Khái niệm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm tham nhũng khác.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
- 2 2. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm tham nhũng khác:
- 2.1 2.1. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội tham ô tài sản:
- 2.2 2.2. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
- 2.3 2.3. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ:
1. Khái niệm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
Trong khoa học pháp lý, tội phạm được định nghĩa là “hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý)”. BLHS Việt Nam năm 2015 cũng đưa ra định nghĩa về tội phạm như sau:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự [Điều 8, Khoản 1].
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã được quy định tại BLHS đầu tiên – BLHS năm 1985 tại Điều 156 trong Chương các tội xâm phạm sở hữu của công dân; đến BLHS năm 1999 và năm 2015, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được chuyển sang Chương các tội phạm về chức vụ và được xếp tại mục các tội phạm tham nhũng. Như vậy, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã có sự chuyển hóa từ một tội xâm phạm sở hữu của công dân sang tội phạm về chức vụ và được sắp xếp vào nhóm các tội phạm về tham nhũng.
Dưới góc độ nghiên cứu, đã có một số khái niệm về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được đưa ra như:
Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý thuộc
Có quan niệm cho rằng: “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi của người có chức vụ quyền hạn đã vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản của người khác”. Quan điểm này đã làm rõ được dấu hiệu về chủ thể và hành vi khách quan của tội phạm song chưa chỉ rõ được hình thức về lỗi của người phạm tội cũng như khách thể của tội phạm.
BLHS năm 2015 mô tả tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau: “Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” [Điều 355, Khoản 1].
Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ đã hướng dẫn hành vi khách quan “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là “sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện” [Điều 3, khoản 5].
Như vậy, dựa trên khái niệm tội phạm chung tại Điều 8 BLHS và các dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có thể xây dựng khái niệm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện để chiếm đoạt tài sản của người khác, xâm phạm đến quan hệ sở hữu được luật hình sự bảo vệ và hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội.
2. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm tham nhũng khác:
Để có thể nhận thức chính xác các dấu hiệu pháp lý về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tránh tình trạng định tội danh sai hoặc không chính xác cần thiết phải phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm tham nhũng khác được quy định trong Phần các tội phạm BLHS năm 2015 có nhiều điểm tương đồng như: tội tham ô tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
2.1. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội tham ô tài sản:
Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 BLHS và cũng là một tội được sắp xếp trong nhóm các tội phạm tham nhũng trong Chương các tội phạm về chức vụ. Điều 353 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm…” [Điều 353, Khoản 1].
Giữa tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có nhiều dấu hiệu của tội phạm giống nhau thể hiện trong cả bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể: cả hai tội đều có chung khách thể trực tiếp là quan hệ sở hữu, khách thể loại là hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức; đối tượng tác động của tội phạm đều là tài sản; hành vi khách quan của hai tội đều là hành vi chiếm đoạt tài sản; chủ thể đều là người có chức vụ, quyền hạn; lỗi trong mặt chủ quan của hai tội đều là lỗi cố ý trực tiếp.
Tuy nhiên, giữa tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội tham ô có những điểm khác nhau sau đây:
Thứ nhất, hành vi khách quan của hai tội tuy đều là hành vi chiếm đoạt nhưng thủ đoạn thực hiện hành vi khách quan là khác nhau. Điều 353 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý…”. Như vậy, thủ đoạn phạm tội của tội tham ô tài sản là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản đã chiếm đoạt tài sản của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức; thủ đoạn phạm tội trong tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là thực hiện hành vi vượt quá phạm vi và giới hạn quyền hạn, nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt tài sản người khác.
Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội tham ô tài sản chính là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu thành tài sản của mình hoặc của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác. Hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, có trường hợp người phạm tội tự chuyển dịch tài sản như: Thủ quỹ tự lấy tiền trong két, thủ kho tự lấy tài sản trong kho đem bán… Cũng có trường hợp việc chuyển dịch lại do người khác thực hiện theo lệnh của người phạm tội như: Giám đốc lệnh cho thủ quỹ đưa tiền cho mình; kế toán lập
Thứ hai, đối tượng tác động của cả hai tội đều là tài sản bị chiếm đoạt nhưng trong tội tham ô tài sản giữa người phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt có mối quan hệ nhất định, người phạm tội trực tiếp hoặc gián tiếp có trách nhiệm quản lý tài sản.
Ví dụ: Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, lợi dụng chức vụ, quyền hạn bị cáo Nguyễn Viết T là Hiệu trưởng – Chủ tài khoản, bị cáo Vũ Thanh L là Kế toán và bị cáo Lê Văn C là Thủ quỹ của Trường THPTM đã nhiều lần lập khống các chứng từ như: chi hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; tiền thuê trông coi đường nước sinh hoạt; tiền mua sắm trang thiết bị và tiền thanh toán công tác phí từ nguồn chi thường xuyên thuộc Ngân sách nhà nước cấp cho trường THPTM, chiếm đoạt tổng số tiền 276.321.159 đồng.
Như vậy, trong vụ án này, hành vi của 3 bị cáo là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản do mình được phân công quản lý. Hành vi này cấu thành hành vi khách quan của tội “tham ô tài sản”. Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên các bị cáo phạm tội “tham ô tài sản” và áp dụng tình tiết tăng nặng định khung quy định tại các điểm c, d, đ khoản 2 Điều 353 BLHS.
2.2. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 BLHS: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” [Điều 356, khoản 1].
