mới văn hóa Tây Ban Nha, không ai bên cạnh, không ai cùng chung chí hướng. Việc sử dụng từ láy “đơn độc” như góp phần nhấn mạnh sự cô đơn, lẻ loi, độc nhất của Lorca trên con đường cải tiến nghệ thuật Tây Ban Nha.
“với vầng trăng chếch choáng”
Thế nhưng Lorca không hề cô đơn một mình. Lorca còn có “vầng trăng”, còn có nghệ thuật song hành trên con đường “về miền đơn độc”. Ở đây lại thêm một từ láy xuất hiện “chếch choáng”. “Vầng trăng chếch choáng” là vầng trăng đang say, say vì cái tài của Lorca, say vì tiếng đàn của Lorca, say vì vui khi được đồng hành cùng Lorca. Hay là chính Lorca đang say nên mới thấy “vầng trăng chếch choáng”, say với niềm vui được đi trên con đường mà mình mong muốn, say vì có “vầng trăng” đồng hành.
“trên yên ngựa mỏi mòn”
Trên con đường “về miền đơn độc”, Lorca có “vầng trăng”, Lorca có “yên ngựa”, Lorca không còn một mình. Lại một từ láy nữa xuất hiện “mỏi mòn”, là đi mãi, đi dài, không biết bao giờ kết thúc. Lorca không hề biết điểm dừng trên con đường mình đi là ở đâu, Lorca cứ đi mãi, đi vì mong muốn cách tân nghệ thuật nước nhà. Qua câu thơ này, ta mới hiểu rõ Lorca trong lòng Thanh Thảo đẹp đến nhường nào. Với tài hoa của mình, Thanh Thảo đã mang đến cho người đọc một Lorca vừa dũng cảm vừa lãng mạn, vừa là một chiến sĩ anh hùng vừa là một người nghệ sĩ đầy cảm hứng. Điểm đặc biệt của đoạn thơ này, cũng như toàn bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” chính là những tiếng đầu dòng không được viết hoa. Nó làm cho mạch thơ không bao giờ ngắt, kéo dài vô tận, cũng như Thanh Thảo muốn chúng ta hiểu rằng cuộc đời của Lorca là mãi mãi vô tận, trong lòng Thanh Thảo, Lorca chưa bao giờ mất, khi nào còn tiếng đàn thì khi đó Lorca còn sống.
Bằng tài năng của mình, Thanh Thảo đã khắc sâu trong lòng người đọc hình ảnh văn hóa Tây Ban Nha mà biểu tượng chính là người nghệ sĩ Lorca mà ông ngưỡng mộ. Bài thơ tái hiện hình ảnh một Lorca với hai đặc điểm trái ngược: Anh hùng và lãng mạn. Điều này góp phần tô điểm thêm cho bức tượng đài Lorca vĩ đại trong lòng ông, góp phần làm sáng, tinh túy, nổi bật thêm cho tác phẩm “Đàn ghi-ta của Lorca”.
2. Phân tích 6 câu đầu trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca hay nhất:
Thanh Thảo là nhà thơ có tiếng nói riêng, phong cách nghệ thuật riêng thể hiện cái tôi cá nhân ấn tượng trong nền văn học Việt Nam. Những sáng tác của ông đem đến cái nhìn mới mẻ cho thơ ca hiện đại. Bài thơ “Đàn ghi-tar của Lor ca” trích Khối vuông rubich đã để lại sức chứa lớn trong lòng người đọc về hình tượng nhân vật Lorca – người nghệ sĩ vĩ đại của xứ sở Tây Ban Nha. Nổi bật trong bài chính là sáu câu thơ đầu đã giới thiệu về vị anh hùng của xứ sở Tây Ban Nha
Lorca là cái tên quen thuộc đối với đất nước Tây Ban Nha, vì anh là biểu tượng của tự do, cho sự đấu tranh đòi hòa bình, đòi một cuộc sống bình yên cho nhân dân. Mặc dù bị sát hại nhưng Lorca mãi là biểu tượng mà nhân dân Tây Ban Nha tôn thờ. Thanh Thảo đã mượn lời của người nghệ sĩ này làm lời đề từ cho bài thơ của mình có ẩn ý muốn gợi mở ra chiều dài thời gian và chiều sâu của không gian về người nghệ sĩ tài hoa này. Cả cuộc đời cống hiến, chiến đấu nhưng cuối cùng Lor ca lại chết thảm dưới chế độ phát xít tàn bạo. Với thể thơ tự do, không viết hoa đầu dòng, Thanh Thảo đã khiến người đọc tò mò về cách viết giàu sức gợi này.
