Phòng vệ chính đáng và phòng vệ tưởng tượng là hành vi gây ra thiệt hại trong một diễn biến cụ thể. Vậy phân biệt phòng vệ chính đáng và phòng vệ tưởng tượng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phân biệt phòng vệ chính đáng và phòng vệ tưởng tượng:
Tiêu chí | Phòng vệ chính đáng | Phòng vệ tưởng tượng |
Căn cứ | Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017. | Chỉ thị 07-TANDTC/CT ngày 22/12/1983 của Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ. |
Khái niệm | Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì để bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của chính mình, của người khác hoặc các lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà thực hiện chống trả lại một cách cần thiết người mà đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. | Phòng vệ tưởng tượng là việc gây ra thiệt hại cho người khác do có tưởng lầm rằng người đó hiển nhiên có hành vi xâm hại nguy hiểm cho xã hội. |
Chịu trách nhiệm hình sự | Do pháp luật về hình sự quy định không phải là tội phạm cho nên hành vi phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự. | Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng gây ra thiệt hại cho người khác sẽ chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi mà hoàn cảnh cụ thể có cho phép người đó tin một cách hợp lý rằng có một sự xâm hại thực sự và người đó lại không biết rằng mình đã tưởng lầm. Ở trong hoàn cảnh cụ thể nhất định thì người phòng vệ tưởng tượng đã không nhận thức được, không buộc phải nhận thức được, và cũng không thể nhận thức được là không có hành vi xâm hại nguy hiểm cho xã hội. Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng gây ra thiệt hại cho người khác do là tưởng lầm một cách không có căn cứ là đang có hành vi xâm hại nguy hiểm cho xã hội, được coi là phạm tội do cố ý theo các quy định chung của pháp luật |
Mục đích của việc phòng vệ | Nhằm để gạt bỏ sự tấn công, có nghĩa là hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người mà đang có hành vi tấn công. | Nhằm để gạt bỏ sự tấn công mà người phòng vệ tưởng tượng ra. |
Giới hạn của hành vi chống trả | Hành vi chống trả thực sự phải là cần thiết. Theo đó, cần thiết là việc thể hiện được tính không thể không chống trả, không thể nào bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích hợp pháp. | Hành vi chống trả chính là vượt quá giới hạn cần thiết do sai lầm ở trong việc đánh giá tính chất và đánh giá mức độ nguy hiểm của sự tấn công, hoặc là không có sự tấn công nào cả nhưng đã nhầm tưởng có sự tấn công. |
2. Trong trường hợp nào cần phải phòng vệ:
Phòng vệ là một hành động được thực hiện nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những cá nhân, tổ chức, cơ quan, và cả Nhà nước trong những tình huống có nguy cơ xâm hại, đe dọa, hoặc vi phạm. Có ba trường hợp phòng vệ khác nhau đó là phòng vệ sớm, phòng vệ muộn và phòng vệ tưởng tượng.
– Phòng vệ sớm: Đây là trường hợp khi mà một người nhận thấy có nguy cơ xâm hại hoặc là đe dọa đối với quyền và lợi ích chính đáng của chính mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức mà có các hành vi chống trả (phòng vệ) mặc dù là chưa có hành vi xâm hại xảy ra. Người này tự mình đưa ra các hành động để ngăn chặn sự xâm hại hoặc đe dọa, nhằm mục đích để bảo vệ lợi ích và quyền của mình và của những người khác có liên quan.
– Phòng vệ muộn: Đây là trường hợp khi mà một người nhận thấy đã có hành vi xâm hại hoặc hành vi vi phạm kết thúc, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi chống trả (phòng vệ) nhằm mục đích để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, của những người khác hoặc các lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Dù cho hành vi xâm hại đã kết thúc nhưng người này vẫn quyết định phòng vệ để đảm bảo sự an toàn và công bằng.
– Phòng vệ tưởng tượng: Đây là trường hợp khi mà một người lầm tưởng rằng đang có sự xâm hại (tấn công) đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của những người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Dựa trên chính sự lầm tưởng này, người này có các hành vi phòng vệ (chống trả) và đã gây ra thiệt hại cho chính mình hoặc cho những người khác. Mặc dù không có sự xâm hại thực tế, nhưng người này đã tin rằng có sự tấn công và hành động để bảo vệ mình và quyền lợi của mình.
Như vậy, phòng vệ là một biện pháp pháp lý và đạo đức nhằm mục đích để đảm bảo sự công bằng, an toàn và bảo vệ các quyền lợi của cá nhân, tổ chức và cả xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện phòng vệ sẽ cần phải tuân thủ các quy định và giới hạn được đặt ra theo đúng quy định của pháp luật và đạo đức xã hội để tránh lạm dụng hoặc gây ra thiệt hại cho người khác.
3. Một số tội danh do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chính là hành vi chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và với mức độ nguy hiểm cho xã hội của chính hành vi xâm hại. Người mà có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo đó, căn cứ Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định những tội phạm sau do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
– Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (được quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017): Điều này quy định người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi thực hiện bắt giữ người phạm tội, thì người đó sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu như người này phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (được quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017): Điều này quy định:
+ Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể bị từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi bắt giữ người phạm tội, thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
+ Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
++ Đối với 02 người trở lên mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
++ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
+ Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây ra tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017;
– Chỉ thị 07-TANDTC/CT ngày 22/12/1983 của Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ.