Việc phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế của cơ quan thuế. Việc này giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào những trường hợp có nguy cơ vi phạm pháp luật thuế cao, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế và đảm bảo công bằng trong thu thuế.
Mục lục bài viết
1. Phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp?
Theo Tổng cục Thuế, kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với các mức xếp hạng rủi ro phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế hoặc ứng dụng quản lý rủi ro. Việc cập nhật này phục vụ cho việc hoàn thiện và thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế trong kỳ tiếp theo.
Cụ thể, đối với người nộp thuế là doanh nghiệp được phân loại mức độ rủi ro theo 5 thứ hạng sau:
+ Hạng 1 là người nộp thuế rủi ro rất thấp;
+ Hạng 2 là người nộp thuế rủi ro thấp;
+ Hạng 3 là người nộp thuế rủi ro trung bình;
+ Hạng 4 là người nộp thuế rủi ro cao;
+ Hạng 5 là người nộp thuế rủi ro rất cao.
Trong đó, mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp được phân loại dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế theo các mức:
+ Mức 1: Tuân thủ cao;
+ Mức 2: Tuân thủ trung bình;
+ Mức 3: Tuân thủ thấp;
+ Mức 4: Không tuân thủ.
Đồng thời, mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp còn được phân loại dựa trên 97 tiêu chí được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC như: Chi phí doanh nghiệp; lợi nhuận doanh nghiệp; khả năng thanh toán cuat doanh nghiệp…
Theo Tổng cục Thuế, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện theo phương thức tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC do Bộ Tài Chính ban hành.
Căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, thông tin có trên các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro khác được cung cấp tại thời điểm ra quyết định, cơ quan thuế sẽ thực hiện quyết định:
– Đầu tiên là Kiểm tra, thanh tra, giám sát:
+ Đối với mức độ rủi ro cao: Kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên, đột xuất.
+ Đối với mức độ rủi ro trung bình: Kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ.
+ Đối với mức độ rủi ro thấp: Kiểm tra, thanh tra, giám sát theo kế hoạch.
– Từ việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, cơ quan Thuế sẽ tiến hành ap dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp như là:
+ Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế.
+ Hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế.
+ Kiểm tra, rà soát hồ sơ, sổ sách kế toán, chứng từ thuế.
+ Yêu cầu kê khai, thanh toán thuế bổ sung.
+ Áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
+ Khởi tố hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế nghiêm trọng.
Đồng thời xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro.
Ngoài ra, tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Tuy nhiên, trong trường hợp ứng dụng quản lý rủi ro gặp sự cố hoặc chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định, việc quản lý rủi ro sẽ được thực hiện thủ công. Phương pháp thủ công bao gồm việc phê duyệt văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, trong trường hợp có sự thay đổi về thông tin dẫn đến sự thay đổi kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế. Nhưng ứng dụng quản lý rủi ro chưa tự động điều chỉnh mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro thì việc cập nhật thay đổi kết quả đánh giá được thực hiện thủ công bởi công chức, sau khi có phê duyệt của người có thẩm quyền.
Như vậy, việc áp dụng quản lý rủi ro thủ công được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Hệ thống quản lý rủi ro gặp sự cố kỹ thuật.
+ Hệ thống quản lý rủi ro chưa được cập nhật đầy đủ thông tin.
+ Hệ thống quản lý rủi ro chưa được vận hành hiệu quả.
Việc áp dụng quản lý rủi ro thủ công nhằm đảm bảo việc quản lý thuế được thực hiện hiệu quả, kịp thời và chính xác. Tóm lại, việc phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp là một công việc quan trọng, giúp cơ quan thuế xác định mức độ tuân thủ pháp luật thuế của doanh nghiệp, từ đó áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp.
