Trong trồng trọt vai trò của phân bón rất quan trọng cho năng suất và sự phát triển của cây theo đó hiện nay nhu cầu sử dụng phân bón cho cây ngày càng lớn, phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Phân bón là gì?
Căn cứ theo khoản 20 điều 2 Luật trồng trọt 2018 giải thích về khái niệm phân bón như sau:
20. Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng.
Hay hiểu theo cách khác thì phân bón là những chất, hợp chất có chứa một hoặc nhiều nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng, nhằm thúc đẩy sự phát triển, sinh trưởng của cây trồng, cung cấp dinh dưỡng cho đất, có thể làm thay đổi chất đất phù hợp với nhu cầu của loại cây trồng. Căn cứ vào nguồn gốc tạo thành, phân bón được chia làm 2 loại chính: phân bón hữu cơ, phân bón vô cơ.
– Phân bón hữu cơ: là loại phân bón có nguồn gốc từ các chất hữu cơ, vi sinh vật, động vật, thực vật …Trong phân bón hữu cơ lại bao gồm các loại phân bón khác nhau: phân hữu cơ truyền thống, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học.
– Phân bón vô cơ: là loại phân bón có nguồn gốc từ các chất khoáng, vô cơ tự nhiên hoặc sản phẩm hóa học. Trong phân bón vô cơ có các nhiều loại phân khác nhau: phân đơn, phân phức hợp, phân hỗn hợp.
Ngoài ra có thể phân loại phân bón theo nhiều loại khác nhau: theo cách bón (phân bón rễ và phân bón lá), theo nguồn gốc và cách chế biến ( phân công nghiệp, phân, phân vi sinh, phân tự nhiên…), theo trạng thái vật lý ( phân bón dạng lỏng, dạng rắn), dựa theo thành phần phân bón ( phân đơn, phân hỗ hợp), theo nguyên tố dinh dưỡng ( phân đa lượng, phân trung lượng, phân vi lượng).
Có nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng phát triển, năng suất, chất lượng cây trồng: khí hậu, đất, giống, nước, sâu bệnh, môi trường, phân bón… trong số đó phân bón đóng vai trò hết sức quan trọng.
Từ ngàn xưa ông cha ta đã đúc kết “ Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” hay “ Người đẹp vì lụa lúa tốt vì phân” để thấy được vai trò quan trọng của phân bón trong canh tác nông nghiệp và sự phát triển cân đối, ổn định của cây trồng.
Phân bón cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. trong tất cả các loại phân bón vô cơ, hữu cơ đều cố đầy đủ N,P,K các nguyên tố trung lượng ( ca, Mg, S), các nguyên tố vi lượng ( Fe, Cu, Mh, B, Mo…) cần thiết cho nhu cầu sinh trưởng của cây.
Nếu bón phân cân đối, hợp lý thì sẽ giúp năng suất của cây tăng cao, phát triển vượt trội không có hiện tượng mất mùa, hạn chế sâu bệnh hại, nâng cao chất lượng nông sản. Nhưng nếu bón phân không hợp lý thì cây sẽ phát triển không cân đối, cho năng suất thấp, chất lượng nông sản kém, sâu bệnh hại nhiều.
Chẳng hạn như đạm (N) là chất không thể thiếu trong quá trình phát triển của cây trồng, đạm làm tăng hàm lượng protein trong cây, ngoài ra là thành phần chủ yếu của các chất hữu cơ: axit nucleic, diệp lục tố.. Cây trồng cần đạm trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, mỗi loại cây đều cần một lượng đạm khác nhau.
Tùy giai đoạn sinh trường, phát triển mà nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau. Đối với mỗi loại cây trồng thì yêu cầu lượng đạm khác nhau. Chẳng hạn ở giai đoạn đầu sinh trưởng cây cần đạm để phát triển rễ, thân lá.
Ở giai đoạn sau cây cần đạm để tạo nên các chất tích lũy trong quả, hạt. Ở trong giai đoạn cây kiến thiết hoặc kinh doanh, cây lâu năm sau mỗi vụ thu hoạch cần phục hồi thân, lá nên nhu cầu về đạm là rất cao.