Những tiếng đàn bọt nước
Táy Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li la li la li la li la
Đi lang thang về miền đơn độc
Với vầng trăng chuếnh choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn
Nhịp thơ nhẹ nhàng, dàn trải nhưng giàu sức gợi, sức tả khiến người đọc mường tượng đến đất nước xinh đẹp Tây Ban Nha với tiếng đàn ghi tar đắm say, những trận đấu bò tót hài hùng, những mảnh đất thảo nguyên mênh mông, lãng mạn. Tuy nhiên cụm từ “tiếng đàn bọt nước” dường như gợi lên sự mờ ảo, biến đổi khó lường, có thể vỡ tan ra bất cứ lúc nào không hay. Có một dự báo nào đó chẳng lành, đầy bất an ở dâu thơ này.
Tây Ban Nha là mảnh đất của những trận đấu bò tót độc đáo, đầy ấn tượng nhưng trong thơ Thanh Thảo, nó có còn giữ nguyên ý nghĩa đó nữa không. Chiến trường đấu bò tót có lẽ đã trở thành chiến trường chính trị ác liệt, nhiều đấu tranh, nhiều bon chen. Màu đỏ của áo choàng đã biến thành “đỏ gắt” phải chăng chính là chế độ độc quyền của chủ nghĩa phát xít đang hoành hành trên đất nước này. Hình ảnh Lor ca trở nên nhỏ nhoi, mệt mỏi trong cuộc chiến nhiều khó khăn. Tiếng đàn vẫn cứ cất lên “li la li la li la li la” và người nghệ sĩ đó “lang thang”, “chuếnh choáng”, “mỏi mòn” với những gì đang diễn ra. Cuộc chiến giữa nghệ sĩ chân chính với chế độ độc tài trở nên căng thẳng hơn. Người chiến sĩ đơn độc ấy trở nên lẻ loi, cô độc, không một ai có thể bên cạnh.
Sáu câu thơ đầu của bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Đàn ghi-ta của Lorca là bài thơ giàu chất suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm, thể hiện sự xót thương trước cái chết bi thảm của Lorca thiên tài, là thông điệp, khát khao cách tân nghệ thuật của Thanh Thảo.
3. Phân tích 6 câu đầu trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca ấn tượng:
Thanh Thảo là một trong những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được xem là nhà thơ có nhiều nỗ lực trong việc cách tân thơ ca Việt Nam hiện đại. Thanh Thảo đã đem đến cho độc giả, đóng góp vào nền thơ ca Việt Nam những tác phẩm mang khuynh hướng hiện đại, tượng trưng học hỏi từ các nước phương Tây. Tác phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca chính là một trong những tác phẩm xuất sắc và nổi bật nhất của Thanh Thảo trong phong cách thơ mới lạ này.
Đàn ghi-ta của Lor-ca nằm trong tập Khối vuông ru-bích (1985), là kết quả của ấn tượng và nhận thức sâu sắc của Thanh Thảo trước cuộc đời, sự nghiệp, cái chết của Lor-ca, một thiên tài, một người nghệ sĩ, chiến sĩ luôn hết mình cho sự nghiệp tranh đấu đổi mới nền văn hóa và xã hội Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Về lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” đây chính là lời di chúc nổi tiếng của Lor-ca nằm trong bài thơ Ghi nhớ của tác giả, thể hiện những dự cảm không lành về cuộc đời ngắn ngủi và những lý tưởng cao đẹp sẽ không thể hoàn thành của chính bản thân G. Lor-ca. Lời đề từ không chỉ mang nghĩa đen mà nó còn ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa đó là tình yêu nghệ thuật, tình yêu quê hương Tây Ban Nha và khát vọng cách tân của Lor-ca mà đến khi sang thế giới bên kia ông vẫn hằng tâm niệm, gắn bó, trân trọng.
Trong 6 dòng thơ đầu tiên của tác phẩm Thanh Thảo đã có những phác họa về hình ảnh của người nghệ sĩ thiên tài Lor-ca trong khung cảnh chính trị và bối cảnh nghệ thuật Tây Ban Nha lúc bấy giờ.
