Phân biệt tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với một số tội phạm khác theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015: tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản,...
Mục lục bài viết
- 1 1. Phân biệt tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp:
- 2 2. Phân biệt tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng:
- 3 3. Phân biệt tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản:
1. Phân biệt tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp:
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, chức, doanh nghiệp được quy định tại Điều 179 BLHS 2015 như sau:
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Để phân biệt được hai tội này, tác giả dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm của từng tội.
– Về khách thể:
+ Khách thể của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
+ Khách thể của Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quyền sở hữu tài sản của con người của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
– Về chủ thể: Mặc dù chủ thể ở cả hai tội đều là chủ thể đặc biệt, nhưng tính chất của mỗi chủ thể lại khác nhau.
+ Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
+ Còn chủ thể của Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải là những người trực tiếp được giao nhiệm vụ quản lý tài sản đó.
– Về mặt khách quan:
+ Hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tài sản bị thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra không phải là tài sản do người phạm tội đang trực tiếp được giao quản lý.
Còn hậu quả của Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là làm mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
+ Mối quan hệ nhân quả:
Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì hành vi thiếu trách nhiệm là nguyên nhân gián tiếp gây nên hậu quả trên thực tiễn. Còn tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì hành vi thiếu trách nhiệm của chủ thể (người trực tiếp quản lý tài sản) là nguyên nhân trực tiếp gây nên hậu quả của tội phạm.
Thực tiễn xét xử cho thấy trong nhiều vụ án, nếu người phạm tội vì hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại về tài sản cho cơ quan, tổ chức mà tài sản đó do người phạm tội có trách nhiệm quản lý thì bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; còn trường hợp nếu người phạm tội gây ra thiệt hại về tài sản cho cơ quan, tổ chức mà tài sản đó không phải do mình quản lý thì bị xử phạt về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phân biệt tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng:
Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 308 BLHS 2015 như sau:
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Tương tự như ở trên, tác giả dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm để phân biệt hại loại tội này như sau:
– Về khách thể: khách thể của tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là trật tự, an toàn công cộng. Mà cụ thể ở đây là chế độ quản lý của Nhà nước về việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
– Về chủ thể: đối với tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì chủ thể của tội phạm là người được giao trực tiếp nắm giữ, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Họ có thể là người có chức vụ, quyền hạn hoặc có thể không có, ví dụ: vận động viên bắn súng được giao súng thể thao để luyện tập,…
– Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Nếu với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi thiếu trách nhiệm chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây ra thiệt hại thì ở tội này hành vi thiếu trách nhiệm của chủ thể là nguyên nhân trực tiếp gây nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
3. Phân biệt tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản:
Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được quy định tại Điều 180 BLHS 2015 như sau:
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được hiểu là hành vi của một người tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhưng cho rằng thiệt hại đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn để mặc cho sự việc xảy ra dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Tương tự như ở trên, tác giả dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm để phân biệt hai loại tội này như sau:
– Về khách thể: khách thể của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là quyền sở hữu tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.
– Về chủ thể: Đây là điểm khác biệt rõ ràng nhất để phân biệt giữa hai tội. Nếu ở tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn thì chủ thể của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản có thể là bất kì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Rõ ràng chủ thể của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản rộng hơn, có thể là bất kỳ đối tượng nào, còn chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chủ thể đặc biệt – là một nhóm đối tượng mang điểm đặc trưng để đảm bảo có đủ điều kiện thực hiện tội phạm.
– Về mặt khách quan:
+ Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì tính “thiếu trách nhiệm” trong hành vi là yếu tố tiên quyết được xem xét, đánh giá đầu tiên để định tội.
Còn ở tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thì hành vi được thể hiện tương đối đa dạng. Thông thường, người phạm tội vô ý gây thiệt hại đến tài sản đã vi phạm những thể lệ, những quy tắc sinh hoạt xã hội mà ai cũng biết và không xử sự như người phạm tội. Ví dụ: Trong khu vực trạm bán xăng, đã có biển báo cấm lửa, nhưng khi vào mua xăng, B vẫn hút thuốc lá, nhân viên bán xăng yêu cầu B tắt thuốc lá, thì B cầm điếu thuốc lá đang cháy dở ném đi, nhưng không may lại trúng vào bình xăng đang bơm xăng xe của anh C làm xe của anh C bốc cháy gây thiệt hại 60.000.000 đồng và gây bỏng nặng cho chị A có tỷ lệ thương tật 31%. Đối với hậu quả là thiệt hại 60.000.000 đồng thì hành vi của B đã cấu thành tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản quy định tại Điều 180 BLHS.
+ Cũng từ ví dụ trên có thể thấy điểm khác nhau về hậu quả của hai tội. Nếu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có hậu quả là gây thiệt hại về cả về sức khỏe, tính mạng và tài sản. Thì tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản chỉ có hậu quả là thiệt hại về tài sản, ngoài ra không còn thiệt hại nào khác. Do đó đối với ví dụ vừa nêu, đối với hậu quả là gây bỏng nặng cho chị A có tỷ lệ thương tật 31% đã cấu thành tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 138 BLHS.