Một tâm hồn thơ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, con người vượt lên trên hoàn cảnh của tác giả Hồ Chí Minh được tái hiện qua bài thơ Chiều tối - Hồ Chí Minh. Sau đây là bài Phân tích 2 câu đầu bài Chiều tối của Hồ Chí Minh siêu hay, mời các bạn tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích 2 câu đầu bài Chiều tối của Hồ Chí Minh:
1.1. Mở bài:
Khái quát tác giả Hồ Chí Minh, tác phẩm “Chiều tối”
Giới thiệu 2 câu đầu bài thơ “Chiều tối”
1.2. Thân bài:
Bài thơ được viết trên chặng đường nhà thơ phải chuyển từ nhà tù Tĩnh Tây sang nhà tù Thiên Bảo. Trên con đường gian nan, khó khăn, qua một ngày dài với đôi chân mang xiềng xích, đi qua rừng núi không ngừng nghỉ cho đến tận chiều tối.
Chiều tối là thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm và những câu thơ là cảm xúc của Bác – của một người xa nhà với nỗi nhớ quê hương và mong muốn được tự do mãnh liệt trong cảnh tù đày.
– Bức tranh thiên nhiên và con người chiều tối nơi núi rừng:
Dưới ngòi bút của nhà thơ, bức tranh chiều tối hiện lên thật chân thực giản dị.
=> Qua đó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Bác trong hoàn cảnh tù đày.
– Bác Hồ hiện ra như một con người bình dị hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên: Bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu khát vọng tuôn trào vào cảnh tượng hùng vĩ.
=> Thể hiện ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường của Người.
1.3. Kết bài:
Khái quát lại nội dung, nghệ thuật và cảm nghĩ về hai câu thơ đầu bài thơ “Chiều tối”
2. Phân tích 2 câu đầu bài Chiều tối của Hồ Chí Minh siêu hay:
Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại, một người anh hùng của dân tộc Việt nam, một cái tên mà tất cả con dân Việt Nam đều khắc sâu trong tim với tình yêu thương và lòng kính trọng vô bờ bến. Trong quá trình giành lại độc lập cho dân tộc, Bác Hồ đã phải chịu đựng biết bao gian khổ, khó khăn, nhiều lần bị giam cầm, chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, bị đánh đập, tra tấn vô cùng dã man. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn đó, Bác vẫn mang trong mình một tinh thần lạc quan, một niềm tin manh liệt vào tương lai tươi sáng. Bài thơ “Chiều tối” là bài thơ ấn tượng được trích trong tập thơ “Nhật kí trong tù”, đã phần nào thể hiện được tinh thần của Bác. Bài thơ chỉ đơn giản miêu tả quang cảnh nơi vùng quê thôn dã trong thời khắc chiều tà, nhưng ẩn chứa trong đó là một ước mơ của sự tự do, ước mơ trở về quê hương tiếp tục sứ mệnh của mình.
Bức tranh buổi chiều tối qua đôi mắt của một người tù bị xiềng xích ở tay chân hiện lên:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.”
Dịch thơ:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.”
Thời khắc buổi chiều tối là thời khắc của sự đoàn tụ, nhưng cũng là thời gian con người cảm thấy cô đơn vô cùng. Chú chim sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi cũng đã bay về tổ. Trên bầu trời, chỉ còn lại một đám mây. Giữa thiên nhiên bao la hùng vĩ của miền sơn cước, con người và cảnh vật như dừng lại, chỉ có những đám mây vẫn nhẹ nhàng trôi, làm nổi bật sự tĩnh lặng của buổi chiều nơi núi rừng. Đám mây ấy giống như Bác Hồ, trong hoàn cảnh bị tù đày, vẫn phải một mình bước đi. Đám mây cô đơn, lặng lẽ, Bác Hồ cũng lặng lẽ, cô đơn. Có thể thấy, Bác phải là người yêu thiên nhiên, phải có thái độ nhàn nhã, bình tĩnh, lạc quan, vượt qua mọi xiềng xích về thể xác để nhìn ngắm thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên như vậy. Cơ thể mệt mỏi vì phải đi xa cả ngày, nhưng Bác vẫn dõi theo đàn chim trở về tổ, theo dõi những đám mây trôi chậm rãi vào buổi chiều.
Tuy chỉ là hai câu thơ bảy chữ, nhưng đã tạo cho người đọc một hình dung về cảnh chiều hoang dã, nơi núi rừng thực sự lạnh lẽo, u ám, vắng vẻ và cô đơn. Đồng thời, nó cũng thể hiện khát vọng trở về quê hương, khát vọng được tự do như đám mây kia.
Bài thơ “Chiều tối” là một bài thơ tiêu biểu cho vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong các tác phẩm thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ chỉ đơn giản miêu tả cảnh vật thiên nhiên và con người nơi thôn quê miền núi vào buổi chiều tà, nhưng qua đó cũng ẩn chứa khát vọng được tự do, được sum họp của Người. Đồng thời, ở Bác, chúng ta luôn tìm thấy vẻ đẹp của một tinh thần vị tha, của một trái tim yêu thương luôn quan tâm đến những điều giản dị nhất.
3. Phân tích 2 câu đầu bài Chiều tối của Hồ Chí Minh ý nghĩa nhất:
Tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh như một cuốn nhật ký bằng thơ, ghi lại hành trình gian khổ, vất vả của người tù. Nhưng với tinh thần thép, bản lĩnh thép và ý chí quật cường, Người đã vượt qua hoàn cảnh tù đày và tìm ra con đường dẫn đến ánh sáng. Bài thơ “Chiều tối” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Bác trích trong tập thơ “Nhật ký trong tù”.
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh cảnh thiên nhiên buổi chiều tối trên con đường Bác nghỉ ngơi. Chỉ bằng vài nét chấm phá, hai câu thơ đầu đã để lại một bức tranh thu nhỏ về cảnh thiên nhiên miền núi vào thời điểm “chiều tối”.
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không”
Khung cảnh thiên nhiêu thời khắc chiều tối hiện lên với hai nét chấm phá: cánh chim mỏi đang tìm đường về tổ và chôm mây trôi vô định giữa không gian bao la. Hai hình ảnh này tạo nên bầu không khí rộng mở, cao vời vợi, thể hiện quan điểm của tác giả “luôn ngẩng cao đầu trong hoàn cảnh tù đày”. Cánh chim và đám mây là chất liệu rất quen thuộc trong thơ ca cổ, thường dùng để miêu tả cảnh chiều tà như một phong cách miêu tả thời gian.
Cái mới ở đây là nếu trong thơ cổ, cánh chim thường bay về nơi vô tận, mang một nỗi buồn u sầu, thì đôi cánh chim trong thơ Bác lại gần gũi và yêu thương hơn bao giờ hết. Chỉ là một chú chim trở về tổ sau một ngày dài kiếm ăn mệt mỏi. Cái hay là, nhìn đôi cánh chim tung bay, ta có thể thấy sự mệt mỏi của nó. Tức là, nhà thơ đã nhìn thấy sự mệt mỏi ẩn chứa trong đôi cánh chim ấy. Đây chính là sự nhân đạo trong phong cách thơ của Hồ Chí Minh. Cái nhìn ấy thể hiện lòng nhân đạo và tình yêu thương vô bờ bến của Người đối với cảnh vật.
Cùng với cánh chim mệt mỏi đang tìm chốn nghỉ ngơi và chòm mây đang trôi vô định giữa khoảng trời bao la. Những câu thơ khá uyển chuyển, giúp ta thấy rõ sự cô đơn, lẻ loi của chôm mây giứa không gian to lớn đó. Nó không chỉ làm cho bầu trời cao hơn và rộng hơn, mà còn ám chỉ nỗi buồn của người tù ở một vùng đất xa lạ. Nhưng nỗi buồn không bi thương, không tuyệt vọng như trong thơ ca cổ điển. Đám mây trôi lững lờ, nhẹ nhàng giữa khoảng không hay chính là ẩn dụ cho chính tâm hồn của người tù đang ung dung, tự tại trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Dù đang bị áp giải nhưng dưới ngòi bút của nhà thơ ta cảm nhận như tác giả đang thưởng thức vẻ đẹp của buổi chiều tà nơi miền thôn quê, mọi sự mệt mỏi dường như đã tan biến. Qua đó ta cũng thấy được sự mạnh mẹ, quyết tâm và tinh thần lạc quan của tác giả trong chính sự cô đơn, mệt mỏi của mình.
Thành công của bài thơ là sự kết hợp giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn nhà thơ và tinh thần thép của người cách mạng. Bài thơ đã làm rung động người đọc bằng tình cảm nhân văn vô bờ bến của người tù cộng sản Hồ Chí Minh, mặc dù trong hoàn cảnh tù túng nơi đất khách quê người, Người vẫn vượt qua mọi sự gian khổ, hành hạ về thể xác để viết lên những vẫn thơ xuất sắc. Qua bài thơ, chúng ta hiểu thêm và càng kính yêu vị lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc.