Phân loại các loại hồi tỵ tại Trung Quốc trong thời kỳ phong kiến? Ý nghĩa của chế độ hồi tỵ ở Trung Quốc thời phong kiến?
Chế độ hồi tỵ tại Trung Quốc trong thời kỳ phong kiến được phân loại thành: Hồi tỵ về thân thuộc; Hồi tỵ về địa vực (quê quán, trú quán, nơi làm ăn); Hồi tỵ về chức vụ, công việc cụ thể; Hồi tỵ trong khoa cử.
Mục lục bài viết
1. Hồi tỵ về thân thuộc:
Hồi tỵ về thân thuộc là quan hệ phải né tránh được xác lập từ sớm nhất, quy định việc tránh né trên hai phương diện:
Thứ nhất, những người thân thuộc phải né tránh cùng làm việc trong một hệ thống cơ quan chính quyền, đã được quy định ở trong “Tâm hỗ pháp” thời Nhà Hán – bộ luật về chế độ hồi tỵ trong bổ nhiệm quan lại đầu tiên được ban hành tại Trung Quốc. Thời Đường, phàm là các chức quan có liên quan với nhau hoặc giám sát nhau, thì người trong dòng tộc trong vòng 3 đời phải hồi tỵ.
Ví dụ: con của Tể tướng không thể làm Gián quan, hay anh em ruột không thể nhận chức trong cùng một tỉnh. Thời Tống đưa ra quy định giữa các quan viên chấp hành tướng quyền không được có quan hệ thân thích với nhau. Thời Tống Thần Tông năm thứ nhất, Tham tri chính sự là Trình Khám có quan hệ thông gia với Tể tướng (Tể tướng và Tham tri chính sự là quan hệ trưởng phó) nên đã bị điều chuyển sang nhậm chức Khu Mật phó sứ. Tống Thần Tông muốn lấy Ngô Dung làm Tham tri chính sự nhưng Ngô Sung với Tể tướng Vương An Thạch có quan hệ thân thuộc nên chỉ có thể bổ nhiệm Ngô Sung làm Khu Mật phó sứ.
Hồi tỵ về thân thuộc đưa ra yêu cầu những quan viên có quan hệ ruột thịt theo trực hệ hoặc có quan hệ về hôn nhân cần tránh đảm nhận chức vụ trong cùng một nha môn, hoặc các nha môn có quan hệ cấp trên cấp dưới, hoặc giám sát lẫn nhau. Ngoài ra, Nhà Tống cũng cấm việc kế nhiệm nhau, ví dụ như con thay thế chức vụ của cha, cháu kế thừa chức vụ của chú cũng thuộc dạng bị cấm.
Thời Thanh, một quan viên dự khuyết có thể được bổ nhiệm vào chỗ khuyết thiếu với điều kiện phải cách tịch quán 500 dặm và phải đảm bảo cơ quan mình nhậm chức không có quan hệ thân tộc. “Đại Thanh hội điển” có ghi Khang Hy năm thứ 3 (1664) quy định quan viên đang đương chức bên ngoài mà ở Thượng ty có người đồng tộc thì phải hồi tỵ. “Đại Thanh hội điển” quy định rõ: “Phàm chú bác, anh em cùng nhậm chức ở một nha môn, cho dù là thân phận gì đều lấy quần nhỏ hồi tỵ quan lớn; nếu quan chức tương đương thì lấy người nhậm chức sau hồi tỵ người nhậm chức trước. Giữa ông cháu, cha con mà có một người làm trưởng quan của một cơ quan thì lấy thuộc quan hồi tỵ trưởng quan, những người khác cho dù là phẩm cấp hay nhậm chức trước, sau đều lấy tử tôn hồi tỵ tôn trưởng .
Thứ hai, những người thân thuộc phải né tránh các chức vụ có liên quan đến nhau và né tránh trong quá trình thực thi công vụ. Trong “Tam hỗ pháp” thời Đông Hán quy định “hai gia đình có quan hệ hôn nhân không giám sát lẫn nhau”. Thời Nhà Tống quy định, những người thân thuộc không được nhậm chức tại một cơ quan trong một hệ thống hoặc có chức trách liên quan đến nhau, quan viên khi được bổ nhiệm, không những phải điền “Xạ khuyết trạng”, tuyên bố rằng mình có hay không có người thân thuộc cần phải hồi tỵ trong quan hệ cấp trên cấp dưới ở cơ quan sở tại hoặc cơ quan có mối liên hệ mật thiết về nghiệp vụ hành chính với cơ quan sở tại, đồng thời còn phải có hai quan viên làm chứng và phải viết chứng nhận “Bảo quan trọng”.
Nếu như người được bảo đảm che giấu sự thật, một khi bị phát hiện ra, sẽ phải chịu trừng phạt . Một ví dụ khác, giữa Tể tướng với quan chức thuộc Ngự sử đài, Gián viện phải hồi tỵ. Tể tướng là trưởng quan hành chính cao nhất, trong khi đó Ngự sử đài, Gián quan có thẩm quyền giám sát Tể tướng, cho nên giữa hai hệ thống này không thể có quan hệ thân thuộc. Thời Đường, Tể tướng Đỗ Tá có con là Đỗ Tòng Uất ban đầu giữ chức Tả bổ vong, sau đó lại giữ chức Tả hợp đi đều là Gián quận, nếu như Tể tướng trong quá trình điều hành chính sự có việc thất trách, thì con không thể đàn hặc (hạch tội/luận tội) cha. Do đó đã đổi Đỗ Tòng Uất sang đảm nhiệm chức Mật thư thừa.
Giữa quan lại ở Ngự sử đài và Gián quan cũng cần thi hành hồi tỵ. Do quan lại ở Ngự sử đài và ở Gián viện đều thuộc hệ thống cơ quan giám sát, công việc của quan chức ở Ngự sử đài và Gián viện có nhiều mối liên hệ lẫn nhau. Chính quyền Nhà Tống nhằm loại bỏ sự ràng buộc cá nhân của nhân viên tư pháp, ngăn chặn các hành vi dối trá, làm trái quy định xét xử, nên đã ban hành pháp lệnh quy định, người thẩm tra xử lý vụ án không được là người thân của người phạm tội, những người khác có nhiệm vụ xử lý vụ án cũng không được có liên hệ với người phạm tội và giữ những người thẩm tra xử lý vụ án cũng không được có quan hệ thân thuộc.
Trải qua các triều đại, phạm vi của luật hồi tỵ về thân thuộc cũng có sự thay đổi theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn, đồng thời cũng ngày càng đưa ra các quy định cụ thể hơn đối với phạm vi hồi tỵ. Thời Đường, chủ yếu hạn chế họ hàng thân thích từ hàng “Đại công trở lên không được giữ chức trong một quan phủ. Thời Tống, phạm vi hồi tỵ về thân thuộc được mở rộng đến hàng “Ti ma” trở lên.
Tống Thần Tông năm thứ 3 (năm 1070 sau CN) đã phân chia các cấp bậc thân thuộc phải hồi tỵ thành: (1) người thân trong cùng dòng tộc thuộc hàng Ngũ phục trở lên cùng chung sống; (2) họ hàng xa trong cùng dòng tộc ngoài hàng Ngũ phục trở lên không cùng chung sống; (3) chồng của em họ, chị em gái, cháu gái (con của anh hoặc em), cháu gái (con gái của con trai); (4) cha của con rể, con dâu và anh em ruột của người đó, chồng của chị, em ruột của mẹ, vợ, con của dì, cháu ngoại, chồng của cháu (con của em, chị gái); (5) người thân thuộc hàng Đại công của mẹ lúc mẹ còn sống. Tất cả các loại thân thuộc trên đều phải hồi tỵ. Đồng thời còn đưa ra 3 phương pháp chủ yếu để tiến hành hồi tỵ, đó là: một là hoán đổi chức vụ với người khác, hai là điều động ra khỏi kinh thành, ba là bãi miễn chức quan. Thông thường sẽ là chức vị thấp hội tụ chức vị cao, chức vụ mới sau khi thay đổi về nguyên tắc sẽ tương ứng với chức vụ cũ.
Phạm vi hồi tỵ về thân thuộc cơ bản bao gồm những người có quan hệ ruột thịt theo trực hệ, bàng hệ và quan hệ về hôn nhân. Tuy nhiên, hệ thống tông tộc rất phức tạp, các tông tộc sẽ phát triển thành nhiều chi nhánh sau nhiều đời, do vậy nhìn một cách tổng thể rất khó thực hiện hồi tỵ về thân tộc. Vì thế năm Khang Hy thứ 10 (1672) triều Thanh hạ lệnh: ngoài Ngũ phục, không cùng tịch quán, người cùng họ hàng nhưng cư trú tản mạn không cùng tỉnh thì có thể miễn hồi tỵ.
Có thể thấy, ngay từ rất sớm, các hoàng đế Trung Hoa đã nhận ra được mối nguy cơ mà các quan hệ thân thuộc có thể gây ra đối với sự cai trị của mình cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi công vụ của quan lại, trải qua các triều đại, quy định về hồi tỵ thân thuộc có sự kế thừa của các triều đại trước và có sự điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh của từng thời kỳ.
2. Hồi tỵ về địa vực (quê quán, trú quán, nơi làm ăn):
Hồi tỵ về địa vực chủ yếu là quy định quan chức không được cai trị tại quê hương bản quán và nơi trú quán. Trong tổ chức tồng tộc, nguyên quán không chỉ là nơi người đó sinh ra và lớn lên, cũng không chỉ là nơi mà cha mẹ họ sinh ra và lớn lên mà còn là nơi tông tộc của người đó ở. Theo quan điểm của các nhà xã hội học, truyền thống Trung Hoa có đặc điểm là xã hội hương thôn, tính lưu động nhìn chung rất nhỏ.
Trong xã hội hương thôn ấy, đất đai và quan hệ huyết thống cơ bản đã ổn định, các tông tộc (dòng tộc) sinh sôi phát triển trên mảnh đất ổn định đó, chỉ có những trường hợp đặc biệt mới phải xa cố hương. Mà trong xã hội hương thôn, đại đa số các mối quan hệ của một cá nhân do quan hệ huyết thống tạo thành. Một người có thể xa quê hương bản quán mấy chục năm nhưng một ngày trở về quê cha đất tổ sẽ ngay lập tức thấy được tầm quan trọng của các mối quan hệ ấy. Vì vậy, một người làm quan tại nơi có nhiều mối quan hệ bản quán phức tạp sẽ khó có thể giữ được sự công bằng, vô tư trong thi hành công vụ.
Trú quán là nơi sinh sống, cư trú của một người trong quá trình trưởng thành. Một người sinh sống tại một địa phương trong một thời gian dài tự nhiên sẽ hình thành các mối quan hệ phức tạp, vậy nên nếu người đó được bổ nhiệm làm quan lại tại nơi cư trú trong lâu dài, thì sẽ dễ nảy sinh các mối liên kết với các thế lực tại địa phương, tạo điều kiện để thực hiện các hành vi cấu kết trục lợi, tham nhũng, bè phái...
Do đó, các quy định hồi tỵ về địa vực ra đời nhằm giải quyết những nguy cơ mà các mối quan hệ nảy sinh từ nguyên quán và trú quán có thể tác động tiêu cực đến việc bổ nhiệm quan lại và thực thi công vụ.
Các quy định hồi tỵ về quê quán đối với quan lại địa phương bắt đầu xuất hiện từ thời Nhà Hán, phạm vi cụ thể của hồi tỵ địa vực, ở mỗi triều đại có những yêu cầu khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, càng về các triều đại sau thì phạm vi càng rộng, việc thực thi cũng càng nghiêm ngặt.
Thời Tây Hán, Hán Vũ Đế là người đặt nền móng cho chế độ này khi quy định: “Thứ sử không dùng người gốc châu, quận thủ không dùng người gốc quận, huyện lệnh không dùng người gốc huyện”. Thời Đường, tất cả trưởng quan của châu, huyện đều không được nhậm chức tại quê hương và các huyện phụ cận. Thời Tống, quan chức không chỉ phải hồi tỵ ở bản châu, bản phủ. Thời Minh – Thanh, hồi tỵ về địa vực càng trở nên nghiêm ngặt, triều Minh quy định “người miền Nam làm quan ở miền Bắc, người miền Bắc làm quan ở miền Nam”, nếu muốn làm quan, thì chỉ còn cách vượt qua một nửa nước Trung Quốc. Pháp luật triều Thanh bột nghiêm ngặt hơn, chỉ đưa ra quy không được làm quan tại bản tỉnh. Ngoài hồi tỵ về quê quán, triều Thanh còn có quy định hồi tỵ về nơi cư trú, làm ăn.
Thông qua chế độ hồi tỵ về quê quán, sẽ giúp phòng ngừa và làm suy yếu các thế lực cục bộ tại địa phương, tăng cường sự kiểm soát của chính quyền trung ương với địa phương, từ đó góp phần duy trì tập quyền trung ương và sự thống nhất của đất nước. . Tuy nhiên, hồi tỵ về quê quán cũng tồn tại một số vấn đề, đó là việc quan viên phải đi xa quê hương, làm quan tại một nơi xa lạ, dẫn đến việc khó có thể có sự hiểu biết từ trước đối với phong tục tại địa phương mà mình nhậm chức, cũng có thể xảy ra hiện tượng không thông suốt về ngôn ngữ, gây ra khó khăn khi thực hiện quản lý. Tuy nhiên thông qua biện pháp này sẽ khiến cho quan lại chỉ có một thân một mình, không người thân thích tại nơi mình quản lý, từ đó sẽ tránh được việc có quá nhiều các quan hệ xã hội hình thành nên mạng lưới tình cảm cá nhân.
3. Hồi tỵ về chức vụ, công việc cụ thể:
Trung Quốc thời cổ đại có một số chức vụ đặc thù đưa ra yêu cầu đặc biệt đối với người nhậm chức, gọi đó là hồi tỵ về chức vụ.
Đối với Giám sát quan, chế độ hồi tỵ về thân thuộc đối với Giám sát quan tương đối nghiêm ngặt, người thân của quan lớn tại trung ương không được làm Giám sát quan và Gián quan. Thời Bắc Ngụy có quy định rõ, con cháu trong các sĩ tộc không được làm Giám sát quan. Thời Đường, con cháu của Tể tướng (chức quan hành chính cao nhất) không được làm Giám sát quan, để tránh việc con không vạch tội cha. Thời Tống quy định, phàm là những người được Tể tướng tiến cử làm quan cũng như họ hàng, con cháu, cấp dưới, thì đều không được đảm nhận chức Giám sát quan.
Thời Minh trên cơ sở các quy định từ thời Đường – Tống đã quy định “người trong dòng tộc của đại thần không được đảm nhận chức Khoa đạo quan (quan giám sát)”, đồng thời lệnh cho Giám sát quan lưu động phải né tránh quê gốc, nơi từng đảm nhận chức quan, nơi cư trú..., để tránh người thân bạn bè và các mối quan hệ có ảnh hưởng đến việc giám sát. Trong quá trình giám sát, nếu như Giám sát quan bị nghi ngờ có thân thù trong vụ việc thì cần phải hồi tỵ, nếu không hồi tỵ mà do đó dẫn đến vi phạm thì sẽ bị xử phạt nặng hơn. Thời Thanh quy định, con cháu của quan tam phẩm triều đình trở lên và con cháu của đốc phủ các tỉnh không được thi Khoa đạo quan, người cùng quê và người thân cũng thuộc diện phải hồi tỵ đối với chức Giám sát quan.
Đối với các chức vụ trong lĩnh vực tư pháp. “Nguyên sử. Hình pháp chí. Hình pháp. Chức chế thượng” có ghi: “Các quan trong khi tố tụng, có những việc liên quan đến mình, đến người thân hoặc những người có quan hệ hôn nhân… cần phải hồi tỵ, nếu không hồi tỵ đều bị tội”. Từ triều Nguyên đến triều Thanh đều duy trì quy định này trong hoạt động tố tụng. Trong quá trình tố tụng nếu quan lại có thẩm quyền thụ lý, truy bắt, xét xử, thi hành án mà có liên quan đến các đương sự trong vụ án (quan hệ thân thuộc, hôn nhân, thầy trò, đồng liêu...) đều phải tiến hành hồi tỵ.
Đối với một số chức vụ phụ trách các công việc có liên quan đến “mạch máu kinh tế” của đất nước như tài chính, thu thuế..., thời Minh Thanh đưa ra các quy định về hồi tỵ với các chức quan tương ứng. Nhà Minh quy định, quan lại Bộ Hộ phụ trách thu ngân sách nhà nước không được do người Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây đảm nhận, bởi vì nguồn thuế từ các khu vực trên là nguồn ngân sách chủ yếu của đất nước, nếu để người có quê quán tại đó đảm nhận thì có thể sẽ dẫn đến việc cấu kết với các thế lực bản địa, tham ô quốc khố.
Nhà Thanh quy định, người từng làm nghề buôn muối hoặc có người thân như ông cháu, cha con, chú bác, anh em làm nghề buôn muối, thì đều không được đảm nhận chức vụ quản lý nghề muối của Bộ Hộ, để tránh việc lợi dụng chức quyền mưu lợi riêng. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ đối với việc áp dụng hồi tỵ. Đối với những quan lại ở Thái y viện hoặc Chiêm Sự phủ, do tính chất công việc của những chức quan ngày đơn thuần là về chuyên môn, bên cạnh còn đòi hỏi tính “gia truyền, nên đều được các triều đại quy định không cần phải hồi tỵ
Tóm lại, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã có những nhận thức tương đối sâu sắc đối với một số công việc dễ bị ảnh hưởng bởi quan hệ cá nhân của những người thực thi công vụ, thể hiện qua việc ban hành những quy định hồi tỵ về chức vụ tương đối cụ thể.
4. Hồi tỵ trong khoa cử:
Nhìn chung, trước thời Tùy – Đường, chế độ hồi tỵ trong tuyển chọn quan lại chưa được các vương triều thực sự chú trọng, về cơ bản vẫn theo thời Tần Hán là thế tập, đó là việc trực tiếp thông qua quan hệ huyết thống của gia tộc mà được đảm nhiệm các chức vụ trong triều đình. Cấp bậc của quan lại cũng được xác định dựa vào địa vị của gia tộc và quan hệ thân thuộc về huyết thống, gọi là “môn giáng”. Việc tuyển chọn quan lại cũng có thể thông qua phương thức tiến cử bắt đầu từ thời Tây Hán (202 TCN). Những sĩ tử có tài đức được quan viên tiến cử, trải qua khảo sát mà xác định vị trí trong quan trường. Dưới các thời Ngụy (220–265), Tấn (266–420), Nam Bắc triều (420–589) thực hiện chế độ “cửu phẩm trung chính”, trực tiếp lấy thế gia làm căn cứ chủ yếu để tuyển chọn quan lại (Thượng phẩm vô hàn môn, hạ phẩm vô quy tộc).
Về sau này, từ thời Nhà Tùy, chế độ khoa cử mới được sáng lập và trở thành một phương thức tuyển chọn quan lại được các vương triều sử dụng ngày càng phổ biến. Chế độ hồi tỵ trong khoa cử cũng theo đó hình thành và ngày càng thành thục cùng với quá trình phát triển của thiết chế trung ương tập quyền. Chế độ này bắt đầu từ thời Tùy Dạng Đế (604–618), đến thời Đường chính thức quy định thành văn bản và đến thời Minh, Thanh phát triển trở nên tương đối chặt chẽ. Thời Nhà Tống quy định những thí sinh có quan hệ quê quán, thân thích, thầy trò, bạn bè với quan chủ khảo phải thực hiện hồi tỵ, ngoài hồi tỵ, triều đình còn phái Khảo quan khác, thay đổi địa điểm thi.
Thời Đường Huyền Tông (712–756), việc khoa cử vốn giao cho Khảo công ty thuộc Bộ Lại chủ trì, nhưng sau đó để đảm bảo khách quan hơn đã chuyển cho Thị lang của Bộ Lễ chủ trì. Đồng thời cũng quy định nếu như có người thân của Lễ bộ Thị lang tham gia khoa cử thì việc chủ trì khoa cử lại chuyển về cho Khảo công ty thuộc Bộ Lại. Cơ chế này thường được gọi là “biệt đầu thí” hoặc “biệt đầu cử”, là chế độ hồi tỵ về thân thuộc trong khoa cử đầu tiên. Đến thời Nhà Tống, bất kể là cuộc thi cấp tỉnh hay hương, phủ, châu đều áp dụng cơ chế “biệt đầu thú”.
Thời Tống thi hành chế độ Tòa viện khiến việc thi cử ngày càng chặt chẽ. Chế độ này quy định, trước khi kỳ thi diễn ra một thời gian sẽ đưa quan chủ khảo vừa được nhậm chức đến ở Công viên, cho đến khi các sĩ tử nộp quyển ở trường thi xong mới có thể ra khỏi Cống viện. Đến thời Minh (1368–1644), chế độ này được tăng cường hơn nữa khi quy định: “Những người trong tổn thất không được làm quan, không được tham gia khoa cử, chỉ dựa vào tước vị mà hưởng lộc”. Thời Thanh (1636–1912), hồi tỵ trong khoa cử thực hiện vô cùng nghiêm ngặt, không chỉ phải hồi tỵ với khảo quan mà còn hồi tỵ với những quan lại làm việc ở trường thi.
Về việc hồi tỵ với Khảo quan cơ bản được quy định giống với hồi tỵ về quê quán, trú quán và thân thuộc. Triều Thanh quy định hồi tỵ với quan viên làm việc ở trường thị là nếu những quan viên này có người thân tham gia thi cử thì không được tham gia làm việc và phải tự khai báo, không được giấu giếm.
Áp dụng chế độ hồi tỵ trong khoa cử đã góp phần giúp triều đình phong kiến lựa chọn được những quan chức tài năng, bảo đảm sự công bằng trong khoa cử và giảm bớt sự uy hiếp của các gia tộc nắm giữ quyền lực chính trị với hoàng quyền.
5. Ý nghĩa của chế độ hồi tỵ ở Trung Quốc thời phong kiến:
Chế độ hồi tỵ trong quan chế Trung Quốc thời phong kiến chủ yếu để nhằm phục vụ cho chế độ quân chủ chuyên chế, chế độ phong kiến chuyên chế này tuy trải qua nhiều thăng trầm, nhưng vẫn có thể duy trì sự thống trị hơn 2000 năm tại Trung Quốc, nguyên nhân của điều này có một phần đóng góp của chế độ hồi tỵ trong quan chế khi khiến cho các triều đại tự ràng buộc và chỉnh đốn chính mình,
Thứ nhất, chế độ hồi tỵ giúp cho quan lại trong sạch, giảm thiểu các hành vi tham nhũng và ổn định chính quyền. Các vương triều phong kiến Trung Quốc về cơ bản mà nói, được thành lập trên cơ sở sự cướp đoạt kinh tế và áp bức chính trị đối với đông đảo người dân lao động, tuy rằng nó không thể xóa bỏ triệt để hiện tượng tham nhũng, xoay chuyển cục diện đối lập giữa quan lại và dân chúng, nhưng nếu xuất phát từ lợi ích lâu dài là ổn định chính quyền, bảo đảm trật tự xã hội của các vương triều phong kiến, thì việc thực hiện chế độ hồi tỵ trong quan chế một cách bắt buộc, sẽ giúp kìm hãm sự xuống dốc của quan lại, làm chậm quá trình hủ bại, ngăn việc quan lại rơi vào trong các mối quan hệ xã hội hoặc nhóm lợi ích theo địa vực không phù hợp với yêu cầu chức trách nhiệm vụ. Do vậy, chế độ hồi tỵ mang ý nghĩa tích cực ở một mức độ nhất định.