Giữa tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có các đặc điểm chung sau: hai tội phạm này đều xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; đều là tội phạm cấu thành vật chất, giá trị tài sản là dấu hiệu định tội đối với hai loại tội phạm này; chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn; lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp; động cơ của cả hai tội đều là dấu hiệu bắt buộc, đó là động cơ vụ lợi.
Điểm khác biệt cơ bản giữa tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn là các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm. Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP đã hướng dẫn cách xác định hành vi khách quan của hai tội này như sau:
– “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 355 của BLHS là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.
Ví dụ: Nguyễn Văn A là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. A chi được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội, không được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai nhưng A vẫn ra quyết định thu hồi đất của Công ty X để giao cho Công ty Y (là Công ty của gia đình A). Trường hợp này hành vi của A đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ được giao.
– “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 356 của BLHS là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ: Từ năm 2002 đến năm 2006, Đinh Thiên T là Chấp hành viên đội Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Phú Yên, được phân công thi hành Quyết định số 01/DSST ngày 04/01/2001 của Tòa án nhân dân thị xã T (nay là thành phố T) buộc Nguyễn Đức T trả nợ vay Chi nhánh Ngân hàng XX thị xã T số tiền 12.535.600 đồng (cả gốc, lãi, lãi phạt). Trong quá trình tổ chức thi hành án đã có những sai phạm vì động cơ vụ lợi sau: Ngày 10/3/2003 Đinh Thiên T lập khống biên bản xác minh tài sản của ông T gồm: 01 ngôi nhà cấp 4 diện tích 05m x 12m, 01 bộ bàn ghế Salon, 01 chiếc xe BKS 78F5-4977. Sau đó Đinh Thiên T đi gặp và xin chữ ký của các ông Đoàn Tấn T – Phó Chủ tịch UBND xã, Ngô Quang C – Công an viên, Trần Thanh N – Cán bộ tư pháp xã và bà Nguyễn Thị Anh T (con dâu ông T) với tư cách là thành viên tham gia xác minh tài sản để hợp thức hóa hồ sơ.
Ngày 03/7/2003, Đinh Thiên T ký Quyết định số: 07/THA cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản của ông T. Ngày 30/7/2003, Đinh Thiên T chủ trì lập “Biên bản cưỡng chế kê Biên tài sản” và “Biên bản Hội đồng định giá tài sản” định giá nhà ở của ông T. Sau đó, Đinh Thiên T đã hợp thức hóa hồ sơ, dàn xếp bán đấu giá nhà đất của ông T, nhờ người quen đứng ra đấu giá để mua nhà hộ mình. Kết quả ông Trịnh Ngọc T là người mua được nhà của ông T với giá 35.000.000 đồng. Đinh Thiên T trực tiếp làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông T sang tên Trịnh Ngọc T nhưng không giao giấy chứng nhận này cho ông Tân mà Đinh Thiên T quản lý. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Trịnh Ngọc T, Đinh Thiên T lại dàn xếp bán ngôi nhà của ông T cho ông Đặng Thiên V với giá 125.500.000 đồng.
Như vậy, hành vi của T trong vụ án này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái quy định pháp luật, nhằm đạt được lợi ích vật chất.
Bên cạnh đó, một điểm khác biệt giữa hai tội này đó là động cơ vụ lợi của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao gồm lợi ích vật chất, tinh thần, mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được thông qua hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình; trong khi đó, động cơ của chủ thể tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn là vì lợi ích vật chất (chiếm đoạt tài sản).
2.3. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ:
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 357 BLHS: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cả nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm” [Điều 357, khoản 1].
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có nhiều điểm giống nhau sau: về khách thể, hai tội phạm này đều xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước; về chủ thể, chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn; về hành vi khách quan đều có chung hành vi lạm quyền – vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao; đều là tội phạm cấu thành vật chất, giá trị tài sản là dấu hiệu định tội đối với hai loại tội phạm này; lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Tuy nhiên, động cơ, mục đích của người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là vụ lợi, mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác, tổ chức, Nhà nước; trong khi đó, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ không có yếu tố chiếm đoạt tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác gây thiệt hại tài sản, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ví dụ: Đầu năm 2017, tại Thôn C2, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định, để có tiền hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông nông thôn, Trần Văn T với vai trò là Trưởng thôn đã cùng với Nguyễn Bá Th là Bí thư chi bộ thôn cho rằng, mảnh đất nông nghiệp 236m tại tờ bản đồ 11, thửa số 40 khu vực Bãi Trên thuộc quyền sử dụng của hộ ông Trần Công T là đất sử dụng vào mục đích công ích xã Mỹ Phúc, nên đã chuyển nhượng trái thẩm quyền cho anh Trần Văn P lấy số tiền 70.000.000 đồng, phân chia cho các nhóm ngõ trong thôn, trả công trông giữ đất cho vợ chồng anh Trần Công K và số tiền còn lại nộp vào nguồn quỹ của thôn. Kết quả đo đạc thực địa và định giá tài sản đã xác định thửa đất có diện tích 206,8m giá trị quyền sử dụng đất là 45.909.600 đồng. Cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Trần Văn T và bị cáo Nguyễn Bá Th về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 282 BLHS năm 1999.
Trong vụ án này có thể thấy các bị cáo mặc dù đã có hành vi vượt quá chức trách, thẩm quyền, song đều không có động cơ vụ lợi cá nhân. Số tiền thu được từ việc chuyển nhượng đất trái thẩm quyền đều được chia cho các hộ dân và sử dụng vào nguồn quỹ của thôn.