Lân (P) giữ vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi năng lượng và tổng hợp chất protein, axit nucleic, nhiễm sắc thể….Lân (P) cần cho sự phân chia tế bào, phát triển của mô phân sinh, kích thích rễ, quả phát triển, sự hình thành mầm hoa, quyết định chất lượng hạt giống… Lân (P) giúp tăng khả năng chống chịu các điều kiện: rét, hạn hán, sâu bệnh.
Ở trong thời kỳ cây con cây rất mẫn cảm với lân, nếu thiếu lân ở giai đoạn này sẽ khiến cây phát triển không cân đối về sau, cho dù sau này có bổ sung lân cho cây cũng không thể khắc phục được, chính vì thế cần cung cấp lân cho cây ngay ở giai đoạn đầu bằng bón lót và bón thúc để đảm bảo sự phát triển cân bằng của cây trồng.
Kaili (K) là nguyên tố đa lượng được cây sử dụng nhiều nhầt. Kali tham gia tích cực vào quy trình quang hợp, tổng hợp các chất hydrat cacbon và gluxit của cây, vận chuyển và tích lũy sản phẩm quang hợp từ lá về các cơ quan dự trữ. Kali có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp đạm, tăng cường khả năng chống chịu của cây với các kiều kiện bất lợi: hạn hán, úng nước, nóng, lạnh, tăng sức đề kháng của cây trước sâu bệnh hại.
Phân bón tiếng Anh là “fertilizer“.
2. Điều kiện công nhận phân bón lưu hành:
Căn cư theo quy định tại điều 36. Yêu cầu về công nhận phân bón lưu hành, phân loại phân bón Luật trồng trọt 2018 quy định cụ thể như sau:
1. Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm và được gia hạn.
3. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.
4. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.
Như vậy ta thấy pháp luật quy định rất cụ thể đối với các loại phân bón được lưu hành phải có đầy đủ các tiêu chí và thực hiện theo quy định của pháp luật. Quyết định công nhận lưu hành là căn cứ quan trọng để duy trì kiểm soát chất lượng, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc. Trong quyết định công nhận phân bón lưu hành, ngoài thông tin về chỉ tiêu chất lượng còn có thông tin bắt buộc thể hiện trên nhãn (loại phân bón, tên phân bón, phương thức sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng, mã số phân bón) để người sử dụng nhận biết được nguồn gốc, đặc tính, công dụng và sử dụng đúng cách, hiệu quả.
Trước đây, tại thời điểm các tổ chức, cá nhân có phân bón khi sản xuất, đưa phân bón vào lưu thông chưa có tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về phương pháp thử và các tổ chức, cá nhân có phân bón cũng không thực hiện công bố tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về phương pháp thử chỉ tiêu đó. Phân bón thuộc trường hợp nêu trên có thể thực hiện công bố hợp quy để đưa vào lưu thông dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài được thừa nhận theo quy định của pháp luật (đối với phân bón nhập khẩu) hoặc tổ chức có phân bón công bố TCCS về phương pháp thử đang áp dụng và gửi về Cục Bảo vệ thực vật để xem xét, chỉ định các tổ chức chứng nhận có đủ năng lực thực hiện.
3. Thủ tục công nhận phân bón lưu hành:
3.1. Hồ sơ gồm có:
+ Đơn đề nghị công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP.
+ Bản thông tin chung về phân bón do nhà sản xuất cung cấp bao gồm: loại phân bón, chỉ tiêu chất lượng chính, hàm lượng yếu tố hạn chế trong phân bón, công dụng, hướng dẫn sử dụng, thông tin chung về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.
+ Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo quy định
+ Hoặc kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và có quyết định công nhận là tiến bộ kỹ thuật
+ Mẫu nhãn phân bón theo đúng quy định
3.2. Trình tự thực hiện:
Bước 1: Nộp hồ sơ.
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Cục Bảo vệ thực vật.
Bước 2: Kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ.
Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc. Nếu hồ sơ không hợp lệ phải
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và thông báo kết quả.
Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ và công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam nếu hồ sơ đáp ứng các quy định về phân bón; trường hợp không ban hành Quyết định công nhận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời gian giải quyết: 03 tháng kể từ ngày Cục bảo vệ thực vật nhận đủ hồ sơ hợp lệ.