Quy định chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự. Thời điểm giao kết của hợp đồng theo quy định. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định. Phân biệt thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực hợp đồng.
Hợp đồng bản chất là sự thỏa thuận để thực hiện một việc hay một dịch vụ nào đó theo yêu cầu của các bên. Một trong vấn đề quan trọng của hợp đồng các bên thường xảy ra tranh chấp và gây nhầm lẫn đó là thời điểm giao kết hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Vậy phân biệt như thế nào đối với thời điểm giao kết hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự:
Hợp đồng về bản chất là căn cứ để phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự đối với các bên. Hợp đồng theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Hợp đồng có thể bao gồm đầy đủ các nội dung sau căn cứ theo Điều 398
– Đối tượng của hợp đồng.
– Giá, phương thức thanh toán.
– Số lượng, chất lượng.
– Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng.
– Quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
– Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.
– Các phương thức giải quyết tranh chấp…
Ngoài ra, có thể có những điều khoản khác theo thỏa thuận của các bên.
Hiện nay, có một số loại hợp đồng thông dụng trên thực tế được sử dụng như:
– Hợp đồng mua bán tài sản: là loại hợp đồng thỏa thuận giữa các bên, khi đó bên bán sẽ thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua có nghĩa vụ phải thanh toán tiền cho bên bán (quy định tại Khoản 1 Điều 430 Bộ luật dân sự năm 2015).
– Hợp đồng trao đổi tài sản: trong đó thể hiện sự thỏa thuận của các bên, một bên thực hiện việc giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau (quy định tại Khoản 1 Điều 455 Bộ luật dân sự năm 2015).
– Hợp đồng tặng cho tài sản: là hợp đồng có sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên tặng cho tài sản của mình cho người khác và chuyển quyền sở hữu cho bên kia (gọi là bên được tặng cho) mà không có yêu cầu đền bù và bên được tặng cho đồng ý nhận (theo quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự năm 2015).
– Hợp đồng vay tài sản: là sự thỏa thuận của các bên, khi đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản cho bên vay theo đúng số lượng, chất lượng và thanh toán lãi (nếu có) theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015.
– Hợp đồng thuê tài sản: là sự thỏa thuận giữa các bên có một bên gọi là bên cho thuê giao tài sản cho bên để sử dụng trong một thời gian và khi đó, bên thuê phải trả tiền thuê (quy định tại khoản 1 Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015).
– Hợp đồng mượn tài sản: là sự thỏa thuận của các bên, bên cho mượn tài sản sẽ giao tài sản đó cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải thực hiện việc trả tiền. Bên mượn tài sản phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản sau khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn tài sản đã đạt được mục đích (quy định tại Điều 494 Bộ luật dân sự năm 2015).
– Hợp đồng dịch vụ: là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện các công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả chi phí tiền tương ứng đối với các phần công việc tương ứng (quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015).
– Hợp đồng ủy quyền: là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc đại diện cho bên ủy quyền và bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015).
– Hợp đồng vận chuyển:
+ Hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 522 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm hai bên đã có sự thỏa thuận. Khi đó, hành khách sẽ phải thanh toán phí vận chuyển.
+ Hợp đồng vận chuyển tài sản theo quy định tại Điều 530 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định đó là sự thỏa thuận trong đó bên vận chuyển có trách nhiệm di chuyển tài sản đến địa điểm các bên đã thỏa thuận và giao tài sản cho người có quyền nhận và bên thuê vận chuyển có trách nhiệm chi trả cước phí.
2. Thời điểm giao kết của hợp đồng theo quy định:
Thời điểm giao kết của hợp đồng được quy định tại Điều 400 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
– Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết. Quá trình giao kết hợp đồng được diễn ra thông qua hai giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là gửi lời đề nghị giao kết hợp đồng và giai đoạn chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên quá trình này có thể là một quá trình thương lượng và thỏa thuận được lặp đi lặp lại nhiều lần nên bên đưa ra lời đề nghị ban đầu lại có thể trở thành bên cuối cùng trả lời chấp nhận đề nghị.
– Đối với hợp đồng xác lập bằng lời nói: thời điểm giao kết của hợp đồng được tính là thời điểm các bên đã có sự thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
Chúng ta cần phải hiểu là thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong về nội dung cơ bản của hợp đồng, còn nếu các bên mới bắt đầu thỏa thuận, hoặc đang trong quá trình thỏa thuận thì chưa thể coi là đã giao kết hợp đồng.
– Đối với hợp đồng bằng văn bản: thời điểm giao kết của hợp đồng được xác định là thời điểm sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
– Nếu hai bên có sự thỏa thuận với nhau rằng im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì thời điểm giao kết hợp đồng được tính là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
Lưu ý:
Trường hợp hợp đồng lúc đầu giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Đây là điểm mới so với
3. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định:
Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của hợp đồng được tính từ thời điểm giao kết hợp đồng, tuy nhiên ngoại trừ trường hợp các bên trong hợp đồng có sự thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Như vậy, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xác nhận tại thời điểm giao kết hợp đồng, ngoại trừ hai trường hợp sau đây:
– Trường hợp hai bên có thỏa thuận thời gian khác thời điểm giao kết thì hợp đồng mới phát sinh hiệu lực. Điều này xuất phát từ một trong những nguyên tắc cơ bản của hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên, nên pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tuy nhiên, sự thỏa thuận đó không được trái luật hoặc trái với bản chất của hợp đồng đã giao kết.
– Hoặc luật khác có quy định.
Ví dụ: Theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 quy định trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng. Như vậy, đối với giao dịch trên thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
Theo nguyên tắc, tính từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên trong hợp đồng phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo đúng điều khoản đã được giao kết trong hợp đồng với nhau.
4. Phân biệt thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực hợp đồng:
Như trên mục 3 đã phân tích, bản chất thời điểm giao kết hợp đồng có thể là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Thời điểm giao kết của hợp đồng được hiểu là các bên đàm phán, thỏa thuận các điều khoản, quyền và nghĩa vụ xác lập một giao kết với nhau. Còn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm chính thức phát sinh quyền và nghĩa của hai bên theo đúng những gì hai bên đã tiến hành cam kết, thỏa thuận với nhau.
Tuy nhiên, thời gian có hiệu lực của hợp đồng và thời gian có thời điểm giao kết hợp đồng hoàn toàn ở hai thời điểm khác nhau.