2. Phương pháp phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế trong quản lý thuế:
Theo Điều 5 Thông tư 31/2021/TT-BTC, mức độ rủi ro của người nộp thuế được xác định dựa trên một hoặc kết hợp các phương pháp sau:
2.1. Phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm:
Phương pháp này sử dụng một bộ tiêu chí để đánh giá mức độ rủi ro của người nộp thuế. Mỗi tiêu chí được gán một số điểm nhất định. Và tổng điểm của người nộp thuế sẽ được sử dụng để phân loại mức độ rủi ro.
2.2. Phương pháp học máy:
Phương pháp này sử dụng các thuật toán học máy để phân tích dữ liệu và dự đoán mức độ rủi ro của người nộp thuế. Phương pháp này có thể sử dụng nhiều loại dữ liệu khác nhau, bao gồm dữ liệu về lịch sử tuân thủ pháp luật thuế, tình hình tài chính, ngành nghề kinh doanh, v.v.
2.3. Phương pháp xếp hạng theo danh mục:
Phương pháp này sử dụng danh sách các doanh nghiệp được xếp hạng theo mức độ rủi ro. Danh sách này có thể được xây dựng dựa trên các tiêu chí như:
+ Lịch sử tuân thủ pháp luật thuế;
+ Tình hình tài chính;
+ Ngành nghề kinh doanh;
+ Mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh.
Như vậy, Cơ quan thuế sẽ sử dụng các phương pháp phù hợp để phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế một cách chính xác và hiệu quả.
3. Nguyên nhân gây ra rủi ro về thuế:
Rủi ro về thuế có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm:
3.1. Thiếu kiến thức và kinh nghiệm:
Người nộp thuế có thể không hiểu rõ các quy định về thuế, dẫn đến việc khai thuế sai sót hoặc không đầy đủ. Nhân viên kế toán thuế có thể không có đủ trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm để thực hiện các công việc liên quan đến thuế một cách chính xác.
3.2. Hệ thống quản lý thuế chưa hoàn thiện:
Các quy định về thuế có thể phức tạp và khó hiểu, dẫn đến việc người nộp thuế khó khăn trong việc tuân thủ. Đồng thời, hệ thống quản lý thuế có thể chưa hiệu quả, dẫn đến việc rủi ro về thuế không được kiểm soát chặt chẽ.
3.3. Ý thức tuân thủ pháp luật thuế thấp:
Một số người nộp thuế có thể cố tình gian lận thuế để trốn tránh nghĩa vụ thuế. Một số người nộp thuế có thể không có ý thức tuân thủ pháp luật thuế do thiếu thông tin hoặc do chủ quan.
Các loại rủi ro thuế phổ biến
Bị tính thuế nhiều hơn mức phải nộp: Đa phần liên quan đến việc doanh nghiệp không đáp ứng những điều kiện hay các yêu cầu của cơ quan thuế. Ví dụ, doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về thuế hoặc buộc phải chấp nhận trước thực tế công việc kinh doanh của mình
Bị xử phạt: Trong trường hợp doanh nghiệp hiểu sai hay làm sai các quy định của luật về thuế thì có nguy bị xử phạt khá cao. Điều này có thể xảy ra tại bất cứ khi nào, đối với công ty nào.
Bị ấn định thuế: Đây là trường hợp thay vì được chủ động kê khai nộp thuế thì doanh nghiệp phải nộp số thuế nhất định theo quy định của Cơ quan thuế. Các trường hợp doanh nghiệp bị ấn định thuế được quy định tại Luật Quản lý thuế 2019.
Để giảm thiểu rủi ro về thuế, cần thực hiện các biện pháp sau:
+ Nâng cao kiến thức và kinh nghiệm về thuế cho người nộp thuế và cán bộ thuế.
+ Hoàn thiện hệ thống quản lý thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thuế.
+ Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về pháp luật thuế.
+ Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật thuế.
Việc giảm thiểu rủi ro về thuế có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Quản lý thuế 2019;
Thông tư 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
THAM KHẢO THÊM: