Tội giết người được quy định tại khoản 1 Điều 123, còn tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người quy định tại khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Vậy trong trường hợp hành vi của một người dẫn đến hậu quả chết người thì làm sao để biết họ phạm tội giết người hay phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người?
Mục lục bài viết
- 1 1. Phân biệt giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
- 2 2. Điểm khác nhau giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích:
- 3 3. Truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người hay tội cố ý gây thương tích:
- 4 4. Xác định là tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hay tội giết người:
- 5 5. Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người có được hưởng án treo?
- 6 6. Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người:
1. Phân biệt giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
Để phân biệt hai tội này, cần xem xét các dấu hiệu sau:
Lỗi của người thực hiện hành vi:
Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.
– Trong trường hợp phạm tội giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra. Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người có thể được biểu hiện theo một trong ba dạng sau:
+) Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm…
+) Trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra.
+) Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra người phạm tội cũng chấp nhận.
– Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.
Mục đích của người phạm tội:
Mục đích là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của người phạm tội, là kết quả mà người phạm tội mong muốn có được khi thực hiện hành vi của mình.
– Trong trường hợp người thực hiện hành vi có mục đích rõ ràng là tước đoạt tính mạng con người thì họ phạm tội giết người.
– Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi không có mục đích tước đoạt tính mạng của người khác mà chỉ có mục đích làm người khác bị thương, bị tổn hại về sức khỏe.
2. Điểm khác nhau giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích:
Theo quy định tại
Về mặt khách quan: Tội giết người theo quy định tại Điều 123 là hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác, tội cố ý gây thương tích Điều 134 là hành vi cố ý gây thương tích hoặc làm tổn hại sức khỏe của người khác.
Về mặt khách thể: Tội giết người xâm phạm đến tính mạng con người, còn tội cố ý gây thương tích xâm phạm đến sức khỏe của con người.
Về mặt chủ quan: Người phạm tội giết người có lỗi cố ý cả về hành vi hậu quả, nghĩa là người người phạm tội biết hành vi đó có thể dẫn đến cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn cố tình thực hiện để mong muốn hậu quả chết người xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra còn người phạm tội cố ý gây thương tích Điều 134 dẫn đến hậu quả chết người có lỗi cố ý đối với hành vi gây thương tích nhưng vô ý đối với hậu quả chết người, nghĩa là người phạm tội không mong muốn cái chết xảy ra đối với nạn nhân.
Về mặt hậu quả: Tội giết người không yêu cầu phải có hậu quả chết người xảy ra, chỉ cần thực hiện hành vi giết người thì tội phạm đã hoàn thành. Tại tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 là dấu hiệu định khung tăng nặng nên nó bắt buộc phải có.
Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử, việc xác định ý thức chủ quan của bị cáo là rất khó khăn trong trường hợp không xác định ý thức chủ quan của bị cáo là giết người. Những trường hợp này thì hậu quả đến đâu, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đến đấy.
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người hay tội cố ý gây thương tích:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi muốn hỏi vấn đề sau, người phạm tội dùng chích điện chích vào người nạn nhân ngã xuống rồi dùng dao tự chế đâm vào đùi trái nạn nhân 4 phát làm đứt động mạch chủ và gây tử vong, trong khi nạn nhân và người phạm tội không hề có xích mịch gì với nhau, bây giờ
Luật sư tư vấn:
Trong trường hợp này bạn có sự thắc mắc giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích. Để giải thích cho quyết định truy tố của cơ quan có thẩm quyền về tội cố ý gây thương tích trong trường hợp này cần xác định, phân biệt được giữa Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người .
Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích đều có một trong những trường hợp là dẫn đến hậu quả chết người, vì vậy trong trường hợp này, cần xác định các yếu tố về mục đích, lỗi và động cơ của người phạm tội để xác định đây là tội giết người hay tội cố ý gây thương tích theo quy định.
Thứ nhất, về lỗi: thái độ tâm lý bên trong của người phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.
+ Đối với Tội giết người : người thực hiện hành vi giết người luôn luôn có lỗi cố ý, là việc họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, gây nên hậu quả chết người và mong muốn nó xảy ra hoặc không mong muốn nhưng vẫn để mặc hậu quả xảy ra
+ Đối với Tội cố ý gây thương tích, dẫn đến hậu quả chết người: trong trường hợp này, người phạm tội có lỗi cố ý với hành vi gây thương tích nhưng lại có lỗi vô ý với hậu quả gây chết người nghĩa là là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể xảy ra chết người nhưng chắc chắn cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Vì vậy, người phạm tội chỉ cố ý thực hiện hành vi gây thương tích với mục đích gây thương tích, tổn hại sức khỏe nhưng vô ý dẫn đến chết người, hậu quả chết người do hành vi gây thương tích chứ không phải hành vi tước đoạt mạng sống của nạn nhân.
Thứ hai, Mục đích của người phạm tội: Mục đích là dấu hiệu quan trong để phân biệt giữa Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người hoặc Tội giết người, tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu khó phân biệt.
– Đối với Tội giết người: Người phạm tội có mục đích rõ ràng là tước đoạt tính mạng
– Đối với tội cố ý gây thương tích, dẫn đến hậu quả chết người: Người phạm tội chỉ có mục đích gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe nạn nhân
Đối chiếu những căn cứ trên vào trường hợp của bạn để lý giải tại sao người phạm tội gây nên hậu quả cái chết cho anh trai bạn lại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích thì có thể giải thích như sau: khi xem xét hồ sơ vụ án, căn cứ vào những tình tiết trong vụ án này, viện kiểm sát và tòa án nhận thấy rằng người phạm tội đối với anh trai bạn không có mục đích giết người, lỗi với cái chết của anh trai bạn chỉ là lỗi vô ý trong khi cố ý thực hiện hành vi gây thương tích, vì vậy nên đã truy tố nạn nhân về Tội cố ý gây thương tích.
Do thông tin bạn không nói cụ thể về sự việc nên không thể xác định được việc truy tố là đúng hay sai, nếu gia đình nạn nhân xét thấy việc truy tố là không đúng thì có thể trình bày ý kiến của mình trong phiên tòa xét xử, hoặc thực hiện kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm sau đó.
4. Xác định là tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hay tội giết người:
Tóm tắt câu hỏi:
Bạn tôi là Hiền, làm nghề chăn vịt. Bạn tôi và anh Hưng là hàng xóm của nhau và thường chăn vịt trên cùng một cánh đồng. Một lần bạn tôi tát nước tại một đoạn mương để lấy thức ăn cho vịt, khi nước cạn chưa kịp lùa vịt xuống thì Hưng đã cho đàn vịt của mình ào xuống ăn mồi. Thấy vậy Hiền đuổi đánh Hưng trên đồng. Do đồng ngập nước nên Hưng không chạy nhanh được và ngã sấp mặt trên bờ ruộng. Lúc này Hiền đuổi kịp và dùng dao đâm vào đùi Hưng làm đứt động mạch. Hưng đã được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do đường xa nên Hưng đã chết. Xin hỏi Bạn tôi sẽ bị bắt vì tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hay phạm tội giết người ạ?
Luật sư tư vấn:
Để xác định hành vi vi phạm trong trường hợp này cần căn cứ đến yếu tố lỗi và mục đích của Hiền.
Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.
Với tội giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra. Trong trường hợp người thực hiện hành vi có mục đích rõ ràng là tước đoạt tính mạng con người thì họ phạm tội giết người.
Trường hợp của Hiền là do bực tức cá nhân với Hưng mà đuổi đánh Hưng. Việc dùng dao đâm Hưng không phải do Hiền đã có kế hoạch từ trước mà do Hưng đã có hành vi khiến Hiền bực tức. Hiền dùng dao đâm vào đùi Hưng, nhưng chẳng may vào động mạch chủ và do đường đi tới bệnh viện xa nên Hưng đã chết. Có thể thấy Hưng chết là ngoài mong muốn của Hiền, và Hiền cũng không thể lường trước được Hưng sẽ chết do mất nhiều máu, tuy nhiên hậu quả chết người là do vết thương Hiền gây ra. Do đó Hiền sẽ bị truy cứu theo quy định tại khoản 4 Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
5. Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người có được hưởng án treo?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư! Cho em xin hỏi, bạn của em đang bị giam về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, bây giờ hai bên thỏa thuận, bên bị hại có thể rút đơn tố tụng và bãi nại cho và bền bù thêm số tiền hai bên thỏa thuận. Em xin hỏi, nếu trường hợp này xảy ra thì ở tù khoảng bao lâu và có khi nào được nhận án treo không? Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định Tội cố ý gây thương tích. Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp bạn của bạn, bạn của bạn đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác với hậu quả gây chết người; khung hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
Việc bên bị hại có đơn bãi nại, các bên tự thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại thì đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bạn của bạn, không phải bạn của bạn được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về việc hưởng án treo: Theo Điều 65 Bộ luật hình sự 2015, một trong những điều kiện để được hưởng án treo là bị phạt tù không quá 03 năm.
Trường hợp bạn của bạn cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, khung hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm do đó không đủ điều kiện để cho hưởng án treo.
6. Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người:
Tóm tắt câu hỏi:
Hai nhóm thanh niên: Một nhóm hai người, một nhóm 3 ba người, không quen biết, gặp nhau tại một quán ăn đêm. Vào khoảng 22h, 1 người trong nhóm 2 người cầm chén rượu sang mời nhóm 3 thanh niên, nhưng một người trong nhóm 3 người không nhận lời mời mà còn cự cãi, gây to tiếng. Người thanh niên còn lại trong nhóm 2 người xông vào đánh người không uống khiến anh này ngã đập đầu xuống thềm hè. Sáng hôm sau 2 thanh niên vẫn đi làm bình thường, nhưng đến 9h sáng thì nghe tin người bị ngã đêm qua đã chết, 2 thanh niên bị bắt. Xin hỏi luật sư 2 thanh niên có phải mắc tội vô ý giết người không?
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, người thanh niên trong nhóm hai người (tạm gọi là A) đã có hành vi xông vào đánh và xô ngã một người trong nhóm ba người thanh niên khác (tạm gọi là B) và sáng hôm sau thì được
Đối với hành vi của A, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích cho người khác theo quy định tại Khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Cấu thành tội cố ý gây thương tích như sau:
+ Khách thể: hành vi của A xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của B.
+ Chủ thể: A không mắc các bệnh dẫn đến mất hoặc hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự nên A phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho những hành vi của mình.
+ Mặt chủ quan: A thực hiện hành vi với lỗi cố ý, A ý thức được hành vi của mình có thể gây ra nguy hiểm cho người khác những vẫn thực hiện đến cùng, cụ thể là A chủ động xông vào đánh B và đã có hành vi xô B ngã. Mục đích mà A hướng tới chỉ là làm cho B bị thương, để B “sợ” và chấp nhận lời mời rượu của người bạn nhậu của A. Tuy nhiên, trên thực tế thì hành vi của A đã gây ra hậu quả là làm B chết, lỗi của A đối với cái chết của B là lỗi vô ý vì quá tự tin bởi A biết hành vi của mình là nguy hiểm nhưng không lường trước được và không mong muốn việc B chết.
+ Mặt khách quan: hành vi của A là hành vi cố ý gây thương tích bởi sự tác động của A lên B là không nhiều, ngoài việc đánh B, thì A còn đẩy B ngã. Có thể thấy, công cụ mà A sử dụng (tay không) cũng như cách thức mà A thực hiện hành vi (đánh rồi xô ngã) là hành vi cố ý gây thương tích, không phải hành vi có tính chất cướp đoạt mạng sống của người khác.
Kết luận
A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.