Thứ hai, phát huy vai trò tích cực đối với việc thực hiện chức năng hành chính của nhà nước phong kiến, giữ gìn kỷ cương của vương triều phong kiến, bảo đảm cho bộ máy thống trị được vận hành bình thường. Các vương triều phong kiến tại Trung Quốc từ sau thời Tần – Hán về tổng thể mà nói, đã phá vỡ
kết cấu hành chính, chính trị dựa trên nền tảng các mối quan hệ huyết thống từ thời kỳ Tân Tần, thiết lập cơ chế tuyển chọn nhân sự tương đối tiên tiến. Trong một xã hội Trung Quốc cổ đại coi trọng tình cảm tông tộc, huyết thống, bất kỳ một mối quan hệ thân thuộc nào tồn tại trong hoạt động công vụ cũng sẽ quấy nhiễu và cản trở sự vận hành bình thường của bộ máy thống trị. Việc thực hiện chế độ hồi tỵ, chắc chắn giúp khắc phục tình trạng trên, giảm thiểu các một số tổn hại đối với bộ máy thống trị phong kiến.
Thứ ba, ngăn chặn quan lại kéo bè kết phái mưu lợi riêng, kiềm chế các thế lực địa phương. Sau thời Tần Hán, Trung Quốc thiết lập chính thể trung ương tập quyền theo mô hình chuyên chế, với hoàng quyền ở vị trí cao nhất, đến thần thánh cũng không thể xâm phạm. Tuy nhiên, do xã hội Trung Quốc là một xã hội chính trị quan liêu với nền tảng là kinh tế địa phương, cho nên tập quyền và phân quyền, quân quyền và thần quyền, mâu thuẫn và đấu tranh giữa trung ương và địa phương luôn luôn tồn tại, mức độ phát triển mỗi lúc mỗi khác, có lúc thậm chí vô cùng gay gắt.
Vì vậy, để tăng cường và củng cố tập quyền trung ương, bắt buộc phải áp dụng các biện pháp để kiềm chế các thế lực cát cứ địa phương, ngăn chặn kết bè kéo phái mưu lợi riêng, tranh quyền đoạt vị. Việc thực hiện chế độ hồi tỵ trong quan chế, là lấy pháp luật để cưỡng chế quan viên phải né tránh tịch quán, thân thuộc, từ đó ngăn chặn hiệu quả quan lại cấu kết mưu lợi, bành trướng thế lực tại địa phương.
Nhìn chung, chế độ hồi tỵ tại Trung Quốc có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, trở thành một trong những nhân tố tích cực góp phần ổn định chính trị trong nước. Chế độ hồi tỵ xuất phát từ nhu cầu thực tế trong việc quản lý hành chính nhân sự, và cũng được từng bước hoàn thiện dựa trên nhu cầu về quản lý hành chính nhân sự. Trong khoảng 2000 năm từ giữa thời Hán Vũ Đế cho đến cuối thời Nhà Thanh, chế độ hồi tỵ có vai trò tích cực trong việc chỉnh đốn quản lý quan lại, phòng ngừa và hạn chế quan lại lợi dụng quan hệ thân thuộc để kéo bè kết phái, cấu kết lẫn nhau, vì lợi ích riêng mà làm việc phi pháp, gây rối loạn kỷ cương; đồng thời có vai trò quan trọng trong việc giúp cho quan lại ở các cấp thoát khỏi sự ràng buộc của quan hệ gia tộc và quan hệ “dây lưng buộc váy”, từ đó vô tư thực hiện công việc, hoàn thành chức trách quản lý hành chính mà không có trở ngại.
Ngoài ra, chế độ hồi tỵ còn mang tính khoa học nhất định, là một trong những tinh hoa về quy chế quy định của chế độ quan lại Trung Quốc cổ đại, sớm đã được nhiều nước trên thế giới học hỏi. Đối với Trung Quốc, nước này đã nghiên cứu và tổng kết sự hình thành và phát triển của chế độ hồi tỵ thời phong kiến, kế thừa và tiếp thu phần nào những kinh nghiệm và cách làm trong đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đảng và chính quyền “mang đặc sắc Trung Quốc”.