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Hình ảnh đất nước Tây Ban Nha hiện lên không chỉ trong 6 dòng đầu mà còn xuyên suốt cả bài thơ với chuỗi hợp âm “li-la li-la li-la”, với hình ảnh tiếng đàn ghi-ta “bọt nước”, tiếng ghi-ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh,… Tất cả đều gợi liên tưởng về một quốc gia xinh đẹp, phóng khoáng với hình ảnh những ca sĩ dân gian say sưa ca hát bên cây đàn hay loài hoa li-la với sắc tím dịu dàng trải dài khắp thảo nguyên xanh. Đặc biệt hình ảnh “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” khiến chúng ta lập tức liên tưởng đến những trận đấu bò tót của các dũng sĩ áo đỏ, vốn là một nét văn hóa nổi bật của quốc gia này hay xa hơn nữa là hình tượng những kỵ sĩ với lý tưởng cao đẹp “trên yên ngựa mỏi mòn” với “vầng trăng chếnh choáng”.
Tất cả những vẻ đẹp, những đặc sắc văn hóa ấy của Tây Ban Nha đã trở thành một bức nền tuyệt đẹp để làm nổi bật hình ảnh người anh hùng, nghệ sĩ Lor-ca. Trước hết hình tượng Lor-ca hiện lên trong hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước”, hình ảnh tiếng đàn không chỉ là âm thanh đàn ghi-ta mà nó còn là một hoán dụ nghệ thuật gợi ra sự nghiệp làm nghệ thuật nổi trội của Lor-ca, cũng như chỉ tiếng lòng, tâm hồn và cả cuộc đời người nghệ sĩ. Hình ảnh “bọt nước” là một hình ảnh có sự chuyển đổi cảm giác đặc sắc, chuyển từ danh từ sang tính từ hóa làm nhiệm vụ bổ nghĩa cho tiếng đàn, đồng thời nó lại cũng là một thi liệu khá quen thuộc trong thơ của Lor-ca biểu trưng cho những cái đẹp lung linh nhưng dễ dàng tan biến vào hư vô, thể hiện khát vọng được dâng hiến tài năng cho cuộc đời. Đồng thời hình tượng “bọt nước” này còn cho ta những liên tưởng về cuộc đời đẹp đẽ nhưng quá ngắn ngủi, mỏng manh và đơn độc của người nghệ sĩ thiên tài Lor-ca. Từ đó thể hiện sự ngợi ca, ngưỡng mộ của Thanh Thảo với Lor-ca cũng như sự xót thương, đau đớn trước bi kịch của người nghệ sĩ thiên tài.
Trong câu thơ “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”, ngoài việc nhắc đến Tây Ban Nha như là quê hương của người nghệ sĩ thì tác giả còn có ngụ ý hoán dụ nâng tầm vóc của Lor-ca lên làm biểu tượng cho cả một quốc gia một dân tộc. “Áo choàng đỏ gắt” ở đây không chỉ gợi ra hình ảnh về nét đẹp văn hóa Tây Ban Nha mà chính là hình ảnh Lor-ca với sức mạnh anh hùng nắm giữ sứ mệnh cao cả vừa đấu tranh với nghệ thuật già nua vừa đấu tranh với nền phát xít độc tài trên quê hương. Chuỗi hợp âm “li-la li-la li-la” là dòng thơ mô phỏng âm thanh, gợi ra hình ảnh tươi đẹp của loài hoa li-la, góp phần đẩy cao vẻ đẹp của người nghệ sĩ cũng như đưa người nghệ sĩ thăng hoa đến những lý tưởng cao đẹp. Trong ba câu thơ cuối hình ảnh người nghệ sĩ lại càng hiện ra rõ ràng “đi lang thang về miền đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng/trên yên ngựa mỏi mòn”, gợi cho chúng ta thấy sự cô đơn, mệt mỏi, mang phong thái tự do, phóng khoáng của người nghệ sĩ trên bước đường thực hiện lý tưởng. Tuy nhiên Lor-ca chưa bao giờ dừng bước, người vẫn tiến về phía trước dẫu con đường còn nhiều gập ghềnh khó khăn đang chờ và ở trên cao có vầng trăng chứng cho lý tưởng tốt đẹp của người nghệ sĩ.
Sau câu đầu nói riêng và bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca nói chung đã góp phần tái hiện một cách chân thực và gợi cảm hình tượng người nghệ sĩ thiên tài Lor-ca, thể hiện tiếng nói tri âm của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ, người chiến sĩ với người chiến sĩ. Đồng thời bộc lộ triết lý về nghệ thuật của Thanh Thảo: Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, chính sức sống của nghệ thuật đã làm nên sự bất tử của người nghệ sĩ chân chính.
THAM KHẢO THÊM: